13-11-2017
Gia đình tôi có một ngôi nhà, từ đời ông cố tôi xây dựng, những người có gốc gác lâu đời ở Đà Nẵng có lẽ đều biết, trên đường Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng có một rạp hát cổ tên Xuân Quang. Đó là tên của ông cố nội tôi, người đã làm ăn lương thiện, bòn mua từng miếng đất ghép thành thửa đất khá rộng lớn, thoạt đầu với hơn 3000 m2. Ông đã xây ở đây hai ngôi nhà, một làm rạp hát cho các đoàn hát bội làm trú sở, biểu diễn lâu dài; và một làm nhà ở, là ngôi nhà chúng tôi đang ở hiện tại vẫn còn.
Có thể nói đây là một rạp hát bội lâu đời, như song sinh với rạp hát Hoà Bình đường Phan Châu Trinh (nay là nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), từ hình thức bên ngoài cho đến nuôi dưỡng các đoàn hát qua đây biểu diễn sau những lấm láp ở đình, ở chợ…. Ông cố tôi, rồi ông nội tôi… đã từng nuôi nhiều đoàn hát bội lớn như Ý Hiệp Miền Trung, Tuý Nguyệt (cải lương)… Nhiều đào kép nỗi tiếng thời ấy đã từng hát, trú ngụ khá lâu nơi đây như bà Nguyễn Thị Liễu, kép Nguyễn Phẩm, Đội Tảo, Sáu Lai…
Ngày còn bé, cuộc sống những đào kép hát này thật hấp dẫn tôi, có lẽ vì tâm hồn vui sống, yêu đời ở họ. Ngày thường, đời thường tôi vẫn thấy họ vất vả, có khi lầm than. Cuộc sống thì lộn xộn, trai gái bừa bãi mà ông nội tôi vẫn thường la mắng. Nhưng khi đêm đến, màn nhung buông xuống, tiếng trống chầu gõ nhịp nhặt, khoan, họ bỗng biến thành những con người khác, những anh hùng, liệt nữ lẫm liệt oai phong. Những vở tuồng như San Hậu, Tiết Đinh San với Phàn Lê Huê, Chung Vô Diệm, người xấu mà cực kỳ tài giỏi, đạo nghĩa… hay Tam cố thảo lư nói chuyện Lưu Bị cầu hiền (Khổng Minh)… Tuồng ta thì có Mê Linh khởi nghĩa, khi thấy Hai Bà Trưng tuẩn tiết ở Hát giang mà nước mắt ròng ròng hay Lam Sơn tụ nghĩa…
Cái trường hát ấy (gia đình tôi vẫn thường gọi như vậy) gắn bó máu thịt với từng thành viên của một dòng họ mà đến đời tôi, con tôi đã có trên trăm người sống trên mãnh đất cha ông đã gầy dựng và luôn thấm nhuần đạo lý hằng đêm đã dạy mình:
“Trai thì Trung Chính làm đầu,
Gái thời Đức Hạnh làm câu trau mình…”
Mưa dầm thấm lâu, có lẽ tác dụng giáo dục không chỉ là đến trường, mà nó còn dạy tôi đạo nghĩa làm người ở từng đêm hát, từng vỡ diễn và cuộc sống lạc quan, vui sống của từng người trong các đoàn hát, từ đào kép hát đến anh kéo màn, người thu dọn đồ đạc sau mỗi buổi diễn. Lâu dần, tôi cũng như họ, còn bé nhưng cứ chờ cho đến tiếng trống chầu chấm dứt đêm diễn, sau hồi trống dài là tiếng lắc cắc nhặt dần rồi kết thì mới yên tâm đêm ngủ. Vì vậy trường hát này với tôi, và có lẽ nhiều người khác trong dòng họ tôi, nó không chỉ là một ngôi nhà mà còn là tâm hồn mình gởi gắm đâu đó, cho dù sau này, hát bội, cải lương đều thoái trào, khó khăn ở miền Nam (trước 1975), các gánh hát tan rã, Ba tôi đành để nguyên trạng trường hát để ngăn lại thành nhà cho thuê hay làm kho chứa hàng.
