14-12-2017
Biên dịch: Trần Thị Phương Thảo | Hiệu đính: Huệ Việt | Dự án ĐSK Biển Đông
Dư luận quốc tế đã chuyển hướng chú ý khỏi cuộc khủng hoảng tranh chấp Biển Đông diễn tiến chậm chạp trong suốt năm 2017 vừa qua, nhưng tình hình ngoài thực địa vẫn chưa hề lắng dịu. Trong khi theo đuổi tiếp cận ngoại giao đối với các nước láng giềng Đông Nam Á, Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng đáng kể tại các tiền đồn lưỡng dụng [quân sự và dân sự – BTV] ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã hoàn thành nạo vét và san lấp để từ đó đã tạo ra được 7 đảo mới ở quần đảo Trường Sa đầu năm 2016, và có vẻ như đã hoãn các hoạt động này để tập trung mở rộng các thực thể địa lý ở quần đảo Hoàng Sa cho tới giữa năm 2017. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn giữ nguyên quyết tâm thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của hoạt động xây dựng [ở quần đảo Trường Sa – BTV] – đó là xây các cơ sở hạ tầng cần thiết cho phép các căn cứ hải quân và không quân có thể hoạt động đầy đủ trên những tiền đồn lớn hơn.
AMTI đã nhận diện tất cả các công trình dài hạn mà Trung Quốc đã hoàn thành hoặc bắt đầu đưa vào hoạt động từ đầu năm nay, từ các nhà kho ngầm dưới đất và các công trình hành chính cho đến các mạng cảm biến và radar rộng lớn. Các công trình này bao phủ một khu vực rộng khoảng 72 mẫu, tương đương với 290000 m2, trên đảo nhân tạo tại đá Chữ Thập, Subi, và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, và đá Bắc, đá Cây và đá Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Không tính tới những cấu trúc tạm thời như công ten nơ lưu trữ hay các nhà máy xi măng, hoặc các công việc khác ngoài hoạt động xây dựng, như việc rải đất và trồng cỏ tại các tiền đồn mới.
Đá Chữ Thập
Đá Chữ Thập là nơi diễn ra nhiều hoạt động xây dựng nhất trong năm 2017, với các công trình bao phủ một khu vực khoảng 27 mẫu, tương đương 110000 m2, tính cả những hoạt động mà AMTI đã ghi lại trước đây, bao gồm việc hoàn thành các nhà chứa máy bay lớn hơn dọc theo các đường băng, xây dựng các cấu trúc lớn ở phía nam của đảo mà nhiều khả năng sẽ được dùng làm kho đạn dược hoặc lưu trữ các vật liệu thiết yếu khác, một dãy cảm biến/ thông tin liên lạc lớn ở đầu phía đông bắc của đảo, các trang thiết bị thông tin liên lạc/radar khác nhau trải rộng xung quanh đảo, các hầm trú ẩn kiên cố cho hoả tiễn ở đầu phía nam của đảo.
Những đường hầm lớn dưới mặt đất mà có lẽ sẽ được sử dụng để trữ đạn dược và những vật dụng khác mà AMTI đã nhận diện đầu năm nay cũng đã được hoàn thành và được che vùi hoàn toàn dưới mặt đất. Các cơ sở hạ tầng này kết nối với các công trình ngầm khác đã được xây dựng trước đó trên đảo, trong đó có các hầm chứa nước và nhiên liệu.
Bên cạnh các hoạt động đã được nhận dạng trước đây tại đá Chữ Thập, trong một vài tháng cuối năm nay, Trung Quốc đã xây dựng một công trình trông như là một dãy radar tần số cao ở cuối phía bắc của đá này. Công trình này bao gồm một khu vực tập trung các cột thẳng đứng, tương tự như những gì đã được xây dựng ở đá Châu Viên năm 2015. Trạm radar tần số cao này được đặt gần mạng cảm biến/thông tin liên lạc lớn mà đã được hoàn thiện đầu năm nay (khu vực mái che radar trong hình dưới đây).
Đá Subi
Tại Đá Subi cũng diễn ra các hoạt động xây dựng đáng kể trong năm 2017 trên các công trình bao phủ một khu vực rộng khoảng 24 mẫu, tương đương với 95,000 m2. Các hoạt động này bao gồm xây dựng các kho lưu trữ ngầm như ở đá Chữ Thập, những nhà chứa máy bay, phòng thủ tên lửa, thiết bị radar/thông tin liên lạc và một mạng ăng ten “lồng voi” tần số cao để thu thập tín hiệu tình báo [SIGINT – BTV] ở cuối phía tây nam của đá này.
Giống như ở đá Chữ Thập, những đường hầm mới dùng làm kho chứa ở Subi đã được hoàn thành và che vùi vào những tháng cuối năm. Các cơ sở hạ tầng này kết nối các cấu trúc khác đã được che lấp dưới đất, trong đó có cả các kho lưu trữ cỡ lớn ở phía bắc của đá.
