Hoàng Cầm ở xà-lim bộ

Hoàng Cầm kể

Hoàng Hưng ghi

9-11-2017

Hoàng Cầm và Hoàng Hưng, chụp năm 2002.

Thế là lời mấy người CA xét hỏi của HN hứa cho mình về trước Tết (1983) thành ra suông[1]. Ngày 5 Tết mình được lệnh chuyển trại. Ngoài “nội vụ” (tức toàn bộ tư trang của tù nhân, chủ yếu là mấy bộ quần áo cũ – HH), còn cái túi quà Tết bị nhận muộn, trong có cái bánh chưng thiu, miếng giò mỏng cũng thiu, gói kẹo và gói muối vừng đã chảy nước… Anh CA tên H., một con người khá là thâm, vuốt ve: “Lên trại giam của bộ mong anh thành khẩn thêm để sớm được về với gia đình, anh nên tin ở tương lai tốt đẹp”. Anh T. trẻ tuổi, tử tế, dễ mến, thì chạy đi mua “làm quà cho bác” bốn gói thuốc lào.

Thế là xa Hỏa Lò. Sáu tháng ở trong đó bây giờ đi thấy nhớ mới chết chứ! Nhớ những người cùng bị giam, cùng chia ngọt sẻ bùi. Nhất là cậu H.M.T con trai một ông cấp cao bị bố hạ lệnh tống giam cho bớt láo lếu, trong hơn một tháng ở chung buồng giam, cậu ấy săn sóc mình rất ân cần. Chính cậu ấy cho mình biết cái tên “xà lim bộ” tức Trung tâm Thẩm vấn của Bộ Nội vụ, nơi “giam cứu” (giam giữ để nghiên cứu? – HH) các can phạm do cấp Bộ xử lý. Nghe hai chữ “xà lim” là mình ngại ngùng lắm. “Xà lim” tức là cellule, tiếng Pháp chỉ buồng biệt giam. Đang ở chỗ giam chung, giữa trung tâm HN, dù sao cũng vui! Bây giờ đến chỗ xa lạ, lại giam riêng, thì buồn chết!

Xe chạy ra ngoại thành, men sông Tô Lịch, qua làng Lủ (Kim Lũ), làng này mình đã từng sống lao động suốt hai năm. Rồi rẽ vào một nơi cảnh rất đẹp, có vẻ dinh cơ của một quan lớn ngày xưa[2]. Qua khỏi khu nhà cổ, đến dãy “xà lim” xây sau 1954, thực ra là những dãy nhà thấp, chia thành nhiều phòng. Mỗi phòng dài rộng khoảng 3m, có cái bệ xi măng có thể ngủ được năm người, quá thoải mái so với Hỏa Lò, nhưng mình lại thấy như bị ném vào giữa sa mạc, nhất là thấy hình như chỉ có mỗi mình mình trong cả dãy xà lim! Anh tù “tự giác” (tù nhân, thường là thân thuộc của CA, được trại giam trao nhiệm vụ lo mọi sinh hoạt của các tù nhân khác – HH) đưa cho mình một cái chiếu và một cái bô, nói một câu vẻ đùa đùa: “Ôi giời! Bác già thế này còn vào xà lim làm gì chứ?”.

“Xà lim Bộ”, nơi nhà thơ Hoàng Cầm bị giam giữ. Ảnh: Google map

Bữa cơm đầu tiên ở “xà lim bộ” anh tự giác đưa vào có một bát ô tô cơm (xới ra được ba lưng bát ăn), một bát rau muống có nước vị đậm, có thể gọi là canh. Chất và lượng đều hơn hẳn Hỏa Lò (sau này đi cung, cán bộ điều tra cho biết, mình được hưởng chế độ “cán bộ trung cấp”).

