Cháu ông Lê Đức Thọ bị khởi tố

LTS: Thêm một “khúc củi” to bị cho vào lò, đó là ông Phan Đình Đức, lãnh đạo  Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã bị khởi tố hôm 18/12/2017, tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Đức hiện chưa bị bắt giam, vẫn ở nhà và làm việc với cơ quan điều tra.

Ông Phan Đình Đức là con trai ông Phan Đình Dinh. Bố ông Đức là thượng tướng Đinh Đức Thiện (tên thật Phan Đình Dinh), là em ruột ông Lê Đức Thọ (tên thật Phan Đình Khải). Ông Dinh là anh của Đại Tướng Mai Chí Thọ (tên thật Phan Đình Đống). Cả ba anh em ông đều là công thần của chế độ.

____

VOA

Thêm một lãnh đạo ‘thân thế’ của Tập đoàn dầu khí bị khởi tố

Khánh An

19-12-2017

Ông Phan Đình Đức, thành viên Hội đồng thành viên PVN, bị khởi tố ngày 18/12/2017. Ảnh: VnEconomy

Việt Nam vừa khởi tố thêm một lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Quyết định khởi tố ông Phan Đình Đức, thành viên Hội đồng thành viên PVN, được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn vào ngày 18/12.

Đây là diễn tiến mới nhất của đại án đứng đầu chuỗi án tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải “khẩn trương kết thúc điều tra” và đưa ra xét xử vào tháng 1, 2/2018.

Thân thế

Ông Phan Đình Đức sinh ra trong một gia đình có thân thế. Cha ông là ông Phan Đình Dinh (hay Đinh Đức Thiện), một trong những lãnh đạo chủ chốt xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh trong thời Chiến tranh Việt Nam. Ông Dinh là một thượng tướng trong quân đội và là nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Phan Đình Dinh là em ruột của ông Lê Đức Thọ và là anh của Đại Tướng Mai Chí Thọ.

Trước khi trở thành thành viên Hội đồng thành viên PVN, ông Phan Đình Đức, 57 tuổi, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng khác như Tổng giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Giám đốc Công ty Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Bắc, Tổng Công ty Khí (PVGas), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh PVN…

Ông Đức bị khởi tố trong vụ án tham nhũng đang được Bộ Công an điều tra với cáo buộc gây thất thoát 800 tỷ đồng khi PVN góp vốn với Oceanbank.

Tính đến nay, đã có hơn 20 lãnh đạo PVN đã bị bắt và khởi tố trong vụ án này, trong đó có nguyên Bí thư TPHCM Đinh La Thăng, người bị bắt gần đây nhất, hôm 8/12.

Hồi tháng 9, Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Nguyễn Xuân Sơn đã bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình, trong khi nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm bị tuyên án tù chung thân.

Củ hành nhiều lớp

Đại án PVN được xem là trọng tâm trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vào cuối tháng trước, ông Trọng yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phải “kết thúc điều tra, truy tố, xét xử” 15 vụ đại án, đứng đầu là vụ Trịnh Xuân Thanh và vụ PVN-Oceanbank.

Giới quan sát chính trị Việt Nam cho rằng “lò chống tham nhũng” của ông Trọng đang ngày càng có nhiều diễn tiến gây chú ý, giống như một “củ hành nhiều lớp”, đặc biệt sau vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, nhân vật được xem là khó có thể bị truy tố.

Phó giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nhà phân tích chính sách của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, nói:

“Cách làm và xử lý cán bộ trong bối cảnh cải cách hiện nay thì việc làm từng bước là cần thiết. Tuy nhiên, rất khó đoán định các lớp tiếp theo sẽ là gì. Nhưng chúng ta hãy chờ xem, theo những tuyên bố, phát ngôn của các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thì ‘không có vùng cấm’. Cho nên nếu xét xử đúng pháp luật và công khai, và nếu không có cản trở gì khác, thì những ai liên quan sẽ bị xử tiếp”.

Chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam bắt đầu gây sự chú ý của thế giới từ hồi tháng 8 năm nay, khi Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT của Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam Petrovietnam (PVC, thuộc PVN), ở Berlin sau khi ông Thanh bị Việt Nam truy nã và xin tị nạn ở Đức.

Phía Việt Nam phủ nhận cáo buộc này và nói ông Thanh tự ý trở về Việt Nam đầu thú.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trong các xã hội cộng sản từ nào tới giờ vốn có cái hủ tục khó bỏ là tôn sùng thần tượng một cách mù quáng, Thái độ này được biểu hiện rõ rệt tới mức nào tuỳ theo trình độ dân trí thấp hay cao. Điển hình là ở bên bắc Hàn, nơi công dân biến thành đàn cừu chỉ biết thượng tôn gia đình heo Ủn, hình của lãnh đạo độc tài mà treo còn cao trên cả ông bà bố mẹ. Khi độc tài chết, ai không khóc chúng cho vào tù…Ở đâu ra cái trò hề lố bịch như vậy? Bởi vậy mới có màn kịch nực cười với văn nô Tố Hữu khóc cái chết của Stalin “Thương cha, thương mẹ, thương chồng , Thương mình thương một, thương Ông thương mười” Ở Việt Nam cũng không khỏi ngoại lệ, nhất là ở miền Bắc, nhiều khi vào nhà thấy xập xệ, rách nát, chỉ có bức hình của “bác hồ” là ngạo nghễ nằm ngang hàng tổ tiên, thần thánh.
    Một ngày nhiều năm trước tôi vào một tiệm tranh đá quý ở Sài Gòn trên đường Võ Văn Tần. Cô tiếp viên đon đả mời tôi mua hết tranh này đến tranh kia mà chưa thấy khách “động lòng, cô mời tôi mua tranh của một người đàn ông lạ hoắc cẩn ruby. Tôi hỏi là hình đó của ai, cô nói đó là của ông Lê Đức Anh. Tôi hỏi ông này là ai, cô bảo là chủ tịch nước. Tôi nổi sùng nhưng chỉ cười cười hỏi “Sao tôi lại phải bỏ tiền ra mua tranh của một ông chủ tịch nước mà không dành chỗ treo hình ảnh ông bà tổ tiên hoặc Chúa, Phật? Sao vô lý vậy? Nếu ai muốn tôi treo hình ông này cứ việc trả tiền, tôi cho mướn một chỗ mà treo trong nhà tôi hehe”

Comments are closed.