Để trả lời một câu hỏi liên quan đến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017

Thạch Đạt Lang

9-11-2017

Bãi biển Nha Trang tan hoang sau bão lũ. Ảnh: báo Thanh Niên

Ở các nước tự do, dân chủ Âu-Mỹ, khi có biến động như bị khủng bố hoặc thiên tai, hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng, thành phố, thị xã, tiểu bang… đều treo cờ rũ từ 1-3 ngày tùy theo mức độ. Nhằm chia sẻ những đau thương, mất mát với gia đình nạn nhân, những cuộc vui chơi như hòa nhạc, khiêu vũ, trình diễn thời trang… đều bị hủy bỏ, do ban tổ chức tự ý hoặc do lệnh của chính quyền.

Một người bạn trong nước gửi email, hỏi tôi nghĩ sao về một sự kiện đang gây tranh cãi ồn ào trên mạng xã hội Facebook và báo mạng mấy ngày qua. Đó là chuyện lùm xùm về cuộc thi hoa hậu Hoàn Vũ 2017, vòng bán kết tổ chức tại Nha Trang – thị xã lớn nhất, được coi như thủ phủ tỉnh Khánh Hòa – được tiến hành trong lúc cơn bão số 12 (Damrey) đang tàn phá nặng nề các tienh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, lan ra tới tận Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị…, số người chết lẫn mất tích lên đến trên 114 người, thiệt hại tài sản, hoa màu, chăn nuôi, gia súc… chưa thể tổng kết, nhưng chắc chắn không nhỏ.

Tôi và bạn sống chung với nhau gần 4 năm trong căn nhà nhỏ, thuê ở cuối đường Nguyễn Hoàng, Nha Trang, đối diện bến xe đò. Tôi rời khỏi Nha Trang hơn một năm trước khi miền Nam lọt vào tay quân CS, bạn tôi tiếp tục ở lại cho đến ngày hôm nay. Đó chính là lý do bạn hỏi tôi nghĩ gì về cuộc thi hoa hậu diễn ra trong cảnh mưa gió, bão bùng ở thành phố thân yêu mà chúng tôi đã sống chung với nhau một thời trai trẻ.

Để đi tìm câu trả lời cho đúng với sự mong muốn của bạn, tôi vào Facebook và các trang báo mạng, tìm hiểu sự tranh luận, ý kiến, quan điểm giữa 2 bên, chống và bênh vực cuộc thi này khi nó vẫn được tiến hành trong cơn cuồng nộ của trời đất, mưa như trút nước, gió giật đùng đùng, nhà tung mái, sập tường, bay cửa, cây cối tan tác, ngả nghiêng hoặc bật gốc đổ ngổn ngang dưới bầu trời xám xịt.

Phe chỉ trích có một status của Facebooker quen thuộc – Nguyễn Thị Bích Ngà khiến tôi chú ý. Bích Ngà cho rằng xã hội VN ngày hôm nay đã tha hóa tột cùng, mọi giá trị trong cuộc sống đều được quy đổi bằng tiền. Lương tâm, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm với nạn nhân trong cơn bão không có nghĩa lý gì khi mà con người trong xã hội tìm đủ mọi mưu kế, thủ đoạn để chèn ép. giành giật, lừa gạt nhau từng đồng tiền.

Bích Ngà nhận định rằng, câu hỏi của Phan Anh – người MC trẻ đẹp trai, tài hoa trong ban tổ chức cuộc thi nói trên: “Hủy thì được gì?” khi phản biện những người đòi hủy bỏ cuộc thi sắc đẹp nói trên – đã biểu lộ sự vô cảm với nạn nhân, đặc trưng cho lối sống của giới showbitz, truyền thông, báo chí hiện nay.

Bích Ngà kết luận: Phan Anh cũng như toàn ban tổ chức chỉ là những người sống theo chủ nghĩa thực dụng chứ không phải duy lý. Văn hóa ứng xử đã thoái hóa.

Lời bàn của người viết: “Đúng! Hủy thì được gì? Mọi việc đã chuẩn bị từ A tới Z. Tiền bán vé đã kết toán, hủy thì coi như…lỗ nặng. Làm ăn chụp giật bằng mông, vú, đùi… của các em cũng nhục nhã, ê chề lắm chứ vinh dự gì? Đâu phải dễ dàng quy tụ ‘tinh hoa’ gái Việt lại cho các đại gia Mafia chọn lựa, mấy cha?

Nhạc sĩ Tuấn Khanh có môt cái nhìn tương tự, nhưng diễn tả chua chát, cay đắng, mỉa mai hơn. Xin trích vài đoạn: “Ban tổ chức và nhà đài cần gì văn hóa hay tình người khi có thể làm giàu, kiếm ra nhiều tiền, thậm chí ngay trong điều kiện thời tiết khó khăn nhất? Cũng giống như nhà máy thủy điện vẫn xã lũ và phẩy tay khi nước dâng bất ngờ và dân chúng chết chìm. Không phải lợi ích và quy trình là nguyên tắc tối thượng hôm nay đó sao?”

“Đừng quên hôm nay mạng người cũng được bồi thường bằng tiền, án oan cũng được trả lại bằng tiền. Đánh chết người trong đồn công an cũng được bù đắp bằng tiền. Bị Trung Quốc đâm tàu bắt giữ cũng cần tự điều đình chuộc lại bằng tiền. Đừng quên tất cả ở Việt Nam lúc này là tiền – tiền – tiền.”

