Năm mới chuyện cũ: Dân trí và vận mệnh quốc gia

Viet-Studies

Nguyễn Quang Dy

2-1-2018

Khu tưởng niệm cụ Phan Châu Trinh. Ảnh: internet

“Dân hai nhăm triệu ai người lớn / Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con” (Trích bài “Bính thìn Xuân Cảm” của Tản Đà (1916) trong tập thơ “Khối Tình Con”).

Với trái tim nhạy cảm của một thi sỹ lớn nặng tình với đất nước, trong bài thơ thất ngôn bát cú cố tình viết dang dở (thiếu hai câu kết), cụ Tản Đà đã đau lòng nhận xét về dân trí quốc gia bằng mấy vần thơ cô đọng như lời sấm truyền. Và với bộ óc nhạy cảm của một nhân sĩ lớn có tầm nhìn xa, cụ Phan Châu Trinh đã tâm huyết đề xuất giải pháp chấn hưng quốc gia bằng “khai dân trí” (enlightened wisdom) và “chấn dân khí” (heightened morale). Ngày nay các nhà khoa học gọi sự nhạy cảm đó là “trí tuệ cảm xúc” (emotional intelligence).

Nhiệm vụ bất khả thi 

Không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Obama đánh giá cao tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh như một “triết lý” (philosophy) khi ông đến thăm Việt Nam (23/5/2016). Phải chăng ông Obama muốn nói rằng tư tưởng đó của cụ Phan Châu Trinh vẫn còn nguyên giá trị, và người Việt lúc này vẫn cần “khai dân trí”? Cũng không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Trump ca ngợi Hai Bà Trưng khi ông đến thăm Việt Nam (10/11/2017). Phải chăng ông Trump cũng muốn nói rằng người Việt đang cần “chấn dân khí”? Không biết điều đó có phải là dấu hiệu của “Đông Tây hội ngộ” hay không, nhưng chắc chắn nó càng khẳng định những gì các cụ Tản Đà và Phan Châu Trinh nói cách đây gần một thế kỷ đáng để hậu thế suy ngẫm.

Một điều nữa cũng đáng suy ngẫm là vào thời Minh Trị (Meiji era), các nhân sĩ Nhật như ông Fukuzawa Yukichi đã giúp nước Nhật khởi nghiệp quốc gia, trở thành một đế quốc hùng mạnh khi phương Đông còn chìm đắm trong đêm dài lạc hậu. Sau chiến tranh, giới trí thức Nhật một lần nữa lại giúp nước Nhật bại trận chấn hưng, trở thành một cường quốc dân chủ. Người Nhật đã làm được điều đó vì họ trọng dụng trí thức và mở cửa để học hỏi phương Tây. Người Việt không làm được điều đó vì coi thường trí thức và đóng cửa để “bế quan tỏa cảng” với phương Tây, mà họ chỉ coi trọng khổng giáo (nay đã thành hủ nho). Gần đây, Việt Nam phát động “định nghĩa trí thức” thì e rằng đã quá muộn (too little too late).

Việt Nam hiện nay có hàng chục vạn giáo sư tiến sĩ, nhưng chắc chỉ có vài trăm người là trí thức thực sự có tư duy độc lập và sáng tạo. Thói háo danh, thích xu nịnh và trọng bằng cấp (dù bằng giả và đạo văn), làm nhiều người ngộ nhận mình là trí thức. Hệ quả không định trước của chính sách cai trị độc đoán và ngu dân làm cho quan trí ngày càng thấp. Có người gọi đó là “định luật trên dưới cùng ngu”. Dân trí thấp kéo theo mọi cái đều thấp, dẫn đến vô cảm và vô minh, làm cho ý tưởng khai dân trí trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.

Cách đây một thế kỷ, cụ Phan Châu Trinh hô hào “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như một triết lý để chấn hưng quốc gia. Nhưng đến nay, người Việt vẫn dậm chân tại chỗ ở ngã ba đường, chưa thoát khỏi bãi lầy ý thức hệ đã lỗi thời. Trong khi người Nhật đã khởi nghiệp quốc gia (từ thời Minh Trị) và chấn hưng đất nước (từ sau chiến tranh thế giới hai) thì người Việt vẫn loay hoay “định nghĩa trí thức”. Trong khi người ta hô hào “công nghệ 4.0”, thì các quan cũng như dân vẫn còn đồng bóng, tin vào bói toán và cúng bái, cầu xin người chết thuộc thế giới âm làm thay việc của người sống ở thế giới dương (như “xin cho”).

Khai dân trí thế nào

Khai dân trí được hiểu là mở cửa trí tuệ để đưa dân trí từ chỗ tối ra chỗ sáng, như một cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa, nhằm giải phóng trí tuệ con người khỏi vô minh và ngộ nhận do theo đuổi một ý thức hệ đã lỗi thời. Ý nghĩa của Khai dân trí tương tự như Enlightenment trong tiếng Anh. Còn Dân khí thường dùng để chỉ sức mạnh tinh thần, không chỉ dựa trên lý trí mà còn bao gồm cả cảm xúc (EQ). Chấn dân khí chính là nhằm khôi phục và tăng cường sức mạnh tinh thần và nhuệ khí của dân tộc. Một khi dân trí thấp kém và dân khí yếu hèn thì giới trí thức phải giúp nhau và giúp người dân khai mở trí tuệ để đổi mới tư duy, góp phần chấn hưng quốc gia và hội nhập cùng với trào lưu chung của nhân loại tiến bộ.

Có nhiều khái niệm liên quan đến người dân như “của dân, do dân, vì dân” (of the people, by the people, for the people) của tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1863), hoặc “tam dân chủ nghĩa” (three principles of people) của ông Tôn Trung Sơn (1924) bao gồm “dân tộc” (nationalism), “dân quyền” (civil rights), “dân sinh” (people’s livelihood)… Sinh thời, cụ Phan Châu Trinh và các nhân sĩ khác đều quan tâm vận dụng những tư tưởng này. Nhưng các cụ không biết rằng một thế kỷ sau, những tư tưởng cấp tiến đó vẫn còn là khẩu hiệu.

Không phải chỉ có giới cầm quyền, mà cả người dân với tư duy truyền thống, cũng tin rằng “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Có lẽ vì vậy mà sau khi quốc gia khởi nghiệp bằng bạo lực do “cướp chính quyền” (năm 1945), Việt Nam đã “khai dân trí” bằng hệ thống “bình dân học vụ”, và sau chiến tranh (năm 1954) bằng hệ thống “bổ túc công nông”. Điều đó không sai về công bằng xã hội, nhưng là thảm họa nếu phủ nhận vai trò của trí thức khi người Việt muốn khởi nghiệp hay chấn hưng quốc gia. Nó lý giải tại sao Việt Nam vẫn tụt hậu và chính phủ “kiến tạo” còn gặp khó khăn khi xây dựng một nền kinh tế tri thức.  Đó là sự khác biệt cơ bản giữa Việt Nam với Nhật Bản (và các nước khác).

Nhưng làm sao có dân trí cao khi người Việt Nam bắt chước người Trung Quốc đấu tranh giai cấp cực đoan bằng bạo lực (với khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”). Thời “cách mạng văn hóa”, Mao Trach Đông đã nói thẳng “trí thức không bằng cục phân” và đuổi họ về nông thôn để “cải tạo lao động” (trong đó có cả Tập Cận Bình). Nhiều người vẫn chưa quên những bài học kinh hoàng về “cải cách ruộng đất” và những màn đấu tố đầy bạo lực. Những gì diễn ra ở Trung Quốc thường lặp lại tại Việt Nam, tuy quy mô, mức độ và thời gian có khác nhau, nhưng mô hình và phương thức gần giống nhau (đến tận bây giờ). Việt Nam chống tham nhũng là rất đúng và cần thiết, nhưng vẫn bắt chước Trung Quốc.

Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền hành xử cực đoan và thiếu dân chủ. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW (Mỹ), 79% người Việt trả lời là họ ủng hộ dân chủ “vừa phải”, 29% coi chính quyền là thể chế “rất tốt”, 41% coi là “hơi tốt” và chỉ có 3% coi là “rất xấu”. Nhiều người dân vẫn thích chuyên chính (đối với kẻ khác). Cực đoan và thù hận, vô cảm và vô minh là những căn bệnh nan y mãn tính của người Việt (cả trong nước lẫn ngoài nước). Ai đã khủng bố và giết hại năm nhà báo người Việt tại Mỹ (giai đoạn 1981-1990)?  Cái gì đã làm người Việt (cả hai phía) khó hòa giải dân tộc để chấn hưng quốc gia?

Một số người phê phán cách dùng chữ “người Việt” là không đúng (mà theo họ phải gọi là chính quyền cộng sản). Phải chăng họ chỉ muốn áp đặt ý của mình cho người khác, và quen đổ lỗi cho người khác, còn mình thì vô can. Chẳng có ai thực sự vô can hay “ngoại phạm” vì người ta hay nói “dân nào thì chính phủ ấy” và “quan tham vì dân gian”. Chính quyền tham nhũng vì người dân hay hối lộ. Có vấn nạn thực phẩm độc hại vì dân gian và tham. Có vấn nạn chạy bằng cấp vì người dân hám danh và thích bằng cấp (do dân trí thấp).

Đánh tráo khái niệm và tụt hậu

Trong bối cảnh Việt Nam, hai chữ “nhân dân” được sử dụng quá nhiều như lạm phát. Từ “ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, chính quyền nhân dân, đến công an nhân dân, tòa án nhân dân, quân đội nhân dân, và chiến tranh nhân dân…Hầu như cái gì cũng gắn với “nhân dân” như khẩu hiệu dân vận. Người Việt thích vay mượn khái niệm “của dân, do dân, vì dân” của người Mỹ và mặc nhiên coi đó là của mình. Thực ra của ai không quan trọng, nhưng họ có thực sự tin vào điều đó không và lời nói có đi đôi với việc làm không. Gần đây, bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng có nói một câu làm bộc lộ bản chất, “Nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai, dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chia sẻ một kinh nghiệm thu thuế thật ấn tượng, “Thu thuế phải như vặt lông vịt, vặt sao cho sạch nhưng đừng quá vội để vịt nó kêu toáng lên”.

Tại Việt Nam có rất nhiều khẩu hiệu dân túy như “thực hiện quyền làm chủ của nhân dân” với “dân chủ cơ sở”, theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên tinh thần “dân chủ tập trung” trong nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, nhằm thực hiện các mục tiêu cơ bản “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhưng các ý tưởng dân chủ đã bị đánh tráo không còn như ban đầu, giống một đoàn tàu bị bắt cóc (hijacked) và người cầm lái bẻ ghi đoàn tàu chạy theo hướng khác. Người ta chỉ giữ lại cái vỏ và những khẩu hiệu mỵ dân để che đậy bản chất mới. Đó chính là “diễn biến” và “suy thoái”.

Trong Hiến pháp 1946, lời nói đầu đã khẳng định ba nguyên tắc cơ bản là: (1) Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; (2) Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; (3) Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Đó là một hiến pháp tiến bộ, được lòng dân. Trong thời kỳ hậu chiến (1975-1988), tại Việt Nam vẫn tồn tại ba đảng là Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, và Đảng Dân chủ. Nhưng từ năm 1988, Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam đã buộc phải “tự giải thể”, chỉ còn một đảng duy nhất lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Hiến pháp mới, đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất lãnh đạo toàn diện đất nước. Đó là một bước tụt hậu về dân chủ.

Cụ Hồ đã từng định nghĩa dân chủ một cách dễ hiểu: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra. Đừng để dân sợ không dám mở miệng, nhưng còn nguy hại hơn là khi người dân không thiết mở miệng nữa” Nhưng thời thế thay đổi, khi dân chủ và tự do báo chí ngày càng bị thu hẹp. Theo xếp hạng của tạp chí Economist (2012) về chỉ số dân chủ, Việt Nam đứng thứ 144 trên tổng số 167 quốc gia được xếp hạng và nằm trong nhóm các nước độc tài thiếu dân chủ, được bộ ngoại giao Mỹ xếp vào nhóm nước “chưa có dân chủ, hạn chế tự do báo chí, tôn giáo. Nhưng để lý giải sự suy thoái và tụt hậu hiện nay, không nên chỉ đổ lỗi cho những người cầm lái đoàn tàu, mà còn phải xem lại dân trí của hành khách đi trên tàu.

