Trump đến châu Á: bàn thương mại, quên nhân quyền

BBC

Jonathan Head, phóng viên khu vực Đông Nam Á, viết từ Manila

15-11-2017

Mối bận tâm lớn nhất của ông Trump trong chuyến thăm châu Á của ông là thương mại, không phải nhân quyền. Ảnh: EPA

Khi một vị tổng thống tự mãn cho rằng ông ta có thể bắn bất kỳ người nào ở giữa trung tâm New York mà vẫn được bầu làm Tổng thống gặp một vị tổng thống khác, tự hào không kém vì chiến dịch đẫm máu nhưng vẫn được yêu mến, bạn biết là chẳng thể mong đợi gì nhiều về nhân quyền.

Và điều này đã được chứng minh trong cuộc hội đàm rất được mong đợi giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Trong hơn một năm rưỡi qua, hàng ngàn người – con số thực tế quá khó để kiểm chứng – đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma tuý của Tổng thống Duterte, nhiều trong số đó là trẻ em, nhiều trong số chỉ có chút bằng chứng mỏng manh về một mối liên hệ nào đó với việc mua bán ma túy.

Họ đã bị giết bởi cảnh sát, vốn được cho là đã bắn tự vệ phản kháng, nhưng sự giống nhau y đúc giữa các vụ giết hại bởi cảnh sát ám thị nhiều vụ hành hình không qua xét xử.

Họ đã bị giết bởi những tay súng đeo mặt nạ, một số người có liên quan đến cảnh sát, hoặc có thể là sĩ quan cảnh sát mặc thường phục. Đây là một thảm hoạ nhân quyền, nhưng một thảm họa Tổng thống Duterte cho là cần thiết để giải quyết tệ nạn ma túy ở Philippines.

Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có những lời chỉ trích nhẹ nhàng về những vụ giết người vào năm ngoái, ông Duterte gọi vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ là “con trai của một con điếm”.

Vị tổng thống Philippines nóng tính cảnh cáo ông cũng sẽ phát ngôn như thế nếu như Tổng thống Trump cũng đặt vấn đề. Nhưng ông ta không cần phải lo lắng.

Tình trạng nhân quyền và dân chủ ở Đông Nam Á đang bị đẩy lùi một cách chưa từng thấy kể từ thập niên 70. Ảnh: Reuters

Theo người phát ngôn của Duterte, ông Trump đã chẳng hề đề cập tới chủ đề về nhân quyền – và nó đã được nêu trong bản tuyên bố chung một cách mơ hồ gần như là vô nghĩa.

Điều tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc và Việt Nam, ở hai nước nơi những nhà bất đồng chính kiến bị sách nhiễu, bị bắt và bị bỏ tù lâu năm.

Một blogger Việt Nam, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một bà mẹ đơn thân được biết đến với cái tên “Mẹ Nấm”, đã được Đệ nhất Phu nhân Melania Trump trao tặng giải thưởng hồi tháng Ba.

Ba tháng sau, một tòa án Việt Nam kết án bà 10 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Không có bằng chứng nào cho thấy Tổng thống Trump thậm chí đề cập đến trường hợp của bà Quỳnh với nước chủ nhà trong chuyến đi Việt Nam của ông.

Trong khi ở Manila, ông Trump chụp một tấm ảnh, mỉm cười giơ ngón cái, cùng với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người không chỉ đang giam giữ các chính trị gia và tiêu diệt đảng đối lập chính mà còn trục xuất Viện Dân chủ Quốc gia do chính phủ Hoa Kỳ hậu thuẫn và buộc tội Hoa Kỳ ủng hộ một âm mưu lật đổ ông.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Campuchia nói lời cáo buộc “vô lý” và “không có bằng chứng quan trọng hoặc đáng tin cậy nào”. Không rõ liệu ông Trump có biết điều này, hay có quan tâm không, khi ông chụp ảnh với lãnh đạo Campuchia.

Ở khắp Đông Nam Á, từ Thái Lan, hiện đang trải qua năm thứ tư dưới sự cai trị của quân đội, và nơi các nhà phê bình về chế độ quân chủ bị kết án nhiều thập kỷ trong tù, cho đến Malaysia, nơi những người dám nói lên vụ bê bối tham nhũng 1MDB có thể bị truy tố dưới một loạt các luật lệ đàn áp, nền dân chủ và nhân quyền đang bị đẩy lùi lại một cách chưa từng thấy kể từ thập niên 70.

Tuy nhiên, mối quan tâm chính của ông Trump nằm ở thương mại chứ không phải các giá trị. Trong bài phát biểu của ông ở thủ đô Manila, ông Trump nói chuyện về việc Việt Nam mua chiếc máy bay Boeing trị giá 12 tỷ đôla và thành công trong việc ấn định mối quan hệ với Philippines, nơi mà ông mô tả là “mảnh đất bất động sản lý tưởng nhất trên góc nhìn quân sự”.

Một quan chức Mỹ, khi được hỏi bởi một đồng nghiệp về lý do tại sao Tổng thống Trump không nói về nhân quyền, đã hỏi ngược lại là tại sao các nước khác trong khu vực, như Nhật Bản, không làm điều đó.

Nhưng Nhật Bản luôn tránh xuất hiện theo hướng thù địch trong chính sách đối ngoại của Tokyo, thích sử dụng ngôn ngữ nhạt nhẽo và viện trợ quốc tế hào phóng.

Chính phủ Hoa Kỳ, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vẫn luôn cầm ngọn đuốc dân chủ và nhân quyền trong khu vực, không chỉ nhắc nhở các chính phủ về trách nhiệm phải tuân theo các điều lệ của Liên Hiệp Quốc mà còn tài trợ, đào tạo và khuyến khích các tổ chức phi chính phủ và các chính trị gia phe đối lập đang cố gắng kiềm cặp các chính phủ khu vực.

“Bảo vệ quyền con người ở khu vực Đông Nam Á luôn là về ngăn cản giới lãnh đạo chính phủ thực hiện các cuộc đàn áp đối với các chính trị gia phe đối lập, các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động vì cộng đồng, những người cản đường giới cầm quyền đạt quyền lực tuyệt đối và và giới tài phiệt thân cận “, Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ban Châu Á nói.

“Việc Tổng thống Trump từ bỏ quyền con người là tâm điểm tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này đã để lại một lỗ hổng lớn,” ông Robertson nói thêm.

Cuộc khủng hoảng Rohingya

Với việc Hoa Kỳ không nhắc gì, thì Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thay thế bằng việc nêu ra vấn đề giết người bất hợp pháp ở Philippines, và việc trục xuất hàng loạt Rohingya từ bang Rakhine ở Myanmar.

Mối ưu tư về các vấn đề nhân quyền cũng bị dập tắt vì nguyên tắc không can thiệp nội bộ của nhau trong khối ASEAN. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres, cũng nhấn mạnh cái mà ông gọi là “thảm kịch kéo dài” của người Rohingya bị bỏ lại và đề nghị giúp tăng cường Ủy ban Liên Chính phủ về Nhân quyền của ASEAN, AICHR. Nhưng tiếng nói của cả hai tổ chức đều không có tiếng vang như tổng thống Hoa Kỳ.

AICHR được thành lập vào năm 2009, nhưng chỉ là một cơ quan tư vấn, và các thành viên của nó là những người được chính phủ bổ nhiệm.

Sau đó là Tuyên bố Nhân quyền của ASEAN lần thứ nhất vào năm 2012. Tuy nhiên, bước tiến lịch sử này đã bị các nhà hoạt động bỏ qua vì cho nó rằng nó không hiệu quả và yếu kém do thực tế là nó không bắt buộc các bên ký kết, không giống với Công ước Châu Âu về Nhân quyền, và danh sách các quyền cá nhân phải được cân bằng với nghĩa vụ đối với cộng đồng và xã hội.

Nó được soạn thảo mà không có sự tư vấn nào với 600 triệu người sống ở các nước ASEAN.

Giải quyết các vấn đề nhân quyền cũng bị cản trở bởi nguyên tắc thiêng liêng của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tổng thống Duterte và những người ủng hộ ông khẳng định những vụ giết hại trong chiến dịch chống ma túy của ông chỉ là vấn đề đối với người Philippines, và không của ai khác.

Thời điểm đáng lo ngại

Chính phủ Myanmar đã dùng những lý lẽ trên để biện minh cho hành động của các lực lượng an ninh tại Rakhine, mặc dù sự hiện diện của 600.000 Rohingyas ở Bangladesh khiến nó trở thành một vấn đề xuyên quốc gia.

Đối với hàng trăm tổ chức phi chính phủ và các nhóm xã hội dân sự ở Đông Nam Á, vốn đã quen với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, đây là những thời điểm đáng lo ngại.

Chính phủ của họ trở nên bạo dạn hơn, có lẽ bởi các tuyên bố của Tổng thống Trump rằng ông chỉ quan tâm đến những gì có lợi cho Hoa Kỳ, hoặc có lẽ bởi sự gia tăng ổn định của Trung Quốc, một quốc gia vốn không quan tâm đến việc thúc đẩy nhân quyền, hoặc có lẽ do sự sụp đổ của niềm tin vào các giá trị phương Tây nói chung, sau Chiến tranh Iraq thảm khốc, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và tính hợp pháp đang xói mòn của mô hình dân chủ phương Tây.

Giả định rằng các nước trong khu vực này chắc chắn sẽ hướng tới một nền chính trị dân chủ và bảo vệ quyền dân sự cao hơn không còn nữa.

Bình Luận từ Facebook