Trái ngược lại những ý kiến này là những ý kiến bênh vực Phan Anh, thí sinh và BTC, như phát biểu của Lê Thị Phương Đại trên báo Phụ Nữ và Gia Đình, đăng lại trên Facebook Nguyễn Phong Thanh: “Chương trình đã lên lịch cách đây mấy tháng rồi? Thiên tai đến bất ngờ ai lường trước được? Phụ Nữ và Gia Đình đừng lợi dụng thời cơ đã kích BTC và các cô gái đi thi nữa. Nếu biết lo cho dân hãy xắn tay áo vào đi ủng hộ quyên góp chứ đừng viết báo kiểu này nữa.”

Đi xa hơn, có một stt của cựu á hậu Vũ Hoàng My, bênh vực các ứng viên dự cuộc thi như sau: “Nhìn các em mà chị quên mất rằng chính các em cũng là những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bào Damrey. Số tiền bán vè bán kết đã được BTC dành để cứu trợ và còn huy động thê, tổng 1 tỉ đồng. Bão Damrey đến rồi đi trong đêm, không nhằm nhò gì so với những thiệt hại của những cơn bão không hồi kết cho đương kim hoa hậu đâu em ạ. Những bàn tay của tôi, đừng bị trầy xước gì nhé”.

Lời bàn của người viết: “Đúng thế! Cuộc thi đã chuẩn bị tỉ mỉ từng khâu, từng chi tiết, em nào cần khoe gì trước, khoe gì sau hay cần độn mông, độn vú, độn lò… đã được đạo diễn dặn dò kỹ lưỡng. Người chết thì đã chết rồi, người mất tích thì… coi như chết, hủy bỏ cũng chẳng thể làm cho họ sống lại. Thiên tai, bão lụt rồi cũng sẽ qua đi nhanh chóng, nhà cửa, ruộng vườn, gia súc, hoa mầu mất mát thì nhằm nhò gi? Từ từ xây dựng, tái tạo, canh tác, trồng trọt lại, có gì mà ồn ào chỉ trích, phê bình? Không tiếp tục tổ chức cho các em trình diễn khoe vốn tự có, các em sẽ buồn bã, khóc lóc vì mất cơ hội trở thành mục tiêu ngắm nghía của các đại gia bắn tỉa. Lỗ là cái chắc”.

Ủng hộ việc tiến hành tổ chức thi hoa hậu Hoàn Vũ 2017 là quyền của mỗi cá nhân khi đã bỏ tiền ra mua vé, nhưng viết những điều vô cảm như Vũ Hoàng My, Lê Thị Phương Đại bộc lộ một tâm thức thiếu giáo dục và vô văn hóa. Một người có hiểu biết và có giáo dục sẽ không thể vô tâm vui chơi, cười nói, đùa giỡn khi những cảnh tang thương, đổ nát, nguy hiểm đang diễn ra trước mắt mình. Không hiểu hai người này sẽ nghĩ sao nếu gia đình họ có đám tang hay vừa bị cháy nhà lại có người đến xin tổ chức dạ vũ trong nhà họ?

Vẫn quyết định tiếp tục tổ chức rồi đem tất cả số lợi nhuận thu được quyên góp cho nạn nhân để bào chữa cho việc làm của mình chỉ là hành động của những con người duy lý, thiếu lòng trắc ẩn như Bích Ngà nhận định. Đồng tiền quyên góp cho nạn nhân cũng mất đi ý nghĩa cao cả của nó.

Nếu khôn ngoan, có văn hóa, BTC và Phan Anh nên loan báo dời cuộc thi vào một ngày khác để bày tỏ sự thông cảm, chia sẻ những mất mát, đau buồn với nạn nhân. Tôi tin rằng đa số khán giả đã mua vé sẽ đồng tình với Phan Anh và BTC về chuyện hoãn lại cuộc thi. Trong trường hợp đó, những thiệt hại về tài chánh do việc thay đổi thời gian sẽ không thể nhiều hơn toàn bộ số tiền bán vé thu được, thí sinh dự thi chắn chắn cũng sẽ vui lòng với quyết định của BTC.

Tuy nhiên khi quyết định tiếp tục tiến hành cuộc thi, Phan Anh và BTC chắc chắn đã có suy tính hơn thiệt nên không hủy bỏ hay hoãn cuộc thi lại. Họ đã bàn bạc, tính toán rồi quyết định đem toàn bộ số tiền bán vé thu được đem tặng cho nạn nhân cùng với số tiền quyên góp ngay trong cuộc thi.

Tiếc thay! Đây là một quyết định Khôn nhưng không Ngoan bởi vì Của Cho không bằng Cách Cho. Trong một xã hội mà văn hóa, đạo đức suy đồi như ở Việt Nam hiện nay, làm việc thiện cần phải có tấm lòng chân thật, sự cảm thông, chia sẽ đau buồn, mất mát, chứ đừng nghĩ rằng quăng một số tiền ra phân phát cho nạn nhân là đủ.

Tiền có thể mua được sắc đẹp, danh vọng, chức quyền, niềm vui hay thỏa mãn tự ái, lòng tự cao tự đại, nhưng chắc chắn không thể mua được sự kính trọng của người khác, sự bình an, thanh thản trong tâm hồn.

Tôi viết trả lời cho người bạn ngắn, gọn như sau: “Xã hội do con người tạo nên nhưng con người cũng là sản phẩm của xã hội. Đồng tiền dù sạch hay bẩn vẫn có giá trị giống nhau, hoàn toàn không có tội và cũng chẳng có mùi, nhưng con người thì có. Mùi và tội đó không phát ra tự nhiên từ cơ thể mà từ hành động, lời nói, việc làm trong việc kiếm và sử dụng đồng tiền như thế nào”.

Bình Luận từ Facebook