Chừng hai năm trước khi đất nước thống nhất (năm 1975), Ba tôi lúc ấy đã làm xuất nhập khẩu 18 ngành, trong đó có xuất gạo Việt đi, mua lại gạo Thái, Mỹ về bán, nên sử dụng trường hát này làm kho chứa gạo, các loại hàng hoá XNK. Cũng thật thương Ba tôi và các đồng chí ông lúc bấy giờ, làm ăn phơi phới theo đà phát triển của Miền Nam lúc ấy, nhưng tấm lòng chỉ nghĩ đến phải đuổi Mỹ, phải tiến hành làm Cách mạng cho đất nước phồn vinh, nhân dân no ấm, tự do. Hào quang kháng chiến thắng Pháp của chín năm ấy đã xây dựng nên những hiểu biết, lý tưởng… trên những thông tin giả nên không ngại ngần gánh chịu tù đày, hiến dâng cả cuộc đời mình, gia đình mình, mong ngày độc lập đất nước, nhân dân tự do làm ăn sinh sống… Nên sá gì đến một ngôi trường hát của cha ông để lại (mà Ba tôi thay mặt dòng họ quản lý)!
Ngày 29/3/1975, quân Việt Cộng tiến vào Đà Nẵng, trong kho còn chứa hơn trăm tấn gạo thì đến ngày 2-3/4 các đồng chí của ông từ núi xuống, miền Bắc vào, đã đến nhà vui vẻ động viên Ba, mẹ tôi giúp cho số gạo để có cái ăn ngay cho UB quân quản và các “đồng chí” chưa kịp sắp xếp ăn ở! Trong sự hoan hỉ hoà bình, chiến thắng… lòng người phơi phới, nên Ba tôi không ngần ngại gì, sẵn lòng cho số gạo còn trong kho và luôn đó cho mượn kho (là nhà hát cũ).
Đích thân bạn ông, đồng chí của ông từ trong chiến đấu là ông Phan Văn Nghệ (sau này đã lên đến Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng hoặc Chủ Tịch UBND Đà Nẵng – đầy quyền lục) đã đứng ra ký giấy mượn nhà (Rạp hát Xuân Quang) và hứa sẽ trả lại trong thời gian sớm nhất khi Cách mạng đã sắp xếp được kho tàng chứa mọi thứ!
Tờ giấy mượn, chữ ký nhân danh a, b, c, d… chẳng có giá trị gì hơn mảnh giấy lộn. Bởi nó không có trong đó sự trung chính cần thiết – mượn phải trả – như một lẽ thường; nó không có trong đó nghĩa tình nhân dân từng giúp đỡ Cách mạng lúc khó khăn; nhưng trên hết, nó chỉ là sự dối trá cho được việc mà sau này còn gán ghép cho nó những định nghĩa khác, rất xấu, rất nguy hiểm vào thời điểm ấy. Đó là thành phần tư sản cần phải cải tạo. Cái từ ngữ và định nghĩa theo nó lúc bấy giờ là án treo, (hay án có thể thi hành ngay) thì bây giờ lại là mơ ước của các đại gia tư sản đỏ luôn muốn được khoác mình ở đẳng cấp thượng lưu. Ăn ở, làm việc trong những toà nhà, căn hộ như Âu châu, hay Singapore…
Trong nhiều thứ giấy tờ mà Ba tôi để lại cho tôi (thừa kế) còn có mảnh giấy mượn lúc ấy, và rất nhiều giấy xác nhận của nhiều thời kỳ về việc mượn kho hàng này của nhiều người từ ông GĐ Sở Thương nghiệp, Cty Kim khí điện máy đến các ông Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh QNĐN, thành phố Đà Nẵng… Nó được chuyển đi, chuyển lại qua nhiều nơi từ văn phòng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị thanh tra trung ương đến địa phương để hòng mong xin lại cái nhà mình đã hoan hỉ cho mượn! Cuối cùng nó cũng được xem là đã hiến tặng cho cuộc cải tạo công thương nghiệp mà Chính quyền cách mạng đã tiến hành trong “ba dòng thác Cách mạng” ấy, hòng cho đất nước nhanh chóng tiến lên XHCN với những con người vô sản giả tạo ấy!
Chuyện là thế này, vào khoảng năm 1979, 1980 gì đó, Đoàn cải tạo công thương nghiệp đã mời Ba tôi lên, yêu cầu phải ký giấy hiến tặng cái trường hát của cha ông để lại ấy, hoặc sẽ bị ghép vào thành phần tư sản phải bị cải tạo. Họ hé mở cho thấy cải tạo là phải đưa cả gia đình đi vùng kinh tế mới, là phải bị tịch thu ngay cả ngôi nhà đang ở, con cái và bản thân Ba tôi sẽ bị đình chỉ công tác, bởi ghép vào thành phần tư sản… Trước sự việc như vậy, bạn có ký hay không? Cho nên tôi rất thông hiểu được gia đình ông Trịnh Văn Bô đã có giấy hiến nhà vào lúc ấy. Bởi lòng vả cũng như lòng sung, khi đã chán chê với mọi thứ thì ký hay không, có ý nghĩa gì. Cho dù nói cho đúng luật pháp hôm nay là Ba tôi không có quyền gì hiến tặng cái không phải của riêng ông ta. Nó là của cả dòng họ mà Ba tôi được giao quyền quản lý mà thôi. Quyền hiến tặng phải được đến cả trăm người trong họ chứ sao riêng mình Ba tôi có thể gánh vác? Nhưng Cách mạng nói được làm được, cho dù là nói sai. Vì vậy, giấy tờ hiến tặng vẫn còn lưu trong hồ sơ về ngôi trường hát này.
Nhưng đến đây, chuyện vẫn chưa đủ cung bậc bi hài! Những năm sau đó, có lẽ sau đổi mới Nguyễn Văn Linh, có người, hay vài người tử tế trong chính quyền QNĐN lúc ấy xem xét lại và cho rằng, ngôi nhà này không đúng thành phần cải tạo nên có văn bản buộc đơn vị đang sử dụng là Công ty Kim Khí Điện máy QNĐN phải tính trả tiền thuê hàng tháng cho gia đình tôi, cụ thể là cho Ba tôi. Làm hợp đồng cho thuê hẳn hoi, giá thì như cho không nhưng được cái là xác định không phải thành phần tư sản bị đấu tố, thu nhà…
Và như vậy gieo thêm cho Ba tôi niềm hy vọng đòi lại trường hát này. Và ông lại tiếp tục con đường khổ ải đi xin lại chính cái của mình đã cho mượn. Tôi đồ rằng, nếu không có sự bức bách của những người trong dòng họ, quy trách nhiệm về việc mất nhà của cha ông “là tội của anh Năm” – họ vẫn nói về cha tôi như thế – thì ông đã vứt mẹ nó cho xong. Bởi bạn có thể hình dung được nỗi nhục nhã khi đến các cửa công để đòi hỏi (thực ra để xin lại cái của mình) và cứ kéo dài thăm thẳm. Rồi dần dà phát sinh các loại Cò. Cò đơn trương, cò nhà đất, cò ăn chia khi đòi được, cò quen biết ông này, ông kia… mà mỗi loại cò đều như đỉa đeo bám, hút máu đến kiệt sức trong đường dài vô tận đầy hứa hẹn.
Về việc thuê trường hát này của Công Ty KKĐM, theo tôi biết là họ trả tiền đâu vài năm, bọn lãnh đạo Cty này thay vì làm kho thì bố trí thành nhà ở cho CBCNV mà chủ yếu là các “đồng chí lãnh đạo”. Và sau đó họ liên hệ Sở Nhà Đất (lúc ấy) để lôi ra tờ hiến tặng nhà lúc cải tạo công thương nghiệp, và từ đó họ xem như của nhà nước cấp cho họ, đương nhiên ở, mua bán qua lại với nhau!
