Trân Văn
11-10-2017
Ngày 9 tháng 10, hệ thống truyền thanh giúp báo giới theo dõi cuộc tranh luận giữa các luật sư và công tố viên trong phiên xử bà Châu Thị Thu Nga và chín thuộc cấp bị cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt 348 tỉ đồng lại tiếp tục bị… trục trặc.
Theo tường thuật của báo giới Việt Nam thì trục trặc lại xảy ra đúng vào lúc luật sư bào chữa cho một trong mười bị cáo đề cập đến chuyện chi tiền “chạy chọt” thành ra các nhà báo theo dõi phiên xử không đủ thông tin để tường thuật với công chúng.
***
Bà Nga, 52 tuổi, từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư – Xây dựng nhà đất (thường được gọi tắt là Housing Group). Năm 2011, bà Nga trở thành đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội khóa 13 (2011-2016).
Đầu năm 2015, ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa 13, thay mặt Ủy ban Thường vụ của Quốc hội, ký một nghị quyết, đồng ý để hệ thống tư pháp khởi tố bà Nga vì “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Bà Nga bị tạm giam và đến tháng 6 thì bị Quốc hội Việt Nam bãi nhiệm.
Hệ thống tư pháp Việt Nam cáo buộc bà Nga đã bày ra dự án bất động sản mang tên B5 Cầu Diễn. Tin vào triển vọng của dự án này, có 726 người đem 377 tỉ đồng góp cho bà Nga để thực hiện dự án. Cho đến nay, B5 Cầu Diễn vẫn còn là một khu đất trống vì qui hoạch chưa được phê duyệt và tất nhiên chưa có giấy phép xây dựng.
Trước khi bị bắt, bà Nga chỉ mới hoàn trả được 29 tỉ cho 43 khách hàng. Khoảng 700 khách hàng còn lại trở thành “bị hại” của vụ án “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” mà bà Nga là chủ mưu.
***
Hôm 2 tháng 10, sau hai năm mười tháng bị tạm giam, hệ thống tư pháp Việt Nam mới đưa bà Nga và chín thuộc cấp ra xử sơ thẩm tại Tòa án thành phố Hà Nội. Phiên xử sơ thẩm dự trù sẽ kéo dài trong 18 ngày.
Cả công chúng lẫn báo giới chú ý đến phiên xử bà Nga và các đồng phạm không đơn thuần do bà Nga là đại biểu Quốc hội, do số tiền mà bà Nga bị cáo buộc là lừa đảo – chiếm đoạt quá lớn. Lý do chính khiến nhiều người quan tâm một cách đặc biệt tới phiên xử này là vì bà Nga từng khai đã chi 1,5 triệu Mỹ kim để “chạy” vào Quốc hội Việt Nam làm đại biểu, chưa kể tới khả năng trước Tòa, bà Nga bạch hóa những tình tiết, liên quan tới việc tại sao khu vực B5 Cầu Diễn – diện tích 28.000 mét vuông, thuộc quyền sử dụng của một doanh nghiệp nhà nước (Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng nhà Hà Nội – HAIC) vốn được chọn để tổ chức tái định cư lại có thể trở thành dự án liên doanh giữa HAIC và Housing Group (xây dựng ba chung cư 21 tầng, 36 biệt thự dạng nhà vườn), rất lớn…
Trên thực tế, chiều 5 tháng 10, chẳng riêng luật sư của bà Nga mà chính bà cùng muốn bạch hóa những chi tiết liên quan tới việc chi 1,5 triệu Mỹ kim để “chạy” vào Quốc hội nhưng Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu, chủ tọa phiên xử, không cho phép. Với luật sư của bà Nga, bà Thu không cho ông hỏi bà Nga về khoản 1,5 triệu Mỹ kim này là vì nội dung đó “nằm ngoài phạm vi vụ án mà Tòa đang xử”. Với bà Nga, lúc bà xin “chỉ nói một câu”, hệ thống truyền thanh để bảo đảm yếu tố “xét xử công khai” theo qui định của Luật Tố tụng hình sự đột nhiên ngưng hoạt động.
