Tin trong nước
RFA có bài: Hoàng Sa nay thành điểm du lịch của dân Trung Quốc. Bí thư thành phố Tam Sa cho biết, “kể từ đầu năm 2017 đến nay có 59 đoàn du khách Hoa Lục ra tham quan quần đảo Hoàng Sa”. Theo các nhà quan sát, “chính sách đưa du khách người Hoa Lục đến thăm những đảo do Trung Quốc quản lý tại Biển Đông nằm trong chiến lược dài hạn của Bắc Kinh trong việc độc chiếm Biển Đông”.
RFI có bài về tình hình Biển Đông: Singapore lên làm chủ tịch ASEAN: Cơ may cho Biển Đông? Theo hai chuyên gia Singapore, Henrick Z Tsjeng và Collin Koh, thuộc trường quan hệ quốc tế S Rajaratnam School of International Studies, “việc đạt được Thỏa Thuận về Bộ Khung Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông là một tiến bộ đáng ghi nhận, và với việc ghế chủ tịch ASEAN sắp chuyển từ Philippines sang Singapore, có thể chờ đợi những bước tiến cụ thể hơn cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Lý do nằm ở hai điểm: Singapore nổi tiếng là một nước làm nhiều hơn là nói, đồng thời lại có vị trí trung lập, không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông”.
Về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế: Biển Đông: Philippines không bỏ phán quyết PCA. BBC dẫn lời Thẩm phán Tòa tối cao của Philippines, ông Antonio Carpio, nói: “Phán quyết này sẽ vẫn được bảo lưu dù là trong nhiệm kỳ của tổng thống hiện nay hay là của tổng thống kế tiếp, đó chỉ là vấn đề về thời gian, phán quyết luôn còn đó và nó có thể được thực thi hiện nay, hay với tổng thống tiếp theo”.
Mời đọc thêm: Đô đốc Harris: Washington đang mất dần kiên nhẫn với Trung Quốc về Biển Đông (Infonet). – Ngư dân Việt Nam và chiếc ‘thẻ vàng’ cảnh cáo của EC (RFA). – Xuất khẩu thủy sản ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc EU rút thẻ vàng (VOV). – Cảnh sát biển và VASEP sẽ hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản hợp pháp (DV). – Cảnh cáo đăng kiểm vụ tráo máy tàu thép: Những tâm tư (ĐV). – Ngư dân tố Bảo Minh Quảng Ngãi không chịu bán bảo hiểm cho tàu “67” (DV). – Ngư dân Quảng Ngãi gặp khó vì cửa biển bị bồi lấp (VTV). – 8 ngư dân Việt bị bắt vì sờ mó bé gái 4 tuổi ở Malaysia (DV).
Đối ngoại của Việt Nam
BBC có bài: Mỹ và VN muốn tăng cường quan hệ quốc phòng. Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết, ông Jim Mattis đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ở Manila, Philippines: “Hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về an ninh khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với ASEAN để bảo đảm một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở. Họ cũng tái khẳng định ý định tăng cường quan hệ quốc phòng song phương”.
RFA đưa tin: Các nhà đàm phán TPP họp vào tuần tới tại Nhật. “Các nhà đàm phán từ 11 quốc gia thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tổ chức một cuộc họp kéo dài ba ngày tại Nhật Bản vào tuần tới. Cuộc họp nhằm mục đích giúp các bên đạt được thỏa thuận vào tháng 11 tới đây tại Việt Nam”.
Mời đọc thêm: Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và Việt Nam gặp nhau ở Philippines (RFA). – Tướng Mattis gặp tướng Lịch: Mỹ – Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải (VOA). – Việt Nam và Ấn Độ đối thoại chiến lược (RFA). – Lào: Đấu trường cạnh tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc (Sputnik).
Màn kịch họp Quốc hội
Báo Tiền Phong có bài: Chính phủ trình nhân sự Bộ trưởng Giao thông và Tổng Thanh tra mới. Ngày 25/10, Quốc hội VN đã phê chuẩn việc miễn nhiệm đối với ông Trương Quang Nghĩa và ông Phan Văn Sáu. Kết quả: ông Trương Quang Nghĩa có 465/465 phiếu đồng ý. Ông Phan Văn Sáu có 463/465 phiếu đồng ý, 2 phiếu không đồng ý miễn nhiệm.
Cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng trình QH phê chuẩn ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng làm Bộ trưởng GTVT và ông Lê Minh Khái, Bí thư Bạc Liêu giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Như vậy là kết quả nhân sự không có gì bất ngờ, được thiên hạ dự đoán từ trước. Nếu kết quả những màn bổ nhiệm cán bộ trong những ngày họp tiếp theo đúng như thiên hạ đồn đoán, thì trò hề này từ nay nên dừng lại cho đỡ tốn tiền thuế của dân.
Mời xem clip của VTC về ứng viên Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể:
Ứng viên vị trí Bộ trưởng Giao thông Vận tải là ai?
Publié par VTC1 – Tin Tức sur mercredi 25 octobre 2017
Facebooker Lưu Trọng Văn có bài: Hãy nói thẳng ra là sợ… Việc mấy ngày trước ông Phan Văn Sáu lấy lý do sức khỏe yếu để xin nghỉ, nay lại được đảng chỉ định làm Bí thư Sóc Trăng, theo tác giả, là “không thể chấp nhận được” vì sức khoẻ đã kém “thì ông nên xin nghỉ, cớ sao ông lại chấp nhận làm Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng. Giời ạ, làm vua một tỉnh cả triệu dân èn èn xỉu xỉu được ư? Cớ sao ông lại có thể coi thường cuộc sống của cả triệu người đến vậy?”
