‘Dâng’ các tỉnh biên giới cho Trung Quốc?

Blog VOA

Lê Anh Hùng

20-11-2017

Trẻ em sắc tộc thiểu số tại Lào Cai. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên/ Vietnam/ VOA reader.

Việc các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới thăm viếng nước này nước nọ là hoạt động bình thường trong bang giao quốc tế, mà mục đích chủ yếu là nhằm kết nối tình hữu nghị hoặc thắt chặt quan hệ giữa các quốc gia.

Việt, Trung xoành xoạch qua lại

Nhìn chung, giữa các quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau, lâu lâu người ta lại chứng kiến một chuyến thăm của lãnh đạo nước này tới nước kia hay ngược lại. Chẳng hạn, mặc dù Hoa Kỳ và Hàn Quốc là hai quốc gia đồng minh gần gũi, nhưng chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới Hàn Quốc ngày 7/11 vừa rồi là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến xứ sở kim chi trong suốt 25 năm qua. Còn chuyến công du Hoa Kỳ trung tuần tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Justin Trudeau thì cách chuyến thăm gần nhất của lãnh đạo Canada sang quốc gia láng giềng gần hai thập niên.

Tuy nhiên, thông lệ trên lại không đúng với mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lãnh đạo hai quốc gia cộng sản này thường xuyên thăm viếng lẫn nhau, với tần suất có thể nói là “xoành xoạch”.

Điều này không phải là vì lãnh đạo Trung Quốc muốn cho người dân Việt Nam thấy họ thực sự yêu mến quốc gia láng giềng phương Nam, hay vì lãnh đạo Việt Nam cảm nhận được tình hữu nghị chân thành từ phía lãnh đạo cũng như nhân dân Trung Quốc và đáp lại tương xứng.

Động cơ quan trọng nhất ở đây thiếu cao cả nhưng lại thừa thiết thực: Bắc Kinh muốn thường xuyên giám sát để Hà Nội không đi ra ngoài quỹ đạo Đại Hán, còn Hà Nội thì vừa buộc phải “đáp lễ” vừa muốn bám vào Bắc Kinh để duy trì chế độ độc tài cộng sản tại Việt Nam.

Và sau mỗi cuộc thăm viếng như vậy, thứ “bảo bối” giúp thắt chặt “tình hữu nghị cộng sản” giữa hai nước chính là bản tuyên bố chung Việt – Trung cùng các thoả thuận hợp tác kèm theo.

Chuyến thăm thứ 2 của Tập Chủ tịch

“Đến hẹn lại lên”, sau chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng trung tuần tháng 1 và của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trung tuần tháng 5 năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10-13/11/2017. Đây là lần thứ hai họ Tập đến Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc, sau chuyến thăm lần đầu hai năm trước.

Và kết quả – hay chính xác hơn là mục đích – của chuyến thăm này là bản Tuyên bố chung Việt – Trung cùng 19 văn kiện hợp tác giữa hai bên.

Trong bản Tuyên bố chung dài đến 7 trang A4 ấy, từ “tăng cường” được lặp đi lặp lại tới 24 lần. Chừng đó đủ nói lên tinh thần xuyên suốt của cái văn kiện đóng vai trò “kim chỉ nam” cho mối quan hệ giữa hai quốc gia cộng sản: “Trói” chặt Hà Nội vào quỹ đạo Đại Hán!

Và đó là những nội dung mà bất kỳ người Việt nào quan tâm đến vận mệnh nước nhà cũng không khỏi âu lo: hết “tăng cường trao đổi chiến lược”, “tăng cường giao lưu kênh Đảng”, “tăng cường giao lưu hợp tác giữa các cơ quan trung ương hai Đảng và các tổ chức Đảng địa phương, đặc biệt là các tỉnh (khu) giáp biên”, lại đến “tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh” hay “tăng cường hơn nữa việc kết nối giữa doanh nghiệp hai nước”, v.v. và v.v.

Hợp tác đào tạo cán bộ “đặc sắc Trung Quốc”?