Thời may, nhờ làm báo, tôi được quen biết anh PCT thành phố Đà Nẵng (nhỏ) là anh Trần Hoàng Hoanh. Tôi cũng không muốn nói đến anh vì nhiều điều tế nhị nhưng để đúng sự thật nên đành phải nại anh ra. Vậy là chừng năm 1994, 95 gì đó, anh nghe tôi nói chuyện cái trường hát và tự anh đi tìm hiểu, họp hành, thuyết phục đâu đó, cuối cùng gọi tôi đến anh nói: (đại ý) anh cũng cố hết sức rồi, làm đủ mọi cách và bây giờ chỉ có thể trả lại cho gia đình tôi một nửa (1/2) trường hát đã mượn mà thôi. Suy nghĩ rồi trả lời nhanh không sinh chuyện khác! Trả một nửa! Có chuyện nào khôi hài hơn không khi mượn một cái nhà mà trả lại một nửa. Nhưng tìm hiểu, tôi ghi lòng cám ơn anh Trần Hoàng Hoanh, vì một nửa kia bọn lãnh đạo Cty ở đó đã bán qua người khác. Một nửa kia may là kho bỏ phế liệu lâu năm nên bây giờ UB mới quyết định trả lại!
Thôi thì “có còn hơn không”, đúng như ông Phạm Duy hát! Dù chỉ còn là hạt mưa sau khi lấy lại một nửa, chỉ đủ cho Ba tôi bán đi trang trải cho những ngày đi lại kêu, cầu mòn đường chết cỏ, thì nó cũng an ủi những người bà con trong dòng họ tí chút vậy.
Chuyện nhà tôi, có sao nói đúng vậy. Lẽ ra tôi cũng không nên nói làm gì, nhưng đọc trên Stt. nhà cô Thanh Hằng có cái thằng (có lẽ là loại lưu manh) nói chuyện nhà ông bà Trịnh Văn Bô là đã hiến tặng, rồi lấy tiền thuê, bán gì đó, nay lật lọng đòi nhà, lẽ ra phải truy tố… nên cực chẳng đã viết lại câu chuyện này.
Rồi cũng có loại người sẽ cười vào mặt chúng tôi, ngu thì ráng chịu, hay ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản… Tôi cần nói rõ là gia đình tôi, cha mẹ tôi chẳng ăn cơm không của ai ngày nào cả, chẳng phụng thờ ai mà chỉ bằng niềm tin vào lẽ phải, công bằng, bác ái đã cố gắng làm hết phận người. Nó bằng công sức của chính mình; bằng vào sự dun rủi của số phận, của vận nước đã đẩy đưa từng con người đi đúng với điều đã xãy ra.
Hỏi nếu lặp lại, gia đình tôi có làm như vậy không? Tôi tin là Ba tôi và cả gia đình tôi cũng sẽ làm như vậy vì làm sao có thể tách riêng mình ra khỏi số phận của một dân tộc.
Là người được sinh ra và sống ở ĐN gần 70 năm, đã biết và thấy nhà hát này và cũng đồng cảm với tác giả và đã nhớ về cuộc sống vàng son, phát triển vào thời kỳ trước năm 1975! Tác giả chắc cũng biết rằng bao nhiêu trường hợp bị cướp nhà ở ĐN sau 1975 nhưng họ không xin lại được và bị chính sách vô sản hoá của chế độ họ phải sống lay lấc. Trường hợp của tác giả đúng là có công “thờ mà cộng sản” mới xin lại được nhà đó! Nhưng đọc đến đoạn cuối khi tác giả “thanh minh thanh nga” về “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” mới nhận ra tác giả quá ấu trĩ chưa hiểu ý của câu tục ngữ đó!