Đình chỉ, thu hồi sách đã xuất bản: nghịch lý hay “tiến thoái lưỡng nan” của Cục Xuất Bản

Hoàng Hưng

23-9-2017

Bìa sách Mối Chúa, của Đãng Khấu, tức Tạ Duy Anh.

Nhân vụ Cục Xuất bản lệnh “đình chỉ” tiểu thuyết “Mối chúa” của Đãng Khấu (tức Tạ Duy Anh), nhớ lại 2 việc:

1. Năm 2007, khi Cục XB ra lệnh cho NXB Hội Nhà văn “tự thu hồi” tiểu thuyết “Cọng rêu dưới đáy ao” của Võ Văn Trực, tôi đã viết trên talawas về nghịch lý hay thế “tiến thoái lường nan” này:

“Có điều, tôi thực sự không hiểu chiêu thức trên có lợi gì cho “định hướng xã hội chủ nghĩa” một khi lệnh thu hồi chẳng bao giờ khả thi mà chỉ giúp cho các cuốn sách bị thu hồi được săn tìm và một số người in sách lậu vớ bở, còn nhà nước tiếp tục mang tiếng là hẹp hòi, thiếu dân chủ trong lĩnh vực văn hoá? Nó có gì khá giống cái dòng… (toà báo tự ý đục bỏ) nhan nhản trong báo chí chế độ Sài Gòn một thời tồn tại Nha Kiểm duyệt.

Xem ra việc ép nhà xuất bản tự thu hồi sách là một chiêu thức tiến thoái lưỡng nan của nhà quản lý văn hoá. Thoái thì sợ các nhà văn, các nhà xuất bản hiểu lầm là “đã cởi trói” và “làm tới”; tiến thì chẳng thể nào thẳng cánh như trước, mà lại hóa ra quảng cáo không công cho sách “có vấn đề”.

2. Đầu năm 2008, Cục XB lại ra lệnh “thu hồi” tập Trần Dần Thơ (NXB Đà Nẵng). Anh em chúng tôi (Dương Tường, Châu Diên, HH, Phạm X Nguyên, Nguyễn Huệ Chi,…) đã lập tức khởi xướng kiến nghị phản đối (bản kiến nghị online đầu tiên trong “lịch sử kiến nghị” của người Việt). Thu được ngay trăm mấy chục chữ ký, nhiều tên tuổi lớn trong-ngoài nước. Sau 3 ngày, Cục phải rút lệnh, thay bằng “phạt vạ” NXB vì lỗi… người cấp phép (nhà văn Đà Linh, Phó Giám đốc & Tổng biên tập) ko đủ thẩm quyền!!! An ninh gọi tôi “làm việc” 2 ngày liền! Kết luận, một thủ trưởng cấp hơi cao bực bội: “Thế là các anh thắng phải không?” Tôi cả cười: “Sao anh nói thế? Chúng ta đã thắng chứ! Chúng ta đã ngăn chặn được 1 việc làm xấu mặt Nhà nước!” (hihi…)

Mười năm sau, giờ vẫn cứ thế! Thậm chí gay gắt hơn, ko cần chiêu “tự thu hồi” nữa, mà thẳng thừng “đình chỉ” có văn bản phê phán hẳn hoi! Mà càng phê phán càng như “quảng cáo” cho sách. Và nhiều blogger, facebooker (trong đó có các nhà văn đang hành chức trong hệ thống) đã “sung sướng” trích lời “phê phán/ quảng cáo”, và dự báo việc in lậu sách nay mai!

Vậy là sao? Cục XB ko biết hậu quả ngược của những lệnh này? Tôi nghĩ: biết nhưng vẫn phải làm để “tròn trách nhiệm” với cấp trên và… đề phòng “nội bộ” (có kẻ moi sơ suất “lập trường” để hất cẳng, chiếm ghế?).

Lời bình: “Yêu nhau (Đảng) như thế bằng mười hại nhau!” Hihi…

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thích đọc văn học nước mình, vì khi về tắm ao ta, dù trong hay đục ao nhà vẫn hơn. Thế nhưng đã từ rất lâu tôi không đọc văn nhà mình nữa, xin lỗi, các “nhà” viết dở quá, không có gì để đọc. Thỉnh thoảng có quyển được giải, bàn tán ầm ĩ, đến khi mua về đọc chưa được chục trang đã phải bỏ, đem ra bán cân cho đồng nát. Các nhà cũng lắm mưu mẹo để bán sách. Tôi nhớ có lần anh Bá ra quyển sách, bị thủ tướng ra lệnh thu hồi, nhờ đó anh tiêu thụ được hơn 5000 cuốn. Sau đấy thì ông thủ tướng lại ra văn bản thôi không cấm nữa, nhiều người bảo anh Bá có tài bán sách. Vậy nên bây giờ tôi hơi bị cảnh giác, liệu đây có phải là chiêu PR không? Rất hi vọng đây không phải là cách PR, dù sao cũng phải chờ xem, thời gian sẽ trả lời.

  2. Việc thu hồi sách ‘Mối chúa’ lần này cũng y chang những lần trước: Có tịch hay nhúc nhích, rứa thôi!

Comments are closed.