Kiểm tra kê khai tài sản dưới góc độ chế định luật

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

12-12-2017

Thanh tra Chính phủ sau khi kiểm tra kết luận ông Phạm Sỹ Quý kê khai thiếu: 7.905 m2 đất ở, hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên, căn nhà 600 m2, tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng. Do kê khai sai, ông Phạm Sỹ Qúy bị kỷ luật điều chuyển từ Giám đốc sở sang phó Văn phòng HDNN tỉnh; Xây dựng sai phép và không phép bị phạt hành chính 507 triệu đồng (cho công trình tồn tại); chậm nộp thuế phạt trên 50 triệu đồng. Vụ việc coi như khép lại, trước dư luận mong muốn điều tra nguồn gốc tài sản có dấu hiệu bất minh (do kê khai sai) được Thanh tra Chính phủ trả lời: “nội dung thanh tra không có việc xác minh tài sản (điều tra nguồn gốc)… và luật cũng không quy định việc này (1)“.

Một góc công trình “biệt phủ” của gia đình giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Ảnh: baochinhphu.vn

Kiểm tra kê khai tài sản không có mục đích tự thân, chỉ là biện pháp khởi đầu để điều tra nguồn gốc nếu có sai sót (dấu hiệu bất minh) nhằm mục đích phòng chống tham nhũng. Áp dụng biện pháp đó với ông Phạm Sỹ Qúy, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành, phát hiện được chênh lệch, tức có dấu hiệu bất minh (đồng nghĩa ngờ vực tham nhũng), nhưng không đạt được mục đích phòng chống tham nhũng, bởi không xác minh điều tra nguồn gốc, công đoạn tiếp theo để khẳng định hay phủ định ngờ vực, được Thanh tra Chính phủ viện dẫn do luật chế định ở điểm (1).

Vậy vấn đề không còn nằm ở trách nhiệm Thanh tra mà ở chính văn bản Luật, một khi thực tế áp dụng cho thấy không đạt mục đích thì phải được cơ quan hành pháp và lập pháp đưa ra xem xét vốn là điều bắt buộc ở các nước tiên tiến. Như ở Đức, tại Dresden, cách đây 5 năm, chỉ vì người chồng sau khi đánh vợ chạy ra đường để tránh cảnh sát tới nhà bắt, thì gặp ngay cảnh sát ập tới liền chĩa thẳng khẩu súng giả trông như thật vào họ, lập tức bị bắn trả chết tại chỗ, mà 5 tháng sau quốc hội đã phải thông qua luật cấm bán súng giả trông như thật.

*Căn cứ luật áp dụng cho vụ việc trên

Trích Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng 01/2007/QH12:

Điều 46b “1. Người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm quy định tại khoản 2 Điều 44…“.

Điều 47 “1. Căn cứ để xác minh tài sản bao gồm: a) Khi có tố cáo…; c) Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; d) Khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 47a… 2. Khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì người quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó ra quyết định xác minh tài sản“.

Điều 47a “Thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản: 1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 47, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền yêu cầu người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức ra quyết định xác minh tài sản: a) Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn…“.

Cả 3 điều khoản điều chỉnh mối quan hệ pháp lý 2 bên giữa nhà nước và người kê khai đều chế định trách nhiệm người kê khai chặt chẽ; có 2 trong 3 điều trao thẩm quyền rất rộng cho bên hữu trách (cấp trên quản lý cán bộ, hoặc thường trực Quốc hội, Hội đồng nhân dân) nhưng lại không hề chế định trách nhiệm họ thực hiện quyền đó (một khi được trao quyền mà không bị chế định trách nhiệm tương xứng thì thực thi hay không là tùy họ); luật đã dẫn không thoả mãn nguyên lý nhà nước pháp quyền (được hiến pháp ta thừa nhận) trong luật học: “Nhà nước phải chịu trách nhiệm (bị chế tài nếu vi phạm) và chỉ được quyền làm những gì luật định trên nền tảng hiến pháp“.

*Tham khảo nguyên lý trên trong các văn bản Đức liên quan tới tham nhũng vụ lợi

Có thể dẫn văn bản của Chính phủ tiểu bang Rheinland pfalz “Hướng dẫn Phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực hành chính“ gồm 25 Điều, 12 trang. Mục 8, Điểm 8.1, chế định cấp trên phải cho điều tra (Luật 01/2007/QH12 ta không chế định) khi phát hiện được các dấu hiệu ngờ vực tham nhũng (trong khi ở ta, cũng theo trả lời của Thanh tra Chính phủ, “chi khi có dấu hiệu tham nhũng (chứ không phải ngờ vực) mới điều tra, tức đã khẳng định tội danh tham nhũng vốn chỉ toà án mới được quyền tuyên phán – quy trình ngược), gồm: – Đời sống của thuộc cấp cao bất thường không thể giải thích. – Quan hệ cá nhân với những người giao dịch mang lại tiền bạc. – Giải quyết công việc ở mức quá giới hạn cho phép. – Thoả thuận với những công chức liên quan về việc làm của mình. – Thời gian xử lý công việc bất bình thường (quá ngắn hoặc quá dài). (Nhiều dấu hiệu ngờ vực trên đúng với trường hợp ông Phạm Sỹ Quý). Mục 8.2- (Luật ta không chế định) Công chức có trách nhiệm báo cáo dấu hiệu ngờ vực không chậm trễ với cấp trên mình. Mỗi bộ trưởng tiểu bang thành lập một bộ phận chuyên trách (bảo mật) để tất cả công nhân viên chức thuộc bộ có thể yên tâm báo cáo ngờ vực (bộ máy ở ta không có). Mục 8.3- Biện pháp kỷ luật: Đối với công nhân viên chức có dấu hiệu tham nhũng, cấp trên phải nhanh chóng áp dụng biện pháp kỷ luật, từ tạm đình chỉ công việc đến hủy ngang hợp đồng lao động (ở ta không thể làm ngay, phải chờ chỉ đạo). Mục 8.4- Xử lý nội bộ: Khi xảy ra dấu hiệu tham nhũng, cấp trên phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp trong nội bộ để tránh gây thiệt hại (không có trong văn bản luật ở ta). Mục 8.5- Kiểm tra lại bộ máy tổ chức: Khi phát hiện tham nhũng cấp trên phải kiểm tra lại cơ cấu bộ máy, làm sáng tỏ những lỗ hổng trong lãnh đạo và tổ chức (ở ta chỉ làm khi có chỉ đạo).

*Tương quan giữa tính nghiêm minh luật và mức độ tham nhũng vụ lợi ở Đức

Các văn bản dưới luật nêu trên xuất phát từ Luật Công chức Đức BeamtStG, quy định: Khi công viên chức hành xử sai phạm, cấp trên phải áp dụng luật BDG để xử lý. Nếu không, chính họ sẽ bị cấp trên họ xử lý (cứ thế dùi đến đục đục đến chạm (trong toán học được ký hiệu n+1) cho tới đại diện pháp nhân cao nhất của tổ chức đó). Về mặt hành chính và hình sự, dù người sai phạm có quyền lực cao tới đâu, thì bất kỳ cơ quan hữu trách nào cũng đều phải thực hiện chức trách luật định đối với người sai phạm đó, nếu không chính cơ quan hữu trách sẽ bị luật chế tài (khác ở ta, những vụ tham nhũng lớn phải cần đến Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo), tới mức ngay nguyên thủ quốc gia cũng trở thành bị can, bị cáo như bất kỳ công chức nào có cùng sai phạm. Như vụ Tổng thống Christian Wulff phải từ chức ngày 17.12.2012 vì bị truyền thông cáo buộc vụ lợi (năm 2008 được chủ khách sạn miễn phí hơn 750 Euro cho con nhỏ đi cùng khi làm khách danh dự ngày Hội Tháng 10 ở München, mặc dù sau này được Toà bác bỏ cáo buộc) buộc Viện kiểm sát tiểu bang nơi Wulff làm việc hồi đó phải thực hiện chức trách điều tra ông, nếu không chính Viện kiểm sát sẽ bị chế tài. Đó không phải trường hợp cá biệt mà đã nhiều tiền lệ, tháng 1.1993, ông Jürgen Möllemann, Chủ tịch Đảng FPD, Phó Thủ tướng Liên bang từ chức chỉ vì dùng tờ giấy mẫu công văn của bộ, đặt mua hàng cho vợ. Ông Günther Krause (Đảng CDU), Bộ trưởng Liên bang phụ trách những vấn đề đặc biệt từ năm 1990, năm 1993 từ chức do vợ xin tiền trợ cấp sai, chuyển nhà xin 6000 DM tiền hỗ trợ không đúng tiêu chuẩn. Ông Gerhard Glogowski (Đảng SPD), Thủ hiến Tiểu bang Niedersachsen từ chức năm 1999 bởi đã rút một phần tiền trong qũy từ thiện do các doanh nghiệp quyên góp chi cho đám cưới của mình. Ông Kurt Biedenkopf (Đảng CDU), Thủ hiến Tiểu bang Sachsen từ chức tháng 4.2002 vì bị cáo buộc thuê căn hộ trong nhà khách chính phủ với giá thấp qúa mức. Ông Gregor Gysi, Chủ tịch Đảng PDS, tháng 7.2002 từ chức Bộ trưởng Kinh tế  Berlin vì bị cáo buộc sử dụng quyền được hưởng giảm giá do mua nhiều vé (cho các chuyến bay công vụ) để mua vé cho cá nhân. Bà Ulla Schmidt (Đảng SPD), năm 2009 từ chức Bộ trưởng y tế do sử dụng xe công và tài xế đưa đi du lịch cá nhân rồi để xe bị trộm cuỗm luôn.

