Dự án BT – Biến nhà nước thành con tin của chủ đầu tư

Đỗ Thành Nhân

25-10-2017

Dự án BOT cầu Phú Mỹ, TPHCM đã “ưu ái” chọn nhà đầu tư, gây nhiều tai tiếng. Ảnh: internet

Thời gian gần đây những dự án BOT giao thông bị đưa ra dư luận; thanh tra vào cuộc, công bố những số liệu thực tế làm cho cả xã hội phải giật mình. Thì ra, nhiều dự án BOT của các nhóm lợi ích chi phối, như ký sinh trùng tìm cách hút máu nền kinh tế, góp phần đẩy chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam xuống mức thấp.

Tuy nhiên, có một phương hợp tác công tư (PPP) khác mà dư luận ít quan tâm cũng tác động tiêu cực đến xã hội rất lớn là đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (Build – Transfer, Xây dựng – Chuyển giao); mà theo quy định của pháp luật thì nhà đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và được nhà nước thanh toán bằng quỹ đất.

Dư luận ít quan tâm, bởi vì khác với dự án BOT giao thông tác động trực tiếp đến hàng triệu người dân phải trả phí hàng ngày, hàng giờ; thì dự án BT, đối tượng tác động trực tiếp là nhà nước. Chỉ một số người dân vùng dự án bị mất đất và các hệ lụy xã hội kèm theo chưa đủ sức tác động mạnh đến dư luận xã hội.

Đã đến lúc cần xem xét tổng thể về kinh tế – xã hội đối với chính sách vĩ mô thực hiện các dự án BT.

Cuộc cách dân tộc dân chủ và chiến tranh nhân dân của Việt Nam thành công một phần nhờ vào cải cách ruộng đất, lấy đất của người giàu chia cho người nghèo; thì chính sách thực thi các án BT lại làm ngược lại: thu hồi đất của người nghèo đem giao cho người giàu; mà cơ sở pháp lý để thực hiện là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg được nhà đầu tư vận dụng bắt tay với nhà nước để khai thác triệt để quỹ đất.

Thực trạng các dự án BT hiện nay:

  1. Nhà đầu tư đề xuất dự án

Nhà đầu tư bỏ chi phí để nghiên cứu lập đề xuất dự án (chi phí này được tính vào giá trị đầu tư) với nguyên tắc thanh toán theo điều 3, quyết định 23/2015/QĐ-TTg:

– “1. Giá trị Dự án BT xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng”: chi phí được nhà đầu tư đưa lên tối đa theo định mức cho phép.

– “2. Giá trị quỹ đất để thanh toán cho Nhà đầu tư xác định theo quy định của pháp luật về đất đai.”: theo giá đất cơ sở của từng địa phương và thường là thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.

  1. Nhà nước thẩm định dự án

Phải nói là năng lực thẩm định dự án không cao, thường vận dụng các quy định của pháp luật để thực hiện; không đánh giá đúng giá trị thực tế của đất đai theo thị trường, nhất là giá trị gia tăng khi đất được hưởng lợi từ chính dự án.

Đề xuất dự án của nhà đầu tư không được công khai, minh bạch để những nhà khoa học, nhà kinh tế hay cộng đồng dân cư phân tích phản biện.

Đó là chưa nói đến những thỏa thuận ngầm giữ nhà đầu tư và một số quan chức có thẩm quyền hình thành nhóm lợi ích đầu cơ, lũng đoạn dự án.

Việc thẩm định dự án của cơ quan nhà nước có khi chỉ mang tính thủ tục để hợp pháp hóa dự án cho nhà đầu tư.

  1. Đấu thầu dự án

Về nguyên tắc, những dự án BT sẽ được đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư. Nhưng trên thực tế, cũng như dự án BOT, các dự án BT đều chỉ định thầu hoặc đấu thầu đối phó “quân xanh quân đỏ”, để cho nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện.

Hệ lụy từ các dự án BT, nếu được phân tích đầy đủ, nghiêm túc, minh bạch thì suất đầu tư ở Việt Nam cao so với thế giới. Với cơ chế hiện nay thì bất bình đẵng trong xã hội vẫn còn tiếp diễn đó là Nhà đầu tư (nhóm lợi ích nào đó) hưởng siêu lợi nhuận trên thân phận những người dân mất đất được đền bù với giá rẻ mạt.

Với thực trạng để cho nhà đầu tư tự đề xuất dự án, nhà nước thẩm định và đấu thầu theo những quy định lỏng lẻo của luật pháp cùng với sự thiếu minh bạch, phản biện của xã hội; vô hình chung, thông qua các dự án BT, sẽ biến nhà nước thành con tin của nhà đầu tư / nhóm lợi ích nào đó !.

Đã đến lúc Chính phủ “liêm chính, minh bạch, phát triển” nên xem xét lại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg liên quan đến đầu tư dự án BT. Tài nguyên đất đai không phải vô hạn; suy cho cùng, nguồn vốn đầu tư dự án BT cũng của xã hội chiếm phần lớn và nhân dân là người chịu tác động nhiều nhất.

____

(Ghi chú hình: Nghị định 15 (1) và Quyết định 23 (2), vô hình chung gây ra những hệ lụy về mặt xã hội, biến nhà nước thành con tin của nhà đầu tư dự án BT)

(1) Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (https://goo.gl/D3sQ9g);

(2) Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg, ngày 26/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng – chuyển giao (https://goo.gl/xJnW7s).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.