LS Đặng Đình Mạnh
7-11-2017
Dõi theo dòng chảy lịch sử Việt Nam, công chúng đã từng biết đến sự kiện biểu tình đầu tiên xảy ra trong những năm đầu của thế kỷ 20 để chống lại nạn sưu thuế cao, lịch sử đã gọi đây là sự kiện Trung Kỳ Dân Biến. Khi ấy, năm 1908, dân ta đã dùng biểu tình như là một phương pháp biểu thị quan điểm chung để tán thành hoặc phản đối về một vấn đề xã hội trong quan hệ với chính quyền, cho dù xứ sở còn chìm đắm trong thân phận nô lệ của người Pháp.
Sau “Tuyên cáo Việt Nam độc lập” vào năm 1945 của vua Bảo Đại, kế thừa sau đó là chính thể cộng hòa ở cả hai miền Nam và Bắc đều minh thị biểu tình là một quyền hiến định, được ghi nhận long trọng trong những văn bản lập hiến hay tu chính Hiến Pháp quốc gia.
Trong giai đoạn lịch sử từ năm 1954 đến 1975, khi xứ sở bị chia cắt thành hai miền, thì ở miền Bắc không ghi nhận được có cuộc biểu tình nào đã phát sinh. Ở miền Nam, quyền biểu tình được dân chúng vận dụng triệt để, thậm chí, hậu quả làm thay đổi toàn diện bộ mặt chính trị xã hội miền Nam. Có thể kể như các phong trào biểu tình chống chính quyền, chống chiến tranh của các giới tăng lữ (Phật giáo xuống đường năm 1963), sinh viên, trí thức (phản chiến), thậm chí của giới báo chí (Ngày “Ký giả đi ăn mày” năm 1974) …
Sau ngày thống nhất xứ sở năm 1975, gần đây nhất, Hiến Pháp tu chính năm 2013 vẫn tái xác nhận quyền biểu tình tại điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Đơn giản rằng, quyền biểu tình là biểu hiện sự tự do tư tưởng, tự do phát biểu quan điểm đã là một trong những chuẩn mực chung cho nhân loại kể từ năm 1948, thời điểm thông qua bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Việt Nam đã từng là thành viên ký kết nên có nghĩa vụ tuân thủ.
Trong nhiều năm gần đây, trước các biến động chính trị xã hội, có thể về thực thi chính sách thu hồi đất đai thiếu công bằng, hay tệ nạn tham nhũng, cửa quyền tràn lan, hoặc hành vi ngang nhiên xâm lược biển đảo quốc gia của chính quyền Trung Quốc … đã buộc dân chúng phải xuống đường biểu tình để biểu thị quan điểm của mình ngỏ hầu kêu gọi bảo vệ tài sản cá nhân, gia đình, bảo vệ đạo đức xã hội, bảo vệ lãnh thổ quốc gia … Cả thảy các cuộc biểu tình đều thực hiện trong bối cảnh hiến pháp đã quy định biểu tình là quyền của công dân. Thế nên, hành vi biểu tình nếu không gây bạo động, không vi phạm quy định pháp luật gì khác thì đều là hành vi hoàn toàn hợp pháp, hợp hiến được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Trên thực tế, hiện nay quốc hội chưa ban hành văn bản Luật Biểu Tình để cụ thể hóa quyền biểu tình theo Hiến Pháp. Nhưng điều đó là trách nhiệm của quốc hội, không phải trách nhiệm của công dân có nhu cầu biểu tình và có quyền biểu tình. Đồng thời, sự chậm trễ ban hành Luật Biểu Tình cũng không thể là lý do hợp pháp để hạn chế quyền biểu tình của công dân được. BỞI LẼ, QUYỀN BIỂU TÌNH CỦA CÔNG DÂN CÓ HIỆU LỰC TỪ THỜI ĐIỂM HIẾN PHÁP CÓ HIỆU LỰC CHỨ KHÔNG PHẢI TỪ THỜI ĐIỂM CÓ LUẬT BIỂU TÌNH.
Thế nên, biện minh cho rằng trong bối cảnh chưa có Luật Biểu Tình nên hành vi biểu tình là bất hợp pháp là quan điểm vi hiến, vì lẽ, nó trái với hiến pháp hiện hành.
Tuy vậy, cách lập luận cho rằng trong bối cảnh chưa có Luật Biểu Tình nên hành vi biểu tình là bất hợp pháp vẫn rất phổ biến qua sự biện minh của các nhân viên công lực. Nếu không kể đến sự vi hiến, thì cách lập luận này vẫn sai. Bởi lẽ, thật ra thì chúng ta đã có luật biểu tình từ rất sớm cùng với sự thành lập nền cộng hòa vào giữa thập kỷ bốn mươi của thế kỷ trước, thậm chí, cho đến nay thì luật biểu tình ấy vẫn còn nguyên hiệu lực thi hành. Chỉ là không ai còn nhớ đến nó hoặc tin rằng nó đã không còn hiệu lực!
Thật vậy, vào ngày 13/09/1945, chỉ 11 ngày sau khi ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, thì với tư cách chủ tịch nước, ông Hồ đã ký ban hành Sắc lệnh số 31 quy định về thể thức tổ chức các cuộc biểu tình [2].
Nội dung của Sắc lệnh rất ngắn gọn, chỉ vọn vẹn hai điều chưa tới 150 từ, nhưng khi ấy đã chứng tỏ sự tự tin của chính quyền non trẻ của chính quyền trước vấn đề mà hơn 70 năm sau, chính quyền hiện tại vẫn chưa thôi e ngại, nguyên văn Sắc lệnh như sau:
_______
SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 31 NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1945
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa;
Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao;
Sau khi Hội đồng các Bộ trưởng đã đồng ý;
RA SẮC LỆNH:
Điều thứ nhất: Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Ủy ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này.
Điều thứ hai: Ông Bộ trưởng Nội vụ và Ủy ban nhân dân Bắc Trung Nam chịu ủy nhiệm thi hành sắc lệnh này.
_____
Đến nay, Sắc lệnh 31 này vẫn chưa từng bị minh thị hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành. Đồng thời, về nội dung thì Sắc lệnh 31 hiện nay vẫn phù hợp nguyên vẹn với quy định tại điều 25 của bản hiến pháp vừa tu chính vào năm 2013, trong đó, tiếp tục khẳng định biểu tình là một quyền hiến định của công dân.
Như thế, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, cụ thể chiếu theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (điều 81), thì theo nguyên tắc, Sắc lệnh 31 vẫn còn nguyên hiệu lực thi hành và cần được tiếp tục áp dụng trên toàn lãnh thổ cho đến khi Luật Biểu tình mới do quốc hội ban hành, trong đó có điều khoản minh thị hủy bỏ Sắc lệnh 31.
Do vậy, về phương diện pháp lý, dù chính quyền hiện tại quên, hoặc không nhắc đến Sắc lệnh 31, hoặc tin rằng Sắc lệnh 31 đã không có hiệu lực thì điều đó vẫn không cản trở được hiệu lực pháp luật của Sắc lệnh này.
Thế nên, công dân có nhu cầu biểu tình để biểu đạt ý chí, quan điểm, lập trường về bất kỳ vấn đề hệ trọng nào của đất nước hay của địa phương nơi mình sinh sống, thì đều có thể áp dụng quy định “khai trình trước 24 giờ” theo Sắc lệnh 31.
Nếu có, đây quả thật là một thử thách nan giải đối với chính quyền khi phải đối diện với những sự “khai trình” ấy!
Hiện nay, lực lượng ngăn cản, trấn áp biểu tình đang vận dụng Nghị định 38/2005/CP “quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng” của Chính Phủ ban hành để cho rằng việc biểu tình là vi phạm vào trật tự công cộng.
Không cần thiết đi sâu vào việc phân tích nội dung văn bản Nghị định 38/2005/CP, nhưng nếu nội dung văn bản này là cơ sở để cản trở quyền biểu tình của công dân, thì khẳng định ngay là văn bản này vi hiến, cần thiết phải bãi bỏ. Hơn nữa, theo thứ bậc quy phạm pháp luật, một nghị định của chính phủ là cơ quan chấp hành pháp luật ban hành không thể và không có quyền có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản hiến Pháp do quốc hội là cơ quan lập pháp và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành.
Cho thấy, từ nhận thức tiến bộ trong Hiến Pháp đến hành xử thực tiễn vẫn còn khoảng cách, con đường để những quyền con người theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Hiến Pháp Việt Nam trở nên hiện thực vẫn còn xa xôi và gian truân lắm.
Nhìn sang chính quyền non trẻ của quốc gia láng giềng Cambot, họ ban hành Luật Biểu Tình từ năm 1991, sửa đổi năm 2008. Vị chi nền lập pháp của họ đã thừa bản lĩnh chính trị ban hành Luật Biểu Tình đi trước chúng ta già một phần tư thế kỷ, thế mà, nền lập pháp Việt Nam vẫn bàn cãi chưa chán về dự thảo Luật Biểu Tình, họ đặt lên, để xuống biết bao lần rồi lại để đấy …
Thật ra, ở một quốc gia ghi nhận độc quyền lãnh đạo của một đảng trong Hiến Pháp, thì đến khi nào đảng ấy ra nghị quyết của đảng về Luật Biểu Tình, thì khi ấy may ra các ông nghị mới làm cái việc giỏi nhất của họ: Gật!!! Nhưng bây giờ, có lẽ quyền con người vẫn chưa nằm trong thứ tự ưu tiên của đảng, nên cứ phải chờ!
Theo một số dân bỉu VN ,người VN trình độ chính trị còn thấp ,nên không thể áp dụng luật biểu tình ! như vây mới thấy dân Cambodia trình độ chính trị hơn hẳn dân VN và HƠN CẢ ĐÁM DÂN BỈU BÙ NHÌN VN ! NÊN CP HỌ ĐẢ CÓ LUẬT BIỂU TÌNH TỪ NĂM 1991 CÁCH ĐÂY 16 NĂM ,CÒN VN HIỆN NAY không làm luật nổi vì trình độ còn thấp nên không soạn ra nổi một cái luật biểu tình ! hôm qua nhìn cảnh đồng bào Hà nội biểu tình chống sự lệ thuốc vào trung cộng và hô to không tiếp tập cận bình ,tôi chợt đau thắt cho người dân miền nam .cảnh ông cụ tạ trí Hải ung dung với cây Violon như hàng trăm lần trước làm tôi thật sự xúc động và thật hào hùng,dân tộc VN còn chịu cúi mình đến bao giờ hay đi cúi mình quì gối trước Jack Ma hay hôn đít ghế các sao Hàn ! ai đả định hướng cho giới trẻ tổ quốc tôi ra nông nổi nầy !