Giải quyết nhập khẩu sách Chuyển Pháp Luân cho người dân: Vì sao phải “che” khi đọc “kết quả thẩm định”?

Nguyễn Thiên Hà

4-12-2017

Trong những loạt bài trước, tôi có cập nhật thông tin cho biết vào tháng 7 – tháng 8/2017, ông Trịnh Hữu Anh – Phó phòng Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) thành phố Hồ Chí Minh bị hai người dân là anh Trần Minh Phát và chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền khiếu nại vì ban hành quyết định sai quy định pháp luật không cho anh chị nhập những quyển sách Chuyển Pháp Luân (sách hướng dẫn học Pháp Luân Công). Chị Ngọc Hiền đã gửi thêm một đơn phản ánh về thái độ hành vi và quan điểm ủng hộ Trung Quốc của cán bộ Trịnh Hữu Anh gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân là chị.

Với trường hợp của anh Trần Minh Phát, sau khi gửi đơn khiếu nại lần hai, thì vào ngày 10 tháng 11 năm 2017, Sở TTTT TPHCM đã xác nhận thụ lý đơn khiếu nại của anh và theo nội dung làm việc của anh Phát và Sở thì một Hội đồng thẩm định sẽ được thành lập để đưa ra kết quả sau cùng về việc giải quyết nhập khẩu sách Chuyển Pháp Luân của anh. 

Vào ngày 29 tháng 11 năm 2017, anh Trần Minh Phát đăng trên Facebook cho biết đã có buổi làm việc với Sở TTTT về kết quả xử lý đơn khiếu nại của anh. Cụ thể, Sở cho biết cuốn sách Chuyển Pháp Luân vẫn vi phạm điều 10, Luật Xuất bản 2012. Sở TTTT TPHCM cũng đồng thời cho biết căn cứ này dựa vào kết quả của hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là khi anh Phát yêu cầu được xem kết quả của Hội đồng thì người chịu trách nhiệm đọc kết quả, Chánh Thanh tra Sở TTTT TPHCM, ông Nguyễn Đức Thọ không đưa văn bản đó cho anh Phát – người khiếu nại xem. Anh Phát yêu cầu một bản photo để mang về nghiên cứu và làm căn cứ cho việc khiếu nại, phản ánh về sau nhưng ông Thọ nhất định không đồng ý.

Khó hiểu hơn nữa là ông Thọ vừa đọc vừa…che tờ giấy, đã vậy trong tờ giấy mà ông đọc lại còn có đoạn… không phải nội dung trong sách Chuyển Pháp Luân. Do vậy, mặc dù buổi làm việc đã kết thúc nhưng chứng kiến những dấu hiệu kỳ lạ và bất thường từ Chánh thanh tra Thọ, anh Phát cảm thấy cách đối thoại này không minh bạch, thuyết phục chút nào.

Khi tôi đọc bài viết của anh trên Facebook Trần Minh Phát, tôi cũng cảm thấy rất lạ kỳ. Theo quy định của pháp luật về việc thành lập Hội đồng thẩm định xuất bản phẩm, mọi thứ đều rất công khai và rõ ràng. Nếu đã tuân thủ đầy đủ mọi quy định trong pháp luật vậy thì vì sao đại diện Sở Chánh thanh tra Nguyễn Đức Thọ không dám công khai “kết quả” của hội đồng cho anh Phát trong khi anh chính là người trực tiếp khiếu nại quyết định của Sở?

Ông Chánh thanh tra Sở TTTT vừa đọc vừa…che, đã vậy trong tờ giấy mà ông đọc có những đoạn… không phải nội dung trong sách Chuyển Pháp Luân – cuốn sách mà Sở đang chịu trách nhiệm thành lập Hội đồng thẩm định (!!!)

Cá nhân tôi thấy việc ông Thọ làm trên thực tế là giải quyết khiếu nại không minh bạch, không đúng theo quy định của pháp luật. Bởi vì dấu hiệu ông Thọ không dám công khai “kết quả” mà ông cầm trên tay, lại còn “che che đậy đậy” hoàn toàn có thể khiến cho người khác nghi ngờ rằng văn bản ông cầm đọc không phải là kết quả của hội đồng thẩm định, nhất là khi nội dung trong “kết quả” được ông đọc ra không có trong sách Chuyển Pháp Luân – một điều không thể xảy ra nếu như kết quả đó đến từ một Hội đồng thẩm định có đầy đủ năng lực, trình độ chuyên môn theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là nghi vấn của người ngoài khi chứng kiến câu chuyện, thực hư có phải như vậy hay không, cho đến khi kết quả thật sự của Hội đồng thẩm định thực thụ được công khai thì chúng ta mới có thể chắc chắn.

Bản thân tôi, chỉ mong rằng nội bộ của ngành Thông tin Truyền thông không giống như nội bộ trong ngành Hải quan: phải bất đắc dĩ tiếp nhận và xử lý những văn bản “không rõ tung tích” có nội dung xuyên tạc, sai sự thật, gây chia rẽ giữa những người dân được truyền đi một cách bí ẩn và để lại quá nhiều dấu vết…

(Tin tức sẽ được tiếp tục cập nhật…)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây