Aung San Suu Kyi, từ biểu tượng dân chủ đến một chính khách thực dụng

LS Nguyễn Văn Thân

11-10-2017

Một bức ảnh của bà Aung San Suu Kyi bị người dân đốt. Nguồn: internet

Trong mấy ngày qua, thảm họa của người tỵ nạn Rohingya dấy lên một làm sóng phẫn nộ, thách thức lương tâm của cộng đồng quốc tế. Có hơn 1.000 thường dân Rohingya đã bị sát hại trong các cuộc càn quét và đụng độ giữa quân đội Miến Điện và Đội quân Cứu tế Arakan Rohingya Salvation Army (ARSA). Hàng trăm ngôi làng của người Rohingya bị quân Miến đốt sạch và có hơn 500.000 người Rohingya đã vượt biên giới sang Bangladesh, một quốc gia nghèo nàn không đủ phương tiện giúp đỡ số đông người tỵ nạn như vậy.

Đại diện Cao Ủy viên Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad al-Hussein buộc phải lên tiếng than thở là quân đội Miến Điện đang thực hành chính sách thanh lọc chủng tộc đúng bài bản. Vào ngày 13/9, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án các cuộc bạo động dẫn đến làn sóng tỵ nạn, bày tỏ quan ngại về việc quân đội Miến sử dụng vũ lực quá mức và kêu gọi chấm dứt ngay mọi cuộc bạo động. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres mô tả sự kiện này là một ”thảm họa nhân đạo”. Ông cũng kêu gọi quân đội Miến ngưng ngay các cuộc càn quét.

Rohingya là một nhóm người sắc tộc thiểu số Hồi Giáo sinh sống ở tiểu bang Rakhine phía tây của Miến Điện. Dân số Miến Điện khoảng 55 triệu. Ước lượng có khoảng 1 triệu người Rohingya trong 3 triệu dân của tiểu bang Rakhine. Người Rohingya tin rằng nguồn gốc của họ xuất phát từ vương quốc Arakan nằm trong vịnh Bengal. Vì lợi thế địa lý, nhiều thương buôn Ả Rập đã ghé tới Arakan mang theo ảnh hưởng của Hồi Giáo. Thương buôn Ả Rập lấy vợ cùng với việc người bản xứ cải đạo dẫn đến tình trạng dân số Hồi Giáo gia tăng nhanh chóng. Vào năm 1784, Arakan bị triều đại Konbaung của Miến Điện chinh phục. Tới năm 1826 thì nhượng lại cho Đế Quốc Anh như là một món hàng bồi thường chiến tranh sau cuộc chiến Miến – Anh lần thứ nhất. Từ đó, Arakan trở thành một phần của thuộc địa Anh trong tỉnh British Burma. Nhiều trận đụng độ giữa Anh và Nhật diễn ra tại nơi đây trong Đệ Nhị Thế Chiến. Sau năm 1948, Arakan trở thành một khu vực độc lập có tên là Rakhine Miến Điện. Vào năm 1973, Rakhine chính thức trở thành một tiểu bang của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Miến Điện được coi là quê hương của người Rakhine.

Tuy chiếm 1/3 dân số Rakhine, nhưng người Rohingya không được công nhận là công dân Miến Điện như 135 sắc tộc khác mà nhà nước Miến coi họ là những người di dân bất hợp pháp từ Bengal dù họ đã sinh sống trên mảnh đất này trong vài trăm năm qua. Có nghĩa họ là những người vô tổ quốc trên chính quê hương xứ sở của họ. 2/3 dân số khác của Rakhine là Phật Giáo không có thiện cảm với người Rohingya vì tôn giáo và phong tục khác nhau. Người Rohingya không có giấy tờ tùy thân và không được hưởng quyền công dân về giáo dục và y tế như những sắc tộc khác.

Vào năm 1993, chế độ quân phiệt Miến ban hành ”thẻ trắng” cho người Rohingya để họ được tạm trú và quyền được bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2008 và bầu cử năm 2010. Nhưng tới tháng hai năm 2015 thì Tổng Thống Thein Sein tước đi thẻ trắng cũng như quyền bỏ phiếu bầu cử vì áp lực của lực lượng Phật Giáo Quốc Gia. Vì vậy mà không có ứng viên gốc Hồi Giáo nào tham gia trong cuộc bầu cử năm 2015.

