Hơn 100 luật sư ký kiến nghị vì Võ An Đôn

BBC

18-12-2017

Luật sư Võ An Đôn nói: “Thấy người dân nghèo bị quan chức chính quyền ức hiếp, tôi ra tay giúp họ miễn phí thì bị chính quyền tìm mọi cách trù dập nên tôi mới nghèo như hôm nay.” Ảnh: FB Võ An Đôn.

Hơn 100 luật sư trên toàn quốc vừa gửi kiến nghị lên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam về quyết định kỷ luật ông Võ An Đôn, người bị Đoàn Luật sư Phú Yên xóa tên hồi cuối 11/2017.

Bản kiến nghị đề ngày 10/12, với 20 luật sư ký trực tiếp ngay từ đầu và khoảng 100 người khác ký bổ sung sau đó, kêu gọi Liên đoàn cân nhắc”dựa trên tinh thần bảo vệ đồng nghiệp, bảo vệ nghề luật sư, bảo vệ công bằng và lẽ phải”.

Theo luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong những người khởi xướng bản kiến nghị nói với BBC, thì những người ký tên muốn quyết định này về ông Võ An Đôn được xem xét lại.

Hôm 26/11, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên “bỏ phiếu thống nhất hình thức kỷ luật xóa tên luật sư Võ An Đôn khỏi Đoàn Luật sư tỉnh”.

L‎ý do, là bởi ông Võ An Đôn đã “lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam” báo Tuổi Trẻ dẫn lời một thành viên Ban Chủ Nhiệm nói khi đó.

“Luật sư Võ An Đôn bị kỷ luật oan”

Tuy nhiên, bản kiến nghị của các luật sư gửi Liên đoàn nói rằng quyết định của Phú Yên là “chưa làm đúng trình tự”, trong lúc các phát ngôn của ông Đôn về hiện tượng luật sư “chạy án” trên thực tế “là một phần sự thật phũ phàng mà bất cứ luật sư hay người dân nào cũng biết và cảm nhận.”

Bên cạnh đó, bản kiến nghị cũng nêu ra những sai phạm liên quan tới việc kết luận ông Đôn “trả lời phỏng vấn của báo đài nước ngoài”.

Quyết định của Đoàn Luật sư Phú Yên là “quá khắc nghiệt và mang tính áp đặt”, bản kiến nghị viết.

Việc nhiều người tham gia ký kiến nghị là bởi “từ trước đến nay, việc kỷ luật luật sư [của các đoàn luật sư tỉnh, thành] là không oan, chưa từng gây bức xúc trong giới luật sư nên không có phản ứng, kiến nghị từ phía các luật sư” như vụ Võ An Đôn, ông Trịnh Vĩnh Phúc nói với BBC hôm 18/12/2017.

“Thông qua việc kiến nghị và thu thập chữ ký ủng hộ việc kiến nghị, chúng tôi thể hiện thái độ của mình đối với Quyết định kỷ luật và tình đoàn kết đối với đồng nghiệp.”

Vai trò của Liên đoàn Luật sư

Bản kiến nghị nhắc lại việc hồi 2015, Luật sư Võ An Đôn từng bị liên ngành nội chính thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đề nghị xử lý kỷ luật “do phát ngôn”.

Khi đó, Liên đoàn Luật sư đã “cử đoàn công tác” về địa phương và ra kết luận “bênh vực luật sư thành viên”, bản kiến nghị viết, và nêu rõ lần này Luật sư Đôn cũng bị Đoàn Luật sư Phú Yên kỷ luật cũng vì vấn đề “phát ngôn”.

Ông Trịnh Vĩnh Phúc nói ông hy vọng Ban Thường vụ Liên đoàn, là cấp có thẩm quyền xét lại quyết định kỷ luật ở cấp đoàn luật sư tỉnh thành, sẽ “có hướng giải quyết khiếu nại phù hợp” trong trường hợp Luật sư Võ An Đôn bị xóa tên lần này.

Ông Trịnh Vĩnh Phúc, người từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, cho biết trên thực tế từng có trường hợp bị đoàn luật sư xóa tên, nhưng được Liên đoàn Luật sư sửa án kỷ luật còn mức đình chỉ hoạt động có thời hạn, từ 6 tháng đến 24 tháng.

Bảo vệ đồng nghiệp

Tính đến 18/12, đã có 117 người ký tên vào bản kiến nghị, với danh sách đầy đủ đã được chuyển tới Liên đoàn.

“Nếu còn nhiều luật sư lên tiếng ủng hộ, chúng tôi sẽ cập nhật danh sách và gửi tiếp,” Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói với BBC.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên giới luật sư Việt Nam gửi kiến nghị bảo vệ đồng nghiệp, tuy đã từng có các trường hợp bị kỷ luật, bị xóa tên trước đây.

Đây cũng là sự kiện đánh dấu việc giới luật sư Việt Nam từ các tỉnh thành trong Nam, ở miền Trung và ngoài miền Bắc lần đầu tiên có nhiều người cùng tham gia thể hiện quan điểm ngoài khuôn khổ các hoạt động chính thức do Liên đoàn, các đoàn luật sư hoặc giới hữu quan tổ chức.

Trước đây, hồi cuối 2015, tin tức nói có chừng 200 luật sư lên kế hoạch tổ chức tuần hành tại để phản đối việc hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị hành hung trong vụ “bụi Chương Mỹ”.

Tuy nhiên, việc tuần hành đã không diễn ra.

Liên quan đến các hoạt động của xã hội dân sự mà vai trò của luật sư đóng một phần quan trọng, gần đây, luật sư Lê Công Định từ TPHCM nói với BBC rằng “chính quyền đừng nên coi xã hội dân sự và giới bất đồng là thù địch”.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây