Tuyên bố về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình

1-10-2017

CHÚNG TÔI, các tổ chức xã hội dân sự và người Việt sinh sống trong và ngoài nước, nhận định và tuyên bố về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình của công dân Việt Nam như sau:

Nhận định

Điều 25 của Hiến pháp ban hành năm 2013 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp 2013) đã long trọng ghi nhận các quyền tự do bất khả xâm phạm của mọi công dân Việt Nam: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Đáng tiếc là tất cả các quyền tự do nêu trên vẫn chưa được nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm đầy đủ kể từ năm 1946, khi bản hiến pháp đầu tiên được ban hành, cho đến tận ngày nay. Nếu trước năm 1975 do hoàn cảnh chiến tranh, việc thực thi các quyền tự do của công dân chưa được quan tâm đúng mức, thì sau ngày hòa bình được lập lại, tính đến nay đã hơn 42 năm trôi qua, mọi lý do thường dùng để biện minh và duy trì những trở ngại đó không còn phù hợp để tiếp tục ngăn cản các quyền công dân tồn tại trên giấy trở thành hiện thực.

Với mục đích hiện thực hóa Quyền Lập hội và Quyền Biểu tình trong Hiến pháp 2013, gần đây Quốc hội đã đưa vào chương trình nghị sự kế hoạch thảo luận và thông qua hai bản dự thảo Luật Lập hội và Luật Biểu tình. Tuy nhiên, Chính phủ và các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm soạn thảo các dự án luật đó đã không làm đúng và đủ trách nhiệm được Quốc hội giao phó, nên việc ban hành hai luật nói trên đã bị trì hoãn nhiều lần với nhiều lý do không thể chấp nhận.

Tuyên bố

Từ những nhận định trên, CHÚNG TÔI – các tổ chức xã hội dân sự và người Việt sinh sống trong và ngoài nước – cùng tuyên bố như sau:

Thứ nhất, quyền tự do lập hội và biểu tình là các quyền công dân thiết yếu, cần được ưu tiên tôn trọng bởi nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đây chính là dân quyền được hiến pháp ghi nhận, chứ không phải được ban cấp bởi bất cứ ai hay bất cứ cơ quan nhà nước nào.

Thứ hai, các tổ chức xã hội dân sự là thành tố không thể thiếu của một nhà nước pháp quyền hiện đại, bên cạnh các tổ chức chính trị và cơ quan công quyền của quốc gia; do vậy nhà nước cần phải thay đổi nhận thức, từ bỏ thái độ nghi ngờ và kỳ thị đối với các tổ chức xã hội dân sự do chính người dân tự thành lập và tự nguyện tham gia.

Thứ ba, Điều 25 của Hiến pháp 2013 nhấn mạnh “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, nên sự trì hoãn ban hành luật để thực thi các quyền tự do lập hội và biểu tình là hành động vi hiến cố ý và có chủ đích.

Thứ tư, yêu cầu Quốc hội xem xét trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ soạn thảo các dự án luật lập hội và biểu tình để có biện pháp xử lý phù hợp và giải quyết dứt khoát, nhằm đáp ứng sự trông đợi và tin tưởng của nhân dân.

Thứ năm, Hiến pháp đứng trên mọi luật và bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, nên không ai hoặc cơ quan nhà nước nào có quyền tùy tiện ngăn cản công dân thực thi các quyền công dân hiến định của mình.

Lập ngày 28 tháng 9 năm 2017

Các tổ chức xã hội dân sự và người Việt sinh sống trong và ngoài nước đồng ký tên:

Tổ chức:

  1. Diễn đàn Xã hội dân sự, đại diện: ông Nguyễn Quang A
  2. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, đại diện: ông Võ Văn Thôn
  3. Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, đại diện: PGS TS Hoàng Dũng
  4. Diễn đàn Bauxite Việt Nam, đại diện: GS Phạm Xuân Yêm và GS Nguyễn Huệ Chi
  5. Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, đại diện: ông Hà Sỹ Phu và ông Đoàn Nhật Hồng

Cá nhân:

  1. Đào Công Tiến, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế TP HCM
  2. Võ Văn Thôn, nguyên giám đốc Sở Tư pháp TP HCM
  3. Nguyễn Quang A, TSKH, nguyên viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
  4. Hoàng Hưng, nhà thơ- dịch giả, Sài Gòn (TP HCM)
  5. Hoàng Dũng, PGS TS, Sài Gòn (TP HCM)
  6. Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An
  7. Nguyễn Đăng Quang, cựu đại tá an ninh Bộ Công an, Hà Nội
  8. Phạm Toàn, nhà giáo dục, người sáng lập Nhóm giáo dục Cánh Buồm, Hà Nội
  9. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội
  10. Đặng Thị Hảo, TS Văn học, Hà Nội
  11. Nguyễn Đình Nguyên, TS Y khoa, Australia
  12. Nguyễn Thị Khánh Trâm, hưu trí, TP HCM
  13. Trần Minh Thảo, viết văn, Bảo Lộc, Lâm Đồng (CLB Phan Tây Hồ)
  14. Tuấn Khanh, nhạc sĩ, Sài Gòn (TP HCM)
  15. Huỳnh Sơn Phước, nhà báo, Hội An
  16. Võ Văn Tạo, nhà báo, Nha Trang
  17. Lê Thân, hưu trí, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  18. Hạ Đình Nguyên, hưu trí, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  19. Lê Phú Khải, nhà báo, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  20. Kha Lương Ngãi, nguyên phó TBT báo Sài Gòn giải phóng, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  21. Trần Minh Quốc, Nguyên ủy viên báo chí Tổng hội Sinh viên Cần Thơ 1966, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  22. Nguyễn Kim Chi, nghệ sĩ, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  23. Trần Rạng, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  24. Trần Văn Bang, kỹ sư, cựu chiến binh chống Trung Quốc xâm lược, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  25. Ngô Kim Hoa (Sương Quỳnh), nhà báo tự do, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  26. Lại Thị Ánh Hồng, nghệ sĩ, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  27. Phan Đắc Lữ, nhà thơ, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  28. Tô Lê Sơn, kỹ sư, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  29. Bùi Minh Quốc, nhà thơ, Đà lạt
  30. Nguyễn Thu Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư Pháp TPHCM
  31. Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận trung ương, Hà Nội
  32. Phạm Bá Hải, cựu tù nhân lương tâm, Sài Gòn (TP HCM)
  33. Phạm Đình Trọng, nhà văn, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn (TP HCM)
  34. Vũ Thư Hiên, Paris – Pháp
  35. Trần Ngọc Sơn, kỹ sư, Pháp
  36. Nguyễn Thanh Hằng, dược sĩ, Pháp
  37. Trần Tiến Đức, nhà báo độc lập, đạo diễn phim tài liệu và truyền hình, Hà Nội
  38. Dương Tường, nhà thơ – dịch giả Hà Nội
  39. Hồ Ngọc Nhuận, nhà báo, dân biểu đối lập thời VNCH,  Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
  40. Tống Văn Công, nhà báo, hiện ở Mỹ
  41. Mạc Văn Trang, TS Tâm lý giáo dục, Hà Nội
  42. Phan Thị Hoàng Oanh, giảng viên ĐH, Sài Gòn
  43. Andrè Menras- Hồ Cương Quyết, nhà giáo Pháp Việt
  44. Hà Thúc Huy, PGS.TS. hóa học, Sài Gòn (TP HCM)
  45. Vũ Trọng Khải, chuyên gia nông nghiệp, Sài Gòn (TP HCM)
  46. Ý Nhi, nhà thơ, TP HCM
  47. Tương Lai, nguyên viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt.
  48. Trần Thế Việt, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt.
  49. Lại Nguyên Ân, nhà nghiên cứu độc lập, Hà Nội
  50. Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư danh dự, Đại học Liège, Bỉ, cư trú tại Sài Gòn (TP HCM)
  51. Tiêu Dao Bảo Cự, nhà văn tự do, Đà Lạt
  52. Phạm Nguyên Trường, dịch giả, Vũng Tàu
  53. Chu Hảo, Viện trưởng Viện Phan Châu Trinh, Hội An, Quảng Nam
  54. Trần Đức Nguyên, cán bộ hưu trí, Hà Nội
  55. Bùi Hiền, nhà thơ, Canada
  56. Cao Lập, hưu trí, cư trú tại Mỹ
  57. Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên chủ tịch Tổng Hội SV Sài gòn, nguyên ủy viên Mặt trận tổ quốc Tp HCM
  58. Lê Công Giàu, nguyên tổng thư ký THSV Sài Gòn 1966, nguyên phó bí thư thường trực Thành Đoàn Tp HCM 1975, nguyên GĐ Cty Savimex
  59. Bùi Tiến An, hưu trí, Sài Gòn (TP HCM)
  60. Lê Khánh Luận, TS Toán, nhà thơ, nguyên giảng viên ĐH Kinh Tế TPHCM
  61. Hà Sĩ Phu, TS Sinh học, CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt
  62. Nguyễn Quang Nhàn, CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt
  63. Huỳnh nhật Tấn, hưu trí, Đà Lạt
  64. Đoàn Nhật Hồng, thành viên CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt
  65. Nguyễn Hữu Toàn, PGS.TS.BS., Đà Nẵng
  66. Huỳnh Nhật Hải, hưu trí, CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt
  67. Lê Công Định, luật sư, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng
  68. Nguyễn Tiến Quang, kiến trúc sư, Sài Gòn (TP HCM)
  69. Trần Công Thạch, Sài Gòn (TP HCM)
  70. Đào Tiến Thi, nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ, nguyên ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
  71. Thiều Thị Tân, hưu trí, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng
  72. Hồ Hiếu, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng
  73. Nguyễn Xuân Diện, Tiến sĩ, Hà Nội.
  74. Nguyễn Thị Vân Như, Bác sĩ, Budapest, CH Hungary
  75. Ngô Thị Kim Cúc, nhà văn, nhà báo, Sài Gòn (TPHCM)
  76. Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng, nhà văn, cựu GS kinh tế học Đại học Laval, Canada

Mọi tổ chức và cá nhân đồng ý ký tên vào Tuyên bố xin gửi về địa chỉ: quyenlaphoivabieutinh@gmail.com

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nếu đọc những quyền của công dân lĩnh vực hội họp (biểu tình là khái niệm chính trị) và lập hội của Hiến pháp Nga hiện nay và cả Trung Quốc thấy họ có khác Hiến pháp Việt Nam 1992 và 2013, vì hiến pháp họ không có đuôi „theo quy định của pháp luật“ hay „do pháp luật quy định“) như Hiến pháp Việt Nam 1980 và 2013. Tôi nghĩ bắt đầu từ HP 1980 (HP trước đó không có đuôi này) Miền bắc chắc đã học tập kỹ thuật lập hiến „khôn ngoan không giống ai“ của Việt Nam cộng hòa (VNCH) trước đây, vì đúng là HP của VNCH năm 1956 và 1967 đều có đuôi này (HP VNCH 1956: Đ. 15 … trong khuôn khổ luật định có quyền tự do lập hội và hội họp; HP VNCH 1967: Đ. 13 khoản 1- Mọi công dân đều có quyền tự do hội họp và lập hội trong phạm vi luật định. Tôi nói khôn ngoan, vì đúng là đọc những bản Hiến pháp như HP các nước Châu Âu hay thậm chí HP Trung Quốc (Đ 35) không có hiện tượng trên, vì cần hiểu quyền hội họp, lập hội … là quyền cơ bản nên Hiến pháp khi khẳng định những quyền này thì người dân cũng phải được hưởng ngay quyền đó, còn nếu Hiến pháp lường trước cần có hạn chế nào đó để các quyền khỏi bị lạm dụng chẳng hạn thì khi luật chưa ra đời thì dân sẽ thực hiện các quyền tự do thoải mái (khi đó chính quyền phải làm nhanh luật biểu tình chứ không có chuyện dân chờ Luật biểu tình như ở VN) và quan trọng sự hạn chế trong luật khi có luật ra đời không được phép cản trở bản chất, cốt lõi sự tự do được hiến định, vì như thế quyền tự do khẳng định trong Hiến pháp sẽ không được bảo đảm – và khi đó sẽ VI HIẾN và những Điều khoản VI HIẾN phải bị hủy! Còn cần phải thống nhất với nhau Hiến pháp là gốc (MẸ) xác định quyền tự do của Nhân dân lại trao toàn quyền cho luật (LÀ CON) thì dễ thấy Hiến pháp làm trong những phần quyền tự do biểu tình, lập hội chỉ còn HƯ QUYỀN VÀ LuẬt biểu tình hay Luật về hội mới có THỰC QUYỀN. Và chính quyền nào tiếp tục „khôn“ với dân thì luật biểu tình có ra đời đấy – nhưng chính quyền không muốn cho dân hưởng quyền này vì nhiều lí do (dễ hiểu) thì có thể lại tiếp tục lặp lại câu chuyện ngược đời trên: Trong điều khoản thực hiện quyền biểu tình trong Luật biểu tình sẽ thêm cái đuôi vào sẽ nhiều người mắc bẫy: Việc thực hiện các quyền trong luật này sẽ do „các quy định dưới luật quy định“ thì lúc đó lại có thể kéo dài thêm vài chục năm nữa không cần có quyền tự do hội họp (biểu tình) hay lập hội …

  2. Hổng hiểu chứ hổng phải “hiểu chết liền”

    “quyền tự do lập hội và biểu tình là các quyền công dân thiết yếu, cần được ưu tiên tôn trọng bởi nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

    Biết rõ là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà biểu nó ưu tiên tôn trọng mấy thứ đó … gà hổng biết bơi . Quẳng gà xuống nước có khác chi muốn giết nó . Tui biết rất nhiều người trong số ký tên rất thương gà, hổng muốn gà chết chút nào cả . Đừng để thiểu số xúi dại, gà chết sẽ ôm hận suốt đời .

    “nhà nước cần phải thay đổi nhận thức, từ bỏ thái độ nghi ngờ và kỳ thị đối với các tổ chức xã hội dân sự do chính người dân tự thành lập và tự nguyện tham gia”

    Một lần nữa, nước mình là xã hội chủ nghĩa nên tui nghĩ ngược lại, các tổ chức xã hội dân sự cần -nói theo nhiều trí thức (cực kỳ) đáng kính- tạo lòng tin cho Đảng Cộng Sản, chính chủ của “nhà nước pháp quyền hiện đại (tớ thêm) từ 1945 tới giờ”, thay vì ngược lại .

    Xin được đóng góp cho tiên bố này đầy đủ

    Thứ sáu, nếu Đảng & những cơ quan/tổ chức trực thuộc hổng làm gì, chúng tui sẽ đáp trả lại bằng hình thức tương tự, tức là cũng hổng làm gì hết .

    Cuối cùng, xin kính chúc các lãnh đạo Đảng ăn no, ngũ kỹ, hổng nên lo lắng nhiều làm ảnh hưởng tới sức khỏe thì không ai lãnh đạo đất nước cả .

Comments are closed.