Để đừng ai phải bỏ nước ra đi

Trung Nguyễn

24-11-2017

Có hai hình ảnh trên thế giới khiến tôi rất xúc động trong những ngày qua. Thứ nhất là đoạn video clip một người lính Bắc Hàn bỏ trốn sang Nam Hàn và bị bắn trọng thương. Thứ hai là hình ảnh người dân Zimbabwe đổ ra đường hò reo ăn mừng việc cựu Tổng thống Robert Mugabe từ chức.

Chế độ độc tài đảng trị hủ bại ở Bắc Hàn

Đã qua thế kỷ 21 được gần 20 năm rồi nhưng vẫn còn những người phải liều chết để trốn chạy các chế độ độc tài, ở đây là chế độ cộng sản Bắc Hàn. Người lính Bắc Hàn đó đã bị chính các đồng đội bắn trọng thương nhằm ngăn cản anh bỏ trốn.

Theo những người Bắc Hàn đã trốn thoát chế độ thành công, thanh niên Bắc Hàn bị buộc đi nghĩa vụ quân sự 10 năm. Tuy nhiên, thường thì họ tự nguyện đi vì nếu họ làm dân thì sẽ không có gì để ăn. Ít nhất ở trong quân ngũ họ còn có khẩu phần ăn để không bị chết đói. Cuộc sống kham khổ đến nỗi phụ nữ cũng phải xung phong vào quân đội và thậm chí bị tắt kinh.

Ở trong ruột người lính Bắc Hàn bị bắn, các bác sỹ phát hiện ra rất nhiều giun, có con dài tới 27 cm, cho thấy cuộc sống của người dân ở chế độ cộng sản Bắc Hàn thê thảm như thế nào. Và những người đang cai trị đất nước đó vẫn được những giới cầm quyền Việt Nam gọi là “đồng chí”.

Tôi đoán là các đồng đội của anh lính Bắc Hàn đó cũng rất muốn có thể trốn thoát thành công như anh dù phải trả giá bằng việc bị trúng đạn. Họ cũng muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn và được sống với đúng nghĩa một con người, có những quyền con người tối thiểu. Tuy nhiên, chế độ Bắc Hàn khống chế họ qua gia đình, người thân. Nếu họ bỏ trốn thì gia đình họ sẽ phải trả giá rất đắt.

Vì vậy, tôi đoán anh lính Bắc Hàn đó không còn người thân thích nào, là trẻ mồ côi.

Cây cột điện cũng bỏ nước mà đi

Thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi sau năm 1975. Nguồn: QPOL

Nhìn cảnh anh bỏ chạy, tôi nghĩ những người sinh sau 1975 có thể hình dung ra được lý do đồng bào miền Nam nói riêng và cả nước nói chung phải lên thuyền vượt biên sau khi chế độ cộng sản được thiết lập trên toàn quốc. Họ sẵn sàng chấp nhận cái chết để có thể có “quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc” mà ông Hồ Chí Minh đã trích từ Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và đọc trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ngày 2/9/1945.

Không phải từ thời vượt biên những năm 80, mà ngay mới đây thôi, vào tháng 3/2017, ba gia đình ở Bình Thuận đã quyết định lên một con thuyền gỗ mỏng manh để vượt biên đến Úc. Họ đã tuyên bố nếu chính phủ Úc trục xuất họ về Việt Nam thì họ sẽ nhảy xuống biển tự tử chứ không bao giờ trở lại Việt Nam.

Ngay cả một cô bạn của tôi, một doanh nhân trẻ thành đạt, mới đây cũng đã lên đường đi Canada định cư. Lý do cô nói với tôi là cô chán phải đối phó với nạn “hành dân là chính”. Cô cũng không muốn đứa con nhỏ của cô phải ăn thực phẩm bẩn, hít thở bầu không khí ô nhiễm, và phải chấp nhận nền giáo dục lạc hậu, tẩy não ở Việt Nam.