“Công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân.” Đó là điệp khúc mà người đứng đầu Đảng CSVN vẫn lặp đi lặp lại gần như mọi lúc mọi nơi.

Dĩ nhiên, trong các bản tuyên bố chung ký với lãnh đạo Trung Quốc, ngài TBT luôn đặc biệt chú trọng vấn đề cán bộ và hợp tác đào tạo cán bộ với phía “bạn”.

Trong bài “Ông Nguyễn Phú Trọng quyết tâm ‘Hán hoá’ đội ngũ lãnh đạo Việt Nam?” ngày 18/1/2017, tác giả đã chỉ ra rằng, dưới thời TBT Nguyễn Phú Trọng, việc hợp tác đào tạo cán bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã từng bước “tự diễn biến, tự chuyển hoá” từ những chỉ đạo chung chung, với mức độ ràng buộc thấp, đến các văn kiện hợp tác cụ thể, mang tính ràng buộc cao.

Hai bản tuyên bố chung Việt – Trung ngày 15/10/2011 và ngày 9/4/2015 chỉ nêu nội dung hợp tác đào tạo cán bộ một cách chung chung. Đến bản Tuyên bố chung ngày 5/11/2015, nội dung này đã trở thành “Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng CSVN và Đảng CSTQ giai đoạn 2016-2020”. Và cuối cùng là “Thoả thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao” trong bản Tuyên bố chung Việt – Trung ngày 14/1/2017 nhân chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 chỉ trong vòng 6 năm của TBT Nguyễn Phú Trọng.

Xin dẫn lại một đoạn từ bài viết trên về “quy trình đào tạo” mà các ông chủ Trung Nam Hải áp dụng cho cán bộ Việt Nam: “…Tuần đầu sang Trung Quốc, họ được đưa đi thăm thú các danh lam thắng cảnh trên đất nước Trung Quốc. Sau đó, người của Cục Tình báo Hoa Nam dưới những vỏ bọc khác nhau sẽ tham gia đào tạo họ. Ngày thì học tập, tối thì mỗi cán bộ Việt Nam ở một phòng VIP và có mỹ nữ phục vụ…”

Việt Nam thì đơn giản là không thể nào “đào tạo” cán bộ cho “bạn” được. Vậy nên, tuy gọi là “hợp tác” nhưng trên thực tế, thông qua những thoả thuận như thế, nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam đã trao vô số đồng chí của mình cho Trung Quốc “đào tạo” theo kiểu “giao trứng cho ác” hay “đem con bỏ chợ”. Về mặt con người, hành động đẩy người khác vào chỗ (buộc phải) phạm tội, dù với bất kỳ lý do gì đi nữa thì cũng là độc ác, bất nhân.

Và “chiến công” mới nhất của ngài TBT

Trong bản Tuyên bố chung do mà TBT Nguyễn Phú Trọng ký với Tập Cận Bình ngày 13/11 vừa qua, từ “cán bộ” xuất hiện 4 lần. Ba lần đầu là trong những chỉ đạo chung chung (“làm sâu sắc […] hợp tác đào tạo cán bộ kênh Đảng”; “thực hiện tốt kế hoạch đào tạo cán bộ” giữa hai Bộ Ngoại giao và “tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ” giữa hai Bộ Quốc phòng), thiếu sự ràng buộc cụ thể, nên người ta khó hình dung ra mức độ tai hại của chúng.

Vậy nhưng, khi từ “cán bộ” xuất hiện trong một văn kiện mang tính ràng buộc cao là “Thỏa thuận về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Khu ủy khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây” thì có lẽ bất kỳ người Việt nào chỉ với đôi chút hiểu biết về cái gọi là “hợp tác đào tạo cán bộ Việt – Trung” thôi là đã phải giật mình thon thót.

Không giật mình sao được khi vấn đề “then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân” của một loạt tỉnh biên giới được ngài Tổng Bí thư điềm nhiên trao vào tay những kẻ vẫn đang luôn lăm le nuốt chửng Việt Nam.

