Nguyễn Hồng
4-1-2018
Trước khi thành tội phạm giết người, Hiến và các bị cáo cùng vụ án là nạn nhân của một hệ quả về tranh chấp đất đai, dẫn họ đến chỗ không kiềm chế nổi và đánh mất sự kiểm soát hành vi.
Hiến và những bị cáo khác đơn giản chỉ là bảo vệ miếng cơm manh áo của mình. Họ tranh chấp đất với Công ty Long Sơn, kẻ muốn sử dụng đất được chính quyền cho thuê nhưng lại không muốn sòng phẳng bồi thường đàng hoàng cho những người dân đã bỏ công khai hoang phục hóa đất rất lâu từ trước.
Long Sơn là một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước, được tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 1.000 ha “đất lâm nghiệp” để thực hiện dự án trồng cây hằng năm. Đến thời điểm xảy ra vụ án, Công ty Long Sơn chỉ mới đền bù cho người dân – những người vốn đã canh tác trên đất ấy rất nhiều năm – được khoảng 400 ha. Đền bù chưa xong, thế nhưng họ đã xua quân vào “cướp” miếng cơm manh áo, mồ hôi nước mắt của người ta thì ai ngoan ngoãn ngồi yên chịu chết?
Nhưng Công ty Long Sơn hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không thể và không dám manh động sử dụng hàng chục người lẫn phương tiện đến để “cưỡng chế” vườn tược, nhà ở của dân, kể cả khi người dân có chiếm đất trái phép, nếu không được “chống lưng”! Vì sao? Vì hoạt động cưỡng chế là công việc của nhà nước, chứ không phải của doanh nghiệp.
Vì thế, phải khẳng định nguyên nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án này chính là từ sự thông đồng ăn chia với doanh nghiệp, thói vô cảm với nỗi thống khổ của nhân dân từ những quan chức trong bộ máy chính quyền các cấp, mà cụ thể ở đây là xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông.
Án tử hình cho Hiến là quá nặng. Tại sao Viện Kiểm Sát giữ quyền công tố (và cả Hội Đồng Xét Xử) lại có thể cho rằng:
– Hành vi của Hiến có tính “côn đồ”? Côn đồ thế nào khi chỉ Hiến và vài ba người phải thụ động chống trả ‘đoàn cưỡng chế’ của Cty Long Sơn tới hơn 30 người, trang bị ‘công cụ cưỡng chế” tới tận răng?
– Hiến thực hiện hành vi bắn trả khi không ở trong “trạng thái tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của nạn nhân”? Cả một đám đông ùn ùn kéo tới, tay lăm lăm vũ khí, đòi tước đoạt và phá sạch nguồn kế sinh nhai vốn là nguồn sống duy nhất của người ta, đã thế lại chủ động tấn công Hiến và đồng phạm trước, thế mà lại nhận định Hiến không bị rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân?
Thật không thể hiểu nổi khi những người “cầm cân nảy mực” lại có thể nhận định hành động chống trả kẻ hủy hoại tài sản, chống lại kẻ tự tiện xông vào nhà mình đập vỡ nồi cơm, ngăn cản kẻ chủ tâm triệt tiêu nguồn sống duy nhất của mình, chống trả lại hành vi đe dọa tính mạng của gia đình mình là côn đồ?
Hiến bị hơn ba chục người của Cty Long Sơn có đủ “vũ khí” lại đã được “huấn luyện cưỡng chế” từ trước (hành động có chủ đích, có dự tính trước) bủa vây tấn công, Hiến buộc phải chống trả, chỉ nổ súng thẳng vào đám côn đồ thật sự kia sau khi bắn chỉ thiên 2 phát. Dù đã vượt quá hành vi phòng vệ chính đáng nhưng việc đám côn đồ “cưỡng chế” vẫn xông lên tấn công Hiến và một số người khác, hành vi của Hiến vẫn là hành vi phòng vệ, chứ sao hành vi ấy lại có thể là ‘côn đồ’?
Lần lại “lịch sử” của vụ này cùng những vụ tương tự khác xảy ra ở miền Cao Nguyên trung phần thì hành động bắn người của Hiến và các đồng phạm là hành động tuyệt vọng khi đã vào đường cùng; Hiến và những người nông dân cùng cảnh ngộ khác đã hơn 10 năm bị những doanh nghiệp như Cty Long Sơn đe dọa. Trước Hiến, đã có nhiều người lâm cảnh lao tù vì dám chống lại những công ty như Long Sơn, nhiều người bị “côn đồ” đánh đến tàn tật, chấn thương sọ não, bao nhiêu nương rẫy đã bị san phẳng, cướp trắng không bồi hoàn.
Hãy nhìn mặt Hiến, nhất là ảnh lúc Hiến ra đầu thú và khóc rưng rức trước mặt hai viên công an của Bộ Công an vào tiếp nhận, khiến một sĩ quan công an phải quay đi, lấy tay áo chùi nước mắt vì thương cảm, có nét nào của kẻ sát thủ tàn ác không?
Ta chỉ thấy một khuôn mặt khắc khổ, lam lũ mưa nắng vì mưu sinh cho gia đình, một anh nông dân ít học hiền lành, một ánh mắt cam chịu như muốn đầu hàng số phận nghèo khó và lòng người ác nghiệt đã đưa đẩy anh đến hoàn cảnh bi đát hôm nay.
Người nông dân điển hình chân chất như bao nông dân nước Việt ấy, sao có thể là loài lang sói ác độc, loại côn đồ chuyên nghiệp để bị kết án tử, loại bỏ khỏi đời sống xã hội?
Thật bất công và cả bỏ lọt tội phạm khi người ta chỉ trừng trị thẳng tay và vô tình đối với Hiến và các bạn Hiến, mà ngó lơ việc phải truy cứu & xét xử nghiêm khắc những quan chức chế độ – những kẻ vì lý do bất minh nào đó đã bảo kê và ‘chống lưng’ cho những doanh nghiệp như Long Sơn, hãm hại dân lành. Nếu không làm được điều đó, nhà nước CHXHCN Việt Nam sẽ càng thêm mất đi tính chính danh trong mắt đa số người dân vốn từ lâu đã bị đặt dấu hỏi lớn về vai trò của nó trong việc giữ gìn Công Lý.
Nếu không đem lại được công lý cho người dân thấp cổ bé họng như anh Hiến và các đồng phạm trong vụ án này, nhà nước CHXHCN Việt Nam sẽ là gì nếu không phải là một băng cướp có tổ chức?