An Nguyên
18-12-2017
Việc xử lý nghiêm cha con nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam công bố hôm 16.12, cũng như xử lý các trường hợp tương tự trước đó ở Đà Nẵng, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ… cho thấy Đảng đã không còn chấp nhận “sự đã rồi” và để cho những người sai phạm được “hạ cánh an toàn”; công cuộc chống tham nhũng không còn giới hạn trong phạm vi vật chất.
Quyền lực không chỉ được “hối mại” bằng tiền bạc mà còn bằng “ghế”. Tuy Ủy ban Kiểm tra T.Ư chỉ mới gọi hiện tượng này là “ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ” nhưng bản chất của việc sắp đặt con em, cánh hẩu vào các vị trí quan trọng là tham nhũng quyền lực.
Đành rằng, không phải cứ hễ con cái quan chức được “cất nhắc” đều có vấn đề, không ít trong số đó được đào tạo tử tế, có khí chất, tu dưỡng tốt. Nhưng chuyện “cha con đồng triều” kiểu như ở Quảng Nam, chuyện chị là chủ tịch bổ nhiệm em làm giám đốc sở, chuyện một giảng viên trở thành bí thư tỉnh ủy chỉ trong một nhiệm kỳ… không thể tiếp tục được coi là bình thường. Xem xét, xử lý những sai phạm đó không chỉ dựa trên những “quy trình bổ nhiệm” thông thường mà phải được đặt trong sự thách thức uy tín chính trị của đảng cầm quyền.
Tuy nhiên “uy tín chính trị” chỉ có khả năng ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực khi người đứng đầu và cấp ủy ở đó coi trọng nó. Khi một nhà lãnh đạo địa phương hoặc T.Ư vội vã đưa con, em – thậm chí chỉ đưa một người thân – lên nắm những vị trí thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của mình hoặc trong phạm vi ảnh hưởng của mình, có nghĩa là họ không những đã bất chấp uy tín của chính mình mà còn không quan tâm đến uy tín chính trị của Đảng, của Đảng bộ mà mình đang đứng đầu nữa. Không chỉ trông đợi vào sự tu dưỡng và rèn luyện của cán bộ đảng viên, mà còn cần phải có những thiết chế rõ ràng để ngăn chặn hiện tượng “vun vén gia đình” hay “nâng đỡ không trong sáng” trong công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.
Cần thiết lập một môi trường minh bạch và dân chủ để cánh cửa của Đảng mở ra cơ hội trở thành lãnh đạo cho những người tài. Cần phải có những quy định để một cán bộ không thể bổ nhiệm vợ, chồng, con cái, dâu rể, anh em ruột vào những vị trí thuộc quyền hạn hoặc trong tầm ảnh hưởng của mình.
Tham nhũng dù tiền bạc hay quyền lực cũng đều đe dọa sự tồn vong của Đảng cầm quyền. Nhưng tham nhũng bằng cách ban phát chức tước cho người nhà, cho các nhóm đặc quyền thì di hại là lâu dài. Cái giá mà đất nước phải trả cho nạn tham nhũng quyền lực không chỉ là niềm tin của người dân hôm nay mà còn là niềm tin vào tương lai đất nước.