Tác giả viết tiếp: “Vậy thì thực chất ông Sáu xin rút lui vị trí tổng thanh tra chính phủ chả qua là ông không đủ năng lực làm công tác thanh tra, không đủ dũng cảm chiến đấu cho công lý mà thôi. Ở khía cạnh này thì ông Sáu đáng khen vì dù sao vẫn còn biết… sợ khi thấy mình ở không đúng chỗ của mình”.
Mời đọc thêm: Giới thiệu ông Lê Minh Khái làm Tổng thanh tra Chính phủ — Giới thiệu ông Nguyễn Văn Thể làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải (NQL). – Giới thiệu ông Nguyễn Văn Thể làm tân bộ trưởng Bộ GTVT (PLTP). – ‘Mong tân Tổng thanh tra giải quyết tàn dư của bộ máy’ (BBC). – Chống tham nhũng sau Hội nghị trung ương Sáu bằng luân chuyển cán bộ (RFA).
Lộ, mất tài liệu mật: Ai chịu trách nhiệm?
Báo VietNamNet có bài: Bộ trưởng Công an: Lộ, mất nhiều tài liệu tuyệt mật. Trong phiên họp QH chiều 25/10, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, “từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo”. Điều khó hiểu là “Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc, báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế…”
Nhân dịp này Bộ Công an cũng trình QH về Dự thảo luật An ninh mạng. Nội dung của nó không nằm ngoài việc tập trung vào đối tượng có âm mưu “diễn biến hòa bình”, “chuyển hóa chế độ chính trị”, sử dụng không gian mạng để “kích động biểu tình, gây rối an ninh…” Và mặc dù có một số ý kiến không tán thành, nhưng Quốc hội cho rằng việc xây dựng luật là cần thiết.
Mời đọc thêm: Ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết (LĐ). – Bộ Công An Việt Nam trình Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, An ninh mạng (VOA). – Sử dụng mạng để kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh… bị xử lý (SGGP). – Luật An ninh mạng sẽ nhấn mạnh đến việc bảo đảm quyền con người (VOV). – Bộ Công An Việt Nam trình Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, An ninh mạng (VOA). – Thủ tướng ra lệnh: an ninh “tuyệt đối” cho APEC (VOA).
Nhân quyền ở Việt Nam
Hôm qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử sinh viên Phan Kim Khánh theo điều 88 BLHS tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN.’ Ngoài gia đình Phan Kim Khánh, còn có một số nhà hoạt động từ Sài Gòn, Hà Nội, cũng đã tới theo dõi phiên tòa. Tuy nhiên, chỉ có bố của Khánh được vào dự, mẹ và em gái Khánh không được vào bên trong tham dự phiên tòa. LS Hà Huy Sơn là người bào chữa cho Khánh.
Phiên xử kết thúc nhanh chóng, chỉ trong một buổi sáng, Phan Kim Khánh đã phải nhận bản án 6 năm tù giam, 4 năm quản chế. LS Hà Huy Sơn cho biết: “Cơ quan điều tra và bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định Khánh không có tình tiết tăng nặng. Nhưng tại phiên tòa Đại diện VKS nại ra tình tiết tăng nặng ‘Phạm tội nhiều lần’ để tước đi quyền được hưởng tình tiết giảm nhẹ của Khánh. Như vậy, Tòa án hôm nay đã làm trái với tinh thần xét xử của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, không khoan dung, thiếu nhận đạo (nếu cho rằng Khánh phạm tội) để tuyên một mức án rất nặng nề cho thanh niên Phan Kim Khánh“.
Phan Kim Khánh: Muốn xóa tham nhũng phải xây dựng thể chế đa nguyên, báo chí tự do… Trong “đơn xin học bổng truyền thông” của sinh viên Phan Kim Khánh, có thể đọc được những trăn trở, suy tư của chàng sinh viên trẻ tuổi này về đất nước.
Khánh viết: “Bản thân tôi tư duy rằng: Không thể nào xóa được tham nhũng nhờ trang báo của mình, muốn xóa tham nhũng phải xây dựng thể chế đa nguyên, một nền báo chí tự do, xây dựng cơ chế để xã hội dân sự hoạt động tốt góp phần giám sát, thanh tra các quan chức chính phủ. Vì thế ngoài các bài viết về tham nhũng tôi mở cửa cho các luồng tư tưởng về dân chủ, đa nguyên, về tự do báo chí, tin tức hằng ngày lên website. Đó là bước đầu của cá nhân tôi khi đang là sinh viên“.
Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin: “Phan Kim Khánh từng tham gia chương trình YSEALI – Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á 2015, một ý tưởng của cựu TT Hoa Kỳ Obama nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo và kết nối trong ASEAN, về chủ đề Phát triển bền vững. Khánh mới 24 tuổi, một người trẻ có nhiều hoài bão và đầy ắp những ý tưởng xây dựng đất nước“.
Facebooker Nguyễn Thị Bích Ngà viết: “Như thường lệ, chính quyền Việt Nam đã một lần nữa đi ngược lại thế giới văn minh, đi ngược lại sự tiến bộ khi kết án và cầm tù một tư tưởng. Dĩ nhiên, đây là điều mà mọi người dấn thân đấu tranh đã biết, rất nhiều người dân có quan tâm đến chính trị xã hội cũng đã biết… Và, chúng ta cũng biết vụ việc của em Khánh sẽ như nhiều vụ việc trước đó, sẽ chìm lắng sau vài ngày nữa bởi những phát ngôn ngu ngốc hoặc ngông muội của một quan chức hay một thành viên nào đó thuộc giới showbiz“.