Đến giới kinh doanh, tài tử cũng vậy khi liên quan tới tham nhũng dạng trốn thuế. Cựu nhà xuất bản báo „die Zeit“, Theo Sommer (83 tuổi), bị phạt tổng cộng 1 năm 7 tháng tù treo và phải trả 20.000 € tiền phạt vì không khai thuế cho 649.000 € thu nhập thêm từ năm 2007 đến năm 2011. Tương tự, năm 2009, vì trốn gần nửa triệu Euro tiền thuế, cựu giám đốc tập đoàn bưu điện Đức, Klaus Zumwinkel (70 tuổi) cũng bị phạt hai năm tù treo và nộp phạt đến 1 triệu Euro. Năm 2002, tòa án Landgericht München I phạt tay vợt huyền thoại Boris Becker 2 năm tù treo vì trốn đến 1,7 triệu Euro thuế phải hoàn bồi, cộng tiền phạt 300.000€ để được hưởng án treo. Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá Bayern, danh thủ bóng đá Đức, ông Höneß, năm 2014 bị phạt 3,5 năm tù giam tội trốn 3,5 triệu Euro tiền thuế lãi suất tiền gửi bí mật tại ngân hàng Thụy Sỹ.

Câu châm ngôn “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền“ không ứng với pháp luật Đức.

Phòng chống tham nhũng vụ lợi không chỉ áp dụng với quan chức giới kinh doanh mà như một tập quán văn hoá chi phối đời sống thường nhật Đức. Đầu năm 2013,  chị L người Việt “choáng“ khi nhận được giấy triệu tập của cảnh sát hình sự Berlin, với dòng mở đầu: “ Để điều tra với cáo buộc tội tạo vụ lợi cho công chức (đút lót) theo điều §333 bộ luật hình sự Đức (StGB) (ai thoả thuận, hứa hẹn, hoặc bảo đảm cho nhà chức trách, người thực hiện công vụ, hoặc người khác có liên quan, được hưởng lợi khi thực hiện công vụ đó, có thể bị phạt tiền hoặc tù tới 3 năm)“, do lớp học con chị đã chung nhau  mua 1 món quà trao tặng cô giáo chủ nhiệm dịp Nô en, Tết Tây từ năm trước. Chị L phải chịu trách nhiệm cho hành vi con mình chưa thành niên. Hàng chục bức thư, giấy mời như trên được họ gửi đến tất cả phụ huynh học sinh có liên quan, lấy lời  khai và thu thập bằng chứng. Nếu không làm vậy, đến lượt cảnh sát có thể bị truy tố tội „bỏ mặc công vụ“, do Bộ luật hình sự chế tài (StGB).

Một nhà nước chỉ thật sự trong sạch khi và chỉ khi (điều kiện cần và đủ trong toán học) luật pháp chế định được trách nhiệm giới hữu trách trước mọi dấu hiệu ngờ vực tham nhũng vụ lợi từ nguyên thủ quốc gia tới từng người dân. Còn nếu chỉ chế định trách nhiệm người có dấu hiệu đó thì kết quả hoàn toàn tùy thuộc quyền lực cùng mối quan hệ riêng chi phối giới hữu trách mà người đó nắm.

Một version khác của bài viết đã được đăng trên TBKTSG

Bình Luận từ Facebook