Nguyễn Văn Hoá bị 7 năm tù giam là nỗi nhục của nhà cầm quyền

FB Chu Mạnh Sơn

27-11-2017

Nguyễn Văn Hóa tại phiên xử hôm 27/11/2017. Nguồn ảnh: Cong Tuong/ Vietnam News Agency/ AP

Vào sáng ngày 27/11/2017, TNLT Nguyễn Văn Hoá bị toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế tại địa phương với cáo buộc tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88, bộ luật hình sự.

Trong phiên toà sơ thẩm hôm nay, không có người thân của em tham dự, cũng không có luật sư bào chữa để bảo vệ quyền lợi cho em Nguyễn Văn Hoá. Những người tham dự mặc áo dân sự đều là công an, an ninh mật vụ và cán bộ toà án.

Sau hơn 1 năm không gặp nhau, nhìn Hoá trông gầy ốm và mắt sâu hơn. Dù không một tờ báo nào của nhà Sản mô tả lại ý chí của em nhưng nhìn thẳng trực diện có thể thấy tinh thần em vẫn kiên vững và ý chí vẫn dứt khoát. Mặc dù, đã nhiều lần, Sơn nhắn nhủ với người nhà, hãy bảo Hoá đồng ý để luật sư bào chữa trong phiên xử nhưng sau những lần gặp gỡ thì Hoá vẫn một mực từ chối thuê luật sư. Em ấy khẳng định rằng, mình đủ trí khôn để đối chọi với phiên toà bất công và muốn tố cáo về một phiên toà mang tính hình thức bởi có thuê luật sư thì kết quả đã được ấn định bởi tờ giấy trước khi đưa ra xét xử.

Tại sao Nguyễn Văn Hoá bị mức án nặng nề như vậy?

Không chỉ riêng Nguyễn Văn Hoá bị kết án 7 năm tù giam mà kể từ năm 2017 trở lại đây, tất cả các TNLT đều bị nhà cầm quyền xử một mức án quá nặng nề vì dám nói lên sự thật, dám đấu tranh cho Công Lý như: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù, Trần Thị Thuý Nga 9 năm tù, Phan Kim Khánh 6 năm tù, Nguyễn Văn Oai 5 năm tù,… Vậy tại sao những người này lại bị những mức án nặng nề như vậy.

Dường như, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã rút ra được những bài học, những kinh nghiệm từ 2 vụ án 17 Thanh Niên Công Giáo hồi năm 2011. Đa phần những người bị mức án từ 3-4 năm tù (được gọi là án mắc màn) thì sau khi ra tù, những anh em này lại càng thêm mạnh mẽ và dấn thân đấu tranh cho công lý, được nhiều người ủng hộ cũng như dư luận đặc biệt quan tâm. Thì nay, nhà cầm quyền csvn đã một lần mang tiếng “bất nhân, bất nghĩa và bất tín” thì họ muốn kết án thật nặng những nguời yêu nước để dập tắt tinh thần ý chí của các TNLT. Mặt khác, nhà cầm quyền csvn cũng rất gian manh khi bắt những người yêu nước ở các tỉnh khác nhau và chia thành nhiều vụ án riêng biêt. Họ không muốn trong một phiên xử sẽ quy tụ đông đảo người nhà các TNLT, điều này sẽ khiến nhà cầm quyền lo sợ không kiểm soát được đoàn người tham dự phiên toà.

Nhà cầm quyền CSVN đang muốn trả thù Nguyễn Văn Hoá?

Nguyễn Văn Hoá đã làm gì mà khiến em ấy bị kết án nặng nề như vậy? Em ấy chỉ là người dùng flycam để quay lại cuộc biểu tình ngày 02/10/2016 rồi đưa lên mạng internet cũng như phỏng vấn một số người dân và tìm hiểu thông tin thực trạng xã hội đang diễn ra và cho người dân có một kênh truyền tải tiếng nói của họ lên cộng đồng internet mà thôi. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã cáo buộc em ấy kích động người dân, tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia biểu tình gây mất trật tự an ninh quốc gia.

