Bản tin ngày 12/9/2017

Tin trong nước

Tin Biển Đông

Trang VnExpress có bài: Phó thủ tướng Việt Nam, Trung Quốc bàn về Biển Đông. Sang thăm Trung Quốc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã “đề nghị hai bên tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện ‘Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển’, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển“.

Trong khi các tàu hải giám của TQ liên tục tấn công, cướp bóc, khủng bố, đánh đập ngư dân VN, cũng như Hải quân TQ đưa quân tới tập trận sát sân nhà VN, nhưng khi qua bên đó, đối mặt với họ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ dám thỏ thẻ, mở miệng “đề nghị” thôi sao? Nó đè mình ra nó nện, lại còn mang vũ khí ra dọa nữa, mà mình chỉ dám “đề nghị” nó đừng nện mình nữa!

Mời đọc thêm bình luận về chuyến thăm Trung Quốc của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ở mục kế tiếp: “Cứ mỗi 4 tháng, phải cử người qua Tàu một lần?

Facebooker Ann Đỗ dẫn nguồn từ Duan Dang, đăng lại một số hình ảnh với lời chú thích: “Hình ảnh vệ tinh: Trung Quốc tiếp tục các công trình trên đá Chữ Thập, Trường Sa”. Thật ra những hình ảnh này có từ tháng 10/2016, đã được trang Duowei News của người Trung Quốc ở Mỹ, đưa lên mạng ngày 13/8/2017, cũng như đã được các trang mạng TQ đưa lên hôm qua, dẫn nguồn từ CISI/ AMTI, công bố ngày 9/3/2017.

Còn đây các là bài lược dịch từ báo New York Times mà trang Tiếng Dân đã điểm trong bản tin hôm qua: Indonesia mạnh mẽ thách thức Trung Quốc ở Biển Đông (Zing). – Indonesia đối đầu Trung Quốc trên biển Đông (NLĐ). – Indonesia thách thức Trung Quốc ở Biển Đông (KT). , Biển Đông: Indonesia thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc (RFI).

Cứ mỗi 4 tháng, phải cử người qua Tàu một lần?

Trang Chính phủ đưa tin: Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lên đường thăm, làm việc tại Trung Quốc. Có thể thấy, các chuyến thăm Trung Quốc của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, cứ mỗi 4 tháng diễn ra một lần. Không rõ đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là do “các đồng chí” bên đó bắt buộc, cứ 4 tháng phải có lãnh đạo Việt Nam qua bên đó để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị?

Đây là các chuyến thăm TQ của lãnh đạo CSVN trong thời gian qua, cứ mỗi 4 tháng 1 lần và rơi đúng vào khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 15 của tháng không sớm hơn, cũng không trễ hơn: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm TQ từ ngày 10 đến ngày 15/9/2016; TBT Nguyễn Phú Trọng từ ngày 12 đến ngày 15/1/2017; Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ ngày 11 đến ngày 15/5/2017; và bây giờ là chuyến thăm TQ của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình từ ngày 11 đến ngày 13/9/2017.

Báo CAND có bài: Việt Nam hoan nghênh sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình hội kiến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, đã “hoan nghênh sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc và khẳng định Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy kết nối sáng kiến này với khuôn khổ ‘Hai hành lang, Một vành đai’.” Chắc chỉ thiếu nước ông khen: Mọi thứ ở Trung Quốc đều rất “đáng yêu” như 40 sinh viên Hà Nội này.

Hai phó thủ tướng họ Trương gặp nhau: Ảnh: VGP

Vụ ông Trần Đại Quang: Dân không ngu như mấy ông đâu

Trang Tiếng Dân có bài: Lại mang ảnh cũ của ông Trần Đại Quang ra đánh lừa dân. Trưa ngày 11/9, một số tờ báo trong nước đã đưa tin: “Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh“, như VietNamNet, Lao ĐộngZing … thậm chí cả trang Web của Văn phòng Chủ tịch nước, cũng đăng tải những hình ảnh và thông tin cũ, để chứng minh Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn còn đang ở Việt Nam!

Sáng 10/9, Tiếng Dân đưa tin ông Trần Đại Quang đi Nhật chữa bệnh từ tối 7/9, nhưng truyền thông trong nước im hơi, lặng tiếng, sang hôm sau, họ đăng tải những hình ảnh và thông tin cũ của ông Trần Đại Quang để đánh lừa dư luận, rằng ông Quang vẫn còn khỏe mạnh, đang ở Việt Nam, đi dâng hương ông Hồ Chí Minh.

