Linh Quang
5-11-0217
Bà Alicia Garcia-Herrero, người tham vấn cho các quan chức châu Âu về Hiệp định Thương mại EU – Việt Nam, cho biết bà tin rằng hiệp định sẽ vẫn được tiếp tục, miễn là chính quyền Hà Nội tìm được “một con dê tế thần” để chịu trách nhiệm, ví dụ như vị đại sứ Việt Nam tại Đức chẳng hạn.
Nhật báo New York Time số ra ngày 02/11/2017 có đăng bài viết của ký giả Mike Ives mang tựa đề “Một người mất tích ở Berlin gây giông tố cho Hiệp định Thương mại với Việt Nam”. Nội dung bài báo chủ yếu nói về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có thể ảnh hưởng đến việc hoàn tất Hiệp định Thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam như thế nào.
Sau đây là những điểm đáng chú ý trong bài báo của New York Time, dựa trên bản dịch của Athena:
Việt Nam có nhu cầu bức thiết phải tìm kiếm liên minh mới
Bài báo nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, Việt Nam có nhu cầu bức thiết phải tìm kiếm liên minh mới, vì Trung Quốc đang trỗi dậy còn nền chính trị đang thay đổi của Mỹ định hình lại trật tự thương mại toàn cầu. Mặt khác, chính phủ độc tài của Việt Nam cộng với lối hành xử cứng nhắc đối với nhân quyền và các điều kiện bảo vệ người lao động có thể khiến cho việc tìm kiếm liên minh mới trở nên khó khăn hơn.
Nỗi lo ngại về sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc là nền tảng cho động lực thúc đẩy các hiệp định thương mại. Nhiều người Việt Nam sợ rằng đất nước họ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, khi Bắc Kinh cũng đang đàm phán thương mại với châu Âu và ngày càng gia tăng ảnh hưởng kinh tế khắp Đông Nam Á.
Chính vì vậy, Việt Nam đang hùng hổ tìm kiếm các đối tác mới trong một bàn cờ liên minh thương mại toàn cầu có quá nhiều quốc gia. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với Hàn Quốc, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga.
Tình hình ngày càng trở nên khẩn cấp hơn sau khi hiệp định TPP, một hiệp định thương mại tự do do Hoa Kỳ đề xuất, đã bị hoãn hồi đầu năm nay vì tổng thống Trump phản đối. Việt Nam là thành viên của hiệp định này và sẽ là một trong những thành viên được hưởng lợi nhiều nhất.
Nhưng giống như Trung Quốc, Việt Nam đang trộn lẫn chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa cộng sản của riêng họ. Nỗ lực này đã tạo ra sự tăng trưởng ấn tượng nhưng cũng làm cho các đối tác thương mại lo ngại về lối hành xử thô bạo của chính phủ đối với các nhà bất đồng chính kiến trong nước và các nhà hoạt động vì quyền của người lao động.
Đức có quyền phủ quyết Hiệp định Thương mại EU – Việt Nam
Hiệp định Thương mại với EU đặc biệt hấp dẫn với Việt Nam vì EU là nhà đầu tư (không thuộc châu Á) lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn hàng đầu (chỉ đứng sau Trung Quốc) của Việt Nam, năm ngoái đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 39 tỉ USD từ Việt Nam.
Riêng Đức, năm ngoái nước này đã nhập khẩu 8 tỷ đô la hàng hoá từ Việt Nam – bao gồm giày dép, hàng dệt may, cà phê và thủy sản – và đã bán được 2,3 tỉ đô la tiền máy móc, thiết bị, xe ô tô, hóa chất và các sản phẩm khác cho Việt Nam.
Với Hiệp định Thương mại này, bên được hưởng lợi sẽ là các công ty Việt Nam chuyên xuất khẩu trong các ngành như đánh bắt cá và may mặc, và thậm chí là cả các ngành mới nổi như xe tay ga, điện thoại thông minh và nội thất.
Kể từ khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin cho đến nay, phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi về hành động mà phía Đức cực lực lên án là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Và việc tiếp tục giam giữ ông Thanh đang làm phức tạp thêm triển vọng hoàn tất Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vốn được chờ đợi từ rất lâu rồi.
Trong bài báo, ông Đoàn Xuân Lộc, một nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Chính sách Toàn cầu tại Luân Đôn, chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa EU và các nước Đông Nam Á cho biết Việt Nam có thể sẽ mất nhiều hơn một hiệp định thương mại tự do, nếu không cải thiện tình hình với Đức. “Chuyện này sẽ gây tổn hại đến Việt Nam cả về mặt ngoại giao lẫn chiến lược”, ông nói.
Bộ ngoại giao Đức nói rõ, Hiệp định Thương mại EU – Việt Nam cần sự chấp thuận của cả Quốc hội Đức và Nghị viện châu Âu, và các thành viên của hai cơ quan này đều biết rõ các hậu quả chính trị trong việc bắt cóc ông Thanh. Như vậy, chỉ cần Quốc hội Đức không đồng ý thông qua thì Hiệp định không thể hình thành. Nói cách khác, Đức có quyền phủ quyết Hiệp định này.
Tuy nhiên để đạt được Hiệp định Thương mại, Việt Nam có thể đưa ra lời xin lỗi, hoặc có nhượng bộ về vấn đề nhân quyền hoặc lao động. Một số quan chức cấp cao của Việt Nam cho biết trong các cuộc phỏng vấn họ tin rằng cuộc xung đột sẽ được giải quyết bằng cách nào đó, ngay cả khi chính họ cũng không chắc chắn làm thế nào.
Ông Nguyễn Chánh Phương, tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết “Đấy là một Hiệp định Thương mại. Chắc chắn họ sẽ trao đổi cái gì đó.”
Bà Alicia Garcia-Herrero, một nhà kinh tế học tại Hong Kong, người tham vấn cho các quan chức châu Âu về hiệp định thương mại này, cho biết bà tin rằng hiệp định sẽ vẫn được tiếp tục miễn là chính quyền Hà Nội tìm được „một con dê tế thần“ để chịu trách nhiệm, ví dụ như vị đại sứ Việt Nam tại Đức chẳng hạn.
Bà cho biết thêm, Đức sẽ không thể lờ đi những lợi ích tiềm năng đối với các nhà sản xuất trong nước hay đòn bẩy giúp các nhà đám phán ở EU có thể tiếp tục đàm phán thương mại với Trung Quốc. “Các ông dành hàng năm trời để đàm phán về một thứ các ông không thể thông qua ư? Trung Quốc sẽ cười vào mặt cho mà xem”.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây tác hại về kinh tế và chính trị
Các nhà phân tích cho biết, vụ việc lùm xùm lần này với Đức có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và vượt xa lợi ích chính trị trong nước khi bắt giữ ông Thanh. Phía Đức đã đáp trả lại hành động bắt cóc bằng việc trục xuất hai nhân viên ngoại giao của Việt Nam, đình chỉ các cuộc viếng thăm song phương cấp cao và yêu cầu một “sự đảm bảo rằng sẽ không có bất kỳ hành động vi phạm nào kiểu như thế này trong tương lai.”
Ông Marko Walde, chủ tịch Hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, cho biết hành động này “hoàn toàn không thể chấp nhận được, và trường hợp này sẽ được đưa ra xem xét cẩn thận” để phê chuẩn hiệp định thương mại.
Bà Lê Hoài Anh, chủ tịch Hal Group, một công ty tại thành phố Hồ Chí Minh chuyên phân phối và bán mỹ phẩm châu Âu, cho biết bà lo lắng hiệp định thương mại sẽ bị gián đoạn và các biện pháp trừng phạt sẽ làm tăng thuế nhập khẩu. “Chúng tôi không biết chính xác sẽ như thế nào nhưng chúng tôi có dự đoán về một viễn cảnh tồi tệ”.
Ông Nguyễn Xuân Diện, một blogger chính trị tại Hà Nội đã so sánh tình hình hiện tại của Việt Nam giống như một con ếch ngồi trong nồi súp nóng. “Con ếch bắt đầu cảm nhận được sức nóng rồi đấy”.
Linh Quang (Tổng hợp)
Bản dịch bài báo New York Times của dịch giả Athena: Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ảnh hưởng đến hiệp định thương mại với Việt Nam
Trích: “Con ếch bắt đầu cảm nhận được sức nóng rồi đấy”
Khốn nỗi, với một bản chất lưu manh và vô trách nhiệm lũ “ếch” kia khi “cảm nhận được sức nóng” e rằng chúng sẽ giẫm đạp lên nhau mà ngoi lên để kiếm đường thoát hiểm cho chính mình thay vì biết nhận lỗi hoặc hy sinh chính mình làm bàn đạp cho con khác tìm đường sống.
Tội phạm kinh tế trốn chạy.Nếu xử sự đúng Đức phải tìm hiểu và trao trả cho chính quyền VN .Không phải cứ tham nhũng được nhiều tiền mang sang nước đó xin định cư, oknước đó thấy có lợi bao che luôn, đâu gọi là đúng lý, đâu phải là nước văn minh. Thế giới còn nhiều bất cập lắm?