2-1-2018
Ông Victor Pfaff, luật sư đại diện cho ông Vũ ở Frankfurt, Đức, cho biết ông đã liên hệ với Đại sứ quán Đức ở Singapore hôm 31/12, ít ngày sau khi ông Vũ “bị bắt” ở Singapore, quốc gia Đông Nam Á, và cho tới ngày 2/1, ông vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ cơ quan đại diện ngoại giao này cũng như Bộ Ngoại giao Đức.
Theo ông Pfaff, thông qua trung gian, vợ ông Vũ (bà Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh 1978) đã đề nghị ông đại diện cho chồng mình.
Từ Singapore, một luật sư đại diện cho ông Vũ, ông Choo Zheng Xi, xác nhận rằng, thân chủ của mình muốn “xin tị nạn chính trị” ở Đức.
Ông Choo cho biết rằng ông Vũ bị bắt ngày 28/12 tại phi trường ở Singapore. Khi được hỏi lý do vì sao ông Vũ bị bắt, ông luật sư này nói: “Chúng tôi hiện không rõ. Chúng tôi chỉ biết là có một số vấn đề gì đó về hộ chiếu. Nhưng chúng tôi không thực sự rõ các vấn đề đó là gì”.
Cho đến lúc này, cả 2 luật sư của Vũ vẫn chưa được phép tiếp cận để hỏi chuyện trực tiếp với thân chủ của mình. Vũ đang bị tạm giam.
Theo Hiến pháp Singapore 1965, Điều 9 Hiến pháp này có vẻ chính là điều mà luật sư của ông Vũ được cho là đã nhắc đến. Bởi vì khoản 4 điều này có quy định rằng, nếu một người bị bắt giữ (arrested) mà không được thả thì trong vòng 48 tiếng từ khi bị bắt giữ, người bị bắt phải được đưa ra trước một thẩm phán tòa vi cảnh (magistrate) để kiểm tra cơ sở pháp lý của việc bắt giữ. Việc tạm giữ người bị bắt đó sẽ chỉ được tiếp diễn nếu có sự cho phép của thẩm phán.
Tuy nhiên, Điều 35 – Đạo luật Nhập cư 2008 của Singapore quy định:
“Bất kỳ ai mà nhà chức trách có lý do hợp lý để tin là người phải bị tống khứ khỏi Singapore (liable to removal from Singapore) chiếu theo đạo luật này thì đều có thể bị bắt giữ mà không cần lệnh bắt giữ (warrant) bởi bất kỳ sỹ quan quản lý nhập cư nào… và có thể bị tạm giữ trong bất kỳ nhà tù, sở cảnh sát, hay trụ sở quản lý nhập cư nào trong một khoảng thời gian tối đa là 14 ngày trong khi chờ quyết định có nên đưa ra lệnh tống khứ người đó (order for his removal) hay không”.
Nếu quyết định đưa ra “tống khứ”, tức Vũ bị trục xuất về lại nơi có quốc tịch. Đồng nghĩa với việc, sẽ được “anh em” dẫn độ về quy án.
Do đó, cơ quan chức năng Singapore vẫn có quyền tạm giam Vũ đến ngày 11/01/2018 để xem xét tất cả khía cạnh pháp lý.
Về việc xin tị nạn chính trị tại Đức, cơ hội dành cho Vũ rất thấp. Trừ phi, Vũ đang nắm trong tay tài liệu, hoặc có thể cung cấp thông tin cực kỳ quan trọng đến lợi ích quốc gia Cộng hoà Liên bang Đức.
Điều này đúng với Luật Di trú của Đức, có quy định, không thể nộp đơn tỵ nạn vào Đức khi đang ở bên ngoài lãnh thổ Đức. Có nghĩa là, muốn đặt đơn xin tị nạn tại Đức, bạn phải có mặt tại Đức. Đơn tị nạn không thể đặt tại cơ quan đại diện của Đức ở nước ngoài. Bạn phải trực tiếp tới nộp đơn.
Cánh cửa vận may đang hẹp dần với Vũ. Kiên nhẫn chờ xem, có phép nhiệm màu nào sẽ đến với Phan Văn Anh Vũ chăng?