Cho đăng tải những thông tin, hình ảnh cũ để đánh lừa dân, hoặc là những người chủ trương cho rằng người dân ngu, nên không biết gì, hoặc là họ ngu đến mức, giấu chỗ này, bị dân phát hiện chỗ kia.

Còn đây nữa, sáng 11/9, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi điện thăm hỏi Tổng thống Mexico về vụ động đất. Hoặc là ông Quang ở giường bệnh gửi điện, hoặc là Văn phòng Chủ tịch nước tự thảo bức điện, ký tên ông Quang gửi đi, hoặc báo SGGP đưa tin vịt, nhưng khả năng thứ hai có lẽ đúng hơn.

Trang Trần Đại Quang có bài: Bút chiến trên mạng: Sự thật về thông tin Chủ tịch nước đi Nhật chữa bệnh? Trong bài có đoạn: “Hôm qua (10/9), trang mạng ‘báo tiếng dân‘ đã đăng tải bài viết ‘Chủ tịch nước Trần Đại Quang lại đi Nhật chữa bệnh‘, nói rằng, ‘Chủ tịch nước đã qua Nhật chữa bệnh và chuyến đi này dự kiến kéo dài khoảng một tuần’. Thông tin này sau đó được loan tải trên mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang, bất an cho nhiều người. Sự thật như thế nào?

Sau đó trang này đăng tải những hình ảnh cũ, để đánh trang Tiếng Dân. Đăng tải những thông tin sai sự thật, để đánh lại những thông tin thật của Tiếng Dân, sao đủ tầm để gọi là “Bút chiến” với Tiếng Dân, hả trang web Trần Đại Quang?

Công an (giết) nhân dân!

Về thông tin anh Võ Tấn Minh, 25 tuổi, ở TP Phan Rang, Ninh Thuận, tử vong trong khi bị công an tạm giữ, Facebooker Trang Pham đưa tin: “Nhà tạm giữ TP Phan Rang – Tháp Chàm trong vòng 2 tháng đã xử tử 2 nạn nhân. Người thứ 1 chết với lý do tự tử lấy áo treo cổ người thứ 2 chết lý do đánh nhau có camera quan sát quay lại“.

Facebooker này cũng cho biết thêm, “nạn nhân bị đánh chết trong nhà tạm giữ điều tra TP Phan Rang – Tháp Chàm từ 15h đến 16h. Nạn nhân đã tử vong do chấn thương sọ não, dập phổi, vỡ lồng ngực, … nứt hộp sọ dài 6cm, tay chân bị gông xiềng xích còn để lại vết tích”.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh có bài: Lịch sử nào, mà tha thứ cho ngày hôm nay? (*). “Tiếng khóc từ video của gia đình anh Võ Tấn Minh vang vọng, gào thét ‘anh thức dậy đi anh ơi’ khiến tim tôi thắt lại… Nhưng dù sao đi nữa, xin mọi người đừng quên ghi lại. Mọi sự kiện vẫn cần được ghi lại về ngày đen đúa, tuyệt vọng của đất nước. Kẻ ác có thể dựng nên những loại lịch sử để ca tụng và lừa dối. Nhưng nhân dân cũng có những phiên bản lịch sử của sự thật được ghi xuống và lưu truyền. Lịch sử truyền đời từ hôm nay, nhắc rằng nền văn minh nhân loại không bao giờ lãng quên, không bao giờ dung thứ cho kẻ ác“.

Mời xem clip, xác chết của anh Võ Tấn Minh đã lưu lại những vết đánh trên khắp thân thể:

Publié par Trang Pham sur lundi 11 septembre 2017

 

Trước đó, ngày 9/9, báo Thanh Niên đưa tin, bà Huỳnh Thị Thúy Hằng, 39 tuổi, ngụ xã Hòa Bình, Chợ Mới, An Giang bị Công an huyện Thoại Sơn “bắt tạm giữ điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản“. Tuy nhiên, đến ngày 9/9 bà được phát hiện đã tử vong trong phòng tạm giam của Công an huyện Thoại Sơn, An Giang.

Facebooker Lê Văn Sơn viết: “Ở Việt Nam công an giết người không còn là chuyện lạ, hiếm. Một năm có biết bao nạn nhân chết liên quan đến công an nhưng thường bị ém nhẹm, chìm vào quên lãng. May chăng có một vài vụ đưa ra xét xử để mị dân với mức án thấp“.

