Cái khôn lỏi, ranh ma, từ VN mang ra nước ngoài, bị thừa thải

FB Lê Vi

3-10-2017

Bài học về “trí khôn” đầu đời của trẻ em Việt Nam là lừa con hổ. Ảnh: internet

? Ông anh họ hồi mới sang Mỹ, thi đậu cái bằng lái xe quốc tế liền mua 1 cái xe camry cũ 3 ngàn đô lái đi loăng quăng thăm bạn bè ở bang khác, đậu xe sai quy định, lúc ra thấy cái giấy phạt 50 đô dính vào kính xe.  Ổng nhìn quanh không thấy bóng cảnh sát, bèn lái về. Về rồi cũng chẳng thấy ai gọi nhắc, cũng chẳng thấy đòi nên ổng lờ đi.

Ba năm sau ông anh đổi xe, mua 1 cái Bently 46 ngàn, lúc ra làm giấy tờ, cảnh sát nói mày còn 1 cái phiếu phạt 3 năm trước chưa thanh toán, 50 đô cộng lãi gộp 3 năm là 280 đô.

Mời nộp trước khi làm giấy tờ!

Từ đó, ổng răm rắp làm đúng luật.

? Đi câu cá, nhóm ổng 4 người đi nhưng 1 người nói tao không thích câu, đi nhậu cùng tụi mày cho vui. OK, mua 3 cái giấy phép 75 đô xách theo két bia và dăm ba đồ nhậu. Vui vui tới chiều, cậu bạn bảo không câu thuận tay ngồi giữ cần khoảng nửa tiếng.

Cũng chẳng thấy cảnh sát đâu cả, nhưng về nhà nhận được tin nhắn gọi tới nộp phạt câu cá không giấy phép 200 đô kèm theo đường link camera, và cảnh báo, nếu không nộp từ giờ vĩnh viễn không cấp giấy phép câu.

? Bảo sao Việt Kiều lúc ở VN có lươn lẹo tới mấy, qua tới Mỹ một thời gian đa số tự khắc trở thành người trung thực, hiền lành. Cái gì cũng làm theo pháp luật. Không ai tranh luận lại, không ai cãi nhau cùng, không bị ai lừa, không gặp điều gì bức xúc… tự dưng thấy cái khôn lỏi ranh ma mang từ VN qua nó thành thừa thãi, và lố bịch… không còn dùng tới.

? Cũng không trách được, ở xã hội này. Ngày xưa nghèo quá, cơ hội kiếm tiền lại ít, nên người ta phải tìm đủ mọi cách gian dối chộp giật chỉ để đủ ăn, đủ nuôi con. Nhưng gian dối lâu ngày nó thành tính, thành bệnh, mãi mãi không thay đổi được nữa.

Nghèo gian kiểu nghèo, giàu gian kiểu giàu. Pháp luật và những người thực thi pháp luật, tiếc thay lại là nơi gian dối nhiều nhất.

Gian cái lớn nhiều nên nhìn cái gian nhỏ nhỏ quen mắt coi là chuyện vặt vãnh, cũng không hơi đâu đi giải quyết, lâu ngày nó thành “đặc tính quốc gia”.

Thế nên người ta nhận ra rằng, phải gian mới kiếm tiền dễ, mới nhanh giàu. Nên người ta không thể dạy con là phải kiếm tiền chân chính, phải trung thực nữa. Trung thực từ cái đơn giản nhất. Mọi thông tin phải được kiểm chứng và chắc chắn mới nói ra. Điều hiển nhiên mà sao khó quá!

?Một đất nước mà công dân không thể dạy con mình chân chính, nó sẽ chào đón 1 tương lai thế nào? Tương lai rực rỡ nhất sẽ dành cho những người làm quan chức, kiếm thật nhiều tiền trong bối cảnh bát nháo vô vàn khe hở, và tính xem con của họ sẽ học ở nước nào, sẽ định cư ở đâu.

Những người con đó cầm 1 số tài sản khổng lồ và hoà nhập vào nền văn minh của nhân loại với tư cách triệu phú đô la, chừng nào ở Việt Nam còn có thể kiếm tiền nhờ cơ chế, họ sẽ đầu tư ngược lại về Việt Nam.  Nếu không thì quên đi, tổ quốc lúc ấy là nơi họ đang sống.

? Cho nên thường dân chúng ta, giằng xé đấu tranh bản thân giữa đàng hoàng và chộp giật, vừa phải lo kiếm tiền, vừa phải lo dạy con cho đúng… vừa chán nản, vừa hy vọng, vừa chán ghét, vừa tràn đầy niềm tin…. phải nỗ lực gấp nhiều lần.

Cùng làm ăn, hàng ngày nhìn thấy những người không trung thực, hại người, họ kiếm tiền dễ quá, uất ức chảy nước mắt đêm về suy nghĩ, ranh giới ĐEN – TRẮNG quá sức mong manh.

Xinh Trường An

Bình Luận từ Facebook