6-12-2017
BOT Cai Lậy lòi ra tùm lum sai phạm làm “lộ” ra ông Chủ tịch UBND tỉnh Trần Kim Mai cũng ký văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải mau chóng làm ngay tuyến tránh.
Ông Nguyễn Văn Danh- Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang ký văn bản “Đề nghị khi làm dự án này, đồng thời với việc xây dựng tuyến tránh phải kết hợp tăng cường mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước dọc QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy…” Ông Danh nay lên làm Bí thư tỉnh ủy Tiền Giang.
Mà BOT Cai Lậy thì do ông Ông Nguyễn Văn Thể- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hiện nay duyệt dự án khi còn là thứ trưởng. Rời ghế thứ trưởng, ông Thể về làm Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng và ráo hoảnh “để bộ giải quyết” khi trả lời báo chí. Mới lên Bộ trưởng, ông Thể lại bảo để Chính phủ chỉ đạo.
Nhà báo Hoàng Điệp báo Tuổi Trẻ phát hiện rất tinh ý: Ông Nguyễn Văn Thể- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải gửi công văn hỏa tốc là ngày 28/10/2013 nhằm ngày thứ 2. Vậy thì nhanh nhất ngày 30/10 (thứ 4) tỉnh Tiền Giang sẽ nhận được. UBND tỉnh TG thì không nói gì vì chủ tịch có thể ký cái rẹt sau khi có ý kiến tham mưu của Sở GTVT. Nhưng HĐND và đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bằng cách nào mà cũng trả lời nhanh cấp kỳ vào ngày 4-11-2013 thứ 2 tuần sau?”
Vậy thì có cuộc họp nào của HĐND hay cuộc họp nào của Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang để thống nhất ý kiến không hay chỉ là ý kiến của trưởng đoàn và lãnh đạo HĐND tỉnh?
“Và dựa trên cơ sở nào mà 2 cơ quan dân cử ấy trả lời nhanh thế? Và trách nhiệm của họ đến đâu trong vụ đồng ý này? Cơ quan dân cử chứ có phải trẻ con đâu mà Bộ bảo sao làm vậy?”- nhà báo Hoàng Điệp đặt vấn đề.
Căn cứ pháp lý quan trọng để Bộ GTVT xây dựng tuyến tránh Cai Lậy là Quyết định 06/2011/QĐ-TTg ngày 24/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này thì đường tránh sẽ có 4 làn xe với chiều dài 12km nhưng con đường hiện nay chỉ có 2 làn xe cơ giới (???) Chưa kể, trên tuyến tránh này “bỗng dưng biến mất” một cây cầu so với thiết kế ban đầu (?)
Vậy mấy ông nêu trên trả lời sao với dân về quy trình lạ lùng và thất thoát “bí ẩn” vừa nêu?
“Con cá tra” miền Tây “táp” 2 làn xe và cây cầu ấy ư? Rằng thưa, “cá tra” không chỉ có ở miền Tây…
Câu hỏi này xin dành cho Thanh tra Chính phủ và có thể là cơ quan an ninh điều tra (A92) hoặc Cục cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an.
Còn dân thì biết rõ lắm. Hỏi dân ra liền!
Chú thích: Xưa hổ ăn thịt người, dân sợ bèn cúng thần hổ. Sau chịu không nổi nữa bèn diệt sạch hổ, nấu cao. Nay “cá tra” táp từ cầu đến đường nên dân cũng cúng… (Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ)