Thạch Đạt Lang
29-10-2017
Sáng sớm chủ nhật, lai rai nhâm nhi ly cà phê sữa Diamond, lang thang vào “phây búc”, thấy ngay tấm ảnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngồi ăn cơm cùng với công nhân công ty TaeKwang Vina ở Đồng Nai. Trong ảnh, thấy ông Phúc mặt mày tươi tỉnh ngồi bên cạnh hai người, môt nam, môt nữ tươi cười, hớn hở, dường như đang nghe ông Phúc (nghiêng đầu) nói một câu gì đó ý nhị nên nụ cười của họ rất… tới bến, hết cỡ thợ mộc.
Nhìn tấm ảnh tôi cũng cười, nhưng cười xong tôi cảm thấy tội nghiệp, cảm thương cho ông Phúc, ông đã phải diễn hài quá khả năng của mình. Khi nghiêng đầu qua nói gì đó với người nữ công nhân bên cạnh, dường như ông Phúc gắp thức ăn trên khay mình, tiếp cho người này khiến cô vừa cười vừa (có vẻ) cảm động và hơi mắc cở.
Ai, kẻ nào dám chê ông Phúc là ít học, kém văn hóa nên coi lại. Dùng đũa trong bữa ăn là văn hóa đặc thù của một số nước Á Châu như Việt Nam, Trung Hoa, Thái Lan…, việc ga lăng, nịnh đầm của ông Phúc rất đáng khen, nhưng nếu đúng như thế thì hơi… mất vệ sinh. Đũa chỉ dùng để lùa cơm, gắp thức ăn (trong chén của mình) đưa vào miệng, trong các tô, đĩa, liễn… đựng thức ăn chung cho nhiều người thì phải dùng muỗng canh, người Bắc gọi là thìa. Việc gắp thức ăn cho người khác là chuyện không nên vì đầu đũa có thể đã dính nước bọt của mình.
Dù ông Phúc khôn ngoan, thông minh hay ngu dốt, ít học, đần độn… không ai có thể phủ nhận ông Phúc có tài. Tài đó có lợi cho dân, cho nước hay không lại là chuyện khác. Không có tài, sao ông có thể trở thành thủ tướng một nước có hơn 93 triệu dân, đạt được hơn 96% phiếu bầu trong đại hội ĐCSVN, được quốc tế công nhận? Dân có công nhận không, cũng không bàn đến trong bài này.
Trong ảnh cho thấy ông Phúc thuận tay trái, rất ít người thuận tay trái và theo sự đánh giá của bản thân tôi qua kinh nghiệm sống, những người thuận tay trái luôn luôn có một tài gì đó đặc biệt.
Gọi đứa con trai lớn, chỉ nó coi tấm hình, hỏi nó nghĩ sao? Nó quan sát mấy giây rồi bật cười: “Ông này đang… thả dê cô bên cạnh, định gắp gì đó tiếp cho cô ấy. Con thấy có hai điểm rất vô lý: Thứ nhất, không ai ăn cơm bằng khay mà lại dùng đũa. Thứ hai, hộp giấy trên bàn là loại giấy giống như hiệu Kleenex, mỏng, mềm, để chùi mặt, chùi mũi hoặc cho phụ nữ dùng sau khi trang điểm chứ đâu phải là loại giấy dùng cho bữa ăn. Căng tin mà cho công nhân dùng giấy này trong bữa ăn thì sang và phí phạm quá”. Phải công nhận thằng con tôi nhận xét sắc sảo, chí lý.
Tò mò, nhờ Google search đi tìm nguồn tấm ảnh, dạt qua tờ VnExpress thấy thêm hai tấm nữa. Một tấm, trên khay các công nhân đầy ắp thức ăn, rau, thịt, canh các cái…, đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng, cơm trắng tinh, trên bàn có mấy hộp nước uống trong hộp nhựa bảo đảm yêu cầu vệ sinh, tinh khiết, thêm chai nước lớn, không rõ là trà Lipton hay Coca-Cola. Tổng quát, đó là một bữa ăn trưa có tiêu chuẩn quốc tế, sánh ngang với bữa ăn cho công nhân trong căng tin các nước Âu châu như Đức, Hòa Lan, Bỉ… nơi người viết từng đi làm việc, có dịp ăn trưa.
Cho dù là đóng kịch đi nữa thì công nhân nhà máy cũng được hưởng sái của một bữa cơm ngon “chất lượng” bảo đảm. Mấy tấm ảnh trình diễn bữa ăn ngon, bổ, rẻ, hợp vệ sinh… cũng chẳng có gì để phải bàn tán, xăm soi, chỉ trích… nếu không có những vụ công nhân ngộ độc sau các bữa ăn phải chở đi bệnh viện, xảy ra trong thời gian gần đây.
Chỉ cần đánh mấy chữ “công nhân ngộ độc sau bữa ăn”, sẽ có khoảng 1.280.000 kết quả trong khoảng 0,72 giây. Xin dẫn vài link cho độc giả muốn tìm hiểu thêm: Hàng trăm Công nhân ngộ độc sau bữa ăn trưa, Công nhân ngộ độc sau bữa ăn chiều, Công nhân ngộ độc vì bếp ăn mới khai trương
Hơn thế nữa, chính vì những bài báo nâng bi chuyến vi hành “Thăm dân cho biết sự tình” của ông Phúc ở Đồng Nai, bơm ông cạch cạch nên thiên hạ, nhất là dân “phản động” trên các mạng xã hội mới có cớ để nhao nhao chế diễu, cười cợt như ruồi bu… ngựa.
Bài báo còn có một đoạn như sau: “Nhắn nhủ với công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong mỏi người lao động thế hệ trẻ cần mạnh dạn bứt phá, học hỏi, sáng tạo hơn, từng bước làm chủ khoa học công nghệ để đi vào cuộc cách mạng 4.0” .
“Sau một năm trở lại thăm hỏi công nhân, tôi thấy đời sống đã được nâng cao, chất lượng bữa ăn đảm bảo. Nếu có vấn đề gì các công nhân cần phản ánh ngay với công đoàn, chính quyền để tháo gỡ”, Thủ tướng nói.
Đây chính là những điểm bị dân “phản động” trên mạng oanh kích tự do, ném đá tới tấp. Có kẻ chế giễu, độc mồm, độc miệng, gọi cách mạng 4.0 của ông Phúc và đảng CSVN là: “Không thấy, không nghe, không biết, không nói”.
Họ chế giễu ông Phúc cũng đúng thôi, không có gì sai. Đa số công nhân ở Việt Nam xuất thân từ nông dân, ít học, không có bằng cấp, nghề nghiệp, chuyên môn. Việt Nam hiện chưa có công nghiệp sản xuất, chỉ có công nghiệp lắp ráp. Sản xuất hầu hết là dây chuyền, chỉ cần một số thao tác chân tay đơn giản, không cần kiến thức chuyên môn hay hiểu biết về kỹ thuật, ít vị trí cần sự khéo léo, tinh vi thì bứt phá, học hỏi, sáng tạo ở chỗ nào? Muốn làm chủ khoa học công nghệ thì phải có kiến thức khoa học, kỹ thuật, phải được đào tạo, huấn luyện căn bản. Thủ tướng Phúc thật khéo nói giỡn và nói giỡn rất ý nhị, khiến ai cũng phải phì cười (dù trong bụng chua chát và cay đắng rủa thầm).
Ngoài ra, ông Phúc cũng khuyến khích công nhân đệ đạt ước muốn, phản ánh những vấn đề khó khăn, tồn tại với công đoàn, chính quyền để tháo gỡ. Nghe mà thấy cảm động… ướt cả quần. Công đoàn là của giới chủ nhân, được chế độ bao che, được thành lập để trấn áp tiếng nói của giới công nhân, cấm đoán họ tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của mình. Nói xin lỗi, đi vệ sinh ngoài tiêu chuẩn trong giờ làm việc cũng khó khan, chứ ở đó mà đệ đạt vấn đề để tháo gỡ.
Lạng quạng, hó hé đòi hỏi tăng lương, cải thiện điều kiện, bớt giờ làm việc… là bị làm khó dễ, bịt miệng ngay, nhẹ thì cảnh cáo, theo dõi, nặng thì trù dập hoặc tống cổ ra khỏi hãng, làm gì có luật lệ nào bảo đảm cho quyền khiếu kiện của công nhân khi có tranh chấp giữa chủ nhân và giới làm thuê? Ông Phúc chịu chơi, ra một sắc lệnh cho thành lập công đoàn độc lập đi, liệu có dám không?
Đi kiểm tra thực tế mà báo trước rồi tiền hô, hậu ủng, rùng rùng kéo đến nhà máy, màu mè thăm hỏi, ngồi ăn cơm chung, ban huấn từ, chụp hình, chụp ảnh, tặng quà sao mà khôi hài và lố bịch quá, thấy mà ớn chè đậu.
Ngừng lại đi ông Phúc! Nên để thì giờ đi thăm, ủy lạo gia đình những nạn nhân bị lũ lụt ở Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… và suy nghĩ tìm biện pháp đóng cửa các nhà máy thủy điện, có lợi hơn là đi trình diễn những trò hề lố bịch, rẻ tiền, dù đứa con nít cũng nhận ra.
Công bằng mà nói, tôi thấy ông Phúc đang dùng muỗng (thìa) trong hình đấy chứ?
Tôi thường tránh những cuộc tranh cãi về nghệ thuật vì thường dựa trên những ý kiến chủ quan, nên còm này không mang tính tranh cãi .
Có lẽ tôi đoán không lầm Thạch Đạt Lang thích những vở kịch dàn dựng công phu, diễn viên chuyên nghiệp, nội dung truyền cảm như Bác Hồ khóc sau Cải cách ruộng đất . Tôi đồng ý với Thạch Đạt Lang rằng chính tôi cũng thích những vở kịch như vậy, nhưng có lẽ tôi dễ tính trong thưởng thức nghệ thuật hơn vì tôi thấy những gì Thạch Đạt Lang cho là trò hề lố bịch & rẻ tiền cũng rất entertaining, vui & có ích . Riêng tôi, những trò hế lố bịch & rẻ tiền thế này làm rất nhiều người cũng hiểu & nói lên nhiều điều hơn những vở kịch do những diễn viên thượng thặng như Bác Hồ của chúng ta thủ vai . Chúng nói lên tính nghiệp dư của diễn viên, lượng tư duy của diễn viên kiêm đạo diễn … Và nhiều người cũng hiểu những điều đó, thay vì những vở kịch với những diễn viên gạo cội làm (rất) nhiều người -phần lớn là trí thức- không phân biệt được sự khác nhau giữa kịch & đời thường . Trong khi thưởng lãm những trò hề lố bịch & rẻ tiền ai cũng biết được (ngoại trừ những người như Mai Quốc Ấn) sự khác nhau giữa kịch & đời thường .
Vì vậy, tôi rất hoan nghênh những trò hề lố bịch & rẻ tiền, và hy vọng các lãnh đạo nhà mình sẽ tích cực tham gia để tạo ra những vở diễn càng ngày càng lố bịch hơn cho những người như tôi được thưởng lãm .
Đạo lý cách mạng không nên sợ sai . Có gì những người như nhà báo Mai Quốc Ấn sẽ viết theo xu thế cho .