Bốn ngày sau, khi luật sư của ông Lê Hồng Cương (cựu Phó Tổng Giám đốc Housing Group) thắc mắc tại sao chủ tọa phiên xử không cho đề cập đến chuyện “chạy” mà công tố viên lại khai thác yếu tố ông Cương dùng 12 tỉ “chạy” dự án B5 Cầu Diễn để đề nghị phạt thân chủ của bà từ bảy đến tám năm tù (?). Luật sư của ông Cương nhấn mạnh, thân chủ của bà “rất bức xúc”, rất muốn khai về chuyện “chạy” dự án B5 Cầu Diễn nhưng vì cả bà và ông Cương phải “tôn trọng chủ tọa phiên xử” nên bà đã cản ông Cương. Đúng vào lúc hết sức gay cấn ấy, hệ thống truyền thanh tiếp tục ngưng hoạt động!
***
Dẫu Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu, chủ tọa phiên xử bà Nga và các đồng phạm đã khẳng định, bà không “ngăn cản bị cáo khai báo tại Tòa”, theo bà, sở dĩ bà không muốn cả luật sư lẫn bị cáo đề cập đến chuyện “chạy” trong phiên xử do bà điều hành là vì những tình tiết loại đó thuộc về một vụ án khác nhưng nhiều luật sư, giảng viên các trường đại học đào tạo cử nhân luật, thậm chí ngay cả đồng nghiệp của bà Thu vẫn không đồng tình.
Ông Vũ Phi Long, cựu Phó Chánh Tòa Hình sự Tòa án TP.HCM, không cho rằng bà Thu đã vi phạm pháp luật như nhiều người khác nhưng ông cho rằng, thẩm phán cần phải để bị cáo khai hết ý của họ. Trong bối cảnh cần đẩy mạnh việc chống tham nhũng như hiện nay, lời khai của các bị cáo là đáng quý, nó có thể dẫn dắt đến những vấn đề lớn hơn ngoài phạm vi của vụ án.
Theo hệ thống tư pháp Việt Nam, chỉ có 219/348 tỉ đồng mà bà Nga và các đồng phạm đã nhận của khách hàng là có chứng từ chứng minh mục đích chi tiêu (bao gồm cả việc thực hiện một số hạng mục liên quan tới Dự án B5 Cầu Diễn như bồi thường – giải phóng mặt bằng, khảo sát địa chất, đóng cọc bê tông làm móng,…), 157/348 tỉ đồng còn lại bao gồm những khoản khổng lồ để “chạy” thì chỉ có bà Nga và các đồng phạm khai, chứ chẳng có ai nhận. Hệ thống tư pháp Việt Nam không cho biết bà Nga khai như thế nào, những lời khai đó liên quan tới ai vì chúng thuộc về một “vụ án khác” mà công an Việt Nam điều tra đã gần ba năm vẫn chưa… xong.
***
Tuy chẳng có thống kê nào cho biết, Việt Nam đã nhận được bao nhiêu tiền từ các tổ chức quốc tế (Tổ chức Phát triển Liên Hiệp Quốc – UNDP,…), kể cả các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB),… cũng như chính quyền nhiều quốc gia (Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Hà Lan, Nauy, Nhật,…) để “cải cách hệ thống tư pháp” nhưng qua hệ thống truyền thông, có thể đoan chắc những khoản trợ giúp và cho vay ưu đãi nhằm nghiên cứu – soạn thảo – ban hành các bộ luật, huấn luyện nhân sự, phát triển hạ tầng tư pháp,… rất lớn.
Phiên xử bà Nga và các đồng phạm đang diễn ra tại Tòa án thành phố Hà Nội cho thấy các khoản viện trợ, cho vay ưu đãi đó dường như chưa đủ, ít nhất là về… hệ thống truyền thanh để bảo đảm yếu tố công khai, minh bạch vốn quyết định thành – bại trong tiến trình hội nhập, nâng cao hay hạ thấp uy tín của Việt Nam. Chính hệ thống này đã tạo ra nhiều tình tiết làm phiên xử thắt – mở đến khó ngờ mà thường người ta chỉ có thấy trong… phim.