Trách nhiệm Bộ Giao thông vận tải nhìn từ vụ BOT Cai Lậy

Mai Quốc Ấn

4-12-2017

Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: internet (ảnh 5).

Bộ Giao thông vận tải dám qua mặt Nhân dân lẫn qua mặt Chính phủ để triển khai BOT Cai Lậy!

Chính phủ đồng ý chủ trương triển khai BOT tuyến tránh Cai Lậy ở Tiền Giang (xem ảnh 2). Tôi vẫn khẳng định rằng BOT là một chủ trương đúng vì sử dụng mô hình BOT sẽ tạo thêm đường sá, nâng cao chất lượng giao thông, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nhưng ở Việt Nam, BOT đã biến dạng! Trong văn bản 97 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 15/1/2014 không hề có nội dung nào tên gia cường mặt đường Quốc lộ cả!

Chính phủ chấp thuận thì Bộ Giao thông vận tải phải thực hiện đúng theo quy định (xem ảnh 3). Nhưng có một văn bản số 379 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang ký ngày 6/11/2013 gửi Bộ Giao thông vận tải để yêu cầu khi làm tuyến tránh thì “gia cường mặt đường, sữa chữa hệ thống thoát nước dọc Quốc lộ 1” do ông Nguyễn Văn Danh ký (xem ảnh 4)

Thế là Bộ Giao thông vận tải cho phép làm tuyến tránh BOT Cai Lậy theo cách không giống ai (xem ảnh 5)! Người không thực hiện đúng chỉ đạo Chính phủ là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể năm xưa và Bộ trưởng đương nhiệm hôm nay.

Nếu không có sự phê duyệt “gia cường mặt đường, sữa chữa hệ thống thoát nước dọc Quốc lộ 1” thì trạm BOT Cai Lậy không thể nằm trên Quốc lộ thay vì đúng vị trí của nó: tuyến tránh. Điều đó đồng nghĩa với không có phản đối nào của người dân và “cuộc chiến tiền lẻ” sẽ không nổ ra kèm theo các hệ lụy kẹt xe, mất trật tự, ảnh hưởng xấu kinh tế,.v.v..

Khoảng 90 dự án BOT tại Việt Nam có quá nửa là do ông Nguyễn Văn Thể ký duyệt. Đại đa số BOT bị Thanh tra Nhà nước và Kiểm toán Nhà nước phát hiện sai phạm lên tới hàng trăm tỉ đồng. Riêng đặt trạm sai vị trí gây bất ổn xã hội như kiểu BOT Cai Lậy có tổng cộng 7 trạm.

Với những sai phạm ấy, vì sao ông Nguyễn Văn Thể có thể thênh thang hoạn lộ về Sóc Trăng làm Bí thư tỉnh ủy rồi ra Hà Nội ngồi vị trí Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải?

Nhân dân phản đối BOT sai vị trí thì bị công an mời lên làm việc, ông Thể ký duyệt BOT trái chỉ đạo Chính phủ vẫn “leo cao” hơn. Điều này làm tôi nhớ câu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền trong kỳ họp Quốc hội mới đây: “Phải chăng có luật dành riêng cho dân và luật dành riêng cho quan?”

Ở Bộ Giao thông vận tải không chỉ có chuyện “vượt mặt” Chính phủ mà còn có cả chuyện coi thường Nhân dân. Với những sai phạm nêu trên mà ông Nguyễn Nhật- Thứ trưởng Bộ giao thông tuyên bố “không có gì sai cả” khi nói về BOT Cai Lậy.

Chưa cần nói đến kiến tạo, chỉ cần để cho nhân dân có sự yên ổn để làm ăn thì kinh tế sẽ phát triển.

Chưa cần nói đến minh bạch, nếu câc cấp bộ, ngành làm đúng chỉ đạo thì dân đã vỗ tay thay vì phản ứng.

Càng không nói đến công cuộc “đốt lò”, nếu các Đảng viên là quan chức thực sự vì dân.

Nếu không có một cuộc đại ra soát và những mức án đủ sức răn đe cho những “vương quốc riêng” bất chấp lệnh trên như ở Bộ Giao thông vận tải thì bất ổn vẫn còn tiếp diễn.

Chú thích: Khi người dân phải mang cá tra (loài ăn tạp) ra cúng BOT thì đã sát điểm tới hạn chịu đựng của dân lắm rồi. Và cũng có một quan chức đã bị dân miền Tây đặt chết danh “Thả cá trê”.

Công văn do ông Hoàng Trung Hải ký. Ảnh: internet (ảnh 2)
Quyết định do ông Nguyễn Văn Thể ký: Ảnh: internet (ảnh 3)
Công văn của đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang. Ảnh: internet (ảnh 4).
Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.