Công an cho rằng đã là phạm nhân thì không còn bất cứ quyền công dân gì (tước bỏ mọi quyền căn bản của con người). Với tư duy và suy nghĩ như vậy, công an Việt Nam coi mạng sống con người chỉ là cỏ rác nên họ không ngần ngại tước bỏ mạng sống của người khác, nhất là sinh mạng chính trị của người dân không may nằm trong tay họ“.

Mời đọc thêm: 1 bị can tử vong bất thường ở nhà tạm giữ (VNN). – Bị can chết sau cuộc đánh nhau trong khi bị tạm giam? (VOV). – Bị đánh, bị can tử vong bất thường trong nhà tạm giữ? (PLVN).

Nhân quyền ở Việt Nam

Bà Lê Thị Thân, vợ của blogger Lưu Văn Vịnh cho biết, sau hơn 10 tháng giam giữ, đến nay chồng bà vẫn “không biết sống chết ra sao“. Mặc dù bà đã nhiều lần gửi đơn, yêu cầu cung cấp thông tin và mong được gặp chồng, nhưng công an đã không trả lời, luôn viện lí do chồng bà vẫn trong thời gian điều tra nên bà không được gặp mặt.

Về chuyện bà bị công an triệu tập tới số 4 Phan Đăng Lưu, bà viết: “Tôi đủ biết rằng tôi không phải là tội phạm hay bị can, bị cáo gì mà gửi giấy triệu tập cho tôi. Tôi thiết nghĩ bên công an, an ninh họ cố tình thích đánh đồng là khi người dân đến cổng công an, thì người dân điều là tội phạm hết nên ai cũng viết giấy triệu tập?“.

Về chuyện LM Nguyễn Duy Tân bị hành hung, LM Lê Ngọc Thanh cho biết, nhóm LM Nguyễn Kim Điền gửi thư hiệp thông với LM Giuse Nguyễn Duy Tân và GX Thọ Hòa – GP Xuân Lộc. Việc hành hung LM Nguyễn Duy Tân “một lần nữa cho thấy nhà cầm quyền CS đang sử dụng lại phương thức đấu tố thời Cải cách Ruộng đất.” và đó cũng là hành vi “chống lại Công giáo của nhà cầm quyền Cộng sản kể từ khi có thảm họa Formosa (tháng 4-2016) vốn đã làm dấy lên phong trào phản kháng của toàn dân, nhất là của Giáo phận Vinh, nạn nhân chính của thảm họa“.

Báo QĐND lên cơn mê sảng: Chiêu bài kích động người dân vi phạm pháp luật và “đổi màu”. Mà phải đổi là đúng thôi, đang màu đen ngòm cần phải đổi sang màu tươi sáng chứ, sao lại bảo là “kích động người dân vi phạm pháp luật…

Bài báo lôi mấy điều 258, 79, 88 ra dọa dân: Đã có không ít đối tượng phải ngồi tù vì những hành vi “thiếu hiểu biết pháp luật, thích làm ‘anh hùng bàn phím’, không phân biệt được tự do ngôn luận với hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm hại lợi ích của tổ chức và cá nhân theo Điều 258… vi phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia theo các Điều 78, 79, 87, 88 Bộ luật Hình sự…

Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam có bài: Nhân vụ công an Vĩnh Long cắt cổ Nguyễn Hữu Tấn: Cấp thiết đưa nhân quyền vào dạy trong trường đảng và trường công an. Vì “ngành công an đã tha hóa hết chỗ nói, và họ đã hành hạ dân, tra tấn dân, những hình ảnh chụp lại được là không thể chối cãi“. Nên đưa vào dạy ở Học viện Quân đội và báo QĐND nữa.

Đại án OceanBank

Báo Tiền Phong có bài: Lãnh đạo lọc hóa dầu Bình Sơn nói gì về nghi án nhận 19 tỷ đồng? Sau khi bị cáo Nguyễn Minh Thu, cựu TGĐ OceanBank khai đã chi 19 tỷ đồng “chăm sóc khách hàng” cho 4 lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, các ông Vũ Mạnh Tùng, Phó TGĐ Bình Sơn; Đinh Văn Ngọc, cựu TGĐ Bình Sơn từ năm 2012-2015 trả lời HĐXX rằng: “không nhận đồng nào từ OceanBank, lời khai bị cáo Thu là bịa đặt hoặc 1 chiều. Ông Ngọc đề nghị tòa làm rõ hành vi vu khống của bị cáo Thu với mình và các đồng nghiệp“.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn: ‘Việc nhận lãi ngoài là bịa đặt’. Bà Nguyễn Minh Thu, cựu TGĐ OceanBank khai: “Đối với chủ tịch và tổng giám đốc thì bị cáo thường gặp tại nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn. Với phó tổng và kế toán trưởng thì có lần gặp tại nhà máy, có lúc gặp tại trụ sở Ban quản lý ở Quảng Ngãi. Tùy chức vụ từng người mà mỗi lần bị cáo đưa từ 300 triệu đồng đến 1 tỉ đồng“.

Mời đọc thêm: Bị tố nhận 19 tỷ lãi ngoài từ OceanBank, lãnh đạo BSR đồng loạt phủ nhận (VN Finance). – Những tình tiết “nóng” không thể bỏ qua trong xét xử đại án Oceanbank  —  Những câu nói nhói lòng tại phiên xử đại án Oceanbank (VOV). – Đại án OceanBank: Lãnh đạo BSR nói không nhận tiền, bị “vu khống” (VnEconomy). – Luật sư nghi ngờ ‘có vùng cấm’ khi xét hỏi đại án OceanBank (VNE). – Đại án OceanBank: Đại diện Ngân hàng Nhà nước liên tục “né” luật sư (KT). – Thẩm phán xử đại án OceanBank: Không có vùng cấm nào ở đây cả! (Infonet).

VN Pharma và thuốc điều trị ung thư giả

Báo Pháp Luật TP có bài: Nguyễn Minh Hùng – VN Pharma kháng cáo xin giảm án. Sau khi Nguyễn Minh Hùng, cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VN Pharma bị TAND TPHCM tuyên phạt mức án 12 năm tù về tội buôn lậu, ngày 11/9 bị cáo này đã “kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản chất vụ án nhưng cuối đơn xin giảm án“.

Luật Khoa có bài: Yêu cầu Bộ trưởng Kim Tiến từ chức có thể giải quyết được gì? Vì “làm gì có văn hóa” mà có văn hóa từ chức, nên yêu cầu bà Tiến từ chức là đúng rồi. Nó sẽ giải tỏa áp lực dư luận và có thể làm gương cho những quan chức khác: “Bộ trưởng Kim Tiến đã gặp phải quá nhiều vụ bê bối với rất nhiều sai lầm trong quá trình tại chức. Thế nên, việc người dân yêu cầu bà phải từ chức là một yêu cầu chính đáng“.

Báo Người Việt có bài: Nghệ sĩ Hồng Vân: Dân Việt Nam ‘được hưởng toàn những điều giả dối’. Bài viết điểm lại một dòng trạng thái trên Facebook của nghệ sĩ này, viết: “Người dân Nhật Bản được hưởng chế độ an sinh, tuyệt vời nhất. Chỉ thương người dân Việt Nam mình được hưởng toàn những điều giả dối, mà khủng khiếp nhất là thuốc chữa bệnh giả.”

Bê bối các dự án BOT

VOV có bài: Công khai kết luận thanh tra một số dự án BT, BOT ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, “hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, không thực hiện đúng các quy định về lựa chọn nhà thầu, không lập kế hoạch đấu thầu…“. Chỉ có 6 dự án mà “đã phát hiện sai phạm 2 nghìn 172 tỷ đồng“.

Báo Đất Việt có bài: Dùng tiền lẻ qua trạm BOT QL5: Đang hình sự hóa? Việc ông Đỗ Đình Hào, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên nói rằng “Chúng tôi đang khẩn trương điều tra xem ai là người kích động các lái xe phản đối. Nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành khởi tố về hành vi gây rối, kích động”.

TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng: “Cái đó không cấu thành tội phạm. Nó phải nằm trong Bộ Luật hình sự quy định … Giám đốc công an một tỉnh mà nói như vậy tôi cho là không nắm tốt Luật Hình sự. Anh không thể hình sự hóa một hành vi mà nó không thể cấu thành tội phạm”.

Báo Tiền Phong có bài: Triệu tập tài xế trả tiền lẻ: Phải có quyết định khởi tố vụ án. LS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Trường Lộc cho biết, “việc cơ quan công an phát hành giấy triệu tập đối với tài xế  khi chưa có quyết định khởi tố vụ án là không đúng với quy định của pháp luật“.

Zing có bài: Xe container đi từ Bắc vào Nam mất gần 4,6 triệu đồng tiền phí BOT. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định, phí đường bộ đi từ Lạng Sơn đến Bạc Liêu trên quốc lộ 1 “chỉ gần 4.600.000 đồng” đối với xe tải cỡ lớn, chứ “không phải 93 triệu đồng” như thông tin trên mạng.

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu cho biết: “Tham khảo một đơn vị kinh doanh vận tải, tôi có được thông tin này: Một container 40 feet đi từ Bình Dương đến Hà Nội theo Quốc lộ 1 (không đi BOT đường tránh) giá cước tổng là 40 triệu“.

Mời đọc thêm: Dùng tiền lẻ trả phí: Công an hẹn làm việc với một DN – Chính phủ yêu cầu chống lợi ích nhóm trong dự án BOT (PLTP). – Khi nào dùng tiền lẻ qua trạm BOT thì vi phạm pháp luật? (VNE). – Hưng Yên đề nghị chuyển trạm BOT trên quốc lộ 5 (TP). – Hưng Yên kiến nghị giảm phí, chuyển trạm BOT quốc lộ 5 (VNE).

Hình: Tuổi Trẻ Cười

Lạm thu, hiệu trưởng bị đình chỉ chức vụ

Sau khi mạng xã hội lan truyền hình ảnh tờ thông báo “các khoản thu chính học sinh năm học 2017 – 2018” với tổng số tiền gần 10 triệu đồng của Trường THCS Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, ông Nguyễn Hữu Đạt, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân cho biết, “thông báo trên là do một phụ huynh đưa lên, không phải thông báo của nhà trường gửi đến từng gia đình“.

Tuy nhiên, sáng 11/9 lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng xác nhận, “liên quan đến tình trạng lạm thu, huyện vừa công bố quyết tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng trường THCS Minh Tân đối với ông Nguyễn Hữu Đạt để chờ kiểm tra, làm rõ“.

Bài báo cũng cho biết, là mặc dù “phiếu thu” trên không phải do nhà trường phát hành “nhưng có tới 18 khoản thu trùng khớp trong tổng số 20 khoản thu của ‘phiếu thu’ này“.

Có tới 18 khoản thu của trường THCS Minh Tân đưa ra trùng khớp với “phiếu thu” này. Ảnh: internet

Còn tại trường Tiểu học Đặng Cương, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP Hải Phòng, một số cán bộ, nhân viên đã tố cáo bà Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng “đã tự ý thu nhiều khoản đầu năm 2017 – 2018 chưa báo cáo phòng GD&ĐT, chưa trình UBND huyện” khiến phụ huynh học sinh bị sốc.

Được biết, Bà Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng trường này “từng bị Ủy ban kiểm tra huyện ủy An Dương kỷ luật cảnh cáo do thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo chỉ đạo và thực hiện kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên viên chức, còn để xảy ra việc dạy thêm, học thêm trái quy định, công tác quản lý tài chính, tài sản của trường chưa chặt chẽ, chưa đúng nguyên tắc, còn xảy ra xô xát với đồng nghiệp, gây mất đoàn kết nội bộ.

Báo cáo kết quả xác minh của Công an xã Đặng Cương. Ảnh: báo Dân Việt

Cũng tin liên quan đến giáo dục, báo Tiền Phong cho biết, cô giáo đánh 11 học sinh tại trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội đã bị Phòng Giáo dục – Đào tạo quận Ba Đình tạm đình chỉ công tácđể yêu cầu báo cáo, làm rõ vụ việc“.

Thẩm phán xài bằng giả

Báo Dân Trí có bài: Phát hiện thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên dùng bằng giả. Bài báo đưa tin, ông Lê Tiến Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, kiêm Thứ trưởng Bộ Tư pháp, vừa ký Quyết định “thu hồi bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy của bà Nguyễn Thị Nga – Thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên vì dùng bằng cấp 3 giả“.

Bà Nga giải thích, rằng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp PTTH, “bà có làm đơn phúc khảo bài thi, sau đó được cấp 1 giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để bà Nga đăng ký dự thi vào Trường Đại học Luật Hà Nội“. Bằng cấp 3 là giả, nhưng bằng Đại học là thật, không rõ bà Nga đang sở hữu bao nhiêu bằng giả, bằng thật?

Nhà báo Huy Đức viết: “Chức thẩm phán của Bà Nguyễn Thị Nga nên bị cách ngay. Tuy nhiên, bà cũng nên kiện ông Lê Tiến Châu ra tòa về quyết định thu hồi bằng thật của bà. Tôi không rõ vụ kiện của bà sẽ thắng hay thua nhưng kết quả của nó sẽ tạo ra án lệ rất hay cho cả tư pháp và giáo dục“.