Ngày làm việc đầu tiên, anh CA xưng tên là C. thuộc Cục Điều tra xét hỏi. Thấy anh có vẻ vui vẻ, thoải mái, lại nhớ ra cậu T. có cho mấy gói thuốc lào, mình bèn hỏi xin tờ báo cũ. Anh hỏi: “Chắc bác mang về để quấn thuốc lào?” và cho mình tờ báo, lại cho luôn cả bao diêm. Về sau có hôm anh mang cả điếu cày cho hút. Anh C. này hòa nhã, có học, biết nói chuyện thơ, chuyện lý luận văn học, biết cả thơ Maia… Mình có cảm tình với anh này, cũng như với anh T. ở Hỏa Lò.

Công việc hàng ngày của mình là “làm việc” với anh C. Lại khai lại từ đầu mọi sự, người ta đặc biệt tìm hiểu quá trình chuyển thơ ra nước ngoài, quan hệ với cô Cần Thơ bên Pháp ra sao[3]. Những điều này mình đã khai hết ở Hoả Lò, nay lại khai lại, chẳng có gì mới. Sau khoảng ba tháng thì coi như khai hết chuyện. Từ lúc ấy, anh C. xuống thưa dần, có khi bẵng cả tháng chẳng thấy ai hỏi đến. Mình đâm nhớ, mong được gọi ra, vì thuốc lào thì hết, mà một mình giữa cảnh vắng lặng trời ơi là cô tịch!

Nằm một mình mãi chẳng biết làm gì, mình bắt đầu quan sát kỹ lưỡng buồng giam. Đầu tiên là bốn bức tường. Chi chít chữ, viết bút chì, phấn, cả bằng mảnh ngói, mảnh gạch. Lạ một cái là có những câu như liên hệ đến mình, hình như họ gọi mình là “đại tướng năm sao”, có câu như ca dao đại ý nói “đừng có dại dột mà khai… tù dài chung thân”, có câu “Bên kia sông?” (hay là họ nhắc đến bài “Bên kia sông Đuống”?). Lại có nguyên một bức thư tình gửi đúng tên mình mới lạ chứ: “Anh Việt ơi! Về với em!”[4]

Những đêm sau đó, mình bắt đầu có tâm trạng hết sức lạ lùng. Đêm đêm, có những khi mất điện, anh tự giác đem lại một chiếc đèn Hoa Kỳ, bắc ghế leo lên đặt ngọn đèn vào cái khe tường buồng giam, cái khe rất cao mình không với lên được. Đang nằm thiu thiu thì chợt nghe một tiếng súng chói tai. Giật mình tỉnh dậy giữa căn phòng tối mờ mờ, chẳng biết mấy giờ đêm. Lại nghe tiếng chó sủa, một lúc thì có tiếng chạy rầm rầm ngoài hành lang, một lúc lại nghe như có hai người trò chuyện ở ngoài đường. Mình nghe rõ ràng họ nói về mình, như nói đến “xe bánh vuông”, thì đúng là câu thơ mình viết về Đặng Đình Hưng “Lỗ chỗ chín chậu nắng tóe mắt võng rách tụt cân đai yên ngựa què kéo đen ngòm cỗ xe bánh vuông (không thấy mui) sa lầy sông thu bùn lũ ngược vẫy sen tàn…”.

Suốt mấy hôm thần kinh mệt mỏi thế nào đó, cứ thức thức ngủ ngủ. Có hôm ngủ dậy thì trời đã sáng, có hôm thì tối hù, đèn điện không có, đèn dầu cũng không, mà cảnh bên ngoài cứ luôn biến động, có những tiếng nói ở đâu đấy như ám chỉ mình, cứ thế suốt ngày đêm trừ khi ngủ chợp đi. Có hôm đang ngủ lại nghe rõ ràng phòng bên cạnh náo nhiệt như chợ Hôm, hay chợ Đồng Xuân, rào rào không rõ tiếng gì, bỗng có tiếng hét lên: “Ông Việt ơi! Ông Hoàng Cầm ơi! Ông định chết ở trong này hay sao?” Có khi lại gọi cả những bút danh khác của mình như Lê Kỳ Anh: “Ông Lê Kỳ Anh! Ông định chết ở trong này, không về với vợ con à?” (Lê Kỳ Anh là bút danh mình lấy khi xuất bản tập thơ dịch từ tiếng Pháp cho NXB Văn học của anh Lý Hải Châu). Lại có hôm giữa trưa mình nằm ngủ trên sàn xi măng, chợt nghe bên tai giọng nữ giống như giọng bà Yến vợ mình, giọng tâm sự như giữa hai vợ chồng đang nằm bên nhau ban đêm, thầm thì: “Anh coi còn gì thì khai hết đi, giấu giếm cái gì nữa!”.

Lòng mình rất nhộn nhạo vì những âm thanh như vậy. Còn thêm tiếng tắc kè giữa trưa, ngay ở tường bên cạnh, nó kêu liền 7, 8 tiếng “tắc kè, tắc kè” chỉ cách chừng 1m, mà mình tìm mãi chẳng thấy có con tắc kè nào; hay con thạch sùng nào cứ “zạc, zạc, zạc” ngay trên trần, mà nhìn lên nào thấy? Về sau, thậm chí những lúc ra sân tắm, mình cũng nghe thấy đủ thứ âm thanh gần bên tai như thế. Mình đâm nghi họ giấu cái máy phát âm thanh đâu đó để tác động lên tâm lý mình. Thế là mình săm soi từng cái lỗ trên tường, nơi có ổ dây điện chui vào, rồi gõ gõ mặt sàn mà mình ngờ rằng phía dưới rỗng…

Đến nỗi này thì mình muốn chết quách. Nhưng lại sợ đập đầu vào tường chưa chắc đã chết, chỉ tổ đau, lẩn thẩn tự hỏi người xưa đập thế nào mà có thể vỡ óc, chắc là phải lao hết sức mạnh? Có hôm mình nghĩ đến cái cạp quần còn dai, mới xé nó ra, chờ ngày đi tắm ra sân tự do, mình sẽ buộc chặt hai chân lại rồi tự dìm đầu vào bể nước cho chết ngạt! Mình làm thật. Nhưng đến lúc uống vài ngụm nước, sắp ngạt thở thì bản năng sinh tồn lại khiến mình vội nhấc đầu ra, kết quả là rét run, vội chạy vào đắp hết áo sống lên người, run cầm cập! Hay là viết thư về nhà xin thứ thuốc gì đó mà uống vào sinh ra phù thận, phù mà không chịu đi chữa mặc cho nó chết. Nhưng cán bộ trại kiểm tra đồ nhà gửi vào kỹ lưỡng lắm, nếu thấy số lượng thuốc nhiều họ sinh nghi thế nào cũng đưa bác sĩ đến xét nghiệm. v.v… Một thời gian dài cứ nghĩ vơ vẩn thế.

Chết không xong, thì kiếm cách gì cho qua ngày đoạn tháng? Mình nhìn ra cửa, để ý thấy có cái khe hở. Khom mình cúi nhìn qua khe, thấy hành lang dãy xà lim, thế là cứ lom khom suốt mà nhìn. Hành lang thường có người qua lại, khi thì anh quản giáo, lúc thì con chó, mà chó berger hẳn hoi. Có hôm thấy một ông già râu dài, hom hem, khoảng 70, mà lại có đứa bé gái 13-14 tuổi ăn mặc kiểu nhà quê đi theo. Ông bảo nó: “Mày đứng đây chờ người ta đem cơm đến thì đưa vào cho tao nhá!”, nói rồi đi vào trong xà lim.

Có hôm giữa trưa, ngay phòng bên tay phải có tiếng phụ nữ hát bài ru con Nam Bộ quen thuộc thường phát trên đài, giọng rất trẻ, chỉ trên 20, nghe rất buồn. Thế là mình lấy một mảnh ngói gõ vào tường ba tiếng “cạch, cạch, cạch”. Bên kia đáp lại ngay ba tiếng. Mình gõ tiếp năm tiếng, thì cũng đáp đúng năm tiếng. À, thế là bên kia có phụ nữ. Nghĩ đến phụ nữ là mình phấn chấn lên một chút. Xong tiếp ngay đấy lại có một giọng đàn ông, mà cũng từ phòng đấy mới lạ. Người này ngâm một bài thơ Đường, mình nghe rõ câu “thương nữ bất tri vong quốc hận, cách giang do xướng Hậu đình hoa”. Dăm hôm sau, nhìn qua khe thấy hai cô độ ngoài 20, cũng nửa quê nửa tỉnh, cô thì quần đen áo phin, cô thì cái áo len xanh cộc tay. Hai cô lấy cơm rồi mang vào phòng cười khúc khích. Đến chiều thì không thấy nữa. Rồi cũng hết cả tiếng hát ru, hết cả cảnh hai ông cháu. Mình tiếc ngẩn tiếc ngơ, thèm được thấy, thèm được nghe những cái nó đưa mình về gần với cuộc sống như thế. Thèm lắm, trời ơi!

Mình sợ cái im lặng ở đây quá. Rõ ràng mình đang là người bị chôn sống. Mình thèm được đi hỏi cung, thèm được ai đó nói với mình một tiếng, dù là anh CA nào đó gọi mình xách mé bằng tên tục, bằng thằng cũng được!

Vào khoảng ngày Phật Đản tháng tư âm lịch, ngay buổi sáng dậy đã nhớ con gái quá. Theo mình tính nhẩm thì hôm nay chắc là ngày giỗ đầu của nó[5]. Đang nhớ như thế thì thấy có một con bướm trắng nhỏ bò trong góc buồng. Nó không bay, chỉ hơi đập cánh và bò, thỉnh thoảng lại xòe cánh ra vỗ nhè nhẹ và bò về phía mình. Mình vốn hay tin nhũng chuyện thần bí. Như lúc ở nhà, khi con gái chết được 35 ngày, thì nó hiện về trong một con bướm màu hoàng yến bay vào giường ngủ của mình. Mình liền ra thắp hương, rồi nó bay không biết bao nhiêu vòng. Bây giờ nó lại vào đây thăm mình trong tù. Trời ơi! Mình xúc động quá! Nó bò lên tay mình nằm ở lòng bàn tay, thế là mình nâng niu. Mình đặt bàn tay xuống bệ xi măng thì nó chạy ra nhưng cứ quanh quẩn trên mặt bàn không đi đâu hết. Cả ngày mình làm bạn với con bướm, nhớ con gái quá, mình khóc và buồn bã lắm. Đến đêm con bướm vẫn ở đó, rổi mình ngủ thiếp đi lúc nào không biết…

____

[1] Các sĩ quan xét hỏi của CAHN ở Hỏa Lò thường dỗ dành Hoàng Cầm “thành khẩn khai báo” để được về sớm. Thi sĩ yếu đuối và cả tin đã nhanh chóng nhận tuốt tội nói xấu chế độ trong tập “Về Kinh Bắc”, và họ hứa sẽ đề xuất thả ông về trước Tết.

[2] Gần đây, bạn Bùi Xuân Bách ở Mỹ cho tôi biết đó dường như là dinh cơ của họ Bùi, có thời từng là nơi tụ họp văn nhân Hà Thành làm báo…

[3] Những năm trước đó, có một cô xưng là bác sĩ bên Pháp nhờ người quen ở Việt Nam gửi quà cho Hoàng Cầm (thường là thuốc tây để bán lấy tiền) và xin thơ của ông. Những bài ông cho, trong đó đặc biệt chùm Cây (tam cúc), Lá (diêu bông), Quả (vườn ổi) bị CA coi là “phản động”, nói xấu chế độ.

[4] Tên khai sinh của Hoàng Cầm là Bùi Tằng Việt.

[5] Con gái là Hoàng Yến, diễn viên kịch, chết năm 1982.

Mời đọc lại: Những người có duyên nợ với “Về Kinh Bắc”Bản chép tay “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm năm 1982 (TD).

Bình Luận từ Facebook