Câu nói dân gian hay truyền tụng là “ở Việt Nam, nếu cây cột điện biết đi thì nó cũng đã bỏ đi” chưa bao giờ thấm thía với tôi như thế! Và tôi nghĩ nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam có lương tri thì tối ngủ họ cũng phải vắt tay lên trán suy nghĩ xem tại sao dưới sự lãnh đạo “sáng suốt và tài tình” của họ mà dân muốn bỏ nước ra đi.

Vận mệnh [sụp đổ] tương quan

Có đau đớn như vậy thì tôi mới cảm nhận được niềm vui vỡ òa của người dân Zimbabwe khi nhà độc tài tự nhận là người Mác-xít đã cầm quyền 37 năm của họ, ông Robert Mugabe, từ chức. Từ đây báo hiệu một chặng đường lịch sử mới của Zimbabwe.

Nhà độc tài Mugabe đã ra đi nhưng đảng độc tài ở Zimbabwe là Zanu PF vẫn còn đó. Và người dân, các chính trị gia dân chủ ở Zimbabwe còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước.

Tôi biết thâm tâm các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đang rất run. Cứ mỗi lần một chế độ độc tài trên thế giới sụp đổ là họ biết họ thêm cô đơn. Lúc cuộc cách mạng dân chủ Mùa Xuân Ả-rập bắt đầu từ năm 2010 diễn ra, quản giáo không cho các tù nhân chính trị ở Việt Nam đọc báo nữa vì sợ nắm bắt tin tức mà … lên tinh thần. Còn bên Trung Quốc cũng vậy, an ninh được bố trí dày đặc ở các nơi công cộng, hễ ai cầm hoa nhài là sẽ bị bắt ngay vì sợ kích động Cách mạng hoa Nhài giống Tunisia ở Trung Quốc.

Đó cũng là lý do mà hai đảng cộng sản ở Việt Nam và Trung Quốc phải ôm nhau mà hò hét “vận mệnh tương quan”. Đảng nào sụp đổ thì đảng còn lại sẽ rất cô đơn và nhanh chóng … đi theo.

“Thanh gươm và lá chắn” an ninh rệu rã

Tôi từng ngồi nói chuyện với một đại tá, chính ủy một đơn vị quân đội lớn ở Việt Nam. Ông nói rằng ông và các bạn của ông trong Tổng cục 2 (Tình báo quân đội) hiểu rất rõ dân chủ rất cần thiết cho Việt Nam. Ông cũng biết rõ lãnh đạo đảng cộng sản đang làm sai, lạm dụng quân đội để thi hành chế độ độc tài đảng trị. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo nên ông phải tiếp tục phục vụ cho chế độ.

Một số sỹ quan an ninh công an mà tôi biết cũng xin bỏ ngành vì họ thấy những việc họ làm là bất nhân và vi phạm pháp luật, đạo lý.

Các lãnh đạo đảng cộng sản thừa biết điều này. Đó cũng là lý do Nghị quyết Trung ương 4, đại hội 12 của đảng cộng sản kêu gọi “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Nghĩa là tiếng nói phản đối chế độ đảng trị của chính các đảng viên cộng sản còn gây lo lắng cho họ hơn các “thế lực thù địch” bên ngoài nhiều.

Do đó, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày đẹp trời nào đó, các tướng lãnh Việt Nam cũng “mời” dàn lãnh đạo của đảng cộng sản phải chấp nhận trả lại quyền làm chủ cho người dân, chấp nhận bầu cử tự do và công bằng.

Chế độ sụp đổ là chắc chắn

Dù các tướng lãnh không hành động thì tôi cũng biết là chắc chắn chế độ độc tài đảng trị sẽ ra đi vì đó là quy luật bất biến của lịch sử. Chỉ có điều sau đó sẽ là một chế độ dân chủ tốt đẹp hay lại là một tình trạng hỗn loạn thì tôi không biết.

Các quan chức cộng sản cũng biết rõ điều này. Do đó con cái họ đi du học nước ngoài và không trở về. Chính nguyên thứ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng phát biểu tại kỳ họp Quốc hội năm 2015:

“Tôi nghĩ con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về.”

Do đó, thật sự dân chủ hóa ở Việt Nam không khó như các quốc gia khác vì tâm lý của các lãnh đạo, cán bộ cộng sản đã rệu rã vì họ biết họ sai và họ sẽ sụp đổ. Họ chỉ đang cố gắng câu giờ, kéo dài thời gian càng lâu càng tốt. Họ đã chuẩn bị để bỏ chạy thì sự sụp đổ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc họ quyết tử ở lại Việt Nam giữ chế độ tới cùng.

Người Hàn Quốc nhìn Việt Nam và ghen tị vì ít ra, Việt Nam đã thống nhất được hai miền Nam Bắc về mặt địa lý. Tuy nhiên, do chế độ độc tài đảng trị tước đoạt quyền làm chủ bình đẳng của người dân nên lòng người Việt Nam đang chia rẽ nặng nề giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị.

Trả lại quyền làm chủ cho dân là giải pháp cho lãnh đạo

Thế thì lời khuyên cho các nhà lãnh đạo cộng sản là hãy trả lại quyền làm chủ cho người dân, thực hiện đoàn kết quốc gia trên nền tảng pháp luật chuẩn mực như những gì đảng cộng sản đã hứa hẹn với người dân. Cùng là đồng bào Việt Nam với nhau thì người dân cũng dễ tha thứ, bao dung hơn để cùng nhau đi tới, xây dựng lại đất nước có được “dân quyền hiện thực, pháp quyền chuẩn mực, chính quyền chính trực”.

Dựa vào dân thì thế và lực của lãnh đạo Việt Nam sẽ mạnh hơn rất nhiều là đi dựa vào các thế lực bên ngoài.

Còn nếu các nhà lãnh đạo cộng sản cứ cương quyết bám vào Trung Cộng để tồn tại thì số phận họ sẽ rất thê thảm vì Trung Cộng chẳng thương xót gì người dân Việt Nam, và càng khinh những kẻ bán nước như họ. Lịch sử không thiếu những bài học như thế này.

Đoàn kết với nhau một cách có tổ chức là giải pháp cho người dân

Trở lại với người dân Việt Nam, trong hoàn cảnh về tâm lý và tổ chức của đảng cộng sản cầm quyền đã rệu rã như vậy, nếu trong nước không thể hình thành các tổ chức chính trị, các chính đảng dân chủ chân chính, có tổ chức chặt chẽ thì sẽ rất khó để chế độ đảng trị bị lung lay.

Hãy nhớ lại vào cuối những năm 80, đầu những năm 90, kinh tế trong nước khó khăn do tham chiến ở Campuchia, siêu lạm phát, Liên Xô và Đông Âu sụp đổ không còn viện trợ, giới lãnh đạo đảng cộng sản khi đó rất lo sợ nhưng cuối cùng họ đã vượt qua được vì người dân Việt Nam khi đó đã không biết đứng cùng nhau tạo thành tổ chức để có sức mạnh.

Tôi nghĩ vẫn nên nhắc lại lời của Lênin, bậc thầy của người cộng sản: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên”. Theo đó, không có các tổ chức đảng dân chủ mạnh thì cuộc cải cách dân chủ sẽ không thể thành công.

Dĩ nhiên, làm sao để hình thành các tổ chức chính trị dân chủ lớn mạnh ở Việt Nam thì đó là câu hỏi mà các chính trị gia dân chủ ở Việt Nam phải trả lời và thực hiện. Và tôi biết đó là một con đường dài.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. * Ai cũng vì miếng cơm manh áo mà chấp nhận hèn mạt. Cho đến khi nô lệ hoàn toàn chắc cũng cúi đầu chịu nhục vì miếng cơm manh áo!

Comments are closed.