Trung Nguyễn
16-12-2017
Dường như Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã thành công trong việc thâu tóm quyền lực khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời ông tham dự cuộc họp chính phủ tổng kết năm 2017 để phát biểu chỉ đạo.
Theo lời Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Hội nghị kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết sau một năm, Chính phủ trân trọng được Tổng bí thư dự, để Tổng bí thư đưa ra chỉ đạo của người đứng đầu Đảng với các Bộ ngành, địa phương, phát huy mặt được, khắc phục các tồn tại, chẳng hạn như tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên chuyển dưới không chuyển…” nhằm “tạo ra sự chuyển biến, thay đổi trong các cơ quan nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương“.
Pháp luật tùy tiện là căn nguyên hủ bại
Có lẽ ông Mai Tiến Dũng đã quá lạc quan khi vài câu phát biểu của ông Trọng có thể làm được chuyện mà hàng chục năm qua không làm nổi. Việc “trên nóng dưới lạnh” là do pháp luật không nghiêm, không áp dụng như nhau cho tất cả mọi người mà tùy thuộc vào “trên” xử. “Dưới” đã câu kết, hối lộ, mua chuộc, lại quả “trên” rồi thì thích nóng thì nóng, thích lạnh thì lạnh.
Lấy ngay ví dụ là việc mời người đứng đầu một đảng chính trị đi chỉ đạo chính phủ là việc vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Theo Hiến pháp và Luật tổ chức chính phủ thì chính phủ không hề chịu sự chỉ đạo của Tổng bí thư của bất kì đảng nào. Chính phủ được thành lập dựa trên sự đề nghị của Chủ tịch nước với Quốc hội, người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng.
Khi nhớ lại việc ông Trọng từng tuyên bố “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của đảng [cộng sản]”, chúng ta không ai lạ gì khi thấy tình trạng vi phạm pháp luật tràn lan kể từ những cấp lãnh đạo cao nhất của đảng cầm quyền. Mọi việc vi phạm Hiến pháp và pháp luật đều có thể diễn giải tùy tiện sao cho hợp ý giới lãnh đạo cộng sản. Việc Tổng bí thư đi chỉ đạo chính phủ là ví dụ cụ thể. Mà “trên” đã bất chính thì “dưới” tất loạn.
Tư duy chuyên quyền và cơ chế đảng trị khiến hệ thống chính trị đã và đang tan rã
Bản thân cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng tâm sự thật thà tại diễn đàn quốc hội, và vô tình lý giải chuyện “trên nóng dưới lạnh” hay “trên bảo dưới không nghe” của hệ thống chính trị Việt Nam.
“Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng – có lẽ làm thủ tướng lâu nhất – có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng. Trên tinh thần đó, rất mong cả hệ thống chính trị của chúng ta có trách nhiệm cùng nhau, các đồng chí đứng đầu địa phương mà nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ thì chúng ta cũng không mong muốn có kỷ luật, có xử lý”.
Do đó, ông Trọng có phát biểu gì thì với tư duy độc tài và cơ chế cũ kỹ “đảng trị”, chính trị Việt Nam sẽ chẳng có thay đổi gì. Trong khi giải pháp là tư duy và cơ chế “pháp trị” với pháp luật chuẩn mực thì giới lãnh đạo cộng sản lại chống đối, thể hiện qua việc cấm đảng viên cộng sản nói về “tam quyền phân lập”.
Thật sự, một người mà dám nói những câu như “đánh chuột đừng để vỡ bình”, “chống tham nhũng là ta tự đánh ta”,… thì khó lòng khiến quan tham nào phải e dè.
Chống tham nhũng là thanh trừng phe phái chứ không phải để bảo vệ pháp luật
Mới đây, ngày 12/10/2017, khi “đại biểu nhân dân” Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, “nhân dân” Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã chất vấn: “Trung ương thì đấu tranh mạnh nhưng địa phương nhiều nơi chưa chuyển động. Ví dụ vụ thanh tra biệt phủ của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên Yên Bái, rõ như ban ngày nhưng cơ quan chức năng làm chậm quá, mấy tháng rồi vẫn chưa xử lý được”.
