11-11-2017
Tiếp theo phần 1
Gorbachev và Elsin
Lần duy nhất tôi nhìn tận mắt Gorbachev và Elsin cùng hầu như toàn bộ ban lãnh đạo chính trị của Liên Xô cũ là tại cuộc mít ting kỷ niệm CMT10 năm 1986 tại Cung Đại hội trong Kremlin. Gorbachev khi đó rất sảng khoái, tinh anh. Tôi còn nhớ ông ta đứng hát quốc ca đầy hào sảng. Elsin cao lớn, trẻ trung và cũng đầy hào sảng làm vai trò MC buổi lễ (vì ông ta là Bí thư Thành uỷ Maxcova, cấp tổ chức mit tinh). Sung sức, tự tin, tràn trề cảm hứng – Có cảm giác họ là một đội.
Nhưng… Năm sau đó, năm 1987, là năm kỷ niệm 70 năm CMT10. Gorbachev mời toàn bộ đại diện các “đảng anh em” đến Maxcova. Đó là dịp để làm một cuộc gặp có tính chất như Hội nghị các Đảng CS và công nhân quốc tế trước đó từng nhiều lần tổ chức.
Trước dịp đó, Elsin đã “cải tổ” toàn bộ bộ máy Thành uỷ Maxcova. Cách chức hầu hết các bí thư quận uỷ. Đưa người mới thay, rồi lại làm làn sóng thay đổi, cách chức đợt hai chính những người mới. Than vãn lên đến BCT. Và Gorbachev cho tín hiệu buộc Elsin dừng lại. Elsin ngỏ ý từ chức Bí thư Thứ nhất Thành uỷ.
Gorbachev, trong một cuộc lễ lạt, đã “vỗ vai” Elsin, nói rằng: Anh là thành viên trẻ nhất BCT. Anh nên lắng nghe ý kiến các thành viên khác của BCT. Hãy kiềm chế, để sau dịp lễ lớn này, có thời gian để ta bàn bạc thấu đáo. Nhưng Elsin vẫn công khai tuyên bố xin từ chức.
Sau dịp lễ, Gorbachev triệu tập một hội nghị rất lớn, có cả các cán bộ của bộ máy thành uỷ của Maxcova dự. Những “nạn nhân” thanh trừng của Elsin được cho phát biểu đầu tiên. Một cơn bão nhằm vào Elsin. Người ta tố rằng, các hành động “độc tài” của Elsin thậm chí dẫn đến cái chết: Có người sau khi bị cách chức đã nhảy lầu tự tử. Ligachov (có vị trí như Phó Tổng Bí thư) là người tấn công Elsin kịch liệt nhất tại hội nghị này. Nhưng cũng có nữ bí thư thành uỷ (Elsin là Bí thư thứ nhất) công khai đơn độc bênh vực sếp của mình.
Cuối buổi họp, Elsin phát biểu. Đến người nước ngoài như tôi đọc cũng thấy ông nói sai cả văn phạm. Elsin xin lỗi tổ chức, tạ lỗi trước Maxcova, và nhất là trước Gorbachev – là người, như lời Elsin “có uy tín quốc tế rất lớn”. Elsin nói (nguyên văn): “Tôi đã đánh mất bộ mặt chính trị của mình“.
Toàn bộ nội dung cuộc họp “đấu tố” với nguyên văn các phát biểu được đăng tải kín nhiều trang của tờ Pravda. Đó cũng là điều chưa từng có. Sau này, khi được hỏi nguyên do sự “lắp bắp” của lời phát biểu, Elsin nói rằng: Tôi ốm liệt giường. Người ta phục thuốc cho tôi, để kéo tôi kỳ được đến hội nghị đó.
Dĩ nhiên, đó chỉ là một cách giải thích. Vào thời điểm đó, với uy lực tuyệt đối của mình, Gorbachev hoàn toàn có thể “tiêu diệt” Elsin không chút khó khăn. (Sau này, trong một cuộc phỏng vấn của BBC, Gorbachev tỏ ra tiếc đã không làm như vậy).
Nhưng như một đặc điểm của cơ chế Xô Viết từ thời Bregionhep, người ta luôn “chu đáo” với những ai trong bộ máy lãnh đạo. Elsin tuy mất vị trí trong bộ máy lãnh đạo chính trị, nhưng được bố trí hàm bộ trưởng, phụ trách Uỷ ban vật tư nhà nước.
Sau đó là thời kỳ Gorbachev không thể làm chủ được tình huống do chính ông ta mở ra. Các nước Cộng hoà Xô Viết chuyển sang cơ chế tổng thống. Báo chí viết rằng Uỷ ban Vật tư của Elsin hầu như biến thành ban vận động bầu cử của ông ta. Trong một lần đi Mỹ về, Elsin dùng tiền túi mua số lượng lớn hàng kiện các kim tiêm sử dụng một lần. Vào thời điểm toàn dân phát sốt vì sợ AIDS, đó là hành động rất được lòng. Báo chí viết: Tất nhiên ông ấy ghi điểm chính trị, nhưng là cách ghi điểm hay.
Elsin chiến thắng vang dội, thành Tổng thống Nga. Còn Gorbachev vật vã với cuộc perestroica càng làm càng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Cuộc chính biến tháng 8.1991 cho Elsin cơ hội vàng để làm cuộc đảo chính thật sự, biến Gorby thành ông vua không ngai. Sau khi Đảng CSLX tan rã, Gorbachev chơ vơ với cái chức Tổng thống Liên Xô còn rất ít thực quyền. Khác với Gorbachev, Elsin không ngưng nghỉ và sắt đá trong truy bức đến cùng cái vị trí còn lại của Gorbachev. Nhưng kể cả khi đó Gorbachev đã nỗ lực hết sức để giữ cho cơ chế Liên bang không sụp đổ. Ông đã tổ chức trưng cầu ý dân về giữ hay không Liên bang Xô Viết. Kết quả là đa số muốn duy trì Liên Bang. Nhưng Elsin đã xé bỏ kết quả trưng cầu khi cùng hai tổng thống của Ucraina và Belaruxia, trong một tối tại khu rừng Belaruxia, ký hiệp định thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập.
Gorbachev không còn việc gì khác, ngoài tuyên bố chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô. Ông định làm điều đó vào dịp năm mới 1992. Nhưng Elsin không cho Gorbachev ngồi thêm ở điện Kremlin dù chỉ vài ngày. Nếu tôi nhớ không nhầm, tối 25.12 Gorbachev lên truyền hình lần cuối như một Tổng thống. Và vào nửa đêm lá cờ Liên Xô hạ xuống, thay thế là cờ Nga được kéo lên.
Nếu như “Uỷ ban khẩn cấp” vào tháng 8.1991 đã không dám hoặc không thể hạ lệnh tấn công vào “Nhà Trắng” của Elsin, khi đó được giữ bằng ít khẩu tiểu liên, và do Ruxcoi (Phó của Elsin) chỉ huy phòng thủ, thì sau này, khi Quốc hội Nga cũng trong “Nhà Trắng” nổi loạn chống Elsin, lại cũng Ruxcoi chỉ huy phòng thủ, Elsin đã ra lệnh nã đại bác thẳng vào toà nhà.
Khách quan thì Gorbachev đã mở đường để Liên Xô tan rã và Elsin đã thúc đẩy. Vì vậy nhiều người cho rằng họ là những nhân vật có chủ ý và có kế hoạch thiết kế sự “chuyển đổi” đó. Nhưng cũng khách quan thì không phải vậy. Gorbachev lên nắm quyền khi sự trì trệ của cơ cấu Xô Viết đã thành mối nguy hiểm sụp đổ. Ông ta muốn sửa chữa, giữ cung điện để tiếp tục làm ông vua trong đó. Còn Elsin thì không có chỗ để làm vua nếu ở trong cung điện cũ, mà muốn thế thì phải phá tan nó với bất cứ giá nào.
Nói cách khác, lịch sử đã chọn hai cái tên đó để gắn với những sự biến ghê gớm, nhưng không phải hai người đó là tác giả. Những chuyển biến đã xảy ra là do quy luật nội tại sắt đá và khắc nghiệt, không hoặc ít liên quan đến tên hay phẩm chất của hai cá nhân cụ thể này.