Đinh La Thăng liên quan gì đến án tử Nguyễn Xuân Sơn phải đối mặt?

VOA

14-9-2017

Có bằng chứng ông Đinh La Thăng từng yêu cầu các thành viên PVN gửi tiền vào OceanBank năm 2010. Nguồn: VTC.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội hôm 14/9 đề nghị với tòa án mức án tử hình đối với ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN).

Ông Sơn, 55 tuổi, là nhân vật chủ chốt trong số 51 người đang bị xét xử trong vụ một ngân hàng cổ phần thất thoát gần 2.000 tỷ đồng, gây chấn động cả nước, thường được gọi là “đại án kinh tế OceanBank”.

Các tội dẫn đến việc ông Sơn đối mặt với án tử hình là “tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, và cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Một bị cáo quan trọng khác trong vụ này, ông Hà Văn Thắm, 44 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng OceanBank, bị Viện kiểm sát đề nghị mức án chung thân.

Ông Thắm bị buộc tội giống ông Sơn, ngoài ra còn thêm tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bản luận tội của Viện Kiểm sát, được báo chí Việt Nam dẫn lại, nói ông Nguyễn Xuân Sơn trong thời gian được PVN cử sang giữ chức Tổng giám đốc OceanBank, đã lạm dụng chức vụ quyền hạn. Cụ thể, ông Sơn đã yêu cầu ông Hà Văn Thắm chi thêm tiền “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất theo hợp đồng đối với tiền gửi của PVN, và giao cho ông Sơn toàn bộ số tiền đó.

Sở dĩ ông Sơn có thể làm như vậy vì ông lợi dụng vị thế của PVN là đối tác chiến lược có lượng gửi tiền lớn tại ngân hàng. Khi đó ông cũng giữ tư cách là người đại diện phần góp vốn của PVN tại OceanBank. Từ năm 2009, PVN nắm lượng cố phần trong OceanBank trị giá 800 tỷ đồng.

Trong khi đó, về lý thuyết là cấp trên của ông Sơn, ông Hà Văn Thắm ở cương vị Chủ tịch HĐQT đã không phản đối yêu cầu của ông Sơn, mà còn triển khai tích cực việc chi tiền lãi ngoài hợp đồng. Bản luận tội xác định rằng vì việc đó, ông Thắm giữ vai trò đồng phạm với ông Xuân Sơn.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu TGĐ OceanBank, đối mặt án tử vì tội tham ô. Ảnh: báo Dân Trí

Trong diễn biến mới nhất được báo chí trong nước tường thuật, sau khi Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình đối với ông Sơn, chiều 14/9, luật sư của ông đã đưa ra chứng cứ quan trọng nhằm gỡ tội cho thân chủ.

Tin cho hay luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN khi đó là ông Đinh La Thăng ký.

Văn bản này yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí “phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank”.

Một đoạn trích trong văn bản cho thấy ông Đinh La Thăng chỉ đạo rằng “Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OceanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010”.

Luật sư Tâm lập luận rằng do có chỉ đạo bằng văn bản ở cấp lãnh đạo cao nhất của PVN là ông Thăng, nên ông Sơn không thể làm trái. Nói cách khác, theo luật sư Tâm, ông Sơn không thể “dùng tư cách cá nhân” yêu cầu các đơn vị phải gửi tiền.

“Vì thế không thể quy buộc Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải chi tiền lãi ngoài”, Luật sư Tâm phát biểu tại tòa, được báo chí trích đăng lại.

Tình tiết mới này đang làm nóng lên những phỏng đoán rằng cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng do Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đang ngày càng quyết liệt hơn.

Một số luật sư và nhà quan sát đề nghị không nêu tên nói với VOA rằng họ không loại trừ khả năng nhà chức trách Việt Nam sẽ có hành động pháp lý đối với ông Đinh La Thăng.

Ông Thăng đã bị kỷ luật phải ra khỏi Bộ Chính trị đầy quyền lực hồi tháng 5 năm nay, đồng thời cũng thôi chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định kỷ luật của đảng cộng sản nói khi còn nắm các chức vụ lãnh đạo cao nhất ở PVN, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm “rất nghiêm trọng”. Ông Thăng cũng từng là Bộ trưởng Giao thông-Vận tải.

Theo thông tin từ phiên tòa xét xử vụ OceanBank, đến cuối 2014, ngân hàng này chi hơn 1.500 tỷ đồng ngoài hợp đồng cho hơn 50.000 cá nhân và gần 400 tổ chức gửi tiền tại ngân hàng.

Chi tiết gây chấn động là trong 1.500 tỷ đó, tới hơn 246 tỷ chi riêng cho ông Nguyễn Xuân Sơn, khi đó là phó tổng giám đốc PVN, và bị ông này chiếm đoạt.

Ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch HĐQT OceanBank, đối mặt án trung thân vì các sai phạm nghiêm trọng. Nguồn: Tuổi Trẻ

Viện Kiểm sát nói các lãnh đạo của OceanBank đã mắc nhiều sai phạm trong công tác điều hành dẫn đến việc ngân hàng bị mắc những khoản nợ xấu rất lớn. Tính đến cuối tháng 3/2014, nợ xấu đạt gần 15.000 tỷ đồng, ngoài ra là khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng.

Dường như để tránh nguy cơ ngân hàng phá sản, gây tác động dây chuyền không lường trước được, nên đầu tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.

Ngoài ông Sơn và ông Thắm, 49 bị cáo khác đang đối mặt với các mức án từ 18 tháng tù treo cho đến 27 năm tù. Bà Nguyễn Minh Thu, một cựu chủ tịch HĐQT khác của OceanBank, có thể chịu hình phạt từ 24-27 năm tù về hai tội “cố ý làm trái” và “lạm dụng chức vụ quyền hạn”.

Từ những gì thu thập được qua vụ OceanBank, công an Việt Nam hôm 13/9 tuyên bố họ mở rộng điều tra sang những sai phạm liên quan đến các quan chức của PVN.

Báo chí Việt Nam dẫn thông tin của Bộ Công an cho hay bộ đã quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự xảy ra tại Liên doanh Dầu khí Việt-Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Công an nói tội danh chính trong các vụ này là “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Thông tin sơ bộ từ công an cho hay OceanBank đã chi trả lãi ngoài tổng cộng là 120 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp kể trên. Các nhà điều tra cho rằng việc nhận hoặc sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất đó là “hành vi vi phạm pháp luật”.

Tình trạng tham ô, tham nhũng ở Việt Nam bị một số tổ chức quốc tế đánh giá là nghiêm trọng. Chỉ số tham nhũng năm 2016 của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) xếp Việt Nam ở vị trí 113 trong số 176 nước. Tháng 3 năm nay, một khảo sát của Minh bạch Quốc tế cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tham nhũng trong số 16 nước châu Á-Thái Bình Dương.

Bình Luận từ Facebook