Trung Quốc cũng đã sẵn sàng để tăng cường năng lực hệ thống radar và thu thập tín hiệu tình báo ở đá Subi. Từ giữa năm nay, Trung Quốc đã xây dựng một kiến trúc giống như “lồng voi” thứ hai cách “lồng voi” thứ nhất chưa đầy 500 mét về phía tây, cũng như một dãy mái che radar ở cuối phía nam của tiền đồn mà tương tự, hoặc nhỏ hơn khu vực mái che radar ở đá Chữ Thập.
Hoạt động xây dựng ở đá này được tiến hành trên những công trình bao phủ khoảng 17 mẫu, tương đương 68500 m2. Giống như đá Chữ Thập và Subi, các hoạt động này bao gồm xây hầm ngầm cất giữ vũ khí và các vật liệu khác, hoàn tất nhà chứa máy bay và hầm tránh tên lửa, các mạng thông tin liên lạc và radar mới.
Các đường hầm mới dùng để làm kho chứa ở đá Vành Khăn đã được hoàn thành trong vài tháng qua và được che vùi dưới lòng đất, kết nối với các cấu trúc ngầm được xây dựng trước đó ở đầu phía bắc của đá.
Bên cạnh những cấu trúc đã được nhận dạng trước đây, Trung Quốc đã bắt đầu xây một mạng thông tin liên lạc/radar mới ở phía bắc của cứ điểm này.
Trung Quốc cũng tiếp tục các hoạt động xây dựng, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn, ở quần đảo Hoàng Sa. Phần lớn các hoạt động trong năm 2017 tập trung vào đá Bắc, đá Cây và đá Tri Tôn.
Đá Cây
Giống như Đá Bắc, hoạt động nạo vét và cải tạo ở Đá Cây đã được tiếp tục vào giữa năm 2017. Các công trình mà Trung Quốc đã xây dựng bao phủ khoảng 1.7 mẫu, tương đương 6800 m2 đảo. Các công trình này bao gồm một sân bay trực thăng mới gần cảng, các tấm pin năng lượng mặt trời và một cặp tua bin gió ở bờ biển phía bắc của đảo.
Đá Bắc
Trước đó, Trung Quốc đã cố gắng kết nối đá Bắc với đá Trung ở gần đó, nhưng đã từ bỏ dự án này sau khi cây cầu đường bộ mà họ xây để kết nối đã bị bão cuốn trôi vào tháng 10/2016. Đầu năm nay, Trung Quốc đã xây một bức tường chắn xung quanh khu vực đất lấn biển còn lại ở đầu phía nam của đá và xây dựng một cơ sở hành chính lớn trên thực thể này.
Đá Tri Tôn
Trên đá Tri Tôn cũng có một vài công trình đã được hoàn thiện trong năm nay, trong đó có hai toà tháp radar lớn. Đây là điều đáng chú ý đặc biệt do Tri Tôn nằm ở cực Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa và vùng biển bao quanh nó là nơi đã xảy ra một số va chạm gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như đã diễn ra nhiều hoạt động tự do hàng hải của Mỹ.
Đảo Phú Lâm
Đảo Phú Lâm là trụ sở quân sự và hành chính đầu não của Trung Quốc ở Biển Đông. Những phát triển ở đảo Phú Lâm thường được coi là tiền thân cho sự phát triển sau này ở các đá Chữ Thập, Subi, và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa. Trong năm nay đã không có xây dựng mới nào đáng kể ở đảo này. Tuy nhiên đây đã là nơi đầu tiên diễn ra hai cuộc triển khai không quân, báo hiệu điều tương tự sẽ diễn ra ở ba căn cứ không quân trên quần đảo Trường Sa ở xa phía nam.
Lần đầu tiên là vào cuối tháng 10, khi quân đội Trung Quốc công bố những hình ảnh cho thấy chiến đấu cơ J-11B của Lực Lượng Không Quân Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa được triển khai đến đảo Phú Lâm để tham gia tập trận. Đây là cuộc triển khai J-11 đầu tiên trên đảo Phú Lâm mà được phía Trung Quốc xác nhận. Trước đó có cuộc triển khai chiến đấu cơ J-10 ít tinh nhuệ hơn, và AMTI đã sử dụng động thái này như là cơ sở, có thể đã quá bảo thủ, để ước lượng khả năng triển khai sức mạnh quân sự của Trung Quốc từ các căn cứ của nước này ở Biển Đông.
Sau đó vào ngày 15/11, AMTI đã xác định được một số máy bay cỡ lớn có vẻ như là máy bay vận chuyển Y-8, loại máy bay khi ở một cấu hình nhất định có khả năng thu thập thông tin tình báo điện tử. Trước đó AMTI đã từng lưu ý là có những nhà chứa máy bay lớn hơn được xây dựng ở mỗi căn cứ không quân ở quần đảo Trường Sa có thể chứa được các máy bay Y-8. Điều này gợi ý rằng sự xuất hiện của máy bay Y-8 ở đảo Phú Lâm có thể là một chỉ dấu báo hiệu điều tương tự sẽ xảy ra ở quần đảo Trường Sa.
Trần Thị Phương Thảo là thạc sỹ chuyên ngành Luật quốc tế và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Nguồn bản gốc tiếng Anh: https://amti.csis.org/constructive-year-chinese-building/
____
Tư liệu liên quan: https://daisukybiendong.wordpress.com/tag/ho-so-dao-nhan-tao/