LTS: Bài viết có nhắc tới chuyện tướng Trương Giang Long, phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, có quyết định về hưu và cho rằng “có yếu tố Trung Quốc”. Thật ra Long hay Trọng gì thì cũng thế thôi, khó có chuyện chủ theo Tàu mà tớ chống Tàu.
Những người bênh vực ông Long, cho rằng ông ta có quyết định nghỉ hưu vì chống Trung Quốc, có lẽ cũng không ngờ rằng mình cũng nằm trong nhóm mà ông ta cho là “sự tấn công chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch”!
_______
7-10-2017
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các nhà quan sát chính trị Việt Nam chia sẻ quan điểm về việc liệu Hội Nghị Trung Ương 6 đang diễn ra tại Hà Nội có bàn đến khả năng Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nghỉ giữa nhiệm kỳ hay không trong lúc việc “sắp xếp bộ máy nhân sự” được cho là một trong những “nội dung chính, cấp bách” của sự kiện này.
Tại Đại Hội Đảng CSVN lần thứ 12 hồi năm 2016, ông Trọng được bầu vào nhiệm kỳ thứ nhì dù “đã quá tuổi quy định.” Ông được xem là “giải pháp tình thế” cho vị trí tổng bí thư trong lúc đảng CSVN “chưa có ai đủ uy tín.” Thời điểm đó, ông Trọng được dự kiến sẽ “rút lui vào giữa nhiệm kỳ (cuối 2017 nửa đầu 2018) để nhường cho người khác lên thay.”
Hôm 5 Tháng Mười, ông Trương Nhân Tuấn, nhà nghiên cứu về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, vấn đề Biển Đông dự báo: “Đừng ngạc nhiên khi ông Trọng sẽ ngồi hết nhiệm kỳ này. Không chừng ông còn có thể ngồi thêm nhiệm kỳ nữa.”
Ông Tuấn dẫn link bài trên BBC Tiếng Việt về chuyện Tướng Trương Giang Long, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Chính Trị Công An Nhân Dân và giám đốc Học Viện Chính Trị Công An Nhân Dân, nghỉ chờ hưu và bình luận: “Trong bài, ta cũng tìm thấy lời giải đáp. Rõ ràng Trung Quốc là yếu tố quyết định trong mọi trường hợp bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp cao. Từ thời Tổng Bí Thư Lê Duẩn đến nay điều này chưa từng thấy. Khi ông Trọng ký kết tuyên bố chung với Trung Quốc hứa hẹn nhân dân hai nước là ‘hai cộng đồng cùng chia sẻ một tương lai chung,’ hai dân tộc có ‘tiền đồ tương quan, vận mệnh tương đồng,’ thì ông Trọng có thể bảo đảm chiếc ghế tổng bí thư cho tới hết đời”.
“Các đảng viên khác muốn phản đối cũng không dám nói. Bởi vì hai đảng vừa rồi cũng khẳng định mối tương quan tuy hai mà một. Xem ra trường hợp ‘nghỉ chờ hưu’ của ông Trương Giang Long là cái gương sáng cho các đảng viên. Ông này công an, chống Trung Quốc như vậy thì làm sao dạy thuộc cấp đàn áp người dân biểu tình vì biển đảo, hay bắt bớ những người chống Trung Quốc?” theo Facebook của ông Tuấn.
Nhà báo Mai Quốc Ấn, cựu phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, viết trên Facebook: “…Tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng với vai trò tổng bí thư đảng đã nhìn ra vấn đề nhân sự đảng trong quản lý nhà nước có những bất cập nào cần xử lý. Trong đó, đáng chú ý nhất là hai vấn đề ‘giúp’ tinh giản nhân sự rất nhanh: Một là xử lý các quan chức tham nhũng, bằng cấp giả, sai phạm quản lý bằng quy trình rà soát nội bộ. Hai là xử lý các quan chức bị thanh tra, tố cáo bằng kênh tiếp nhận thông tin công khai… Tôi không ủng hộ đảng CSVN (hay bất kỳ đảng phái nào tới nay) nhưng tôi ủng hộ chủ trương chống tham nhũng và các hành động cụ thể cho chủ trương ấy!”
“…Kiếm ‘củi’ từ những vụ việc tương tự rất dễ và đấu tranh chống tiêu cực cũng chính là giúp chính phủ minh bạch. Vậy nên ý kiến của ông Nguyễn Đức Chung thời còn làm giám đốc Công An Hà Nội có lẽ cần được xem xét thấu đáo. Ông Chung nói: ‘Tội phạm tham nhũng cần phải tử hình!’ Đó cũng là cách ‘tinh giản biên chế’ hiệu quả đấy! Tôi đoán Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn tiếp tục nhiệm kỳ đến 2021. Vì không thể ‘đốt lò’ dở dang được,” theo Facebook nhà báo Quốc Ấn.
Hồi Tháng Sáu, 2017, BBC Tiếng Việt dẫn lời ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore: “…Trước đây người ta cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ nghỉ ở giữa nhiệm kỳ và nhường ghế của mình cho một nhân vật khác. Tuy nhiên cho tới nay, tôi thấy rất ít khả năng là điều đó sẽ xảy ra và có nhiều khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại tới cuối nhiệm kỳ tức là tới 2021. Điều đấy rõ ràng cho thấy là vai trò của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đang ngày càng được củng cố và có nhà quan sát bình luận rằng ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư nhiều quyền lực nhất kể từ sau thời cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn chẳng hạn.”
Còn nhớ, hồi Tháng Mười Hai, 2016, có nhiều đồn đoán cho rằng ông Trọng sẽ nghỉ giữa nhiệm kỳ, và ông Đinh Thế Huynh, thời điểm đó là thường trực Ban Bí Thư, là ứng viên thay thế hàng đầu. Chủ Tịch Trần Đại Quang cũng được đồn đoán là ứng cử viên cho chức vụ này.
Tuy nhiên, đến Tháng Tám, đảng CSVN bất ngờ xác nhận ông Huynh đang “điều trị bệnh” và loan báo ông Trần Quốc Vượng “tạm thời tham gia Thường Trực Ban Bí Thư” và thay thế cho ông Huynh.
Về ông Quang, có nhiều đồn đoán về bệnh tình của ông này do ông vắng mặt một thời gian hồi Tháng Tám trong các hoạt động ngoại giao và có tin ông “đã sang Nhật chữa bệnh.” Tuy vậy, sau đó ông đã xuất hiện trở lại. (T.K)