Sau sự kiện thảm hoạ môi trường vào tháng 4/2016 khi Formosa xả thải ra biển làm cá chết ở 4 tỉnh Miền Trung. Thiệt hại nặng nề thì ai cũng đã biết và sự xảo trá của nhà cầm quyền trong việc đền bù cho người dân cũng đã được báo chí bóc mẽ. Tuy nhiên, tại sao nhà cầm quyền lại chọn bắt Nguyễn Văn Hoá mà không phải một ai khác?

Sự cố thảm hoạ môi trường 2016 là một cái ung nhọt của chế độ, đây được xem là “giọt nước tràn ly” mà thôi. Nhà cầm quyền lo ngại điều này sẽ khơi mào một cuộc nỗi dậy như “Xô Viết Nghệ Tĩnh” năm xưa. Họ muốn tìm đủ mọi cách để bưng bít cái ung nhọt này cũng như trấn an người dân cả nước. Có thể nói, Nguyễn Văn Hoá không may bị trở thành người “Hứng Mũi Chịu Sào”. Trong giai đoạn này, nhà cầm quyền bắt Nguyễn Văn Hoá vì có 3 mục đích: (1) Tìm một người đỗ lỗi cho việc kích động, xúi dục người dân nỗi dậy. (2) Muốn triệt để bưng bít thông tin thảm hoạ môi trường, tình hình điểm nóng. (3) Dằn mặt những người khác, muốn người dân nhìn Hoà mà biết “noi gương” không sẽ chung kết cục.

Thực tế mà nói, chính các Cha, các Linh mục như: Đức cha Paul Nguyễn Thái Hợp, Lm Pet Trần Đình Lai, Lm JB Nguyễn Đình Thục, Anton Đặng Hữu Nam, Anton Nguyễn Thanh Tịnh,… mới chính là những người lãnh tụ tinh thần của người dân và đủ sức kêu gọi người dân biểu tình, tuần hành phản đối môi trường và kêu đòi quyền lợi cho ngư dân. Vậy tại sao nhà cầm quyền không chọn bắt các Linh mục mà lại bắt Nguyễn Văn Hoá?

Liệu rằng nhà cầm quyền có dám bắt các Linh mục ở giáo phận Vinh như đã từng bắt Linh mục Nguyễn Văn Lý ở giáo phận Huế không? Tôi dám chắc chắn, nhà cầm quyền không dám ngang nhiên bắt các Linh mục ở Vinh vì họ không dại gì để động đến hàng Giáo Phẩm ở Vinh đâu. Nhà cầm quyền cũng cân nhắc thiệt hơn trong chuyện này. Nếu nhà cầm quyền dám động đến các Linh mục thì ít nhất có khoảng 500.000 “Cao Đình Thuyên” sẽ dám chống trả “tử vì đạo” nên họ đành chọn Nguyễn Văn Hoá để giáng hoạ và trả thù.

Tại sao nhà cầm quyền ngang nhiên bắt và kết án nặng nề người yêu nước?

Ông cha ta bảo “Đoàn Kết là Sức Mạnh” nhưng phong trào đấu tranh dân chủ kể từ đầu năm 2017 dường như bị “chết yểu”. Chính vì thế mà sức mạnh của người yêu nước không đủ sức áp lực buộc nhà cầm quyền phải “cân nhắc, dè chừng” khi bắt và kết án những TNLT.

Nhìn vào thể chế Hồng Kông, tại sao Hoàng Chí Phong (thủ lãnh phong trào Dù Vàng) đã được trả tự do sau khi những người ủng hộ anh đã biểu tình gây áp lực buộc nhà cầm quyền phải nhượng bộ.

Khi nhìn về Việt Nam, trong năm 2017, hơn 20 người đã bị nhà cầm quyền csvn bắt với các điều luật 88, 79, 258, 245, 257… Thế nhưng, chúng ta đã làm gì để gây áp lực đối với nhà cầm quyền? Phải chăng chỉ là những bản lên tiếng, hay những bản thông cáo mà thôi. Liệu rằng, những việc làm của chúng ta đã đủ gây áp lực đối với nhà cầm quyền hiện nay?

Tôi hy vọng tất cả chúng ta, những người yêu nước hãy bỏ qua tất cả sự khác biệt của nhau để cùng bắt tay và cùng một mục đích thay đổi xã hội Việt Nam, đấu tranh nhằm thay đổi thể chế chính trị độc tài cộng sản và đấu tranh vì người dân.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Vậy tại sao nhà cầm quyền không chọn bắt các Linh mục mà lại bắt Nguyễn Văn Hoá?”

