Vỹ thanh sau bài viết: Từ nhà mượn, cho thuê… đến mất nhà

FB Nguyễn Trung Dân

14-11-2017

Tiếp theo bài: Từ nhà mượn, cho thuê đến hiến tặng… và mất nhà!

Sau khi đăng bài viết trên, tôi nhận được nhiều comment, đa số đều lên án việc dối trá, lừa lọc của bên thắng trận để cướp, chiếm đoạt tài sản của Dân. Đúng vậy, nhưng không đúng với suy nghĩ và mong muốn của tôi khi nói lại câu chuyện này! Chuyện mất nhà, lấy lại được không là chuyện nhỏ của một vài người nhưng điều đáng nói là chúng ta đang có quan chức như thế nào mới là chuyện phải luận bàn.

Chưa có một bình luận nào chú ý đến chuyện tôi nói là nhờ có cái ông quan nhỏ thôi, PCT thành phố Đà Nẵng, vào lúc ấy Đà Nẵng chỉ nhỏ như cấp huyện của tỉnh QNĐN lại có quyền và có thể trả lại cho gia đình tôi một nữa căn nhà trường hát. Trước đó, có hơn 20 năm, Ba tôi đã đi đủ cấp, từ trung ương đến địa phương, gặp đủ loại lãnh đạo, cuối cùng cũng đá qua, đá lại… Thậm chí có văn bản Quốc hội khẳng định Chính quyền địa phương cần xem xét lại để trả…

Ông Phó Chủ tịch ấy đâu có nhiều quyền và có lẽ việc cũng không đến mức phải có quá nhiều nơi can thiệp mà kết quả chỉ là “đuổi gà qua đám giỗ”, chẳng nên chuyện gì! Nó nói lên là chúng ta quen đổ thừa cho thể chế, cơ chế mà không thấy có trách nhiệm con người! Khi thể chế chỉ là xin cho, ngọt nhạt, dối trên, lừa dưới thì con người ở đâu trong thể chế ấy; để hành xử với Dân đúng tư cách làm người của những ông quan ấy?

Chuyện nhà ông bà Trịnh Văn Bô là chuyện lớn hơn, nhưng lớn đến mức những người can thiệp là “hết cỡ “của đất nước rồi mà vẫn không giải quyết được thì phải nghĩ sao về những con người ấy? Đến mức chỉ có cách “cướp lại” với bom xăng thì bà cụ Hồ mới được vui lòng nhắm mắt trong ngôi nhà ấy! Không ai trả, trao tay lại cho Cụ cái họ đã mượn công khai, vui vẻ! Đạo nghĩa nào trong những con người ấy để họ hành xử với Dân như vậy? Vẫn là sự việc tương tự nhau, nhưng sao ông quan nhỏ lại có thể giải quyết rất người, còn các vị quan to lại chỉ nấp vào cơ chế, nghị quyết… để phủ định sự thật, quên đi nghĩa tình nhân dân. Vai trò cá nhân là ở chổ ấy!

Không phải từ đầu đi làm cách mạng, người cộng sản hay không cộng sản đều mong giành được độc lập, tự do để xây dựng một đất nước phồn vinh, một xã hội công bằng văn minh cho con người và vì con người hay sao? Nhưng sao càng thành công, càng phát triển thì con người trong thể chế ấy lại càng thiếu nghĩa tình, lại dối trá, đáng sợ như vậy. Vẫn là câu hỏi để thấy chúng ta có thành công không khi xây dựng con người mới XHCN như vẫn thường tự hào! Có lúc nào các vị đối diện với lương tâm, với nhân dân để thử thành thật một lần nhìn ra cái thể chế ấy, cái cơ chế vận hành ấy đã hư hỏng quá mức, để có thể sản sinh ra những con người trung thực, con người trách nhiệm với việc mình làm mà lo sợ cho mình, cho người khác, cho đất nước đang đi về đâu với loại con (thiếu) người ấy!

Đã đành thể chế nào sinh ra con người ấy, nhưng con người lại không phải là một sản phẩm công nghiệp để từng ấy vật liệu, từng ấy thời gian thì sẽ sản sinh ra như cái bát, cái ly. Hay lớn hơn là cái máy, cái xe để nó chỉ biết tuân hành thể chế, các nghị quyết, các điều càn rỡ, xấu xa được biến thành Luật, thành quy định, quy chế áp dụng cho xã hội, cho con người. Là con người họ có đầy đủ tri thức, đầy đủ chọn lựa để làm gì và không làm gì, chứ không phải họ giữ riêng trong lòng sự đúng sai, còn thể hiện ra bên ngoài là những đồng tình với điều ác, điều bất nghĩa, bất nhân để hành xử công vụ, đối xử với nhân dân như vậy. Cá nhân phải có vai trò, có gương mặt trong cơ chế ấy chứ?

Vậy mà chúng ta chỉ thấy trách nhiệm tập thể luôn là quyết định trong mọi hành xử để cuối cùng bao nhiêu đổ vỡ, bao nhiêu điều ác, không đúng hay chưa đúng đều mang gương mặt tập thể. Chính vì không có vai trò cá nhân thì trách nhiệm là của cả làng Vũ Đại, không là của riêng ai để an toàn thăng tiến. Mà như vậy là có nghĩa huề cả làng, không ai phải bị tội hay lỗi do sai lầm tập thể. Trong cơ chế ấy, những người như Kim Ngọc, như Nguyễn Bá Thanh… đã nỗi trội hẳn lên với trách nhiệm cá nhân của mình và đã được nhân dân yêu mến.

Cho dù ngày nay có khá nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí nói lại một cách tệ hại xấu xa đối với hình ảnh, việc làm của anh Bá Thanh, nhưng không ai có thể phủ định được thành công phát triển của Đà Nẵng hôm nay lại không gắn liền với vai trò cá nhân của anh Bá Thanh! Con người bao gồm cả phần xấu tốt, cả việc làm đúng, làm hỏng, sai trái… nhưng xã hội luôn tôn trọng những người biết chịu trách nhiệm cá nhân, nhất là những quan chức mà hành xử của họ đều có ảnh hưởng liên quan đến xã hội, đến đất nước, dân tộc.

Khi chỉ ca ngợi “làm chủ tập thể” bỏ đi hay cố xoá vai trò cá nhân đã dạy cho người làm quan sự khôn lỏi, dối trá trong quan hệ, trong ứng xử, để đồng thuận một cách giả tạo và đã hình thành mối quan hệ quan trường chỉ vì điều lợi cho mình, cho tập thể nhóm của mình mà mặc kệ xã hội, mặc kệ những ai có liên quan, ảnh hưởng đến quyết định tập thể mà họ đã tham gia!

Không có vai trò cá nhân sẽ không có con người (tình người) trong cái cơ chế ấy. Và bạn cứ thử nghĩ xem một cơ chế, lớn hơn là một thể chế không thấy bóng dáng con người thì nó sẽ ra sao?

Bình Luận từ Facebook