Do đó, trong con mắt của nhân dân, vụ việc tiêu cực, tham nhũng ở Yên Bái chắc chắn đã đến tai ông Trọng, thế thì tại sao hệ thống công an, tòa án, viện kiểm sát ở Yên Bái không vào cuộc? Rõ ràng pháp luật chỉ là chuyện đùa giỡn tùy tiện, bất công, nay thế này mai thế khác, với người này xử khác, người kia xử khác, phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu một đảng chính trị.
Vậy thì đừng trách tại sao dân nghĩ “cái lò” của ông Trọng đang đốt Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh,… chỉ là việc thanh trừng phe phái, tranh đoạt quyền lực với nhau.
Và như vậy thì cũng đừng thắc mắc tại sao người dân không trông mong gì vào hệ thống pháp luật Việt Nam mà phải tự đứng lên đấu tranh để bảo vệ quyền lợi như việc bất tuân dân sự trả tiền lẻ của giới tài xế tại trạm BOT Cai Lậy. Nếu dân tin vào nền “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” thì đã có thể kiện Bộ giao thông vận tải ra tòa rồi.
Thử trưng cầu dân ý để biết ý dân xem
Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 6, ông Trọng còn tuyên bố: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Thật sự giới lãnh đạo cộng sản cầm quyền thừa biết là dân làm gì còn tin vào chế độ, đó là lý do tại sao họ cấm “tam quyền phân lập”. Như thế, ngành lập pháp là quốc hội phải do họ khống chế chọn đại biểu quốc hội chứ nếu không thì dân bầu những người khác ngoài đảng cộng sản. Và nếu ngành tư pháp, tòa án độc lập thì làm gì có chuyện vi phạm Hiến pháp và pháp luật tràn lan, dung dưỡng tham nhũng từ trên xuống dưới như hiện nay.
Họ biết dân không tin chế độ nên mới cấm “đa nguyên đa đảng”. Cấm đa nguyên nghĩa là họ khống chế hết báo chí không cho dân nói trái ý thức hệ của đảng cộng sản. Cấm đa đảng là họ không cho dân được bầu đảng khác lên quản trị quốc gia mà phải chấp nhận sự quản lý yếu kém “trên nóng dưới lạnh” của đảng cộng sản.
Họ biết dân không tin chế độ nên mới không cho tổ chức trưng cầu dân ý để dân phúc quyết Hiến pháp. Nếu đảng cầm quyền muốn “làm hợp lòng dân” thì tại sao lại không cho trưng cầu dân ý?
Tương lai không hề “phức tạp, khó lường”, mà là “mất tất cả”
Như thế, chính ông Trọng là người đã nói gở, dự báo chính xác tương lai của giới lãnh đạo cộng sản cầm quyền là “mất tất cả”: mất quyền lực bất hợp pháp, mất tài sản do tham nhũng, mất tự do vì phải ra tòa…
Việc giới lãnh đạo cộng sản liên tục nói về nguy cơ sụp đổ cũng cho thấy thâm tâm của họ biết rằng việc sụp đổ đã cận kề nếu tiếp tục tình trạng hiện nay.
Để tránh “mất tất cả” thì ông Trọng và giới lãnh đạo cộng sản nên khôn ngoan thực hiện đúng những gì đã hứa với dân, đó là “dân chủ, công bằng, văn minh”. Dân chủ thì phải có nhà nước cộng hòa chính danh, công bằng, văn minh thì phải có pháp luật chuẩn mực.
Cũng có nghĩa là phải có “dân quyền hiện thực, pháp quyền chuẩn mực, chính quyền chính trực”.
Nếu không làm được thì phía trước đảng cộng sản là vực thẳm…
© Copyright Tiếng Dân