    Hỏi tức là trả lời .

    “Nếu nhà cầm quyền dám động đến các Linh mục thì ít nhất có khoảng 500.000 “Cao Đình Thuyên” sẽ dám chống trả “tử vì đạo” nên họ đành chọn Nguyễn Văn Hoá để giáng hoạ và trả thù”

    Cho tớ không đồng ý với câu trả lời Tây nó gọi là explain away này. Câu hỏi đáng đặt ra là tại sao các linh mục không tổ chức 500 000 giáo dân để cứu Nguyễn Văn Hóa ? Đôi khi câu trả lời có thể giải thích tại sao chính quyền vẫn để họ tự do . Mấy linh mục đó ở đâu khi chính quyền bắt 1 người để người còn lại vù sang Thái ? Mấy linh mục đó đang đi xe cùng với người bị bắt chứ ở đâu .

    “Ông cha ta bảo “Đoàn Kết là Sức Mạnh” nhưng phong trào đấu tranh dân chủ kể từ đầu năm 2017 dường như bị “chết yểu”

    Muốn Đoàn Kết phải có (ít nhất) 1 trong 2; 1- một tiêu chỉ đủ để thuyết phục mọi người . 2- hành động đủ cho mọi người tin đây là thực chất . Cả 2 đều không có thì kêu gọi đoàn kết là vô ích, 1 thứ đoàn kết cưỡng bức . Và “yêu Đảng, kính trọng Bác Hồ” đã không còn & không thể là tiêu chí kêu gọi sự đoàn kết của mọi người .

    “Nhìn vào thể chế Hồng Kông, tại sao Hoàng Chí Phong (thủ lãnh phong trào Dù Vàng) đã được trả tự do sau khi những người ủng hộ anh đã biểu tình gây áp lực buộc nhà cầm quyền phải nhượng bộ”

    Hồng Kông hổng phải Việt Nam .

    “Phải chăng chỉ là những bản lên tiếng, hay những bản thông cáo mà thôi. Liệu rằng, những việc làm của chúng ta đã đủ gây áp lực đối với nhà cầm quyền hiện nay?”

    Vấn đề là niềm tin . Nếu có 1 lòng tin không gì lay chuyển đ/v Đảng thì xá gì chuyện gây áp lực hay không, xá gì chuyện thành công hay không .

    “Tôi hy vọng tất cả chúng ta, những người yêu nước hãy bỏ qua tất cả sự khác biệt của nhau để cùng bắt tay và cùng một mục đích thay đổi xã hội Việt Nam, đấu tranh nhằm thay đổi thể chế chính trị độc tài cộng sản và đấu tranh vì người dân”

    Ậy, tớ nghĩ lòng tin của tác giả quả là vững chãi . Ló dư thế lày, tớ muốn “thay đổi thể chế chính trị độc tài cộng sản” nhưng hổng muốn thay đổi theo kiểu của tác giả . Chả là từ khi “đổi mới”, tớ thấy Đảng càng ngày càng thối hóa, xa rời con đường Bác Hồ đã chọn cho dân tộc . Dzì dzậy tớ muốn Đảng trở về con đường cũ, trở về với thời Đảng là niềm tin & tự hào của đa số dân tộc (kệ xác đám “triệu ngửi/ừi bùn”). Và có vẻ tớ thuộc loại “đa số thầm lặng” vì khái niệm “Đảng nó vs Đảng ta” của nhà thơ Bùi Minh Quốc có được những ủng hộ đáng kể, có thể cả tác giả .

    Nếu đúng, xin nói rõ để tớ còn lo “đoàn kết”. Chứ lập lờ đánh lận con đen như tình hình đang xảy ra thì … tớ hơi bủn xỉn trong lòng tin & lòng kính trọng, vì xét về 2 thứ đó, tớ thuộc loại vô sản chân/chuyên chính . Ai cần những thứ đó thì phải “giác ngộ” cái đầu đặc sệt lý tưởng Cộng Sản của tớ . Kêu gọi xuông hổng có xi-nhê ngay cả văn hay chữ tốt . Tớ hổng thích văn cách mạng từ bé . Khổ thế, nhưng bít nàm thao bi chừ .

Comments are closed.