Luận Văn, Trần Thị và Bảo Linh
16-11-2017
Đấy là nỗi bức xúc của người lao động (NLĐ) trong việc đề nghị giải quyết chính sách khi đã đến tuổi 67 xế chiều mà vẫn chưa được nghỉ chế độ hưu trí. Ông Nguyễn Minh Mẫn, trú ở thôn 16, xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, là một trong những ví dụ điển hình như thế, khiến dư luận xã hội bất bình, hoài nghi…
NLĐ và dư luận lên tiếng
Ông Mẫn và những NLĐ có tên trong “Danh sách đợi hưu” nói trên cho biết với những tài liệu, minh chứng cụ thể:
Do Công ty Nhiếp ảnh – Mỹ thuật làm ăn thua lỗ từ năm 1990-1995, không đủ điều kiện hoạt động nên đứng bên bờ vực của sự phá sản, đợi giải thể. Vì vậy, ngày 7/8/1997, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký Quyết định số 961/QĐ-UB “Giải thể DNNN: Công ty Nhiếp ảnh – Mỹ thuật tỉnh”.
Để giải quyết chính sách NLĐ, ngày 2/12/1997 Hội đồng UBND tỉnh gồm: các Trưởng đầu ngành trực thuộc, xét duyệt “Danh sách cho hưởng chế độ chờ hưu” đối với công nhân Công ty (tính đến ngày 3/10/1997): Ông Trần Quang Vượng xin nghỉ hưu non; Ông Nguyễn Hữu Hải (chuyển công tác); Ông Nguyễn Lưu Thông đi làm ăn xa; Còn lại ông Mẫn đợi tuổi nghỉ hưu (thời gian công tác 25 năm; Hệ số lương đơn vị cũ: 310; 1,72).
Tuy nhiên, ông Mẫn thắc mắc thời gian đóng BHXH 20 năm là chưa chính xác. Dù đơn vị làm thất lạc hồ sơ gốc, nhưng ông Mẫn đem ra các văn bản (thay quyết định) nói trên tại thời điểm hoàn cảnh lịch sử của tỉnh lúc đó đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí không có cán bộ Tổ chức. Tuy nhiên, ngoài các tài liệu nói trên thì Giám đốc Công ty Điện ảnh Quảng Bình, ông Mai Xuân Tuyến xác nhận (19/5/1997): “Tháng 10/1972, ông Mẫn được vào công tác tại Quốc doanh chiếu bóng Quảng Bình”. Ông Trần Minh Hộ (cán bộ hưu trí trú tại xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch) nguyên Đội trưởng đội chiếu bóng Bố Trạch xác nhận (19/10/2016): “ông Mẫn là công nhân chính thức của Quốc doanh chiếu bóng Quảng Bình từ ngày 15/10/1972 được điều về nhận công tác tại Đội chiếu bóng Bố Trạch do tôi phụ trách. Tôi cam đoan và chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Ông Nguyễn Xuân Đào, hưu trí tại phường Nam Lý, bà Trần Thị Mỹ Thực, hưu trí tại phường Hải Đình (TP Đồng Hới) đều xác nhận có cùng nội dung (chứng thực của UBND phường) .v.v…
Vấn đề này, trước đó ngày 20/8/2002 Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Bình (LĐTBXH) gửi: Bộ LĐTBXH; Bảo hiểm XH Việt Nam và BHXH tỉnh văn bản số 264/LĐTBXH-CS “V/v tính thời gian công tác để hưởng BHXH”: “Căn cứ Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ ban hành điều lệ BHXH; Căn cứ Công văn số 843/LĐTBXH ngày 25/3/1996 của Bộ LĐTBXH. Qua nghiên cứu hồ sơ và danh sách, Hội đồng giải thể của tỉnh xác nhận thì ông Mẫn có quá trình công tác từ tháng 10/1972 đến tháng 9/1975. Từ tháng 10/1995 Cơ quan không đóng BHXH ví lý do Cơ quan đợi giải thể 1997 và cá nhân được Sở cho đi học từ 1996 đến 2002. Thời gian công tác từ tháng 10/1972 đến tháng 9/1995 được tính BHXH là 23 năm. Sở LĐTBXH Quảng Bình kính đề nghị Bộ LĐTB-XH và BHXH Việt Nam tính thời gian công tác từ tháng 10/1972 đến tháng 9/1995 cho ông Nguyễn Minh Mẫn”.
Ý kiến cơ quan chức năng & cấp thẩm quyền
Ngày 21/9/2012 UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐTB-XH tỉnh tổ chức Hội nghị liên ngành để giải quyết chính sách NLĐ (họp mật, không mời nguyên đơn). Hội nghị thống nhất giải quyết BHXH, hưu trí đối với ông Mẫn. Cùng ngày, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh có các văn bản số 447/SVHTTDL-VP và số 788/SVHTTDL-TTr ngày 31/10/2013 xác nhận và đề nghị giải quyết chế độ BHXH cho ông Mẫn (chưa kể trước đó Sở cũng đã có hàng chục văn bản đề nghị giải quyết 23 năm đóng BHXH).
Ngày 7/6/2013, UBND tỉnh Quảng Bình tiếp có văn bản số 622/UBND-VX “Đề nghị Bộ giải quyết chế độ BHXH” có nội dung: “Ngày 11/10/2012, UBND tỉnh có công văn số 1258/UBND-VX đề nghị Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội giải quyết chế độ BHXH cho ông Mẫn. Ngày 29/1/2013 Bộ LĐTB-XH có công văn số 323/LĐTBXH-BHXH chưa nhất trí với lý do “Công ty Nhiếp ảnh Quảng Bình giải thể năm 1997, ông Mẫn nghỉ việc từ tháng 7/1994 mà không có lý do”. Ngày 6/5/2013 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình tiếp có Công văn số 293/SVHTTDL xác nhận thời gian: “Tháng 8/1994 đến tháng 7/1997 ông Mẫn có tên trong danh sách của Công ty, nhưng Công ty gặp khó khăn nên công nhân nói chung, trong đó có ông Mẫn phải tự túc tiền lương để sống. Do vậy, trong thời gian này Công ty không có tiền đóng BHXH. Để đảm bảo quyền lợi NLĐ, UBND tỉnh đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết chế độ BHXH cho ông Mẫn”.
Ngày 19/7/2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có Công văn số 2653/LĐTBXH-BHXH trả lời: “Theo báo cáo tại văn bản số 494/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 5/6/2013 của Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Bình thì căn cứ hồ sơ lưu trữ tại sở, ông Mẫn đã nghỉ việc và không có tên trong danh sách Công ty Nhiếp ảnh – Mỹ thuật tỉnh từ năm 1994. Do vậy, Bộ LĐTB-XH không đủ cơ sở xem xét, giải quyết chế độ”.
Bức xúc nội dung công văn số 494/SLĐTBXH tỉnh không chỉ rất mâu thuẫn và trái sự thật nói trên, ông Mẫn gửi đơn khiếu nại gay gắt. Qua xác minh, sau đó ngày 15/4/2014, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 2348/QĐ-SLĐTBXH công nhận ông Mẫn khiếu nại đúng. Điều 1: “Hủy bỏ nội dung trích dẫn công văn số 232/LĐTBXH-BHXH ngày 29/1/2013 của Bộ Lao động- TB và XH trong Công văn số 494/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 6/5/2013 của Sở Lao đông-TB và XH tỉnh Quảng Bình về việc trả lời sai chế độ đối với ông Mẫn…” là có cơ sở căn cứ.
Đùn đẩy, nhũng nhiễu gây khó NLĐ đến chết chăng?
Để thực hiện nội dung trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình có các văn bản số 326/SVHTTDL-TCCB ngày 13/5/2014; số 617/SVHTTDL-TCCB ngày 15/8/2014 (chưa kể hàng chục văn bản trước đó) xác nhận và đề nghị giải quyết chế độ BHXH cho ông Mẫn có thời gian như đã nói trên. Tuy nhiên, Sở LĐTB&XH tỉnh này lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cửa quyền, máy móc yêu cầu “Cơ quan chủ quản xác nhận phải “cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật”(!?). Ông Nguyễn Mậu Nam – Phó giám đốc sở VHTTDL cho rằng: “Tôi đã nhiều lần xác nhận và đề nghị dựa trên hồ sơ và các tài liệu hiện có của NLĐ chứ tuổi tôi nhỏ hơn thì tôi có công tác chiếu bóng lưu động thời năm 1972 với ông Mẫn đâu mà bảo tôi “phải cam kết”. Vậy, Sở LĐTBXH buộc phải “cam kết” thì tôi không làm”.
Như vậy, 2 bên không ai chịu ai chẳng khác gì như: “Hai con dê đều đi qua cầu”. Phải chăng muốn” hành” NLĐ đến chết? Việc này, nhiều lần ông Mẫn cũng kiến nghị UBND tỉnh thực hiện Điều 53 Luật khiếu nại 2011: “Người có thẩm quyền trước khi quyết định phải đối thoại với người khiếu nại để giải quyết” dứt điểm. Thế nhưng, NLĐ đợi mãi mà vẫn không có động thái tích cực. Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình có văn bản số 650/LĐLĐ ngày 1/12/2013 đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết BHXH cho ông Mẫn đúng theo quy định hiện hành để khỏi thiệt thòi quyền lợi chính đáng NLĐ khi đã quá 7 tuổi nghỉ hưu. Ông Đinh Minh Thử –Trưởng ban đại diện Hội NCT Quảng Bình cho rằng: “Vấn đề này báo chí cần tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng NLĐ nay đã quá tuổi nghỉ hưu (7 năm)”.
Sau những phản ứng gay gắt của dư luận, công luận đối với trách nhiệm nói trên, qua các lần họp trong năm 2016 ông Mẫn đã chứng minh và chất vấn, ông Nguyễn Văn Thanh – Chánh thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh trả lời: “Cái sai của người tham mưu công văn 494 nói trên Sở đã có QĐ công nhận và đã kiểm điểm cán bộ tham mưu sai”. Dư luận và NLĐ hỏi: Vậy, vì sao đến nay Sở LĐTB-XH tỉnh vẫn chưa có văn bản đề nghị Bộ LĐTBXH giải quyết BHXH cho NLĐ khi đã quá tuổi hưu? Câu hỏi này vẫn không có ai trả lời? Nghĩa là muốn để nhiêu khê, trì trệ đến khi NLĐ chết là hết?
Trên bảo, dưới không nghe?
Vấn đề này, ngày 27/6/2016 Bộ lao động, Thương binh và Xã hội có văn bản số 62/LĐTBXH-BHXH: “Đề nghị Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình xem xét giải quyết, trả lời thời gian công tác ông Mẫn theo quy định”. Ngày 18/9/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 9879/VPCP-V.I chuyển đơn đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết theo quy định. Ngày 21/9/2017, Bộ LĐTBXH tiếp có Công văn số 4905/CĐ-TTr gửi Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Bình để “giải quyết theo thẩm quyền, trả lời công dân và thông báo kết quả đến Văn phòng Chính phủ và Bộ LĐTB-XH”.
Ông Mẫn nhiều lần tiếp tục đến Sở này hỏi lý do vì sao để quá nhiêu khê trì trệ chưa giải quyết chính sách, có phải do… không “chạy”? Ông Đoàn Xuân Toản – tân Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh này lấy lý do vụ việc Sở bị khiếu nại, tố cáo quá nhiều (báo chí đã liên tục phản ánh) nên chưa có thời gian xem xét (!?) Ông Mẫn hỏi: Sở có cần cung cấp hồ sơ tài liệu nào nữa không? Ông Toản trả lời: “đã đầy đủ”.