Rakhine là tiểu bang nghèo nhất của Miến Điện với gần 80% dân số sống dưới mức đói nghèo theo ước lượng của Ngân Hàng Thế Giới. Nhà nước Miến không bỏ tiền đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng. Nạn thất nghiệp cùng với đói nghèo tạo thêm mâu thuẫn giữa các sắc dân vốn đã có nhiều khác biệt về tôn giáo. Vào năm 2012, khi một nhóm đàn ông người Rohingya bị tố cáo là hãm hiếp và sát hại một phụ nữ Phật Giáo thì nhóm Phật Giáo Quốc Gia cực đoan trả thù và giết chết hơn 280 người Rohingya và nhiều người khác phải bỏ chạy lánh nạn. Theo thông tin của Tổ Chức Di Dân Quốc Tế IOM, có hơn 88.000 người Rohingya tỵ nạn bằng đường biển qua vịnh Bengal từ tháng Giêng 2014 tới tháng 5 năm 2015.

Bạo động bùng nổ vào tháng 10 năm 2016. Phiến quân Rohingya tấn công một số tiền đồn hẻo lánh dẫn đến sự trả đũa của quân đội Miến làm hơn 65.000 người Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh từ tháng 10 năm 2016 đến tháng Giêng năm 2017.

Cuộc bạo động gần đây nhất xảy vào ngày 25/8/2017 khi ARSA tấn công các tiền đồn của quân Miến ở phía Bắc Rakhine. Quân Miến đáp trả bằng các cuộc càn quét và đốt sạch hàng trăm ngôi làng dẫn đến làn sóng tỵ nạn lên tới hàng trăm ngàn người Rohingya chạy sang Bangladesh lánh nạn. Bộ Ngoại Giao Bangladesh chính thức lên tiếng kêu gọi cộng động quốc tế lên án chính sách ‘thanh lọc chủng tộc” của Miến Điện. Họ cũng lo ngại là tình trạng dơ bẩn tại các trại trỵ nạn được dựng lên cấp tốc để đáp ứng nhu cầu có thể sẽ không ngăn chận được các cơn bệnh dịch đang đe dọa người tỵ nạn sống chen chúc trong những chiếc lều vì thời tiết xấu.

Vấn đề đáng nói nhất là thái độ im lặng của bà Aug San Suu Kyi. Cho đến nay, số người ký thỉnh nguyện thư yêu cầu rút lại Giải Thưởng Nobel Hòa Bình cho bà đã lên tới hơn 400.000, gần bằng số người tỵ nạn Rohingya. Nhưng Ban Tổ Chức cho biết là giải này không có điều khoản thu hồi. Tương tự như vậy, đã có hơn 6.000 người ký tên yêu cầu Thủ Tướng Justin Trudeau tước quốc tịch Canada danh dự mà Cựu Thủ Tướng Harper ban cho Suu Kyi vào năm 2007. Vào đầu tháng này, thành phố Oxford tuyên bố tước giải thưởng nhân quyền trao tặng cho bà trước đây. Ngoài ra, hầu hết các tổ chức nhân quyền quốc tế gồm có Amnesty Interational và Human Rights Watch đã chỉ trích mạnh mẽ vì thái độ lành lùng của bà trước thảm họa của người sắc tộc thiểu số Rohingya.

Tại sao một biểu tượng nhân quyền lại có thể nhẫn tâm trước một thảm hoạ nhân đạo ngay trên đất nước của mình? Đây là một câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng. Khi các thông tấn xã quốc tế bắt đầu loan tin về cuộc khủng hoảng Rohingya, thay vì thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, bà Suu Kyi đã tố cáo truyền thông quốc tế loan tin thất thiệt. Thậm chí, bà còn cáo buộc là truyền thông quốc tế làm lợi cho khủng bố. Bà cũng than phiền là không công bằng khi mọi người kỳ vọng cá nhân bà cũng như Miến Điện phải tìm được giải pháp tức khắc cho một vấn đề phức tạp liên quan tới người Rohingya. Bà sẽ không bao giời chấp nhận là nhà nước và quân đội Miến Điện đang thi hành chính sách thanh lọc chủng tộc đối với người Rohingya ngay cả khi hàng trăm ngàn người phải bỏ chạy khỏi xứ khi quân đội đốt sạch các ngôi làng nơi họ cư ngụ. Dĩ nhiên là bà không ra lệnh cho quân đội. Thực quyền vẫn nằm trong tay các tướng lãnh là cựu lãnh đạo của chính quyền quân phiệt cai trị Miến Điện hơn nửa thế kỷ. Nhưng ít ra bà vẫn có thể lên tiếng chính thức lên án mọi tội ác diệt chủng hoặc chống nhân loại do một số phần tử quân đội gây ra. Nhưng bà đã không làm điều đó.

Thật ra, Suu Kyi có lập trường nhất quán đối với người Rohingya. Bà chưa bao giờ bày tỏ thái độ cảm thông với họ như là nạn nhân của sự xâm phạm nhân quyền và phân biệt đối xử. Trong chiến dịch tranh cử vào năm 2015, bà tránh né thảo luận vấn đề khi báo chí ngoại quốc đặt câu hỏi về quan điểm của bà đối với vấn nạn người Rohingya. Tuyệt đại đa số thành viên của Liên Đoàn Dân Chủ Miến Điện mà bà lãnh đạo không coi người Rohingya là một thành phần dân tộc của Miến Điện mà đơn thuần chỉ là những người di dân lậu. Họ cũng chẳng quan tâm gì đến các cuộc càn quét bạo lực mà người Rohingya phải gánh chịu. Có nghĩa là sẽ không có một lợi ích chính trị gì nếu không muốn nói là sẽ bị mất phiếu nếu Suu Kyi lên tiếng bênh vực cho người Rohingya. Suu Kyi bây giờ không cần giữ hình ảnh thánh thiện của một biểu tượng nhân quyền vì hiện nay bà là một chính khách phải đương đầu với thực tế của chính trường như mọi chính khách khác.

Thật ra là vào tháng 9 năm ngoái, Suu Kyi đã bổ nhiệm Kofi Annan, Cựu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc chỉ đạo một ủy ban nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp xử lý vấn nạn Rohingya. Ủy ban đưa ra một số đề nghị tạm thời vào tháng 3 năm nay và trao cho chính quyền Miến Điện bản báo cáo sau cùng vào ngày 23/8/2017. Chính quyền Miến hứa là sẽ nghiêm túc cứu xét đề nghị của Ủy Ban nhưng chỉ hai ngày sau thì có các cuộc tấn công của ARSA vào tiền đồn dẫn đến sự trả đũa quá mức của quân Miến.

Sau bao nhiêu ngày chờ đợi, cuối cùng rồi bà Suu Kyi cũng đã đọc một bài diễn văn dài hơn 30 phút bằng tiếng Anh tại Naipidaw vào ngày 19/9 vừa qua, chính thức bày tỏ quan điểm của bà về vấn nạn Rohingya. Trong bài diễn văn này, bà lên án mọi hình thức vi phạm nhân quyền nhưng không đá động gì tới thảm họa của hàng trăm ngàn người Rohingya. Bà cũng hứa là những người tỵ nạn sẽ được quay về sau khi trải qua một tiến trình thanh lọc. Tuy nhiên, Amnesty International cho rằng bài phát biểu của bà hàm chứa “phân nửa sự thật” và đổ lỗi cho nạn nhân cũng như làm ngơ trước những hành động tội ác chống nhân loại của quân đội Miến.

Không chỉ có Miến Điện với đa số dân chúng Phật Giáo mà hầu như cả thể giới đều không mấy quan tâm đến thảm họa của người Hồi Giáo Rohingya. Khi nói tới người Hồi Giáo hiện nay thì người ta liên tưởng đến những phần tử khủng bố. Các giá trị nhân đạo và nhân quyền hình như chỉ áp dụng cho ‘phe ta’. Trùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy mà Tổng Thống Donald Trump là biểu tượng, thế giới dường như đang chia thành hai cực: chánh và tà. Chỉ có ‘danh môn chính phái’ mới có quyền con người. Thành phần ‘tà ma ngoại đạo’ thì có thể bị giết thẳng tay. Tứ vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả của Phật Giáo Miến Điện không áp dụng đối với người Hồi Giáo. Các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức, luân lý ngày càng lỏng lẻo và được áp dụng một cách chọn lọc và có điều kiện.

Có lẽ đó cũng là lý do tại sao thế giới không cảm thấy có gì ái ngại khi Tổng Thống Trump đe dọa trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là sẽ tiêu diệt và xóa sổ hết 26 triệu người dân Bắc Hàn nếu Kim Chánh Vân dại dột nổ súng trước.

Bình Luận từ Facebook