LS Lê Văn Luân đặt câu hỏi: “Nếu một phiên toà mà kết tội một người do hành vi tuyên truyền về đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, đòi hỏi bầu cử tự do, tự do báo chí,…là chống lại nhà nước thì há chẳng phải là đang thừa nhận rằng ở nhà nước đó không có những thứ tự do ấy hiện diện ư, hoặc là một loại tự do rất khác biệt với phần còn lại?”
Mời xem clip từ Facebooker Bùi Thị Minh Hằng, LS Hà Huy Sơn phát biểu bên ngoài, sau khi kết thúc phiên tòa:
Khoảnh khắc sau khi kết thúc phiên toà . Họ đánh lừa mọi người dồn sang phía cổng bên phải . Nhưng họ cho xe tù chạy ra cổng trái . Chúng tôi chạy theo xe gào lên gọi tên Khánh . Sau khi xe tù chạy khuất tôi mới quay lại làm cuộc phỏng vấn nhỏ với luật sư bảo vệ cho Khánh Mời các bạn đón nghe
Publié par Bui Thi Minh Hang sur mercredi 25 octobre 2017
Facebooker Mạc Văn Trang viết: Vinh và nhục. “Trước Tòa án, Trần Thị Nga, Như Quỳnh, Phương Uyên… hiên ngang, vì họ ý thức rõ, việc làm của mình là chính nghĩa, vì lý tưởng tiến bộ xã hội, dẫu bị kết án oan trái, chẳng sờn lòng trước cường quyền… Trong khi đó bọn tham nhũng, bề ngoài thì oai về lắm, nhưng lúc ra Tòa thì run rẩy, khóc mếu, xin giảm tội… Họ bọc lộ rõ bản chất của kẻ gian tham, phi nghĩa, chỉ cốt vơ vét cho đầy túi tham để hưởng lạc; kẻ nào có tiền chẳng mua chuộc được họ!. Không có chính nghĩa, không có lý tưởng cao đẹp thì nhân cách nhỏ nhen, làm gì có bản lĩnh, mà chả run sợ, khóc lóc, van xin trước Tòa! Trước Tòa, rõ bản chất 2 loại người Vinh và Nhục“.
Trang Tiếng Dân có bài: Trần Huỳnh Duy Thức được nới lỏng các điều kiện trong giam giữ. Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Trần Huỳnh Duy Thức, cho biết: “Họ cho nhận đèn pin để anh Thức có thể làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng. Nói chung cũng tạm cải thiện được vấn đề thiếu ánh sáng cho anh Thức rồi. Trước đây họ không cho nhận, nên gia đình cũng đấu tranh nhiều lần, nhiều cách nên giờ họ đã cho nhận. Thời gian này thì không còn nghe họ bắt ảnh đi lao động nữa. Chuyện cúp điện trong phòng thì không nghe anh Thức phàn nàn nữa nhưng luôn nhắc gia đình phải gửi pin. Nhờ có đèn pin nên mắt ảnh cũng đỡ hơn, không gặp nhiều vấn đề gì nghiêm trọng như trước”.
Báo PLTP có bài: Khởi tố, bắt tạm giam Trần Thị Xuân. Ngày 23/10, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam hơn 3 tháng đối với bà Trần Thị Xuân, về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Bài báo đưa tin, bà Trần Thị Xuân là Phó Ban điều hành chi hội ‘Anh em dân chủ’ ở miền Trung. Trước đó, ngày 17/10, bà Xuân đã bị bắt khẩn cấp theo điều 79 Bộ luật Hình sự.
RFA có bài tường trình về buổi vận động cho tự do tôn giáo Việt Nam ở Quốc hội Hoa Kỳ của Mục sư Nguyễn Công Chính: “Việt Nam dùng nhà tù để giết những người không có tội”. Lên tiếng trước Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos và Nhóm Dân Biểu quan tâm các vấn đề của Việt Nam, MS Chính nói: “Tôi bị bắt vào tù năm 2011 và suốt 6 năm 4 tháng tôi ở trong tù thì đều bị biệt giam. Họ bỏ miểng chai vào thức ăn của tôi. Các anh em tù nhân cũng phát hiện trong đồ ăn có kẽm gai và có hóa chất độc hại mà không thể biết là chất gì. Nhưng chính mắt tôi thấy đã có nhiều anh em tù ngã xuống chết. Và thân nhân gia đình họ xin mang xác về thì không được phép, mà chôn trong trại giam cho đến khi hết án mới cho lấy xác”.
Mời đọc thêm: Mục Sư Chính yêu cầu Quốc Hội Mỹ đưa Việt Nam vào CPC (NV). – Phiên tòa sơ thẩm vụ án Phan Kim Khánh: Cập nhật và tổng hợp thông tin (RFA). Phan Kim Khánh bị xử 6 năm tù vì ‘tuyên truyền chống nhà nước’ (VOA). – Sinh viên Phan Kim Khánh bị sáu năm tù (RFI). – 6 năm tù tuyên cho nhà hoạt động Phan kim Khánh — Thêm người ý thức về tự do dân chủ tại Việt Nam (RFA). Mời đọc lại những bài viết cũ của Phan Kim Khánh, để hiểu thêm những suy tư của chàng thanh niên trẻ này, khi đó mới 21 tuổi: Tôi yêu chính trị — Nghĩ về chiến tranh
Biệt phủ của cựu Phó thống đốc NHNN?
Facebooker Ngọc Bảo Châu có bài: Biệt phủ khổng lồ của cựu Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh ở TP.HCM? Theo tác giả, ngôi biệt phủ này thường được ông Nguyễn Phước Thanh tổ chức “ăn nhậu” mà “nhất định không ra quán nhậu”. Còn “mỗi cây cảnh quý trong khuôn viên biệt phủ có giá trên dưới 1 tỷ đồng. Giá thị trường đất mặt tiền đường Nguyễn Hữu Trí hiện nay khoảng 70 triệu/m2. Khuôn viên biệt phủ rộng chừng hơn 5.000 m2“.
Báo Làng Mới có bài: Nữ sinh 9X cất nhà 900m2. Bài báo cho biết, người đứng tên căn biệt phủ trên là bà Nguyễn Phước Thiên Anh, sinh năm 1995. Khu nhà này được bà Thiên Anh xây dựng năm 2014, “khi đang là sinh viên một trường quốc tế và vừa 19 tuổi“. Đặc biệt, “nữ sinh Nguyễn Phước Thiên Anh là một trong những người con của ông Nguyễn Phước Thanh”.
Nhưng mặc dù có nhà cao cửa rộng, nhưng cựu Phó Thống đốc NHNN Việt Nam đã giấu nó, cả mặt tiền tòa nhà lẫn giấy tờ. Bên ngoài căn nhà thì ngụy trang như một căn nhà cũ, còn giấy tờ nhà thì cả hai vợ chồng chủ nhân không dám đứng tên, phải để cho đứa con gái 22 tuổi, đang học nước ngoài, đứng tên. Làm giàu bằng cách cướp của dân chi cho khổ sở thế này?
Mời đọc thêm: Xác minh “biệt phủ” nghi vấn của một nguyên lãnh đạo NHNN (TT). – Xôn xao biệt phủ của “quan” về hưu (NLĐ).
Biệt phủ của cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT
Sau khi báo NLĐ có bài đưa tin nghi vấn căn biệt phủ rộng gần 7.000m2 tại Hóc Môn, TP.HCM, do bà Trần Thị T. vợ của một cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT đứng tên, thì tối 25/10, ông Bùi Cách Tuyến, cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT đã “chủ động” gọi điện thoại đến Báo Người Lao Động cho biết: “Tôi đang qua nước ngoài để thăm con thì nghe thông tin mình sở hữu biệt phủ nên phải lên tiếng để dư luận hiểu rõ“.
Ông Tuyến thừa nhận: “Năm 2013, khi tôi còn làm tại Bộ TN-MT, vợ tôi mua khu đất ruộng 7.000 m2 ở vùng ven huyện Hóc Môn. Lúc đó có kê khai tài sản theo quy định pháp luật“. Ông Tuyến cũng cho biết thêm: “Tôi là thầy giáo đứng đắn, trước giờ ai cũng biết. Tôi tự lo mọi thứ ngay từ đầu, từ hồi mới ra trường, tức là năm 1979 đến giờ“. Nhưng khi được hỏi giá cả khu đất này, ông Tuyến trả lời: “Cái đó là bà xã lo chứ tôi cũng không để ý vì tôi làm việc ở Hà Nội“.
Vụ biệt phủ Yên Bái
Báo Người Đưa Tin có bài: Vụ “biệt phủ” ở Yên Bái: Làm rõ sai phạm ông Quý “chống lưng” cho vợ làm “cò đất”? Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: “Cần phải làm rõ là Chủ tịch UBND TP. Yên Bái, Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách mảng này biết sai nhưng có báo cáo không hay bao che cho vi phạm“.
Còn với ông Quý, thì: “Việc ông Phạm Sỹ Quý kê khai tài sản không trung thực, theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, bản thân cán bộ làm quản lý ở lĩnh vực đất đai mà vợ ông Quý lại đi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng cho 14 hộ dân, khác gì ‘cò đất’. Đó là vi phạm luật Phòng chống tham nhũng nếu không có chức vụ của chồng làm sao vợ ông Quý làm được việc đó, quy trách nhiệm thì ông Quý đã sai”.
Một ông thì con gái đứng tên biệt phủ, hai ông còn lại thì để vợ đứng tên. Xem ra củi thì nhiều nhưng cụ tổng Trọng khó cho vào lò được.
RFA có bài: Từ vụ Yên Bái, nhìn ra người Việt quen dùng cổ luật. Bài báo viết, “một khi người Việt không thay đổi tư duy, không đuổi bắt kịp nhân loại chí ít về mặt hiểu biết pháp luật, nhân quyền, tự do, công ước quốc tế về quyền con người… Thì hệ quả tất yếu là sự cam chịu tập thể, là hàng hàng lớp lớp các Phạm Sỹ Quý khác sẽ ung dung hưởng lạc trên mồ hôi, xương máu của đại bộ phận dân đen”.
Mời đọc thêm: 9 phát ngôn của ông Phạm Sỹ Quý về ‘biệt phủ’ trước khi có kết luận thanh tra (Tri Ân). – Ông Phạm Sỹ Quý có tham nhũng không? (CL). – Ai ưu ái đến bất thường cho vợ ông Phạm Sỹ Quý? (GDVN). – Ông Phạm Sỹ Quý vay tiền tỷ xây biệt phủ: Mỗi tháng trả lãi bao nhiêu? (TM). – Yên Bái phủ nhận việc giải trình vụ ông Phạm Sỹ Quý (PLTP). – Yên Bái lập 2 hội đồng kỷ luật vi phạm của Giám đốc Sở TN-MT Phạm Sỹ Quý (DT).
Biệt thự của Bí thư tỉnh Quảng Bình
Nhà báo Nguyễn Tiến Tường có bài: Phủ Quan – Phận Dân. Tác giả viết: “Quan nhân từ phủ tới dinh, một đường nhung gấm. Dân từ nhà ra ngõ, lầm lũi một nỗi nhọc nhằn“. Trong khi “Nhiều cán bộ tỉnh, mỗi người một biệt thự hoành tráng ở biệt khu nhà giàu bên biển” thì “bão lũ tang tóc giết bao nhiêu mạng người“.
Tại sao quan chức coi thường phản ứng công luận và luật pháp, đục khoét ngân sách, xây dựng biệt thự, biệt phủ nguy nga hoành tráng, phô trương tài sản khắp nơi… như vậy? Theo tác giả: “Vì rằng quyền lực hệ thống đã tạo một tấm khiên vững chắc bảo vệ họ trong thành luỹ lợi ích. Và cũng vì rằng, từ lâu rồi, ta thán và chịu đựng đã trở thành bản năng của mỗi người dân”.
Vụ Cục phó Nguyễn Xuân Quang mất cục tiền
Báo NLĐ có bài: Vụ Cục phó Nguyễn Xuân Quang mất trộm: Chỉ khởi tố vụ mất máy tính. Hôm qua, ông Phạm Hữu Châu, Phó giám đốc Công an tỉnh Long An, cho biết: “Qua kết quả truy xét, đến thời điểm này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Tân An quyết định khởi tố vụ án, điều tra vụ mất trộm laptop do đủ định lượng tài sản“. Về “tin báo số tiền bị mất cắp trong phòng nghỉ số 209 là 385 triệu đồng thì vẫn còn xác minh”.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: “Nay họp báo, gần một tháng rồi, bước đầu khẳng định mất cái laptop thôi. Tiền thì chỉ có lời khai của anh, chưa có lời khai của thằng trộm nên công an chưa xác định là mất hay không, số lượng bao nhiêu. Có vẻ công an không tin anh. Nhưng anh đừng buồn. Anh khai cho thật đi. Vì nếu khai không khớp với kẻ trộm, thì phiền lắm”.
Mời đọc thêm: Cục phó bị trộm: Cơ quan điều tra đang tập trung hướng điều tra về việc mất laptop (LM). – Vụ Cục phó mất trộm: ‘Chưa đủ cơ sở kết luận mất gần 400 triệu’ (VNN). – Cục phó bị trộm 400 triệu tại khách sạn: mới xác định mất laptop (TT). – Vụ Cục phó mất trộm: ‘Chưa đủ cơ sở kết luận mất gần 400 triệu’ (VNN).
Xử phúc thẩm vụ VN Pharma
Báo VietNamNet có bài: Vụ VN Pharma: Lần đầu tiên Cục Quản lý dược ‘phản pháo’. Suốt 4 ngày diễn ra phiên xử phúc thẩm, đại diện Bộ Y tế có mặt tại toà, nhưng không trả lời rành rọt các câu hỏi của HĐXX. Phiên xử hôm 25/10, ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược mới có văn bản trả lời gửi TAND Cấp cao TP.HCM. Cục Quản lý dược khẳng định, “thuốc điều trị ung thư H-Capital của VN Pharma ‘không phải thuốc giả’ mà là ‘thuốc kém chất lượng’, không được lưu hành và sử dụng”.
Báo NLĐ có bài: Vụ VN Pharma: Bộ Y tế đã xem thường pháp luật. Liên quan đến việc tòa có triệu tập nhưng ông Trương Quốc Cường, Cục Quản lý Dược, thuộc Bộ Y tế, đã không thèm đến, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, cựu Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP. HCM cho rằng, việc không chấp hành lệnh của tòa án là hành vi “xem thường pháp luật”. Còn ông Giang Hán Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực tham nhũng có tới tham dự, nhưng chỉ “diễn hài”: “Xin không trả lời, ghi nhận và báo cáo lãnh đạo bộ“.
Báo PLTP có bài: Tòa đã triệu tập, thì các cá nhân phải tới. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết: “Nếu tòa triệu tập, anh phải đến. Nếu không đến là vi phạm pháp luật, trừ phi, anh có đơn từ xin vắng có lý do chính đáng phù hợp với quy định pháp luật”.
Mời đọc thêm: Phúc thẩm vụ VN Pharma: Cục Quản lý dược và “thái độ thiếu nghiêm túc”! (DT). – Vụ VN Pharma: Đề nghị chuyển sang tội buôn bán hàng giả (PLTP). – Khóc lóc làm gì, xấu hổ lắm ông Nguyễn Minh Hùng! (NLĐ). – Bắt tạm giam 1 đối tượng buôn bán thuốc ung thư giả — Ngoài thuốc ung thư H-Capita, 7 loại thuốc nhập từ công ty “ma” của VN Pharma đã đi đâu? (LĐ). – Đã xác định được đường đi của 9.300 hộp thuốc H-Capita trong vụ án VN Pharma (NTD). – Bộ Y tế trả lời về việc cấp giấy phép cho VN Pharma (Zing). – Bộ trưởng Kim Tiến: Ngành y tế đang đơn độc (VNN). – Vụ án VN Pharma: Giấy mời tham dự phiên tòa bị biến thành “triệu tập” (GDVN).
Bao giờ củi Đinh La Thăng mới bị vô lò?
Nhà báo Huy Đức có bài: Đinh La Thăng chễm chệ trong Quốc Hội: Sự bỡn cợt với công lý. Theo tác giả, việc tòa tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn, còn Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Thắng… đã bị bắt, trong khi “Đinh La Thăng vẫn mũ cao áo dài đường hoàng bước vào phòng họp Quốc hội thì không khỏi có cảm giác như công lý đang bị bỡn cợt“.
Tác giả cho rằng: “Khởi tố, bắt giam Đinh La Thăng, vì thế, không chỉ làm cho tiến trình điều tra vụ án OJB cũng như các vụ án khác ở PVN diễn ra nhanh và thuận lợi hơn mà còn làm cho dân chúng cảm thấy: ‘chống tham nhũng’ là một nỗ lực nghiêm túc; pháp luật không chỉ nghiêm với những người thấp cổ bé miệng; công lý không phải là thứ có thể đem ra nhạo báng”.
Công an Đồng Nai: Trên ăn, dưới uống
Báo Thanh Niên tiếp tục loạt bài: ‘Luật ngầm’ trên sông: Tuyên truyền hay gom tiền? Về việc CSGT kiểm tra “chớp nhoáng” các sà lan trên sông, thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó phòng CSGT đường thủy, Công an tỉnh Đồng Nai, cho rằng, đó là CSGT đi “tuyên truyền”. Thế nhưng, một số chủ sà lan cho biết: “Làm gì có tuyên truyền”, mà là đi “gom tiền”!
Khi được hỏi: “Những ‘tờ nhỏ’ mà CSGT nhận từ trong quyển tập mà PV ghi lại được có phải là tiền không?” ông Quang cho biết: “Hiện chúng tôi chưa xác định được có phải là tiền hay không, Thanh tra công an tỉnh sẽ làm rõ việc này”.
Mời xem clip của báo Thanh Niên, CSGT Đồng Nai đi “tuyên truyền mùa mưa bão“:
Việt Nam đang đứng ở đâu?
Thời báo Kinh tế VN có bài: Hộ chiếu Singapore quyền lực nhất thế giới, Việt Nam đứng hạng 78/94. Chỉ số Hộ chiếu (Passport Index) 2017 do công ty tư vấn toàn cầu Arton Capital thực hiện, cho thấy, hộ chiếu Việt Nam chỉ đứng hạng 78/94, “cùng nhóm với Cộng hòa Trung Phi và Turkmenistan“. Việt Nam được 48 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực. So với năm ngoái, hạng 75, được 51 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn visa, có thể thấy, vai trò của Việt Nam không phải “ngày càng được nâng cao” như mấy ông lãnh đạo xứ này tuyên truyền.
Vụ án ám sát Kim-Jong-nam
Thêm tình tiết mới: Xuất hiện video về hai nghi phạm khác trong vụ Kim Jong Nam. RFA đưa tin, “vào ngày 26 tháng 10, trong phiên tòa tiếp tục xử vụ 2 bị cáo Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah về tội giết ông Kim Jong-nam, phía công tố sẽ công bố hình ảnh của 2 người đàn ông bị cáo buộc có liên quan đến vụ ám sát”.
Con lai Việt – Nhật về quê cha
Một cố gắng xoa dịu sự tàn ác của chiến tranh: Con lai Việt-Nhật lần đầu thăm quê cha. VOA cho biết, “Đây là chuyến thăm Nhật đầu tiên của Phan Hồng Châu, một trong số 13 người con lai kể trên. Người đàn ông 67 tuổi nói với Japan Times rằng ông cảm thấy như được ‘trở về nhà’ khi ông tới một sân bay ở Nhật Bản. Ông đã rất hạnh phúc khi giấc mơ bấy lâu của ông đã trở thành sự thật”.
Tin quốc tế
Chính trường Trung Quốc
Do có quá nhiều quyền lực trong đảng nên Tập Cận Bình tiếp tục “tái đắc cử”: ĐCSTQ: Tập Cận Bình tái đắc cử tổng bí thư nhưng vắng người kế nhiệm (RFI). Kết quả không khác gì tin đồn lâu nay, Tập Cận Bình tiếp tục ở lại thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. “Nhưng bên cạnh ông Tập là một ê-kíp mới, cơ quan quyền lực cao nhất là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính Trị hầu như hoàn toàn sắp xếp lại“.
Ông Tập củng cố quyền lực lâu dài: Tập Cận Bình ‘dẫn đầu và ở lại còn lâu’. BBC cho biết, “việc đề cao ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ trong điều lệ Đảng có nghĩa là nếu bất cứ ai thách thức nhà lãnh đạo quyền lực cao nhất của Trung Quốc sẽ bị coi là vi phạm quy định Đảng. Đồng hóa mình với Đảng khiến ông Tập có vị trí không ai có thể đặt câu hỏi”. – Trung Quốc: Tập Cận Bình biết dọn đường để cầm quyền lâu dài (RFI).
BBC đưa tin: Ông Tập công bố dàn lãnh đạo mới của TQ. Danh sách các tân lãnh đạo của Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực nhất Trung Quốc, ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, gồm 5 khuôn mặt mới: Uông Dương, Hàn Chính, Triệu Lạc Tế, Lật Chiến Thư và Vương Hỗ Ninh.
Thêm tin: TQ ra mắt dàn lãnh đạo mới, chưa rõ ai kế nhiệm Tập (VOA). – Chủ tịch Trung Quốc giới thiệu dàn lãnh đạo mới (RFA).
RFI có bài điểm báo: “Hoàng đế” Tập “đóng ấn” tư tưởng đưa Trung Quốc thành đại cường. Dẫn nguồn từ báo Le Monde, cho biết, bề trái của việc thu tóm quyền lực là sự sợ hãi. “Trên thực tế, có rất nhiều cán bộ đang chờ dịp trả thù ông, họ theo dõi mức độ hiệu quả của ông Tập trên quy mô quốc tế, như trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, quan hệ với Hoa Kỳ hoặc cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên”.
Nhà nghiên cứu Pháp Valérie Niquet, nhắc lại phát biểu của một cựu tướng Trung Quốc nghỉ hưu rằng: “Quyền lực tuyệt đối là tốt nhưng ông ấy sẽ làm được gì với nó?”
Về tự do báo chí, TQ nói hoan nghênh báo chí nước ngoài, dù có ngoại lệ. VOA dẫn lời Tập Cận Bình phát biểu tại buổi gặp gỡ các nhà báo Trung Quốc và quốc tế: “Chúng tôi khuyến khích các phóng viên đi và quan sát Trung Quốc nhiều hơn … để tìm hiểu và tiếp tục tường thuật về thêm nhiều khía cạnh của Trung Quốc”. Được biết 5 tờ báo: BBC, The Economist, The Financial Times, The Guardian và The New York Times đã không được mời đến sự kiện giới thiệu đội ngũ lãnh đạo mới sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc.
BBC đưa tin: Dân TQ sẽ khó mua nhà ở New Zealand? “Tân Thủ tướng New Zealand vừa công bố lệnh cấm người nước ngoài, mà đa số là khách Trung Quốc và Úc, mua nhà tại đảo quốc nhỏ bé trong nỗ lực làm hạ nhiệt cơn sốt giá bất động sản ở nước này”.
Tình hình nước Mỹ
Dám nói “không” trước những sai trái: Thêm một nghị sĩ Cộng hoà về hưu vì không tin vào sự lãnh đạo của TT Trump. VOA cho biết, Thượng nghị sĩ Jeff Flake của bang Arizona là nhà lập pháp thứ hai, sau Thượng nghị sĩ Bob Corker, bang Tennessee, của đảng Cộng hòa đã đứng lên chống lại chính quyền Trump.
Thượng nghị sĩ Jeff Flake nói: “Quan niệm cho rằng ta nên giữ im lặng trong khi các quy tắc và giá trị đã duy trì sức mạnh của Hoa Kỳ đang bị phá hoại, và giữa lúc các liên minh và hiệp định đã đảm bảo sự ổn định của toàn thế giới thường xuyên bị đe dọa bởi trình độ tư duy gói ghém trong chỉ 140 ký tự – khái niệm cho rằng ta không nên nói, hoặc làm bất cứ điều gì khi đối mặt với cách hành xử bất nhất như vậy thể hiện sự thiếu quan tâm tới lịch sử, và theo tôi, hoàn toàn mất phương hướng”. RFI: Hoa Kỳ: Hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa đả kích dữ dội tổng thống Trump.
Về vấn đề an ninh, VOA đưa tin: Tăng cường rà soát an ninh các chuyến bay tới Mỹ. Dẫn nguồn từ Reuters, cho biết: “Các biện pháp an ninh mới bao gồm rà soát hành khách nghiêm ngặt hơn bắt đầu có hiệu lực ngày 26/10 trên tất cả các chuyến bay tới Mỹ để tuân thủ những quy định của chính phủ”.
VOA có bài: Mỹ đình hoãn xét duyệt tị nạn cho công dân từ 11 nước. Theo bản ghi nhớ của các giới chức hàng đầu trong nội các, đệ trình Tổng thống Donald Trump, cũng như gửi đến Quốc hội, cho biết, “chính quyền Mỹ sẽ tạm thời trì hoãn việc giải quyết hồ sơ xin tị nạn của hầu hết ứng viên từ 11 quốc gia được xem là có nguy cơ cao”, nhưng bài báo không nói 11 nước nào. Reuters đưa tin, 11 nước đó là Ai cập, Iran, Iraq, Libya, Mali, Bắc Hàn, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria và Yemen, cũng như tất cả những người Palestin sống ở các nước này.
Báo Người Việt đưa tin: GAO: Thay đổi khí hậu làm Mỹ thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm. Trong bản báo cáo đưa ra hồi đầu tuần, Văn Phòng Thanh Tra Chính Phủ (GAO), nói rằng, “chính quyền liên bang chi hơn $350 tỷ trong thập niên vừa qua cho việc trợ giúp nạn nhân thiên tai cùng là chi trả bảo hiểm lụt, cũng như bảo hiểm mùa màng”.
Về vụ tấn công thính giác nhân viên sứ quán Mỹ ở Cuba: ‘Vũ khí siêu thanh là khoa học giả tưởng’. Dẫn nguồn từ Reuters, ba quan chức và một bác sĩ dẫn đầu cuộc điều tra của Cuba cho biết: “Chúng tôi không thể chứng minh là sự cố này thực sự đã xảy ra, và cũng không chứng minh được những âm thanh mà chúng tôi phân tích có thể làm tổn thương sức khỏe con người”.
