Yêu cầu ngừng chặt hạ cây cổ thụ, di sản vô giá và là Lá Phổi Xanh của Hà Nội

Change.org

Thỉnh nguyện thư gửi ông Nguyễn Đức Chung và ông Eric Sidgwick Giám đốc ADB tại Việt Nam

29-9-2017

Những cây xanh đã được đánh dấu để chặt hạ. Nguồn: internet

Hà Nội ngày 16 tháng 9 năm 2017

Thưa  các ông:

– Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Eric Sidgwick, Giám đốc ngân hàng Phát triển châu Á/ADB tại Việt Nam

Chúng tôi, những công dân Việt Nam và yêu Hà Nội, đồng ký tên sau đây nghiêm túc và khẩn cấp yêu cầu ông Chung, với tư cách người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội, ra lệnh ngừng ngay việc chặt phá và di chuyển cây xanh cổ thụ cho tuyến đường sắt Metro 3 để tìm phương án giải quyết những sai lầm nghiêm trọng của dự án mà nhóm công dân HN đã đề nghị & liên lạc qua lại suốt 1 năm nay với Ban quản lý (BQL) Dự án và ngân hàng ADB (nơi cho vay tiền dự án):

1. Dự án đi qua những công trình di tích Lịch sử & Văn hóa, tâm linh vô cùng quan trọng như Văn Miếu-Quốc Tử giám, đền Voi Phục, Bích Câu cùng nhiều đền chùa khác và qua sát vườn thú Thủ Lệ… độ rung và ồn của tàu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những công trình di sản lịch sử & văn hóa vô giá này. Đặc biệt Văn Miếu là di sản UNESCO, khi thiết kế D.A đã không tham khảo ý kiến với ủy ban UNESCO, bộ Văn hóa và ban giám đốc Văn Miếu. Nhóm công dân HN đã họp với ADB và BQL dự án, nêu các mối lo ngại từ các chuyên gia về Kiến trúc, Môi trường, Xây dựng… về việc phải bảo vệ hàng cây di sản, về nguy cơ ngập lụt đường hầm và gợi ý các giải pháp như làm đường tàu trên cao không cần chặt cây… nhưng BQL dự án và ADB đã hỏi lại hết sức nực cười rằng: “Dự án có ảnh hưởng tới những người dân HN này không” (?!!). Một sự kém hiểu biết và coi thường dân chúng không thể chấp nhận được.
Theo hiến pháp Việt Nam, công dân hoàn toàn có quyền lên tiếng góp ý và giám sát những hoạt động của chính quyền ảnh hưởng đến cộng đồng.

2. Hàng cây cổ thụ vô giá trăm năm tuổi từ thời Pháp là di sản vô giá của toàn dân HN về lịch sử và văn hóa, gắn bó với người dân thủ đô và là những lá phổi xanh vô cùng quan trọng để lọc bụi bẩn và điều hòa không khí trong TP đã quá ô nhiễm và thiếu cây xanh, chúng phải được bảo tồn đặc biệt bằng mọi giá chứ không thể phá bỏ! Luật thủ đô nghiêm cấm chặt cây xanh, việc chặt phá những cây cổ thụ này vi phạm nghiêm trọng luật thủ đô và luật môi trường. Muốn động đến cây phải lấy ý kiến người dân, Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã làm sai quy tắc khi không hỏi ý kiến dân Hà Nội ngoài việc họp với mấy chục hộ dân gần ga tàu và các cán bộ phường/quận.

3. Trên thế giới, những cây cổ thụ từ 50 tuổi đã phải được bảo tồn, cây cổ thụ trăm năm tuổi của Hà Nội là di sản không chỉ của thủ đô mà của cả nước, bất kỳ sự xâm phạm nào đến hàng cây di sản vô giá này chính là xâm phạm đến các giá trị lịch sử và văn hóa của người dân VN, là không thể chấp nhận được. Ngân hàng ADB và các tổ chức quốc tế đồng cho vay vốn cần giúp giám sát và ngăn chặn hành vi chặt cây phá hoại môi trường. Làm Dự án phát triển đô thị mà không bảo vệ cây xanh và môi trường là vi phạm nguyên tắc phát triển quốc tế và đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của các tổ chức cho vay này.
Qua trao đổi lần trước, ADB hứa sẽ cho đánh giá lại phần D.A đi qua Văn Miếu và vườn thú Thủ Lệ dự kiến xong trong tháng 8, chúng tôi yêu cầu công khai bản đánh giá này cũng như thiết kế chi tiết của Dự án đi qua 2 khu vực trên để mọi công dân HN và các chuyên gia độc lập có thể xem xét.

4. ĐTM của dự án đã không đưa ra được số liệu cụ thể về những thiệt hại đối với chất lượng không khí, chất lượng đời sống khi một số lượng lớn cây cổ thụ quý giá bị chặt hạ. Việc “đánh chuyển” cẩu thả những cây cạnh hồ Thủ Lệ năm ngoái thực tế là để đối phó; các cây cổ thụ sau khi “đánh chuyển” đã không thích nghi và nhiều cây bị chết khô.

5. Thêm những sai lầm nghiêm trọng, dự án không dựa trên tổng thể kiến trúc cảnh quan môi trường của TP mà chỉ áp đặt cơ giới trên địa bàn đô thị với nhiều tầng lớp công trình di sản tinh hoa vô giá đang bị đe dọa nghiêm trọng vì dự án Metro 3 và các D.A đường sắt khác tại trung tâm đô thị cổ Hà Nội. ĐTM cẩu thả, không tuân thủ nguyên tắc dự án quốc tế đầu tư, không đề xuất giải pháp tích cực để giảm thiểu tác hại của tiếng ồn, độ rung, cảnh quan kiến trúc – tâm linh lên các công trình di sản vô giá này của Hà thành. Công trình UNESCO/Văn Miếu sát đường tàu rất bị ảnh hưởng mà cho đến khi thi công đường tàu mới chờ “tham khảo” phương án bảo tồn, là điều ngược đời và rất vô trách nhiệm khi thiết kế dự án.

Hãy hình dung một Hà Nội như chảo lửa khi thiếu bóng cây cổ thụ (các cây cổ thụ từ 50 đến trên 100 tuổi đều ĐÃ, ĐANG và SẼ bị triệt hạ vì nằm trong vành đai của 8 tuyến đường sắt, được thay thế bằng những cây tạp nham, ngoại lai, không có giá trị che mát và điều hòa không khí… Các tuyến đường sắt đồ sộ chồng lấn lên vùng nội thành bé nhỏ, cùng với bê tông và các khối nhà cao san sát, thành phố đang bị bê tông hóa và thiếu cây xanh trầm trọng. Các di sản văn hóa bị đè bẹp dưới các tuyến đường sắt ồn ã, đồ sộ, sẽ không bao giờ khôi phục lại được cảnh quan và ý nghĩa tinh thần của Hà Nội hàng nghìn năm lịch sử sâu lắng và phong phú. Đó là Hà Nội mà những người cầm quyền hôm nay để lại cho con cháu đời sau.

Xót xa vì một Hà Nội nên thơ và xinh đẹp nổi tiếng với những hàng cây cổ thụ xanh mát quý giá- đã làm nên một Hà thành rất riêng trong tâm khảm của người HN và cả những người đi xa, giờ đã và đang bị phá bỏ. Còn nhớ UBND tp HN đã cho thảm sát oan hơn 500 cây xà cừ cổ thụ vô giá trên đường Nguyễn Trãi cho D.A đường sắt Cát Linh-Hà Đông dù D.A đã không yêu cầu chặt cây. Sự vô trách nhiệm để lại hậu quả vô cùng nhức nhối về môi trường và cảnh quan, hãy đừng lặp lại sai lầm tệ hại ở dự án này, bởi cây cổ thụ trăm năm khi đã chặt phá thì không gì có thể lấy lại được. Hãy đừng để đời nay và đời con cháu oán hận.

Mong ông Chung hãy trung thực, chân thành trả lời câu hỏi của người dân:

1. Đã biết những tác hại không thể đo đếm hết của các công trình đường sắt này với môi trường sự sống và cảnh quan, văn hóa của Hà Nội – trái tim của cả nước, mà không ngăn chặn, tháo gỡ, giải quyết; ngược lại, để cho nó tiếp tục gây tác hại đến cùng. Như vậy người dân phải đánh giá ra sao về thái độ, trách nhiệm của những người quản lý nhà nước cũng là chủ đầu tư công trình?

2. Nếu tiếp tục như vậy, như đã làm trên tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông và như đang làm với tuyến Metro 3 này, cho thấy phải chăng có một chủ trương xóa bỏ những vẻ đẹp kiến trúc lịch sử và cảnh quan của Hà Nội cổ, từ cây cổ thụ di sản cho tới Ha Noi Cinematheque, Văn Miếu…và nhiều báu vật kiến trúc vô giá khác? Việc này đang dấy lên bức xúc và nghi ngờ trong dân chúng rằng liệu có chủ chương và bàn tay của Trung Quốc khi muốn phá hoại những giá trị lịch sử & văn hóa của Việt Nam với những dự án đường sắt như vậy? Nếu quả thực có chủ trương đó, hãy thẳng thắn cho dân chúng tôi biết, bởi nếu không, dân chúng tôi cũng sẽ tìm ra cái gì đứng sau, và hậu quả sẽ khôn lường.

Chúng tôi yêu cầu ông sáng suốt và hành động kịp thời, cho dừng ngay lập tức việc chặt hạ và di chuyển hàng cây cổ thụ vô giá này để rà soát lại trước khi quá muộn, bởi việc này ảnh hưởng đến cả trăm năm sau! Đừng lặp lại sai lầm chặt cây năm 2015. Nếu chỉ vì đã trót phê duyệt tiền chặt cây mà phải làm bằng được để chi ngân sách, hãy chân thành cho chúng tôi biết để chúng tôi tìm giải pháp tháo gỡ.

Hà Nội- thủ đô đầu não của cả nước cần người đứng đầu biết minh bạch, có trách nhiệm và thực lòng với dân, đúng như trách nhiệm và nhân cách cần có của một người lãnh đạo.

Trân trọng,

Đồng ký tên

(Những cá nhân và tổ chức đồng ký tên sau đây mới chỉ là danh sách bước đầu được thu thập. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục cập nhật qua emails và change.org. Ở phía bên tay phải màn hình, bạn có thể tìm thấy ô để ghi tên bạn (Last name là tên họ, First name là tên của bạn—bạn có thể ghi kèm tên đệm), địa chỉ email, nơi chốn (ví dụ bạn chọn là Vietnam rồi ghi tên thành phố nơi mình đang sinh sống), và ô “I’m signing because…” (tôi ký tên là vì) là để bạn chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm về vấn đề cấp thiết này)

1. Lê Dũng, Kỹ sư, tư vấn xây dựng. Hà Nội
2. Đặng Toàn, Chuyên gia môi trường, Pháp
3. Trần Thanh Vân, Kiến trúc sư, Hà Nội
4. Phan Long, Kỹ sư Môi trường, Hoa Kỳ
5. Le Thuy, chuyên viên môi trường và sức khoẻ cộng đồng, Hà Nội
6. Đào Thu Huệ, Giảng viên đại học, Hà Nội
7. Khánh Phương, nhà văn, nhà báo, Hoa Kỳ
8. Đoàn Hương, Nguyên Giám đốc công ty Design & Adv, Saigon
9. Phạm Hồng Thắm, tạp chí Khoa học và Kỹ thuật, hưu trí, Hà Nội.
10. Ngô Minh, Film maker
11. Trần Đình Dũng, Master, Hoa Kỳ, Viet Ecology Foundation
12. Hoàng Hưng, nhà thơ, dịch giả, Sài Gòn (gốc Hà Nội).
13. Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, Chuyên gia đầu ngành Thuỷ động lực học, Đại học Đà Nẵng.
14. Phạm Duy Hiển, Giáo sư Tiến sĩ, Nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt
15. Nguyên Ngọc, Nhà văn, dịch giả, Hội An.
16. Diễn đàn Bauxite Việt Nam. Thay mặt: GS Phạm Xuân Yêm và GS Nguyễn Huệ Chi
17. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Saigon. Đại diện: ông Lê Thân.
18. Bùi Minh Quốc, nhà thơ, Đà Lạt.
19. Ngô Kim Hoa ( Sương Quỳnh) – Nhà báo tự do, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng (LHĐ) – Sài Gòn .
20. Lại Thị Ánh Hồng – Nghệ sĩ , thành viên CLB LHĐ – Sài Gòn.
21. Nguyễn Kim Chi – Nghệ sĩ Ưu Tú, thành viên CLB LHĐ – Sài Gòn.
22. Nguyễn Đăng Hưng – GS danh dự ĐH Liege, Bỉ – Sài Gòn
23. Tiến sĩ Sinh học Hà Sĩ Phu, Đà Lạt
24. Nguyễn Xuân Diện, Tiến sĩ Hán Nôm học, Hà Nội.
25. Phạm Bá Hải, Cựu tù nhân lương tâm, (CTNLT) – Sài Gòn.
25. Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Như, Budapest, CH Hungary.
27. Mạc Văn Trang, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Hà Nội.
28. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ Văn, Hà Nội.
29. Đặng Thị Hảo, Tiến sĩ Ngữ Văn, Hà Nội.
30. Nguyễn Đình Nguyên, Tiến sĩ Y khoa, Australia.
31. Nguyễn Thị Khánh Trâm, Hưu Trí, Sài Gòn.
32. Trần Tiến Đức, nhà báo độc lập, đạo diễn phim tài liệu, Hà Nội.
33. Dương Tường, nhà thơ – dịch giả, Hà Nội.
34. Ngô Thị Kim Cúc, Nhà văn, Nhà báo – Sài Gòn.
35. Nhà thơ Giáng Vân, Hà Nội
36. Nhà báo Tống Văn Công, Nguyên Tổng biên tập báo Lao Động, Việt Nam. Từ Hoa Kỳ

____

Mời quý độc giả bấm vào đây ký tên.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.