Sơ kết cuối năm về văn hóa VN dưới thời Cộng Hòa Xã Nghĩa

Thạch Đạt Lang

22-12-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: Khều

Lang thang vào “phây búc” một người bạn, tình cờ đọc được một số sờ-tết-tợt (status) cũ, thấy vui vui, chôm đưa ra đây cho báo Tiếng Dân, hy vọng có thể làm độc giả đỡ buồn những ngày cuối năm ảm đạm như tương lai đất nước, dân tộc. Những status tuy cũ nhưng vẫn thích hợp trong xã hội Việt Nam cho đến ngày hôm nay.

Cũng xin lỗi chủ nhân những status này về tội không xin phép trước, tự tiện copy, vi phạm luật bản quyền dù “chính chủ” chưa đăng ký tại tòa án.

Sau mỗi status sẽ có lời bàn của Kim Thánh Phán, cùng họ với Kim Thánh Thán nhưng không có họ hàng, thân thuộc hay liên hệ gì. Minh xác trước để tránh hiểu lầm (lộn).

1. HÓNG HỚT

Hôm qua nhà hàng xóm bát đũa nồi niêu loảng xoảng…

Tiếng ông chồng: ĐM đồ ngu đần… có nồi cơm cắm cũng thiếu nước. Đ nuốt được… Rồi bát đũa nồi niêu không cánh mà bay. Không thấy chị vợ í ới gì.

Trưa nay lại có chuyện: nhà chị í có khách, chồng cắm cơm sống. Chị vợ nói: ai mà thế thì chửi ngu, đần… không thấy to tiếng, nhưng lúc nãy chị vợ khóc thút thít sang kể với tôi: em ơi anh í đòi bỏ chị, bảo không chịu đựng nổi chị vì chị làm mất mặt anh ấy…

NGẪM: đàn ông cũng sướng thật. Có mặt để mất chứ chị em phụ nữ chắc cái mặt nó là cái mo cả rồi. CHÁN!

Lời bàn của Kim Thánh Phán: Mja! Ở Mỹ thì chỉ cần một cú phôn cho cảnh sát là mọi chuyện sẽ êm đẹp. Phú lít đến nhà, thấy nồi niêu xon, chảo, chén, đĩa tứ tán… khắp nơi, bà vợ khóc lóc là chồng bỏ mẹ cuộc đời. Còn ở VN, cứ xách dao, chém cho một phát là lần sau nó sẽ tởn. Sống ở cái xứ mà chế độ giáo dục toàn khuyến khích, đề cao bạo lực, khủng bố…, cứ khóc lóc, ỉ ôi thì nó còn đè đầu, cởi cố dài dài.

À mà coi chừng, hổng xúi dại đâu! Lạng quạng thằng chồng là công an hay đảng viên, nó cho nhập kho vì tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước”, theo điều 258, hoặc nói xấu lãnh đạo là bỏ mẹ cuộc đời.

P/S: Mà đồng chí chồng có phải là lãnh đạo tuyệt đối như đảng không hè?

2. PHONG CÁCH

Hôm bữa đưa zai yêu vào viện, nghi sốt xuất huyết nên phải đi xét nghiệm máu. 22h đêm đưa con xuống p lấy máu, con zét zun bần bật… Bác sĩ thì cứ balabolo nói chuyện điện thoại, đợi 1 lúc chưa thấy nhúc nhoác.

Tôi bèn hỏi: chị xong chưa?

Vẫn “nguyễn i vân”

Điên quá…tôi rút điện thoại để chụp hình nó, nó mới chịu dừng buôn, nhưng còn tỏ ra GÁI ĐĨ ZÀ MỒM nữa chứ. Nó quát tôi: này. Làm gì thế? Chị bỏ cái đt xuống đi.

Tôi bảo: chị làm gì sai mà sợ thế? Nó lầu bầu, thái độ rất đáng ghét…

Tôi lừ mặt rồi hỏi: nói tóm lại chị có định lấy máu cho con tôi không thì bảo? Lúc này nó mới chùng cái mắt xuống rồi the le thét lét ra làm nhiệm vụ.

Đấy. Các bố các mẹ rút kinh nghiệm nhá. Chúng nó gây khó dễ gì cứ lôi smart phone ra chụp cho nó pô ảnh là sợ zúm đít.

Kim Thánh Phán: Ủa? Lạ hén! Sống dưới chế độ xã nghĩa cộng sản mấy chục năm, chưa học được câu: Lương Y Như Dì Ghẻ à? Cứ cầm tở giấy xanh xanh có hình ông Benjamin Franklin vẫy vẫy thì chúng nó sẽ làm cấp kỳ những gì mình muốn. Còn làm sao để có tờ xanh xanh thì cẩn phải chạy xe ôm, buôn chổi đót, lao động thối móng tay là Ô kê! Con gà đen.

3. TIỀN PHÍ

Mẹ em mới kể. Hà Tây về Hà Nội, tao với bố mày đổi 2 cái chứng minh nhân dân mới hết 1 triệu (một triệu). Ôi zời…e tí ngất.

Em bảo: mẹ đi hái được tiền ở ruộng hay sao mà chi tiêu xõa thế?

Mẹ em bảo: hái là hái thế nào? Tấn lúa của tao đấy, tiếc đứt ruột nhưng cán bộ họ nói thì phải làm chứ mình nông dân thấp cổ bé họng làm gì được

Mẹ em đấy các bác ạ.

RỚT NƯỚC MẮT!

Kim Thánh Phán: Hai cái CMND hết có triệu bạc (50 USD), mỗi cái 25$ dùng được 10 năm, mà đã rên, bên Mỹ 5 năm phải đổi cái bằng lái xe Đờ-rai-vờ-lai-sân-sờ hạng C (Driver License C. Class loại phổ biến nhất cho phép lái xe tổng trọng lượng dưới 5.900 Kg) tốn 33$, có thấy ai than vãn đâu. Vớ vẩn! Đóng có 25$ một cái CMND cho công cuộc xây dựng xã nghĩa cộng sản mà đã than như ri thì chừng nào đất nước mới tiến lên được xã nghĩa cộng sản, hả trời? Ngài Tổng Trọng phán “cực” chí lý.

4. VỆ SINH – AN TOÀN THỰC PHẨM

Cà phê quán to đẹp, gọi cốc sinh tố bơ, uống một ngụm sau đó mới biết mình cũng có lúc dại dột. Nhìn màu sắc và nhấp một ngụm biết ngay nó không ngon nhưng vẫn uống hết vì tiếc của. Về nhà đau bụng hai ngày hai đêm, nằm bẹp dí như con chuột chết giờ mới ngóc đầu dạy ngo ngoe tí chút.

Vào mùa bơ chín, bơ rẻ, hàng quán mua về cắt ra cho vào hộp, để ngăn đá tủ lạnh làm sinh tố bán dần. Nếu người ta đóng gói bơ theo từng suất, và lấy ra từng suất một thì cũng không vấn đề gì trong vòng ba tháng. Đằng này người ta cho tất cả cả bơ vào hộp, ai gọi thì lấy hộp ra sắn một phần làm sinh tố, phần còn lại lại cho vào ngăn đá. Cái quy trình lấy ra cho vào ngăn đá kiểu này làm sản sinh ra vi khuẩn không tốt cho đường ruột và sức khỏe nói chung.

Họ không biết cách bảo quản hay họ biết nhưng vẫn không làm bởi đóng từng suất riêng thì mất công và chiếm diện tích tủ lạnh. Làm bếp, làm nhà hàng chuyên nghiệp mà bảo không biết thì nghe chừng vô lý nhỉ! Người ăn, khách hàng là người lãnh đạo! Xin lỗi! Nói lộn…là người lãnh đủ. Thế mới biết, ở Hà Nội, đừng nhìn thấy quán đẹp, sạch sẽ mà vội tin ngay vào chất lượng đồ ăn thức uống.

Kim Thánh Phán: Ối giào! Lại dậy đĩ vén váy! Sống ở Việt Nam mà cứ đòi tiêu chuẩn phục vụ ở các nước tư bãn giẫy (không) chết. Muốn không đau bụng thì ra chợ mua bơ về, xay lấy mà uống, cho thêm đường, sữa, ngọt, nhạt thế nào tùy thích. Vừa an toàn, vừa rẻ, tiết kiệm, không sợ về lâu, về dài bị ung thư, uống nhầm thuốc giả do bộ Y của chị Kim Tiêm nhập, lại đỡ mắt công càm ràm làm điếc con ráy người khác.

5. BẤT THƯỜNG

Khi tôi viết bài đả phá hủ tục, xã hội thối nát thì người ta lạ, bảo tôi liều lĩnh, không tự lượng sức mình và dùng áp lực buộc tôi lựa chọn bên này hoặc bên kia. Người ta tìm những người mà họ cho là có uy tín để khuyên giải tôi. Khi tôi tham gia vào việc cứu giúp bà con dân oan thì người ta bảo tôi ăn cơm nhà vác ngà voi, điên cuồng và… bất mãn!

Ngồi ngẫm lại, hình như hổng có cái gì tôi làm mà người ta thấy bình thường hết, toàn lạ lẫm với số đông và hễ cái gì đi ngược lại số đông thì bất bình thường và khó chấp nhận.

Giống như câu chuyện về món ăn nấu dở. Khi tôi nấu một món ăn bị hỏng, tôi trút nó vào sọt rác. Khi tôi lựa chọn phương án trút nó vào sọt rác thì tôi biết trước người ta sẽ nói tôi hoang phí, không có tính tiết kiệm, nghèo mà chảnh…. Ok. Tôi mĩm cười và tôi chấp nhận. Khi mình biết trước và chấp nhận đón những gì xảy ra kế tiếp thì lòng thanh thản vậy. Sống ở đời, mình tự hiểu mình là chính, đợi người khác hiểu thì…giống như mơ ước có ông Bụt vậy. Đời người ai cũng chỉ sống có một lần, phỏng ạ?

Kim Thánh Phán: Phê bình hoang phí là đúng quá sức (lẽ) mình. Dân chủ là gì nếu không phải là thiểu số phục tùng đa số? Cho dù cái đa số đó là đa số ngu hoặc đa số hèn nhát thì vẫn là đa số. Muốn đa số đó hết ngu, hết hèn nhát thì chờ khi nào khai dân trí xong sẽ nói tiếp.

Chừng nào khai dân trí xong? Bác Tổng Trọng nói là chờ đến khi tiến lên tới xã nghĩa sẽ bắt đầu Khai Dân Trí.

6. VĂN HÓA

Dừng chân đèn xanh đèn đỏ ngã tư Hùng Vương Phan Đình Phùng. Đứng trước tôi là 2 nam không còn là thanh niên, nhưng cũng chưa tới mức trung niên. Tay cầm điếu thuốc đang hút dở ve vẩy.

Nhoáy cái đốm tàn thuốc lá bay túa lua rồi đậu trọn vẹn vào cánh tay, ngực áo tôi.

Tôi cất giọng ôn hoà nói: ối anh ơi, tắt thuốc đi không bay đầy tàn vào người đằng sau rồi!

Một thằng quay cổ lại đáp giọng hách dịch: ĐM đường nhà mày à, mà mày cấm tao hút thuốc?!

Điên lắm, nhưng chưa nghĩ ra câu gì để đáp lại thì bỗng thằng cầm lái ngoái cổ đế lời: ĐM con rồ.

Lộn ruột không chịu nổi. Rồ ga lên sát 2 thằng, vằn mắt lên và chửi: ĐCM chúng mày, đường Đ phải nhà tao, nhưng cái áo tao đang mặc là của tao đấy, chúng mày mù à mà không nhìn thấy tàn thuốc lá bám đầy áo tao rồi? Mày thích chết thì bảo tao một tiếng? Mặt 2 thằng nghệt ra 1 cách khó hiểu.

Vừa hay đèn xanh kịp sáng, chúng vê ga rồi cắm đầu chạy, tôi cũng rồ ga lên và phóng như ma đuổi. 2 thằng tí lại ngoảnh cổ lại nhìn Tôi rồi lại chạy xe bán sống bán chết. Đã thế Tôi lại càng phóng nhanh… Đến đầu dốc đường thanh niên thì chúng vội ngoặt vào đường Phó Đức Chính, chúng không quên ngoái đầu lại nhìn Tôi thêm lần nữa.

Bố khỉ, Tôi lạnh quá tính phóng nhanh về nhà chứ có đuổi để cho nó chết đâu mà khốn khổ thế.

NGẪM: chả lẽ ở đời vẫn tồn tại loại đàn ông GIÀ DÁI NON HỘT như thế kia à?!

Kim Thánh Phán: Bravo! Với loại người quen phong cách xử sự ở rừng Trường Sơn thì đốp chát như vậy là còn quá nhẹ.

7. MÂU THUẪN

Ai cũng thích sex và sex miệt mài nhưng ai cũng lén lút nói về nó và khi người nào dám nói công khai thì bị cộng đồng coi như là một cái gì đó ghê tởm lắm. Người Việt mâu thuẫn với chính mình là bởi bao đời phải chịu cái văn hóa hũ lậu và cả cái thời cộng sản tuyên truyền đầu độc, đấu tố những con người dám sống theo bản năng. Người Việt buộc phải mâu thuẫn với chính mình để tồn tại và khi cái thời đó đã qua người ta vẫn tiếp tục mâu thuẫn với chính mình để giả vờ làm người “có đạo đức” mà không nhận thức được nó thật hão huyền.