Năm ngoái, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã mượn câu đó của cụ Hồ để nói về tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân trong luật báo chí sửa đổi (GDVN, 18/2/2016). Trong bối cảnh đó, ông Hùng nhấn mạnh: “Ta mà hiểu rằng quản lý là siết lò so lại không cho làm là không được đâu, là vi phạm Hiến pháp”. Theo “quy trình”, Luật Báo chí điều chỉnh các loại hình báo chí và không cho tư nhân hóa báo chí, còn quản lý thông tin trên mạng được điều chỉnh theo Nghị định 72. Ông Hùng lý giải, “Hiến pháp nói về quyền tự do và chỉ hạn chế bằng luật, thế thì bây giờ các đồng chí định hạn chế cái gì, cấm cái gì thì phải đưa vào luật chứ để trong nghị định là không được đâu… Quản lý bằng nghị định cũng được, nhưng nghị định mà đụng đến quyền tự do dân chủ thì không được”.  Nhưng sang năm 2017, việc kiểm soát báo chí và mạng xã hội còn bị “siết lò so” mạnh hơn, như một bước thụt lùi.

Thực trạng về dân trí

Dân trí về quản trị đất nước chưa trưởng thành (immature). Tuy kinh tế Việt Nam tiếp tục tụt hậu (một số lĩnh vực thua cả Campuchia), nhưng đất nước vẫn đi theo một mô hình “không giống ai” (mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan gọi là “không chịu phát triển”). Tuy chiến tranh lạnh đã chấm dứt gần ba thập kỷ, nhưng Việt Nam vẫn hồn nhiên cử đặc vụ sang Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, vi phạm luật quốc tế và chủ quyền quốc gia Đức, gây khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt, làm chính phủ Đức nổi giận, đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (và có thể phủ quyết EVFTA). Trong khi nhà nước hô hào về “chủ quyền quốc gia” và “an ninh quốc phòng”, thì người Trung Quốc được thuê dài hạn rừng đầu nguồn và chiếm các vị trí hiểm yếu làm dự án. Gần đây, chính phủ do túng tiền đã quyết định bán các doanh nghiệp hàng đầu (Vinamilk và Sabeco) cho nước ngoài kiểm soát. Phải chăng đó là biểu hiện của dân trí thấp như “khôn nhà dại chợ” và “tham bát bỏ mâm” (nên lợi bất cập hại?).

Dân trí về hợp tác và hội nhập còn kém. Người ta nói rằng người Việt làm việc gấp 3 lần người Nhật, nhưng khi hợp lực lại thì 3 người Việt mới bằng một người Nhật. Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, người Nhật biết cách quản lý thời gian và làm việc nhóm hiệu quả, còn người Việt thì không. Giám đốc VJCC tại Hà nội nhận xét, “Người Việt Nam làm việc rất thông minh, cần cù, khi được các chuyên gia hướng dẫn thì họ biết phải làm gì và học hỏi rất nhanh. Thực tế là các bạn làm việc tốt hơn 3 lần so với người Nhật nhưng chỉ khi các bạn làm một mình. Tuy nhiên, khi các bạn làm việc tập thể thì các bạn làm không tốt bằng người Nhật chúng tôi vì khả năng làm việc nhóm (teamwork) của các bạn không tốt bằng người Nhật, và tôi có thể khẳng định rằng khi làm việc tập thể thì 3 người Việt mới bằng một người Nhật”.

Dân trí về văn hóa ứng xử xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến bạo hành gia đình, bạo lực học đường và bạo lực xã hội (ngay trong các lễ hội văn hóa truyền thống). Trong khi nhiều cô “bảo mẫu” bạo hành với trẻ em mẫu giáo (hết vụ này tới vụ khác), thì Bộ giáo dục và các địa phương vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng đó, mà chỉ rút kinh nghiệm và đổ trách nhiệm cho nhau. Dân trí về lịch sử và ngôn ngữ cũng có vấn đề, khi một số “trí thức” lúc thì đề xuất “bỏ môn lịch sử”, lúc khác lại đề xuất “cải cách chữ viết tiếng Việt”, như một trò đùa vô minh về “cải cách giáo dục”, làm cho dư luận cả nước bức xúc.

Dân trí về bảo vệ sức khỏe của người dân còn lạc hậu, đa số thiếu ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Họ thường không kiểm tra định kỳ để phát hiện bệnh sớm, vừa do hoàn cảnh vừa do dân trí thấp. Nhiều người mắc bệnh vì thực phẩm độc hại hay ô nhiễm môi trường (do nhân họa) trong khi đó một số “không nhỏ” các quan chức y tế và bác sỹ (thoái hóa) lại tiếp tay cho các công ty dược như VN Pharma nhập thuốc ung thư dổm về bán cho bệnh nhân. Việt Nam đang trở thành tâm điểm của ung thư, mỗi năm có hơn 126.000 ca mắc bệnh ung thư mới, và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Xu hướng này ngày càng gia tăng, không những gây tổn thất lớn cho nền kinh tế mà còn làm cho biết bao gia đình điêu đứng.

Dân trí và tham nhũng

Chống tham nhũng “giai đoạn 2.0” quyết liệt hơn với hình tượng “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã cao hứng mô tả. Sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt tại Berlin (23/7/2017), Đinh La Thăng cũng bị bắt tại Hà Nội (8/12/2017). Nhưng chống tham nhũng chắc không dừng lại ở “đại án PVN” mà còn tiếp diễn nhằm chiếu tướng (tuy chưa rõ là chiếu tướng ai). Trong khi nhiều người tin rằng đánh ông Đinh La Thăng là để chiếu tướng ông X (cầm đầu “bên thua cuộc”), những một số khác cho rằng đánh “Vũ Nhôm” là để chiếu tướng ông Y (đối thủ số một đang cầm quyền). Đây là trò chơi vương quyền (game of thrones) có nhiều ẩn số. Nhưng việc khám nhà và truy nã “Vũ Nhôm” sau khi thả rông để đương sự thoái vốn và bỏ trốn, là một vở kịch vụng về. Dân trí cao hay thấp khi công tác an ninh, tình báo của quốc gia cũng bị “thương mại hóa” và biến thành bi hài kịch.

Gần đây, nhiều người bức xúc hỏi tại sao người ta lại để những người “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” tiếp tục vào Trung ương và Bộ Chính trị… Ông Trần Quốc Hương (nguyên phó chủ nhiệm Ban Tổ chức TW) hỏi lúc đó “các cơ quan kiểm tra, tổ chức của Đảng có ý kiến gì không trước những vi phạm của Đinh La Thăng?” Luật sư Trần Quốc Thuận nói: “Đó là một ẩn số cần làm rõ”. (Tiền Phong, 18/12/2017). Phải chăng vì vậy mà TBT Nguyễn Phú Trọng phải dự họp chính phủ (28/12/2017) để triển khai chủ trương “nhất thể hóa”. Không biết ông Nguyễn Phú Trọng có ý gì khi nói “Từ bé đến giờ mới được dự họp chính phủ”.

Chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào hai nhóm đối tượng chính là một số “thái tử đảng” và quan chức địa phương (để đánh “từ vòng ngoài vào vòng trong”). Sau khi xử lý Vũ Huy Hoàng và Trầm Bê, ngày 8/1/2017 sẽ xét xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Dường như vòng vây đang gấp rút khép lại để chiếu tướng ông X, nhưng vụ khám xét và truy nã “Vũ Nhôm” ở Đà nẵng (21/12/2017) lại mở ra một hướng khác như để chiếu tướng ông Y. Nhưng dù chiếu tướng ông nào thì đất nước cũng là “bên thua cuộc” và nhân dân vẫn là nạn nhân của “trò chơi vương quyền” đang làm đất nước phân hóa và kiệt quệ, đứng trước những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế và những hiểm họa khôn lường về an ninh và chủ quyền quốc gia.

Thay lời kết

Đã gần một thế kỷ trôi qua kể từ khi cụ Phan Châu Trinh kêu gọi “khai dân trí và chấn dân khí”, nhưng Việt Nam vẫn còn loanh quanh tại ngã ba đường, chưa thoát khỏi hệ tư tưởng đã làm đất nước tụt hậu so với Nhật Bản hàng trăm năm. Muốn “khai dân trí”, Việt Nam phải thay đổi hệ quy chiếu đã lỗi thời, và phải đổi mới thể chế toàn diện. Nếu không thực sự đổi mới thể chế thì việc chống tham nhũng cũng giống như trò “hàn soong hàn nồi”. Để thay cho câu kết, xin mượn lời Albert Einstein (nói cách đây gần một thế kỷ), “Chúng ta không thể giải quyết được vấn đề với cùng một cách tư duy mà chúng ta đã dùng để tạo ra chúng” (We can’t solve problems by using the same kind of thinking we used when we created them).

Bình Luận từ Facebook