Vậy mà nay, Sở LĐTBXH Quảng Bình có Văn bản số 1529/SLĐTBXH-TTr ngày 7/11/2017 trả lời áp đặt cho rằng: “Công văn số 68SVHTTDL-TCCB ngày 2/2/2016 gửi Sở LĐTBXH, số 403/SVHTTDL-TTr ngày 31/5/2016 gửi cho ông Mẫn tiếp tục khẳng định: Không có cơ sở pháp lý để làm căn cứ xác nhận thời gian” (!?) Ông Mẫn phản đối quyết liệt: “đến nay tôi chưa hề nhận được văn bản trả lời ngược như thế. Phải chăng là “Tài liệu Mật”?
Dư luận và ông Mẫn chất vấn: Vì sao Văn bản trả lời số 1529/SLĐTBXH-TTr của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình né tránh, không đề cập đến “Danh sách đợi nghỉ hưu”, được Hội đồng UBND tỉnh duyệt năm 1997; Văn bản xác nhận đề nghị của Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình số 264; Văn bản số 225/HĐGT-SVHTT ngày 13/8/2003 “Thông báo” nếu công nhân nào không muốn đợi tuổi hưu thì đến nhận tiền chế độ một lần (ông Mẫn đợi tuổi hưu) và hàng chục văn bản Sở VHTT-DL Quảng Bình xác nhận, đề nghị từ năm 2014 trở về trước… Sở LĐTBXH phớt lờ, bỏ qua, nghĩa là sao? Sở LĐTBXH tỉnh này không trả lời. Phải chăng thích thì “giải quyết, không thì dẹp đi”, trên bảo dưới không nghe, “Đất có thổ công, sông có hà bá”?
Dư luận xã hội và ông Mẫn kịch liệt phản đối văn bản số 1529, bởi Sở LĐTBXH Quảng Bình có dấu hiệu khuất tất, tiêu cực, nhiêu khê, gây khó NLĐ khi đã quá tuổi nghỉ hưu, có lẽ do không “chạy” chăng? Việc để tồn đọng BHXH, hưu trí của ông Mẫn hiện vẫn đang “dẫm chân tại chỗ”. Trên bảo, dưới cứ đùn đi, đẩy lại cho nhau rồi “thả lỳ”, trì trệ kéo dài năm này qua năm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính sách NLĐ 23 năm đóng BHXH. Tình trạng này không ít trường hợp khi NLĐ vừa nhận được sổ hưu thì đã là quá muộn (chết là hết). Có cán bộ phải thốt lên: “Đời các Giám đốc trước ký văn bản thì đã nghỉ hưu, nay Sếp mới kế nhiệm lên thì làm theo cách riêng của họ tính lợi nhuận. Cơ chế thị trường hiện nay phải chạy bằng phong bao, dù công nhân đòi quyền lợi chính đáng”. NLĐ và ông Mẫn than phiền, bức xúc: “Đòi quyền lợi chính đáng của mình mà phải tiêu cực, chạy…thì hết chỗ nói”.
Thay lời kết
Dư luận, NCT, NLĐ kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hữu hiệu UBND tỉnh và Giám đốc Sở LĐTBXH phải có trách nhiệm giải quyết dứt điểm BHXH, hưu trí cho ông Nguyễn Minh Mẫn theo đúng quy định chính sách hiện hành của nhà nước, mà Hội đồng của UBND tỉnh đã duyệt; Giám đốc Sở Lao động, Thương binh – Xã hội tỉnh Quảng Bình đề nghị tại Văn bản số 264 và hàng chục tài liệu khác của Sở VHTTDL nói trên đã xác nhận nhiều lần. Chớ làm thui chột đến niềm tin của cán bộ, quần chúng nhân dân Quảng Bình.
Chúng tôi tiếp tục thông tin vấn đề này đến bạn đọc.
Bài, ảnh: Luận Văn, Trần Thị và Bảo Linh
Quảng bình là đất có truyền thống cách mạng kiên cường, thôi thì QB cũng nên theo cả nước đang giải quyết lương hưu bằng cách gả con gái cho nước ngoài . Mà nhớ có gả thì gả về phía tư bẩn thù địch, tệ lắm cũng phải là Đài Loan, Nam Hàn … Gả con cho mấy nước xã hội chủ nghĩa hối hận không kịp đấy .