Mời đọc thêm: Ủy ban Hạ viện điều tra vụ công ty Nga mua uranium của Mỹ (VOA). – Phe Cộng hòa Hạ viện điều tra quyết định của FBI về vụ email của Clinton (VOA).
Châu Á
Báo Người Việt đưa tin: Hệ thống lá chắn THAAD lập xong ở Nam Hàn. Tin cho biết, “Nam Hàn nay có được hệ thống lá chắn chống hỏa tiễn THAAD mà Mỹ vừa thiết lập xong, có thể bắn hạ hỏa tiễn từ Bắc Hàn bắn tới”.
Cũng báo Người Việt có bài: Mỹ gửi hải đội hàng không mẫu hạm thứ ba tới Thái Bình Dương. Hải Dẫn nguồn từ Hải Quân Mỹ, cho biết: “Hàng không mẫu hạm USS Nimitz và các chiến hạm khác trong hải đội của mình, gồm cả khu trục hạm và tàu ngầm, vừa rời khỏi khu vực Trung Đông, nơi từng mở các cuộc không kích nhắm vào ISIS, đến Thái Bình Dương để hỗ trợ cho lực lượng Mỹ ở đây”.
VOA đưa tin: Myanmar, Bangladesh đồng ý hợp tác hồi hương người tị nạn Rohingya. Tin cho biết, “Myanmar và Bangladesh hôm thứ Ba đồng ý hợp tác về việc hồi hương người tị nạn Rohingya và thực hiện các bước để tăng cường an ninh biên giới”. RFA: Myanmar và Bangladesh sẽ đưa người tị nạn Rohingya về lại Myanmar.
RFI có bài: Hồ sơ Rohingya ở Miến Điện: Mỹ sẽ dùng khái niệm “thanh lọc sắc tộc”. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ “đề nghị ngoại trưởng Rex Tillerson sử dụng từ ngữ ‘thanh lọc chủng tộc’, để nói về cuộc khủng hoảng sắc tộc này”.
VOA có bài: TNS Mỹ: Quan chức Campuchia chớ vào Mỹ nếu không thả lãnh đạo đối lập. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Cruz cảnh báo Campuchia: “Nếu Kem Sokha vẫn bị cầm tù vào ngày 9 tháng 11, ngày cuối cùng cử tri đăng ký cho các cuộc bầu cử vào tháng 7, thì không có bất kỳ quan sát viên hay quốc gia công tâm nào có thể chứng thực rằng các cuộc bầu cử ở đất nước của quý vị là tự do hay công bằng”.
Mỹ thắt chặt ngoại giao với Ấn Độ: Tillerson cam kết hợp tác chống khủng bố với Ấn Độ. VOA cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj: “Hoa Kỳ ủng hộ sự xuất hiện của Ấn Độ với tư cách một cường quốc hàng đầu và sẽ tiếp tục giúp cho các năng lực của Ấn Độ để mang lại an ninh trong khu vực”.
VOA đưa tin, Tổng thống Trump không dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Tòa Bạch Ốc cho biết, “ông Trump sẽ trở về Hoa Kỳ vào ngày 14/11, cùng ngày Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á khai mạc ở Philippines”. Được biết, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á là hội nghị quy tụ đại diện của hơn một chục quốc gia Á châu, cùng với các nước Úc, New Zealand và Nga. Hội nghị này phần lớn tập trung vào các vấn đề chiến lược tổng quát, thay vì các vấn đề kinh tế như Hội nghị APEC.
RFA có bài: Thái Lan bắt đầu lễ tang nhà vua Bhumibol Adulyadej. Được biết, “từ ngày 25 tháng mười 2017, cả trăm ngàn người dân Thái Lan đã tề tựu ở hoàng cung, tham dự chương trình lễ tiễn đưa vị vua đáng kính Bhumibol Adulyadeh của họ”.
Mời đọc thêm: Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không dự Thượng Đỉnh Đông Á (RFI). – Tổng thống Trump không dự Thượng Đỉnh Đông Á (RFA). Thêm tin: Mỹ-Ấn: Đoàn kết chống khủng bố (RFI). – Ngoại trưởng Hoa Kỳ thăm Ấn Độ (RFA). – Tổng thống Duterte sẽ thăm chính thức Nhật Bản (RFI). – Sai sót hành chính khiến Tướng Indonesia không được vào Mỹ (RFA). – Nghị sĩ đối lập Campuchia được Vua ân xá (VOA).
Trung Đông
RFI cho biết, Nga bác bỏ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về vũ khí hóa học tại Syria. Đây là nghị quyết của Hội Đồng Bảo An“về gia hạn điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria thêm một năm”.
RFI đưa tin: Irak: Bagdad chuẩn bị tiêu diệt các ổ kháng cự cuối cùng của Daech. “Quân đội Irak đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công tái chiếm những vùng lãnh thổ cuối cùng còn nằm dưới quyền kiểm soát của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech tại Irak, nằm ở vùng giáp giới với Syria ở phía tây đất nước”.
World Cup
Liên quan tới giải Bóng đá Thế giới: World Cup Nga đội giá lên 600 triệu đôla. VOA dẫn Nghị định do Thủ tướng Dmitry Medvedev ký hôm thứ 24/10 cho biết, “chi phí đăng cai đội lên thêm 34,5 tỉ rúp, khoảng 600 triệu đôla, nâng tổng chi phí lên thành 678 tỉ rúp, tương đương với 11,8 tỉ đôla”. VOA đưa tin: Nhóm ủng hộ IS dùng hình Messi dọa tấn công World Cup.