LTS: Bài viết sau đây của TS Lê Ngọc Sơn, đăng báo điện tử Dân Việt lúc 07h01′ sáng ngày 07/11/2017, nhưng đã bị gỡ bỏ vài giờ sau đó. Xin được đăng lại tại đây để quý độc giả hiểu thêm vì sao nó bị gỡ.
____
Lê Ngọc Sơn
7-11-2017
(Dân Việt) Việc Facebook, Google có thể rời khỏi Việt Nam nếu dự thảo Luật an ninh mạng được thông qua, chưa biết thiệt hại của hãng này sẽ như thế nào, nhưng sự tụt hậu mà đất nước gánh phải do thiếu nó sẽ là điều chúng ta phải đối mặt.
Có lẽ dự luật An ninh mạng với yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt “máy chủ quản lý dữ liệu” trên lãnh thổ Việt Nam thể hiện tầm nhìn hạn chế của các nhà làm chính sách về quản lý công nghệ trong kỷ nguyên số. Điều đó, nếu được thông qua, sẽ làm cho giấc mơ “cách mạng công nghiệp 4.0” của Việt Nam trở nên xa vời.
Chẳng hiểu sao câu chuyện trên làm tôi nhớ lại câu chuyện đồn đoán trong giới dạy học tại Hà Nội.
Một vị giáo sư về truyền thông một hôm được mời đến dạy ở một trường đại học với cơ sở khang trang. Mới vào đến lớp, ông đập bàn mắng té tát: Sao cái trường hiện đại thế này mà không có wifi? Lớp trưởng mặt tái mét đứng dậy thưa là phòng học có wifi để sinh viên có thể tra cứu thông tin trên mạng.
Vị giáo sư liền mắng xối xả: -“Tại sao bảo có wifi mà không thấy ổ cắm ở đâu?”.
Tất cả hơn 100 sinh viên trong lớp mắt chữ “o” mồm chữ “a” nhìn nhau ngơ ngác.
Còn câu chuyện ông Cục trưởng Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu ông không dùng mạng xã hội hay các ứng dụng miễn phí nhắn tin vì thấy… phức tạp cũng rất đáng suy nghĩ.
Những câu chuyện dở khóc dở cười trên đây và câu chuyện dự luật An ninh mạng có điểm chung: Dường như những người cần có trách nhiệm trong lĩnh vực của mình thiếu am hiểu đúng bản chất và sự phát triển của công nghệ.
Một khi những người được giao trọng trách không am hiểu lĩnh vực của mình, quyền lợi của một quốc gia sẽ bị đánh mất.
Những chính sách công kiểu này sẽ làm đất nước mất đi những động lực phát triển, thay vì khơi thông các nguồn lực đang ứ trệ trong xã hội.
Bản chất Google, Facebook, Instagram, iOS, Android… là những công cụ hay nền tảng sử dụng nhiều công nghệ tích hợp, tiên tiến.
Chúng là “mảnh đất” để nảy nở thêm nhiều công nghệ hay ứng dụng mới.
Chúng không đơn thuần là các trang tìm kiếm hay mạng xã hội thông thường, mà còn là những hệ sinh thái công nghệ sử dụng trí thông tin nhân tạo (AI) – những tiến bộ vượt bậc trong sự phát triển công nghệ của loài người. Những công nghệ này trực tiếp hoặc gián tiếp tạo nên của cải cho xã hội.
Bên cạnh việc đặt ra các yêu cầu oái oăm về đặt máy chủ có thể vi phạm các quy định quốc tế mà chúng ta đã ký kết, thì việc này trên thực tế là bất khả thi.
Lấy “gã khổng lồ công nghệ” Google làm ví dụ: Hiện trên toàn cõi châu Âu, Google mới chỉ có 4 trung tâm dữ liệu, và chỉ có 2 trung tâm dữ liệu trên toàn châu Á. Vậy nên khó khả thi nếu ta yêu cầu Google phải đặt máy chủ ở trên lãnh thổ của ta.
Có thể gọi những (nền tảng) công nghệ “mẹ” mang tính căn cơ, dựa trên những bí quyết hoặc phát minh xuất sắc, mà nhờ nó có thể thúc đẩy việc tạo ra nhiều tiến bộ công nghệ khác, tiếc rằng chúng lại không nằm trong tay chúng ta.
Với năng lực công nghệ của ta hiện nay, việc đặt ra các hàng rào kỹ thuật để hạn chế sự xuất hiện của các hãng công nghệ lớn, không thể giúp các công ty công nghệ trong nước phát triển, mà ngược lại gây những tác động tiêu cực.
Lúc đó, không chỉ người dân tụt hậu về mặt tiếp nhận thông tin do không được hưởng thụ các thành quả mà những công cụ này mang lại, mà các công ty bản địa của chúng ta còn tụt hậu trong việc học hỏi và chạy đua sáng tạo công nghệ.
Nó cũng tạo cơ hội cho những hãng công nghệ dễ dàng chấp nhận các điều kiện trên, nhưng lại mang đến những thách thức tiềm tàng cho quốc gia, khi tất cả các dữ liệu thông tin của công dân (đi qua hệ máy chủ này) sẽ bị lọt vào tay của những quốc gia khác một cách có chủ ý. Điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm với an ninh quốc gia.
Suy cho cùng sự “ngồi nhầm chỗ, ngồi nhầm mâm” kiểu như mấy vị giáo sư truyền thông nghĩ dùng wifi phải có ổ cắm, mấy nhà hoạch định chính sách về an toàn mạng mà chưa hiểu về bản chất và ứng dụng của công nghệ,… là các trở ngại trước tiên cho phát triển đất nước, cần có chính sách can thiệp kịp thời, trước khi có những chính sách cho các vấn đề lớn khác của xã hội.
Khi những sự trì trệ trong bộ máy được khơi thông, không có những quan chức hay nhà làm chính sách ngồi nhầm chỗ, xã hội tự khắc sẽ có những chính sách thông minh phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Thực sự tôi chưa hiểu mục đích cuối cùng mà các nhà làm luật muốn hướng đến là gì trong việc yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ internet và viễn thông phải đặt máy chủ ở Việt Nam (nếu muốn hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam).
Nếu là để hạn chế “tin giả”, “tin thất thiệt”,… thì lại cần những chế tài và hàng rào kỹ thuật khác.
Và để sáng tạo ra những chính sách này, cần có sự vào cuộc của nhiều chuyên gia và cố vấn thực thụ trong ngành, có hiểu biết sâu về công nghệ, pháp lý và kỹ thuật quản trị công.