Lời cam kết thân thiết sau cuộc chiến

Blog VOA

Bùi Tín

1-10-2017

Poster phim tài liệu The Vietnam War. Ảnh: Internet

Tình thế dẫn đến tôi có những người bạn Mỹ. Trong chiến tranh tôi đã kết thân với nhà nghiên cứu Murray Hiebert, nhà báo Nayan Chanda, nhà sử học Stanley Karnow… qua một số cuộc họp ở Bangkok / Thái lan, Kuala Lampur / Malaysia, ở trụ sở Liên Hợp Quốc / New York và Hà Nội.

Sau chiến tranh, tôi lại có thêm nhiều bạn Mỹ nữa, bạn thân và rất thân. Luôn gửi thư cho nhau, gửi thư thiếp chúc Tết đều cho nhau. Trong đó có 2 thượng nghị sỹ John McCain và John Kerry. Đây là 2 chính khách nổi tiếng, ông J. Kerry thuộc đảng Dân chủ, từng chiến đấu bị thương ở miền Nam, về sau là người chống chiến tranh, từng là ngoại trưởng dưới tổng thống Barack Obama. Ông J. McCain vốn là phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh ở Hỏa lò Hà Nội một thời gian. Hồi đó tôi có gặp và nhiều lần phỏng vấn ông. Ông McCain từng là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, nay là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Hoa Kỳ.

Năm 1992 khi tôi sang thăm Hoa Kỳ, các bạn Mỹ dẫn tôi đến trụ sở Quốc Hội ở trên đồi Capitol, tham quan dự thính các cuộc họp, sau đó gặp các Nghị sĩ. Tôi gặp lại 2 ông Kerry và McCain. Cuộc gặp kéo dài, thân tình, thích thú. Hai ông yêu cầu tôi ra điều trần tại một ủy ban của Quốc Hội về vấn đề tù binh Hoa Kỳ, tôi chuẩn bị kỹ, chân thật, biết gì nói nấy, còn biếu tặng 6 cuốn sổ tay riêng ghi các cuộc phỏng vấn hơn 60 phi công Mỹ từng bị tù, để họ làm kỷ niệm và nghiên cứu.

Sau đó chúng tôi lại gặp nhau tại gia đình nhà sử học Stanley Karnow, có thứ trưởng ngoại giao H. Salomon tham dự. Lúc này Liên Xô đã tan vỡ, phe XHCN đã tự giải thể. Một cuộc gặp thân mật ấm cúng. Cô con gái Catherine Karnow, một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp chụp nhiều ảnh kỷ niệm. Hôm sau cô đưa tôi ra Bức tường kỷ niệm ghi tên của hơn 50.000 quân nhân Mỹ tử trận tại Việt Nam để chụp bức ảnh quý làm bìa cho cuốn sách «From Enemy to Friend» của tôi được Naval Institute – Học viện Hải quân Hoa Kỳ nhận in và phát hành.

Tôi còn nhớ mãi sau khi ăn tiệc thịnh soạn chúng tôi ra uống càphê ở phòng khách, tôi nêu lên vấn đề ở Việt Nam hiện nay chúng tôi đấu tranh tập trung đòi dân chủ và nhân quyền, chính là những giả trị then chốt của nước Mỹ mà hơn 50.000 quân nhân Mỹ đã hy sinh ở chiến trường Việt Nam cũng vì các giá trị ấy.

Ông McCain cao hứng nói: Vậy tại đây chúng ta cùng nhau cam kết chung sức đấu tranh cho dân chủ hóa ở Việt Nam cho đến khi thắng lợi, chính là để vinh danh tất cả các quân nhân của các bên đã hy sinh trong cuộc chiến, làm cho các sự hy sinh đó thêm ý nghĩa và không uổng phí. Tôi ghi nhanh, đại thể là “We joint all efforts in our common struggle for the whole democratization in Viet Nam, so we will glorify the sacrifice of our soldiers of all sides, that make greater sense to those heroes of the war.”

Thế rồi chúng tôi chia tay trong niềm vui cam kết và cùng nhau hứa hẹn, các bàn tay Mỹ – Việt úp chồng lên nhau: “Hòa chung sức để đấu tranh cho Việt Nam có dân chủ hóa hoàn toàn, thật sự, thì lúc ấy mới coi như chiến tranh thật sự kết thúc, thắng thua rõ ràng. Lúc ấy Hoa Kỳ toàn thắng, ngăn chặn, thủ tiêu Chủ nghĩa cộng sản hoang dại, nhân dân Việt Nam – cả miền Bắc cùng miền Nam – cùng toàn thắng, có độc lập, dân chủ, hòa hợp thống nhất trọn vẹn, ba bên cùng toàn thắng, chỉ có chủ nghĩa và đảng Cộng sản là thua, và đại đa số đảng viên rồi sẽ trở nên những công dân yêu nước, lương thiện, như ở CH LB Đức, Ba Lan … hiện nay. Họ cũng thắng vì họ cũng được giải phóng.”

Tôi hiểu hai ông bạn của tôi không quên lời cam kết thân thiết trên đây. Hai ông đều là những nhân vật quan trọng rất quý mến nhân dân Việt Nam và mong thắt chặt quan hệ chiến lược toàn diện. Gần đây ông McCain còn đến thăm cảng Cam Ranh và báo tin hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ sẽ cập bến thăm hải cảng quân sự quan trọng và đẹp đẽ này. Rất tiêu biểu cho hòa giải Mỹ – Việt sau cuộc chiến.

Một điều quan trọng là ông đại sứ Hoa Kỳ mới được cử sắp sang nhận nhiệm vụ ở Hà Nội, Daniel J. Kreitenbrink đã phát biểu tại quốc hội Hoa Kỳ rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của ông “sẽ là vấn đề tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam” và còn nói rõ rằng “xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ, xét xử với những bản án hà khắc đối với các nhà hoạt động trong 18 tháng qua là rất đáng lo ngại.” Đây cũng là một nét minh họa cho sự cam kết Mỹ – Việt chung sức phấn đấu cho dân chủ hóa thật sự ở Việt Nam.

Nhân bàn tán về bộ phim Hoa Kỳ “The Vietnam War” của Ken Burns và Lynn Novick tôi nhớ lại lời cam kết thân thiết Mỹ – Việt 25 năm trước và trình làng như một lời nhắn nhủ chung hãy kết nghĩa Mỹ – Việt thêm chặt để hành động mạnh mẽ theo như lời cam kết bạn bè tại Washington năm 1992.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây