Bản tin ngày 16/9/2017

Tin trong nước

Tin Biển Đông

RFA cho biết: Chiến hạm Gepard thứ 3 đang về Việt Nam. Theo bài báo, cặp tàu chiến thứ 2 này được phía Việt Nam đặt hàng với Nga từ tháng 10 năm 2012. So với cặp tàu trước, cặp này có thêm chức năng săn ngầm.

BBC có bài tìm hiểu sự tương đồng giữa Hungary và Việt Nam với TS Đinh Hoàng Thắng về sự cố gắng tồn tại khi ở một vị thế mất cân bằng, bên cạnh một nước láng giềng khổng lồ: Tinh thần dân tộc Hungary và Việt Nam.

TS Đinh Hoàng Thắng từng học và ngiên cứu tại Hungary. Ảnh: BBC

Báo Tuổi Trẻ có bài: Khẳng định chủ quyền từ văn hóa dân gian. Tác giả Vũ Quang Dũng ra mắt bộ sách ‘Văn hóa biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa dân gian’: “Bộ sách cũng góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp thêm tư liệu chứng minh chủ quyền biển đảo VN và là tài liệu giảng dạy về lịch sử, văn hóa địa phương trong hệ thống các trường phổ thông“.

Báo GDTĐ có bài: Khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ các bằng chứng lịch sử. Bài viết nói về triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, tại Bảo tàng Quân khu IV, từ ngày 14/9/2017 đến ngày 18/9/2017.

Trang GDVN có bài: “Để ngăn ông Kim Jong-un, Trung Quốc cần phần thưởng lớn: Biển Đông”. GS Panos Mourdoukoutas, Đại học Columbia nhận định, Mỹ sẽ không dùng Biển Đông để đổi chác với TQ trong việc ngăn chặn Bắc Hàn, vì “nếu Mỹ để Trung Quốc tự do thiết lập luật chơi của riêng mình và vơ vét tất cả các nguồn tài nguyên ẩn bên dưới, đồng nghĩa với việc Washington bị hất cẳng khỏi khu vực“.

Tin về cơn bão số 10

Báo Pháp luật Plus lo lắng cho Formosa: Formosa oằn mình chống chọi với bão số 10. Tại khu công nghiệp Formosa, “100% cán bộ cùng công nhân đang trực chiến chờ bão tớiTrên đường phố trong khu công nghiệp lớn bậc nhất Việt Nam này, xe chỉ huy của người Đài Loan cũng hoạt động liên tục, trực 100% chống bão“.

Ảnh chụp từ báo Pháp luật Plus

Còn nhớ, một năm trước, ông Nguyễn Như Viết, cựu Bí thư Đảng ủy Cơ quan dân chính Đảng, tỉnh Hà Tĩnh đã phát biểu: “Mong” có bão lớn mới hy vọng đẩy đuổi được chất độc Formosa (?!). Chưa biết bão lớn có đẩy đuổi được chất độc hay không, nhưng cứ bão là dân miền Trung lại khổ.

Mời đọc thêm: Toàn tỉnh có 7 người chết và bị thương do bão số 10 (Báo QB). – Bão đổ bộ vào Hà Tĩnh với sức gió cấp 12, gây thiệt hại rất lớn (TTXVN). – Những hình ảnh mới nhất từ tâm bão số 10 (TT). – Phút sinh tử, chấp nhận bỏ tàu cá cứu 12 ngư dân bị bão đánh chìm tàu (TN). – Ngư dân 3 tàu cá bị chìm kể chuyện được cứu sống trong bão (TP). – Thanh Hóa: Tìm kiếm tàu cá với 10 thuyền viên mất liên lạc trên biển  —  Diễn biến bão số 10: Hai tàu bị chìm trên vùng biển Quảng Ninh (TTXVN). – Thủ tướng: Không để người dân ‘màn trời chiếu đất’, đứt bữa (Zing).

Đài Truyền hình VN đã bị Tàu xâm nhập?!

Facebooker Hoàng Tuấn Minh có bài: Trần Bình Minh và những sản phẩm truyền hình mang đậm “màu sắc Trung Quốc”. Tác giả là người đã từng có nhiều năm công tác trong ngành truyền hình, liệt kê những sai phạm có hệ thống của VTV, từ khi ông Trần Bình Minh lên làm Tổng Giám đốc đài này cho tới nay.

Khởi đầu là năm 2011, VTV dùng lá cờ Trung Quốc có 6 ngôi sao, kế đến là dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, VTV dùng hình ảnh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc để minh họa cho hình ảnh của QĐND Việt Nam. Năm 2015, tấm bản đồ Việt Nam VTV sử dụng, vị trí thủ đô Hà Nội đã được VTV di dời sang tận… tỉnh Quảng Tây của TQ. Đêm 11/06/2016, trong một chương trình, VTV đã lấy hình cổ động học tập theo tấm gương Mao Trạch Đông để làm hình nền trong suốt chương trình!

Dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam

Đại sứ Anh dùng câu nói của ông Hồ để dạy lãnh đạo Việt Nam về dân chủ. Nhân ngày Quốc tế về Dân chủ 15/9, ông Giles Lever, Đại sứ Anh ở Việt Nam có bài: “Dân chủ không chỉ là hình thức“. Đại sứ Lever đã sử dụng câu nói của ông Hồ Chí Minh: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Tác giả kết luận: “Tôi nghĩ không có tuyên ngôn nào mạnh mẽ và phù hợp hơn cho Ngày Quốc tế dân chủ năm nay“.

Độc giả montaukmosquito gợi ý, lãnh đạo ĐCS nên dùng chính lời của ông Hồ để phản biện Đại sứ Anh. Ông HCM có nói: “Dân chủ và chuyên chính đi đôi với nhau. Muốn dân chủ thực sự phải chuyên chính thực sự vì không chuyên chính thực sự, bọn thù địch sẽ làm hại dân chủ của nhân dân… Dân chủ và chuyên chính là quan hệ mật thiết với nhau“. Nghĩa là dân chủ và độc tài (chuyên chính) phải đi đôi với nhau!

Nhà báo Bùi Tín có bài trên blog VOA: Giảng dạy nhân quyền, Bộ Chính trị hãy nêu gương trước. Tác giả cho rằng, trước khi dạy nhân quyền cho người dân, Bộ Chính trị và Quốc hội hãy làm gương, bằng cách ban hành luật biểu tình, luật về lập hội, lập công đoàn độc lập, phục hồi quyền sở hữu đất đai của người dân, cũng như trả tự do cho những người tù chính trị, tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ, đã bị đảng và nhà nước cầm tù.

RFA có bài: Nhân quyền là trọng tâm trong đàm phán thương mại VN-EU. Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu nói với các nhà báo hôm 15 tháng 9, ở Hà Nội rằng, nếu Việt Nam không giải quyết đầy đủ các quan ngại về nhân quyền thì e rằng chuyện thương thảo giữa đôi bên sẽ gặp rắc rối.

Luật Khoa có bài nhân ngày sinh nhật ông Nguyễn Hữu Vinh: Anh Ba Sàm: Từ thiếu tá công an đến nhà báo độc lập và tù nhân lương tâm. Ông Nguyễn Hữu Vinh cùng cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt ngày 05/5/2014. Ngày 23/3/2016, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án ông Vinh 5 năm tù và bà Thúy 3 năm tù. Bà Thúy đã mãn hạn tù hôm 5/5/2017.

Nhà báo Phạm Đoan Trang viết về ông Vinh như sau: “Nhà báo độc lập đầu tiên ở Việt Nam lập trang web (Thông Tấn Xã Vỉa Hè) để đăng tải thông tin nhiều chiều, thực hiện ‘khai dân trí’ đúng nghĩa nhất, và đặc biệt là ông làm điều đó khi đang sống trong nước, ngay giữa thủ đô. Trang web của ông chính thức ra đời ngày 9/9/2007“.

“Khúc củi” Đinh La Thăng và Đại án OceanBank

Vẫn không rõ số phận của Đinh La Thăng ra sao sau khi VKS NDTP Hà Nội đề nghị mức án tử hình Nguyễn Xuân Sơn. Tác giả Ngô Đồng đặt câu hỏi: Đinh La Thăng là củi tươi hay củi khô?Vài chục thuộc cấp của ông đối diện với các bản án nặng kề, kể cả tử hình, nhưng ông thì không biết được xếp vào loại củi tươi hay củi khô. Còn có bị ném vào lò hay không, không có một tiêu chuẩn nào cố định trong một chế độ mà luật lệ được giải thích hay áp dụng co giãn không chừng, tùy người đứng canh lò“.

Cali Today có bài: Tín hiệu bắt: Đinh La Thăng bị ‘cột’ vào ‘đại án OceanBank’. “Có lẽ ý Nguyễn Phú Trọng đã quyết: Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn phải chịu án nặng thì Đinh La Thăng không thể nào ‘tại ngoại’. Nếu đúng như thế, Đinh La Thăng sẽ phải nếm mùi lao lý trong không bao lâu nữa – tháng Chín hoặc tháng Mười“. Đọc thêm: Các sếp lớn ngành GTVT bị ông Đinh La Thăng ‘trảm’ giờ ra sao? (VTC).

VTC có bài: Xét xử Hà Văn Thắm: ‘Chỉ có người điên mới tự đưa tiền của mình cho người khác chiếm đoạt’. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, mặc dù Hà Văn Thắm có chuyển tiền cho Nguyễn Xuân Sơn từ OceanBank, nhưng Thắm không thể biết Sơn có chiếm đoạt tiền hay không, nên không thể quy kết Thắm là đồng phạm được.

Theo LS Thiệp, ngoài ra, ông Thắm còn sở hữu trên 60% cổ phần của Oceanbank, nên Thắm không thể là đồng phạm để Sơn chiếm đoạt tiền của chính mình bởi “chỉ có người điên mới tự đưa tiền của mình cho người khác chiếm đoạt”. Cho nên, theo luật sư: Nếu Nguyễn Xuân Sơn tham ô thì Hà Văn Thắm bị lừa chứ không thể đồng phạm. Có lẽ tòa cần chứng minh ông Thắm nhận lại tiền chia chác từ ông Sơn?

Zing có clip: Nguyễn Xuân Sơn mệt mỏi đến tòa sau ngày bị đề nghị án tử.

Mời đọc thêm: Hà Văn Thắm có giúp Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tiền của mình? (TP). – Đại án Oceanbank: Băn khoăn về những người nhận tiền chưa lộ diện (VNN). – Đại án Oceanbank: Nguyễn Xuân Sơn không chiếm đoạt 49 tỉ đồng? (DT). – Luật sư dõng dạc bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (Zing). – Đại án OceanBank: Nhiều chứng cứ ‘lật ngược tình huống’, Nguyễn Xuân Sơn vẫn bị đề nghị án tử (PLVN). – Luật sư nói tử hình Nguyễn Xuân Sơn liệu quá vội vàng? (TT). – ‘Kết tội Nguyễn Xuân Sơn sẽ khó điều tra 3 vụ khác’ (PLTP). – Đại án Oceanbank: Một hành vi, Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố 2 tội danh? (ĐTCK). – Ai đã “lệnh” cho Nguyễn Xuân Sơn “ôm” 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank? (TQ).

– Luật sư nói gì về ‘mắt xích’ PVN-OceanBank? (BBC). – Luật sư đề nghị dừng tòa để điều tra thêm vụ án Hà Văn Thắm (Zing). – Đề nghị trả tự do em họ cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn (DT). – Đột ngột xoay chiều chính sách và hệ lụy pháp lý (LĐ). – Kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan đến thanh tra, giám sát Oceanbank từ 2009 – 2014 (TTT).

Bùng nhùng các dự án BOT

Blog VOA có bài: Hiện tượng Nguyễn Đức Kiên. Bài nói về ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của QH có những phát biểu làm dậy sóng trên mạng.

Một trong những phát biểu gây tranh cãi khi ông Kiên phê phán các tài xế: “Việc bỏ tiền lẻ vào chai khi qua trạm thu phí cho thấy văn hoá ứng xử đang có vấn đề“. Nhà báo Trần Đăng Tuấn viết: “Thôi đừng nói văn hóa với ứng xử. Nói về đồng tiền bát gạo. Đứng về phía bát gạo đồng tiền của ai – Hãy nói đi, tôi sẽ rõ văn hóa ứng xử của anh“.

Tác giả Trân Văn đề nghị: “Có lẽ đã đến lúc Quốc hội Việt Nam cần minh định, những phát biểu của ông Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam là quan điểm cá nhân hay quan điểm chính thức của Quốc hội… Sự minh định cần thiết này cũng là để bảo vệ phẩm giá của ông Kiên, bảo vệ uy tín của Quốc hội, đồng thời đập tan ‘ý đồ xuyên tạc của kẻ xấu’.”

Một trong những phát biểu của ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: NLĐ

VTC có bài: Nghi ngờ lợi ích nhóm trong dự án BOT, Thứ trưởng GTVT: ‘Không có sự chia chác quyền lợi’. Về phát biểu của Thứ trưởng Bộ KH & ĐT Đặng Huy Đông, cho rằng, từ lâu thế giới đã đưa ra cảnh báo “rủi ro xảy ra tham nhũng trong BOT là lớn nhất”. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nói: “Bộ Giao thông vận tải khẳng định không có tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT”.

Còn những lùng nhùng trong tuyến BOT Hà Nội – Bắc Giang hay Pháp Vân – Cầu Giẽ, ông Công khẳng định: “Không có sự chia chác quyền lợi ở các dự án BOT. Việc triển khai các dự án theo hình thức BOT được thực tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định”.

Về phát biểu nói trên, TS Nguyễn Quang A cho biết: “NGƯỜI CHỦ DỰ ÁN BOT ĐẦU TIÊN đã khẳng định với tôi: ‘phải chia cho các anh ấy [BT, cục trưởng liên quan] 50% cổ phần đấy anh ạ’. Khoảng 20 năm trời rồi, lúc ấy chắc ông thứ trưởng này chưa vào ngành hay đang là chân loong toong trong. Tất nhiên họ phải chối như đỉa phải vôi thôi”.

Báo Một Thế Giới có bài: Cần Thơ tôn trọng quyền đưa tiền lẻ khi qua trạm thu phí BOT. Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, “không chỉ đạo xử lý hành vi đưa tiền lẻ qua trạm thu phí T1 và T2 trên quốc lộ 91“. Bởi theo ông Thống, việc sử dụng và lưu hành tiền lẻ “không hề vi phạm pháp luật“. Trong khi chủ đầu tư và Bộ GTVT còn đang cân đong đo đếm, thì lãnh đạo TP Cần Thơ đã nhanh chóng xử lý không để xảy ra ùn tắc giao thông.

Mời đọc thêm: Đầu tư tại Lâm Đồng, thu phí BOT tại Đồng Nai (TP). – Yêu cầu trạm thu phí BOT ‘tháo khoán’ để ứng phó bão số 10 (TP). – BOT tuyến tránh Biên Hòa lại xả trạm (NLĐ). – Nhiều dự án BOT thua lỗ nặng (GT). – Yêu cầu báo cáo việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém (Tầm Nhìn).  – Sự thật đầu tư BOT giao thông: Rốt ráo xử lý bất cập (GT). – B.O.T đặt sai chỗ làm ảnh hưởng đến dân (RFA). – Phóng viên bị đuổi khi tác nghiệp ở trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa (Zing). – Phó tổng BOT xinh đẹp mong người dân thông cảm (ĐV).

Tăng thuế hay tận thu

Báo Tuổi Trẻ có bài: Ngành thuế đừng tận thu mà hãy bỏ tép bắt tôm. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cần xem xét có nên thu hay không những đối tượng nộp thuế có đóng góp rất nhỏ, trong khi chi phí cho đội ngũ cho quản lý thuế còn lớn hơn số tiền thuế thu được, gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước.

Các chuyên gia cũng gợi ý, Bộ Tài chính nên tập trung vào những đối tượng nộp thuế lớn, đồng thời cải cách công tác thu thuế, tính toán việc tăng thuế, thì ngân sách tăng được bao nhiêu, ngành nào bị thiệt hại…

Thời báo Kinh tế VN có bài: Sửa 5 luật thuế: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, phải tính đầy đủ các chi phí khác mà doanh nghiệp và người dân phải gánh chịu, vì thuế và phí cộng lại sẽ rất lớn: “Bộ Tài chính là cơ quan nắm túi tiền phải tính cả, chứ lâu nay cơ quan nào cũng tách riêng ra phần thu của mình thì gánh nặng dồn lên hết những người nộp thuế, như thế là không sòng phẳng với người dân và doanh nghiệp”.

LS Trần Vũ Hải viết: “Sửa nhưng thực chất chủ yếu để thêm thuế, tăng thuế! Trong khi không thấy bàn gì về việc giảm bớt các khoản chi vô bổ, lãng phí hay không kiểm soát được, thậm chí mất công bằng! Nói tóm lại, thiếu tiền ngân sách và trả nợ công, nên dân và doanh nghiệp phải è cổ ra nhé, kêu ca cũng chỉ cho có vẻ “dân chủ” thôi!

Mời đọc thêm: Những thắc mắc về bản chất thuế và tính nhất quán (TBKTSG). – Nước ngọt sẽ tăng giá vì chịu thuế… chống béo phì, tiểu đường? (PL). – Nhà đất sắp tăng giá mạnh do thay đổi thuế? (TP). – Lại đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm (VnE). – Sửa đổi 5 luật về thuế: Bắt kiến bỏ voi? (TP).

Tình trạng lạm thu tại các trường học

Liên quan tới Trường tiểu học Chu Văn An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp thu mỗi học sinh lớp 1 hơn 16 triệu vì trường ‘cần có’, báo tuổi Trẻ có bài: UBND TP Cao Lãnh: trường thu 16 triệu/học sinh lớp 1 không sai. Phòng GD-ĐT Cao Lãnh nói, các khoản thu trên là “đúng quy định” và việc nhiều phụ huynh không đồng tình với các khoản thu 16 triệu/năm là do phụ huynh “chưa thống nhất cao“!

Về việc tại sao kinh phí hoạt động của trường do ngân sách cấp, “trong đó đều có trích ra một phần đầu tư cơ sở vật chất, như vậy có phải là phí chồng phí gây gánh nặng cho phụ huynh hay không?” Ông Nguyễn Văn Ngợi, trưởng Phòng GDĐT TP Cao Lãnh cho biết: “Sắp tới việc thu bán trú có chi cho các khoản đầu tư cơ sở vật chất sẽ có tính toán lại“.

Cũng báo Tuổi Trẻ, có bài: Thanh tra trường tiểu học bị tố thu 10 triệu đồng đầu năm. Đó là trường tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, TP Hải Phòng bị tố, đã bắt học sinh khối lớp 1 của trường phải đóng 14 khoản, với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng; khối lớp 4 đóng gần 6 triệu đồng…

Tranh biếm họa trên báo Tuổi Trẻ:

Báo GDVN có bài: Lý luận của các hiệu trưởng lạm thu và cách làm của nhà giáo trong sáng. Tình trạng lạm thu công khai đến mức, một số vị hiệu trưởng cho biết: “Nếu đúng quy định thì nói thật là chúng tôi đang thu sai. Vì thu đúng, chúng tôi không có tiền cho hoạt động, dù là những việc nhỏ”.

Bài viết cho rằng, “chỉ khi nào người đứng đầu nhà trường thực sự có cái tâm trong sáng của một nhà giáo, không lạm vào một cái kim sợi chỉ của dân và biết cách chi tiêu, quản trị tài chính thì không bao giờ có chuyện lạm thu”!

Cũng liên quan tới chuyện giáo dục, báo TTCT có bài: Xếp hạng, rồi sao nữa? Tác giả Phạm Thị Ly đặt câu hỏi: “Chúng ta có cần một bảng xếp hạng cho các trường đại học (ĐH) Việt Nam hay không, và nếu có thì nó nên như thế nào?

Mời đọc thêm: Phụ huynh trường Uy Nỗ được nhận lại tiền lạm thu (GDVn). – Bao giờ các trường công lập hết lạm thu? (RFA). – Đại học đa lĩnh vực thành công trên thế giới, nhưng sao gặp “sự cố” ở ta? (GDVN).

Công nhân bị bóc lột

Facebooker Đoàn Huy Chương cho biết: “Hiện nay công ty Pouyen Biên Hoà  – Đồng Nai đang vi phạm luật lao động. Khi bắt người mang thai 7 tháng phải làm việc trong tư thế đứng suốt 8 giờ. Vậy thử hỏi công đoàn cơ sở đâu sao không lên tiếng. Công đoàn hiện nay không bảo vệ người lao động mà lại bảo vệ giới chủ hay sao? Nếu như công đoàn bảo vệ người lao động sao không thấy lên tiếng cho họ. Còn suất ăn thì rất tệ. Giờ ăn thì quá sớm không đảm bảo sức khỏe. 10 giờ 30 là giờ ăn trưa. Vậy có hợp lệ không. Trong khi đó họ phải làm việc đến 5-6 giờ chiều”.

Ảnh: FB Đoàn Huy Chương

Nạn nô lệ mới của người Việt

VOA đưa tin: Nạn nô lệ mới trong giới lao động chui người Việt ở Châu Âu. Bài tường trình cho biết, Ủy ban độc lập chống nô lệ thời hiện đại của Anh vừa lên tiếng báo động về nguy cơ xảy ra nạn ‘nô lệ mới’ tại các tiệm móng tay Việt Nam ở Anh, có liên quan tới các mạng lưới buôn người và tội phạm có tổ chức.

Phúc trình của Ủy ban đơn cử một trường hợp cụ thể: “Một nạn nhân bị buộc phải làm việc 7 ngày một tuần từ sáng cho tới 6, 7 giờ tối. Người này được trả 30 bảng Anh mỗi tuần”.

Về anh Nguyễn Quốc Phi, 27 tuổi, là người lao động Việt Nam ở Đài Loan bị cảnh sát bắn chết hôm 31/8 có thêm chút ánh sáng. Theo điều tra của BBC: Một lao động Việt ở Đài Loan bị ‘bỏ mặc cho chết’. Những đoạn video clip mà BBC được xem cho thấy cảnh sát và các nhân viên cứu thương Đài Loan đã bỏ mặc một người Việt mà không cấp cứu.

Cuộc biểu tình diễn ra hôm 15/9 đòi chính quyền Đài Loan phải điều tra đầy đủ vụ lao động nhập cư người Việt bị bắn chết hôm 31/8/2017. Ảnh: BBC

Vụ tử tù trốn khỏi phòng biệt giam

Báo Tuổi Trẻ có bài: Khởi tố vụ thiếu trách nhiệm để 2 tử tù trốn khỏi phòng biệt giam. Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao VN đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm để hai tử tù bỏ trốn khỏi trại giam T16, Bộ Công an.

Cơ quan điều tra đã xác định “một số cán bộ quản giáo, chiến sĩ thuộc trại tạm giam T16 – Bộ Công an” đã tắc trách để cho 2 tử tù Lê Văn Thọ (Thọ “sứt”, 37 tuổi) và Nguyễn Văn Tình (28 tuổi) bỏ trốn.

Zing có clip: 3D mô phỏng hai tử tù khoét tường vượt ngục:

Mời đọc thêm: Tử tù biệt giam bị cùm chân sao vẫn trốn thoát? (LĐ).

Dân thắng kiện quan

Zing có bài: Chính quyền ở Sóc Trăng thua kiện người dân. Do chậm trễ trong việc triển khai quyết định bồi thường đất thu hồi của người dân, UBND thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng đã bị anh em ông Phan Kỳ Nam kiện. Kết quả là TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên hủy quyết định số 333 của UBND thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng.

Báo Tiêu Dùng có bài: Trưởng Công an Phú Quốc thua kiện chủ nhà nghỉ. Lấy lý do vì ông Phạm Văn Sỹ, sinh năm 1975, chủ nhà nghỉ Việt Thanh, đã “xâm hại sức khỏe” đối với ông Phạm Văn Huy, công tác tại Công an huyện Phú Quốc, ông Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng công an huyện Phú Quốc đã ký quyết định xử phạt ông Sơn vi phạm hành chính 2,5 triệu đồng.

Do thấy mình không vi phạm nên ông Sỹ kiện ông Nhanh. Kết quả là TAND huyện Phú Quốc tuyên hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Sơn, mặc dù “đại diện của Công an huyện Phú Quốc có đơn xin vắng mặt“. Đây là trường hợp hy hữu, một dân thường đã thắng kiện một Trưởng công an.

Những dự án ném tiền qua cửa sổ

Báo VnExpress có bài: Vệ tinh Vinasat-2 lỗ hơn 1.200 tỷ đồng sau 4 năm lên quỹ đạo. Tính từ khi Vệ tinh Vinasat-2 được phóng lên quỹ đạo từ năm 2012 đến cuối năm 2016, dự án này đang lỗ 1.209 tỷ đồng!

Dự án Vinasat-2 có tổng mức đầu tư là 5.462 tỷ đồng, nhằm phục vụ “phát triển dịch vụ kinh doanh vệ tinh, bảo vệ nguồn tài nguyên vị trí quỹ đạo Việt Nam. Trong đó, 20% được lấy từ ngân sách tập đoàn, 80% còn lại vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và vay thương mại“.

Báo Trí thức VN có bài: Gần 100 tỷ đục thông 127 vòm cầu đường sắt Hà Nội. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đã đồng ý cho đục thông 127 vòm cầu đường sắt thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm – Hà Nội.

Báo CAND: Đề xuất xây lại ga Hà Nội cao 40 – 70 tầng. Việc UBND thành phố Hà đang “xin ý kiến các bộ ngành” về đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, mà không hề đả động đến ý kiến người dân, chắc chắn sẽ tạo ra một “BOT ga Hà Nội”.

Đồ án này liên quan đến hàng ngàn hộ dân, ngốn số tiền dự định lên tới 23.800 tỷ đồng mà thông tin đưa ra quá sơ sài, hay là đang giở trò tù mù như việc trao giải cuộc thi tìm ý tưởng chống ùn tắc giao thông vậy?

Mời đọc thêm: Bộ Công Thương phải báo cáo tình hình xử lý 12 dự án thua lỗ trước 30/9 (TTT).

Tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm

Báo Pháp luật TP có bài: ‘Tài nguyên quốc gia phải được gìn giữ!’ Bài viết dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho rằng, “mục tiêu cao nhất là phải lo cho dân sinh và môi trường, … cần có cơ chế dự trữ khoáng sản titan bởi tài nguyên của quốc gia cần phải được gìn giữ”.

Trước đó, TS Nguyễn Thành Sơn, cựu Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn TKV cho biết: “nước ngọt ở Bình Thuận còn quý hơn cả titan nên không thể hy sinh nguồn nước ngọt và các cảnh quan môi trường để phục vụ các dự án khai thác titan”.

Thời báo Kinh tế SG có bài: Bình Thuận: Quy hoạch titan chồng lấn 33 dự án kinh tế khác. Một báo cáo tổng hợp ý kiến các nhà khoa học và chính quyền tỉnh Bình Thuận mới đây cho thấy, “tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo” lên đến gần 600 triệu tấn titan là có số ảo, không có căn cứ khoa học.

Không những vậy, để vẽ ra bức tranh tài nguyên “phong phú” của địa phương, các cơ quan có thẩm quyền đã vẽ ra hàng loạt bức tranh quy hoạch vùng khai thác titan, dẫn đến bị chồng lấn tới 33 dự án, với diện tích chồng lấn hơn 4.500 ha.

Báo Đất Việt đưa tin: Trung Quốc cấm nhập rác công nghệ: Việt Nam thành bãi rác? Tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn – Viện kinh tế chính trị nhận định: “Việt Nam là nước láng giềng thân cận bên cạnh Trung Quốc. Đặt trong bối cảnh luật pháp Việt Nam còn nhiều lỗ hổng trong quản lý, bảo vệ môi trường, lại có chi phí nhân công rẻ, tình trạng tham nhũng chưa được giải quyết triệt để thì khả năng bị Trung Quốc đẩy rác thải công nghệ sang là khó tránh khỏi. Trong đó đáng ngại nhất là những loại rác thải công nghệ chưa qua xử lý, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, gây hại cho sức khỏe con người như chất những chất phóng xạ“.

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ

Liên quan tới việc điều tra sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016, VOA có bài: Vụ Nga-Trump: Đồng minh của ông Trump sắp ra điều trần. Ông Roger Stone, một đồng minh lâu năm của Tổng thống Trump tuyên bố nhận lời điều trần trong một phiên họp kín tại Ủy ban Tình báo Hạ viện. Cuộc điều trần sẽ diễn ra vào ngày 26 tháng 9.

Về chương trình DACA, VOA có bài: Thẩm phán giục Tổng thống Trump ‘nới tay’ cho Dreamers. Thẩm phán liên bang ở New York, ông Nicholas Garaufis nói, việc gia hạn sẽ giúp Quốc hội có thời gian để thông qua một giải pháp lập pháp mà không ảnh hưởng đến những người trong chương trình này.

Báo Người Việt cho biết một chi tiết mới về dự thảo luật di trú: TT Trump: Dự thảo luật di trú không cho phép ‘di dân dây chuyền’. Theo bài báo, Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Sáu cảnh cáo rằng “di dân dây chuyền-chain immigration”, một từ ngữ thường được dùng để nói về việc các công dân hay thường trú nhân bảo trợ người thân, sẽ không được đưa vào bất cứ dự luật di trú nào.

Theo sau nghị quyết lên án chủ nghĩa thù hận được toàn thể Lưỡng Viện Quốc Hội biểu quyết với 100% phiếu thuận, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh lên án chủ trương da trắng thượng đẳng. RFI cho biết, tổng thống Mỹ ký ban hành ngày 14/09/2017, một nghị quyết lên án những người kỳ thị màu da tự cho “da trắng thượng đẳng”.

Tổng thống Trump sẽ thăm Việt Nam. VOA đưa tin: Ông Trump có thể ghé thăm Việt Nam cuối năm nay. Ông Trump nói: “Chúng tôi có thể đi châu Á vào tháng 11. Và chúng tôi sẽ đến Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể cả Việt Nam để tham dự hội nghị”. BBC: Tổng thống Trump ‘có thể tới Việt Nam’ dự APEC.

Thêm tin về nước Mỹ: Giới chức ngoại giao Vatican ở Mỹ bị điều tra ‘ấu dâm’ (NV). – Bão Jose đe dọa bờ biển Miền Đông nước Mỹ (NV).

Khủng hoảng Bắc Hàn

Để trả đũa việc bị LHQ cấm vận, Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa ngang qua Nhật Bản. Theo RFI, tên lửa được phóng đi từ bãi bắn nằm gần sân bay Bình Nhưỡng, bay ngang qua không phận đảo Hokaido của Nhật Bản trước khi rơi xuống vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Tên lửa đã đạt độ cao 770 km trên hành trình dài 3.700 km.

Thêm tin: Triều Tiên bắn thêm phi đạn mới (VOA). – Bắc Hàn bắn tên lửa bay qua Nhật Bản (BBC). – Bắc Hàn lại phóng hỏa tiễn ngang qua Nhật Bản (RFA). – Bắc Hàn lại bắn hỏa tiễn về phía Nhật (NV).

Sự việc ngay lập tức đòi hỏi phản ứng của LHQ. VOA cho biết, HĐBA dự kiến họp sau khi Triều Tiên lại bắn tên lửa qua Nhật Bản. Trong khi đó các cường quốc thế giới lên án Bắc Hàn. RFI đưa tin: Quốc tế lên án Bắc Triều Tiên về vụ thử tên lửa.

Bắc Kinh cũng muốn cứng rắn hơn với Bắc Hàn, nhưng không muốn cứng rắn “đến mức làm sụp đổ chế độ này”. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh “phản đối Bắc Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo”.

Seoul thông báo tập trận bắn đạn thật và thử hỏa tiễn hướng ra biển. Mục tiêu của các đợt thao diễn là cơ sở phóng tên lửa ở miền Bắc. Về phía Tokyo, văn phòng chính phủ Nhật Bản tuyên bố, Nhật Bản “sẽ không dung thứ các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại” của Bắc Hàn.

Về phía Mỹ, ngoại trưởng Rex Tillerson ra thông cáo hối thúc các lãnh đạo Trung Quốc và Nga gia tăng áp lực đối với chế độ Bình Nhưỡng. Tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg, gọi chế độ Bắc Hàn là “một mối đe dọa lớn đối với hòa binh và an ninh quốc tế” và yêu cầu một “phản ứng toàn cầu”.

Sự hung hăng của Bắc Hàn đang làm thay đổi phản ứng của dân Mỹ. VOA tường thuật cuộc thăm dò dư luận, Gallup: Đa số người Mỹ ủng hộ hành động quân sự đối với Triều Tiên, cho biết 58% người Mỹ ủng hộ hành động quân sự đối với Bắc Hàn.

Tranh biếm họa: tên lửa của Trump và của Kim Jong-un. Nguồn: Lynch

Thêm tin về khủng hoảng Bắc Hàn: Các nước vùng TBD rà soát tàu Triều Tiên giả dạng (VOA) – Nga cung cấp cho Bắc Hàn kỹ thuật phá sóng phi cơ (NV).

Ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á

RFI có bài phỏng vấn GS Carl Thayer về việc Trung Quốc bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á: Vũ khí: Hàng giá rẻ khác của Trung Quốc tại Đông Nam Á. GS Carl Thayer cho biết: Trung Quốc đã có thị trường ổn định ở 7 trên 11 quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Miến Điện và Thái Lan, và ở mức độ thấp hơn là Malaysia, Cam Bốt, Lào và Timor Leste”.

VOA có bài: Bằng tiền, Trung Quốc ‘thắng đẹp’ Mỹ trong ảnh hưởng ở Campuchia. Trong tổng số viện trợ cho Campuchia, viện trợ của Bắc Kinh chiếm gần 36%, cao gần gấp bốn lần so với viện trợ của Hoa Kỳ.

Môi trường truyền thông ở Campuchia đang suy thoái. RFA đưa tin: Văn Phòng RFA tại Campuchia ngưng hoạt động.

Thêm tin vế châu Á: Úc lập trại ngoài khơi cho người tị nạn (VOA).

Quan hệ an ninh, quốc phòng Ấn – Nhật

RFI có bài: Ấn-Nhật gia tăng hợp tác an ninh – quốc phòng trong việc thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi ký kết một bản tuyên bố chung nhằm tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. RFI có bài phân tích: Ấn Độ – Nhật Bản liên kết để « đối chọi » với Trung Quốc.

Khủng hoảng Rohingya

Khủng hoảng nhân đạo ở Miến Điện vẫn đang được quốc tế theo dõi. RFA có bài: Ân Xá Quốc Tế cáo giác quân đội Miến san bằng làng người Rohingya. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Amnesty International công bố những hình ảnh vệ tinh về những làng mạc của người Rohingya bị đốt cháy và cáo buộc lực lượng an ninh Myanmar trong ba tuần lễ qua tiến hành biện pháp san bằng một cách có hệ thống. Theo RFI, hơn 80 địa điểm cư trú của người Rohingya đã bị đốt cháy kể từ ngày 25/08/2017.

Các khôi nguyên giải Nobel đồng ký tên trên một lá thư gửi cho Hội đồng Bảo an, yêu cầu Liên Hiệp Quốc chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo người Rohingya ở Myanmar. VOA đưa tin: 13 khôi nguyên Nobel yêu cầu LHQ chấm dứt khủng hoảng Rohingya.