Không giật mình sao được khi, với tư cách đứng đầu “kênh đảng”, ông ta có thể trực tiếp chỉ đạo từng tỉnh uỷ nói trên để triển khai thực hiện thoả thuận hợp tác. (Trong các thoả thuận về hợp tác kinh tế, nếu không bị Bắc Kinh thao túng, người đứng đầu chính phủ Việt Nam vẫn có thể trì hoãn, thực hiện chiếu lệ, hoặc thậm chí là viện lý do hợp lý để không triển khai thực hiện thoả thuận đã ký với Trung Quốc.)

Trong số 7 tỉnh biên giới phía bắc, 5 tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng nhất là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Lào Cai. Vậy nên hẳn sẽ có người “thắc mắc”: Vì sao Lào Cai không nằm trong danh sách “hợp tác đào tạo cán bộ” nói trên? Xin thưa, trong bài “Lào Cai: ‘Tử huyệt’ của phòng tuyến biên giới phía bắc?” ngày 18/3/2014, chúng tôi đã cung cấp đầy đủ dữ liệu để độc giả thấy Lào Cai gần như đã trở thành một tỉnh Trung Quốc trên đất Việt Nam.

Hết “hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao” với Trung Quốc lại đến bắt tay với họ để “đào tạo cán bộ” cho một loạt tỉnh biên giới – chỉ riêng chừng đó thôi có lẽ cũng đã khiến ngài GS.TS chuyên ngành “xây dựng đảng” khó tìm ra “đối thủ xứng tầm” về những “chiến công” mà ngài lập được cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. 1 số bài trùng nhau ở những lo lắng về quá trình đúng quy trình giữa Việt Nam & Trung Quốc . 1 công đôi ba chuyện

    Chuyện Đảng Cộng Sản Việt Nam sợ chết và tìm mọi cách để kéo dài sự sống là bình thường . Chứng tỏ Đảng Cộng Sản dù đam mê lý tưởng cách mấy vẫn không thể chối bỏ phần người của mình được . Điều này là 1 điều tốt, cần khuyến khích . Vả lại có thể trách Đảng được không khi những trí thức như Nguyễn Trung, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Phước Tương Lai -dòng họ Nguyễn hãnh diện nhẩy!- … rồi những người (tưởng là) độc lập (hóa ra rất) tương đối như Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng & bác Bùi Tín cũng đã hơn 1 lần -more like rất nhiều lần- bày tỏ sự quan ngại về sự tồn vong của Đảng, nói trắng phớ ra là sợ Đảng chết, mà đưa ra những lời khuyên nếu Đảng làm theo còn chết lẹ hơn nữa theo lối tự sát . Chắc tại chính Đảng đào tạo ra họ nên so far, tới giờ Đảng bỏ ngoài tai những gì họ khuyên . Nhưng cũng phải công bằng mà cảm động trước tấm lòng của trí thức nhà mềnh đ/v Đảng .

    Đường đường là 1 đảng Cộng Sản (hồi trước còn) chân chính, họ còn biết cách nào nữa bây giờ ngoài dựa vào Trung Quốc ? Đúng, họ có thể tin dân mình vào lúc này . Nhưng như chính những trí thức nêu trên đã chỉ ra, lòng tin của dân đ/v Đảng càng ngày càng xuống dốc . Dân mềnh nó khác với trí thức, không nhiều, nhưng cũng đủ khác để niềm tin của dân đ/v Đảng càng ngày càng giảm . Cho tới 1 lúc nào đó liệu trí thức có đủ dũng cảm & miu trí để nghĩ ra cách cứu Đảng mà không bắt Đảng phải hara-kiri không ? Có trí thức nào có đủ trung nghĩa để trở thành Lê Lai hay không ? Đảng đào tạo ra họ nên có thể đã biết (quá) rõ câu trả lời .