Nhiều người thích giàu, môi trường sống tốt nhưng đồng thời họ cũng chẳng nhúc nhích mà an phận thủ thường chấp nhận hiện tại. Khi nói về Mỹ, Nhật, Hàn… ai cũng thừa nhận là họ phát triển, họ giàu, họ sướng…và mơ ước nhưng không mấy người chịu đứng lên để thay đổi, để nước mình cũng được như nước người. Tính ích kỷ, cục bộ, sợ thay đổi làm nảy sinh mâu thuẫn với ước muốn. Cái mâu thuẫn này cũng dễ hiểu thôi bởi cái lợi bản thân trước mắt luôn được quan tâm trước hơn cái lợi cộng đồng xã hội, mai sau.

Nhiều người thích tự do, dân chủ nhưng sợ độc tài, bạo quyền. Hô hào, khen ngợi dân chủ, mong muốn có dân chủ nhưng bản thân họ không làm gì thiết thực để có dân chủ. Họ không tranh đấu đã đành nhưng khi con cháu, người thân bạn bè đấu tranh cho dân chủ thì họ lại ngăn cản. Kiểu như, “Ờ, tui thích dân chủ nhưng ai đi tranh đấu thì đi đi, tui không cho con tui đi vì nó nguy hiểm lắm.” Họ tự mâu thuẫn với chính mình và họ dùng tình yêu thương để biện minh cho mâu thuẫn tự thân. Mơ một ngày dân chủ, tự do, phồn thịnh, văn minh, môi trường tốt, phúc lợi xã hội…từ trên trời rơi xuống? Hay có ông Bụt hiện lên thổi phù một cái là có đổi thay? Đứa con nít lên năm lên bảy giờ cũng biết là không thể có điều đó. Vậy thì tại sao người lớn chẳng chịu hiểu mà cứ vòng vo tìm cách biện luận cho cái mâu thuẫn của chính mình.

Con người luôn có những mâu thuẫn và xung đột nhưng khi cả một xã hội như thế thì sẽ chẳng thể làm được điều gì và mãi mãi trong trì trệ. Bao giờ người Việt nhất quán với chính mình và biết chấp nhận cái giá phải trả thì mới mong có thay da đổi thịt.

Kim Thánh Phán: Sai từ căn bản. Bác Tổng Trọng đã phán: “Nhìn chung, có bao giờ đất nước ta được như ngày hôm nay?” Được gì và được như thế nào lại là chuyện khác, đúng không? Thay da, đổi thịt để làm gì khi mà người nghèo được vào ở căn hộ sang, học trường xin như “thi hào” Thái Bá Tân diễn tả trong bài thơ ngũ ngôn ca ngợi “bố già” Phạm Nhật Vượng.

8. KẾT

Không ai có thể vỗ ngực tự xưng mình có thể biết hết tất cả mọi chuyện cho dù người đó có giỏi tới đâu bởi kiến thức là biển bao la mà khả năng con người là có giới hạn. Nói một cách nôm na là ai cũng có lúc ngu dốt trong lĩnh vực này hoặc lĩnh vực khác. Tôi cũng vậy, ngu nhiều là đằng khác. Cái quan trọng là khi mình biết mình ngu thì mình lắng nghe, mình học và mình thay đổi quan điểm ban đầu để bản thân không trở thành loại ngu lâu dốt bền khó đào tạo. Nói nghe có vẻ đơn giản nhưng không đơn giản bởi có mấy người tự thừa nhận mình ngu dốt. Cái bản tính kiêu căng hoặc tự ti làm cho con người nhắm tịt mắt, bịt tai lại, không chấp nhận thực tế bản thân. Ngu mà không biết mình ngu thì khó chữa, nhưng còn ảo tưởng là mình khôn thì hết thuốc chữa và thực sự nguy hiểm. Xui cái là họ không thuộc thiểu số.

Kim Thánh Phán: Sai lầm lớn! Status này chỉ đúng với người bình thường, không đúng với thánh nhân như … bác Hồ vĩ đại. Bằng chứng là điều gì bác Hồ phán cũng đúng, từ nấu ăn, may mặc, giáo dục, trồng trọt, làm thơ, viết văn, ca nhạc… Hiện nay bác đã được bơm cạch cạch, ngang hàng với Phật Thích Ca nên đã được dựng tượng thờ trong chùa ở Bình Dương. Do đó câu đầu, cần phải viết là: Không ai (ngoại trừ bác Hồ) có thể vỗ ngực, tự xưng mình... Nhớ chưa?

Bình Luận từ Facebook