Một phụ nữ Hồi giáo Rohingya vượt biên từ Myanmar hôn đứa con sơ sinh vừa mới qua đời ngay trước khi thuyền của họ đến được Vịnh Bengal, Bangladesh ngày 14/9/2017. Ảnh: AP

Mời đọc thêm: Bangladesh bảo vệ Phật tử tại vùng có người Rohingya tỵ nạn (RFA). – Bangladesh cáo buộc hai nhà báo Miến Điện tội gián điệp (RFA). – Malyasia nhận dạng các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn trường học (RFA). – Cam Bốt ngưng tìm kiếm thi hài lính Mỹ (RFI).

Hiệp định biến đổi khí hậu Paris

RFA đưa tin: Trung Quốc, Canada, EU và các đối tác thúc đẩy Hiệp định Paris. Hội nghị diễn ra ở Montreal, với sự góp mặt của hơn một nửa số thành viên khối các nước G20.

Liên quan vần đề ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc, Báo Người Việt có bài: Dân Trung Quốc giảm thọ vì ô nhiễm môi trường.

Khủng bố ở London

Một vụ khủng bố đã xảy ra ở Anh: London ứng phó với vụ ‘khủng bố’ ở ga tàu điện ngầm. VOA cho biết, một số người bị thương hôm 15/9 sau khi các nhân chứng nói đã xảy ra một vụ nổ trên một chuyến tàu tuyến ngắn vào giờ cao điểm ở London. Báo Người Việt: ‘Khủng bố’ xe điện ngầm London: 22 người bị thương.

Ông Trump nhắn tin về sự việc không thích hợp nên đã gây phản ứng từ Thủ tướng Anh. BBC đưa tin: ‘Khủng bố’ ở London: Anh phật ý vì Donald Trump. Trên Twitter, ông Trump mô tả các kẻ tấn công là “bọn khủng bố tồi” và là “những kẻ bệnh hoạn, loạn trí ở ngay trong tầm ngắm của cảnh sát London“. Thủ tướng Anh Theresa May đáp trả: “Không ích gì cho bất kỳ ai lại đồn đoán về cuộc điều tra đang diễn ra“.

Nga tập trận

Liên quan đến cuộc tập trận của Nga tại Belarus, VOA có bài: Nga tập trận để ngăn chặn cách mạng màu. Bài báo cho biết, kịch bản của Nga cho cuộc tập trận này là một cuộc xâm lược do ba nước có tên tưởng tượng là Veishnoriya, Lubeniya và Vesbasriya thực hiện, nhằm tách Belarus ra khỏi Nga. Các nhà quan sát NATO và các nước khác nhận ra 3 quốc gia mà Nga dùng tên tưởng tượng đó là Ba Lan, Lithuania và Latvia.

Thêm tin quốc tế: Chiến xa Mỹ đến Ba Lan trong lúc Nga khởi sự tập trận (NV). – Tư pháp Brazil lại đề nghị truy tố tổng thống Temer (RFI). – Lotte của Hàn Quốc đành rút khỏi Trung Quốc (BBC).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Trần Bình Minh và những sản phẩm truyền hình mang đậm “màu sắc Trung Quốc”

    Để ủng hộ Trần Bình Minh, có tin 1 tuần sau khi Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở biển Đông, đã có 1 phái đoàn cán bộ cao cấp của Việt Nam qua Trung Quốc trao đổi về xây dựng Đảng & xây dựng hệ thống chính trị (11-9) ở Thượng Hải

    “tại buổi tiếp, đồng chí Hàn Chính thay mặt lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc ca ngợi mối quan hệ truyền thống giữa hai Đảng và nhân dân hai nước, khẳng định đây là mối quan hệ vừa là đồng chí, vừa là anh em của hai dân tộc láng giềng cùng có chung mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”

    Trần Bình Minh và VTV “đi tắt đón đầu” thôi . Nhưng như Mẹ Nấm viết trên blog của mình, “cầm đèn chạy trước ô tô” là 1 cái tội . Hãy giữ khoảng cách an toàn để Đảng & Chính phủ còn theo kịp .

    “Nhu cầu của trường là vô hạn nhưng kinh phí của trường là hữu hạn”

    Bác Tổng bí thư đã nói là cuối thế kỷ này cũng chưa thấy chủ nghĩa xã hội mặt mũi ra sao . Trường này muốn “đi tắt đón đầu” để ngó xem mặt mũi chủ nghĩa xã hội nó ra sao ?

    Mời đọc thêm: Tử tù biệt giam bị cùm chân sao vẫn trốn thoát? (LĐ)

    Nên xem tin này là tin vui . Hay công an chỉ lo canh giữ tù chính trị mà lơ là tù hình sự ? Thế thì cũng có thể được xem là tin vui cho côn đồ . Viết tới đây mình lại phân vân, làm sao phân biệt được côn đồ với công an ? Rất có thể 2 tử tù là các chiến sĩ công an sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng thì sao ? Gặp họ dân có nên bắt hay để yên ? Thôi thì cứ để yên là tốt nhất .

    “Những dự án ném tiền qua cửa sổ”

    Hổng có cửa sổ nào hết . Tiền không tự mất đi, chỉ chuyển từ túi quan này sang túi quan nọ thôi .

Comments are closed.