    Vả lại 2 đảng Cộng Sản có 1 quan hệ phức tạp hơn nhiều . Có lẽ sắp tới lúc Đảng phải lựa chọn “giữa người ấy & dân, Đảng chọn ai”, và “chọn cả 2” không còn là “chiều hướng thứ 3” khả dĩ nữa . Tiện đây tớ phân tích lợi hại để khi tới lúc đó, tớ mong Đảng sẽ có sự lựa chọn xứng đáng. Đảng bây giờ là 1 cô gái không còn trẻ, nếu không muốn nói thẳng ra là 1 mụ Tú Bà đang đứng trước ngưỡng cửa không thể “lấy lỗ làm lời” được nữa . Tức là số khách hàng riêng đang có chiều hướng giảm, dù cũng huấn luyện được 1 số du côn ngôn ngữ chuyên làm nghề dắt mối trung thành . Nhưng “push comes to shove” những con thiêu thân cuối cùng cũng nhận ra bộ mặt thật của đám ma cô lẫn nhan sắc của cô -sắp trở thành bà- Tú nhà ta . Ngay cả những khách ngày xưa mê cô Tú như điếu đổ cũng biết tổ ong tổ bướm đầy 1 bụng cô -cho lịch sự- Tú . Nói văn vẻ, nếu thân thể người khác là 1 ngôi đền, thì của cô Tú bây giờ là Las Vegas sau ngày Tận Thế .

    Vì thế cô Tú nhà ta đành phải tính kế dài lâu . May quá, ngày xưa Bác Hồ chính chuyên 2 đại gia là Trung Quốc & Liên Xô . Bao nhiêu chuyện bể dâu, Bác Hồ chuyển qua từ trần, cô Tú trúng số được miền Nam, lơi là đạo đức & lâm cảnh đói, rồi đại gia Liên Xô phá sản, Trung Quốc thì mặt nặng mày nhẹ, cô “đổi mới” đi “làm ăn” với (tất cả) mọi người (khác). Cũng phải mừng cho cô rằng mặc dù đi làm ăn 10 phương, cô vẫn chừa phương Bắc . Rất nhiều người có vẻ không bằng lòng với quyết tâm xuất phát từ “tình cũ không rủ cũng tới”, càng ngày càng như thiêu đốt trong lòng, nhưng cô Tú phải nhận ra những người đó chỉ muốn lợi dụng cô, đòi hỏi hết điều này đến điều khác từ cô . Không thỏa mãn thì họ gào lên, không để cô yên. Còn Trung Quốc không cần biết đã có triệu triệu con ong đã từng thỏa thuê trong vườn hồng của cô, không cần biết quá khứ “lầm đường lạc lối” của cô, vẫn bàn tay rộng mở để đón cô Tú nạ giòng vào lòng .

    Tình yêu thật sự là 1 thứ hiếm trong cõi đời này, tớ chỉ mong cô Tú trân trọng nó .

    “chỉ riêng chừng đó thôi có lẽ cũng đã khiến ngài GS.TS chuyên ngành “xây dựng đảng” khó tìm ra “đối thủ xứng tầm” về những “chiến công” mà ngài lập được cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc”

    Nhận định này là 1 minh chứng rõ ràng nhất trí nhớ tập thể của dân càng ngày càng ngắn lại . Chắc ô Nguyễn Trung khỏi cần kêu gọi “khép lại quá khứ” làm gì cho mất công . Chỉ nhắc lại, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ là 1 trong những học trò xuất sắc . Tới bây giờ vẫn kêu gọi học tập tư tưởng thì có lẽ chưa có ông/bà học trò nào qua mặt được người Thầy lỗi lạc vĩ đại là Bác Hồ kính yêu của chúng ta .

    Bác Hồ mà sống lại sẽ khẽ mỉm cười “Trò trẻ con! Ngày xưa tao đem cả cố vấn & lính Trung Quốc sang, trường quân sự lẫn chính trị đều nằm ở bên Tàu mà chúng nó vẫn lấy làm vinh dự . Nguyễn Phú Trọng còn nhiều điều để học”.

Comments are closed.