Nguyễn Đình Cống
8-10-2017
Theo diễn văn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội nghị sẽ bàn 5 vấn đề. (1- Kinh tế, tài chính năm 2017- 2018; 2- Sức khỏe; 3- Dân số; 4- Sắp xếp bộ máy tinh gọn; 5-Chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập). Tôi không quan tâm đến 3 vấn đề đầu tiên. Hình như chúng được nêu ra cho có chuyện. Tôi chỉ nêu một số ý kiến về nguyên nhân và biện pháp của vấn đề 4.
Trong truyền thống văn hóa của người Việt có nhiều điều tốt, nhưng cũng có vài điều xấu. Một trong các điều xấu là tham danh lợi, thích làm ít mà được hưởng nhiều. Khi chính quyền sáng suốt, nghiêm minh, thói xấu ấy bị hạn chế. Nhưng rồi từ sau Cách mạng tháng 8, đặc biệt là sau 1975, nó gặp được môi trường thuận lợi nên phát triển mạnh. Đó là vào được biên chế trong các cơ quan nhà nước, có danh vọng, khá nhiều công việc nhẹ nhàng, có thu nhập và đặc biệt là có lương hưu suốt đời. Việc này dẫn đến tình trạng như ông Trọng đã nêu ra: “tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý…”.
Hỏi: Ai, cái gì đã tạo nên bộ máy cồng kếnh ấy? Thì chính Đảng cộng sản chứ ngoài ra có ai vào đấy nữa. Chính vì chủ trương độc tài toàn trị mà đảng đã cướp quyền của dân. Để củng cố sự độc quyền đảng đã tạo ra 3 lớp chồng chéo lên nhau: Đảng, Chính quyền, Mặt trận. Cả 3 cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp đều là của đảng. Mặt trận với các đoàn thể chính trị là sự kéo dài của đảng, để buộc mọi tầng lớp nhân dân phải ở trong tổ chức, phải trung thành với đảng. Trong lịch sử thế giới chỉ có chế độ phát xít và cộng sản mới tổ chức hệ thống cai trị như vậy. Thể chế đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ đẻ ra sự chồng chéo như vậy.
Thói xấu muốn làm nhẹ nhàng mà hưởng lợi suốt đời được kết hợp với, cộng hưởng với bản chất độc tài toàn trị của ĐCS, trong đó khá đông những kẻ lãnh đạo, vừa ngu vừa tham, có điều kiện tự tạo cho mình đặc quyền đặc lợi và được đảng bảo lãnh quyền đó. Sự kết hợp ấy, sự cộng hưởng ấy tất nhiên làm sản sinh ra tình trạng đã nêu. Trong nhiều năm, từ 1950 đảng và chính quyền nhiều lần kêu gọi tinh giảm biên chế, nhưng chỉ một số rất ít nơi làm được, còn phần đông đã không giảm được mà còn tăng thêm. Những nơi làm được là nhờ một vài người lãnh đạo có trí tuệ và ít tham. Nhưng rồi khi không còn những con người như vậy thì đâu lại hoàn đó.
Trong nhiều năm tình trạng bộ máy cồng kềnh vẫn được chấp nhận vì nguồn lực của nhà nước còn đủ để trả lương. Đến bây giờ ngân sách cạn kiệt, nợ nần chồng chất, quỹ lương và quỹ bảo hiểm xã hội bị thâm thủng, đứng bên bờ sụp đổ thì đảng mới giật mình.
Để khắc phục thì quan trọng nhất là loại bỏ nguyên nhân sinh ra. Về nhận thức không khó. Việc muốn làm ít hưởng nhiều thì chưa thể triệt ngay được trong thời gian ngắn. Để hạn chế thói xấu này cần xây dựng được chính quyền trong sach, vững mạnh. Chính quyền đó sẽ thông qua giáo dục, tổ chức, luật pháp mà làm cho người dân không muốn, không thể, không dám thực hành thói xấu. Còn về phía đảng, vấn đề là đảng có dám nhìn thẳng vào sự thật, có dám làm hay không, có dám chữa tận gốc căn bệnh hệ thống hay chỉ tìm cách gãi loa qua ngoài da cho tạm đỡ ngứa mà thôi.
Để chữa trị tận gốc thì trước tiên phải xóa bỏ sự độc tài đảng trị. Có 2 cách. Một là đảng tự thấy không thể tiếp tục sự độc tài toàn trị mà chủ động cải cách, thay đổi thành một đảng chính trị cầm quyền. Đó là sự chuyển hóa hòa bình. Hai là, nếu đảng không chủ động cải cách, sẽ bị phân hóa, bị đánh đổ.
Khi mà không còn nhu cầu độc tài toàn trị, đảng trả quyền lực về cho nhân dân, trở thành một đảng chính trị, cạnh tranh bình đẳng với các tổ chức chính trị khác để thiết lập nền dân chủ với tam quyền phân lập. Lúc đó sẽ không thể có các cơ quan đảng bao trùm lên nhà nước, không cần Mặt trận và các đoàn thể làm bộ phận kéo dài của đảng. Giảm được biết bao là người.
Tôi có tìm hiểu sự hoạt động của các đảng và đoàn thể trong các nước dân chủ. Họ không được nhà nước nuôi như ở CHXHCN VN. Chủ yếu họ tổ chức thành các Hội dân sự, tự lo kinh phí để hoạt động. Ở ta, về lâu dài mọi đảng phái chính trị cũng như các hội dân sự phải tự lo kinh phí. Trong thời gian vài năm chuyển tiếp Quốc hội có thể thông qua một khoản trợ cấp công khai, tổng cộng không quá một số phần trăm nào đó của ngân sách cho đảng cầm quyền và một số đoàn thể quần chúng của đảng.
Riêng số cán bộ trong các cơ quan hành chính tại các địa phương, chính phủ cần có quy định chặt chẽ về số lượng. Tôi đề nghi công thức sau: Số cán bộ A = B + C + D. Trong đó B là số tối thiều, bằng nhau cho mọi đơn vị. C được lấy tỷ lệ theo số dân. D lấy theo tỷ lệ số tiền thuế thu được
Vấn đề khó là sẽ giải quyết một số khá đông những người trước đây vẫn ăn bám vào ngân sách, nay bị giảm biên chế thì sẽ làm gì để sống. Điều này phụ thuộc vào 2 phía. Phía người lao động và phía nhà nước, làm như thế nào nên được nghiên cứu kỹ càng. Tôi cũng đã có một số nghiên cứu, sẽ sẵn sàng trình bày khi được tham vấn.
Trong bài viết GÓP Ý VỚI ĐẢNG tôi đề nghị chấp nhận có 2 loại đảng viên: cố thủ và thức thời. Tôi biết những ý kiến trên đây không thể nào lọt tai các đảng viên cố thủ, chỉ hy vọng được các đảng viên thức thời cũng như những người dân có quan tâm tham khảo và suy ngẫm.