Bộ Giao thông Vận tải!

FB Ngô Nguyệt Hữu

24-9-2017

Ông Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Internet

Vẫn biết Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tiếp nhận Bộ Giao thông Vận tải với nhiều vấn đề, nhiều “di sản BOT” mà ông có lẽ không được chia phần… thế nhưng, cái lý do “không có tiền mua lại nên sẽ tính giảm phí” mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra để thoái thác trách nhiệm về trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cho thấy sự bao che, bảo vệ cái sai của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

BOT Cai Lậy, một hình mẫu chung về cách ăn chặn tiền của dân, như BOT Biên Hoà (Đồng Nai) chẳng hạn.

1. Làm đường tránh thị xã, thành phố.

2. Tu sửa qua loa vài km đường Quốc lộ, cái này có Quỹ Bảo trì đường bộ đã được thu khi người dân mua xe, đổ xăng dầu…

3. Đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1.

Nếu BOT Cai Lậy bị buộc dời vào tuyến đường tránh, hàng loạt BOT đang “nhân danh đường tránh” để án ngữ ngay tuyến Quốc lộ huyết mạch sẽ phải chuyển theo dẫn đến “vỡ trận lợi ích”.

Một người am hiểu BOT từng phân tích với tôi, “Đầu tư BOT luôn được nhiều cái lợi, nâng tổng giá trị đầu tư, có được 20% tổng đầu tư (chủ yếu công tác giải phóng mặt bằng) còn lại vay ngân hàng.

Ví dụ, tuyến đường tránh một thị xã và thêm chi phí tu sửa đường Quốc lộ khoảng 1.000 tỷ, sẽ được kê lên 3 nghìn tỷ.

Ngân hàng cho vậy 2.400 tỷ theo lý thuyết.

Vừa có dự án BOT lập tức có một đống tiền đôi dư để đầu tư dự án khác hoặc làm gì đó. Phần vốn kê lên sẽ được hợp thức hoá bằng giá vé, năm thu phí.

Đến mấy tầng lãi.

Nếu muốn chốt lời nhanh, có thể bán cho một công ty khác để công ty này lao vào thu phí”.

Chính phủ quy định rất rõ về trách nhiệm cá nhân, trong vụ việc BOT Cái Lậy người ký chính là Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nay là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Ông Thể phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên cho sự việc này, và lãnh đạo UBND Tỉnh Tiền Giang ai ký văn bản đồng thuận cho đặt trạm BOT Cai Lậy trên Quốc lộ phải bị truy cứu trách nhiệm.

Rõ ràng, nhân dân vẫn phải chịu hậu quả từ cái sai của cán bộ lãnh đạo, nhưng những cá nhân tạo ra cái sai ấy phải bị xử lý. Chứ không thể trả lời theo kiểu “chuyện đã rồi” theo cách của Bộ GTVT.

Tôi nghĩ rằng, chỉ cần Kiểm toán vào cuộc sẽ lộ ra toàn bộ mảng tối của BOT.

Quan trọng hơn, nhóm lợi ích này đang trong bối cảnh dễ phá vỡ hơn bao giờ hết với sự ủng hộ của dư luận.

Vấn đề chính là có muốn hay không mà thôi!

Bình Luận từ Facebook