Mời đọc thêm: Nữ thẩm phán bị thu bằng đại học (VNE). – Đề nghị kiểm tra văn bằng tiến sĩ của bà Đỗ Thị Kim Định (Tễu).

Bình Thuận: Hết nhiệt điện than lại đến Titan

Báo pháp luật TP có bài: Thủ phủ titan kêu cứu – Bài 1: Được ít, mất nhiều. Bài viết cho rằng, lãnh đạo Bình Thuận đã chọn sai con đường phát triển cho tỉnh, thay vì phát triển theo hướng “xanh-sạch” trên nền lợi thế “rừng vàng, biển bạc“, không hiểu vì lý do gì, hay bị lóa mắt “về con số 139 tỉ USD“, lại lấy “trung tâm titan” làm mục tiêu phát triển địa phương. Để giờ đây, Bình Thuận đang “ngày càng khổ sở bởi dưới biển, trên bờ đều ô nhiễm do khai thác titan“.

TS Nguyễn Thành Sơn, cựu Trưởng ban Chiến lược và Khoa học công nghệ Tập đoàn TKV, cho rằng: “Bình Thuận là vùng khô hạn, chỉ nói vấn đề khai thác nước ngọt thôi thì nước ngọt đã quý hơn titan. Do đó thay vì khai thác titan, nên chuyển hướng sang phát triển du lịch và năng lượng sạch”.

Phá 44ha rừng trong nửa tháng, không ai biết

Sau khi 44ha rừng bị tàn phá, nhưng Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, nói rằng “Chúng tôi đến hiện trường thì các đối tượng này đã bỏ trốn nên không phát hiện được ai”, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định), cho biết, ngày 12/9 “cơ quan chức năng sẽ khám nghiệm hiện trường, giám định thiệt hại để khởi tố vụ án vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra tại xã An Hưng, huyện An Lão“.

Ông Nam cũng cho biết: “Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng nên công an tỉnh sẽ tăng cường lực lượng để hỗ trợ điều tra hoặc rút hồ sơ lên để trực tiếp điều tra, xử lý” và “cùng với điều tra, xử lý các đối tượng phá rừng, huyện cũng sẽ làm rõ, xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các cơ quan chức năng liên quan để xảy ra vụ việc”.

Mời đọc thêm: Vấn nạn phá rừng: Phải quy trách nhiệm đến từng cá nhân (PLTP). – Khoanh vùng đối tượng phá rừng An Lão (LĐ). – “Quyết tâm không để phát sinh những vụ việc phá rừng” (BĐ). – Cơ bản ổn định tình trạng di cư tự do, phá rừng tại Mường Nhé (VOV). – Tình trạng phá rừng, di cư tư do tại Điện Biên cơ bản được kiềm chế (TNMT).

Đặc khu Đà Nẵng?

Nhà báo Hoàng Hải Vân có bài: Chính quyền TP. Đà Nẵng vẫn muốn cát cứ làm quốc gia riêng? Tác giả nhận định: “Có đủ căn cứ để khẳng định tất cả các dự án được những người lãnh đạo tiền nhiệm của chính quyền TP. Đà Nẵng cấp phép trên bán đảo Sơn Trà là trái luật. Nói rõ hơn là tất cả các diện tích rừng và đất nằm trong khu bảo tồn đã chuyển mục đích sử dụng mà không do Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng đều là phi pháp“.

Tác giả khẳng định: “Nếu chính quyền hiện tại của TP. Đà Nẵng vẫn khăng khăng không thừa nhận sai phạm trong việc cấp phép phá nát khu bảo tồn thì chỉ có thể nói họ đang bị các nhóm lợi ích chi phối, nếu không muốn nói bị các nhóm lợi ích điều khiển“, nếu vậy “chỉ cần một cuộc tổng kiểm tra tình trạng cấp phép giao đất trên bán đảo Sơn Trà thì mọi vấn đề sẽ được sáng tỏ“.

Chắc là lãnh đạo TP. Đà Nẵng muốn trở thành đặc khu trực thuộc địa phương?

Ma cô lộng hành, chính quyền đi đâu?

Báo Thanh Niên có bài: Sống bám trên trẻ khuyết tật: Ngồi không kiếm 5 – 7 triệu đồng/ngày. Ở nhiều địa phương, những ma cô “hoàn toàn không có quan hệ huyết thống” đã lợi dụng những đứa trẻ khuyết tật để “kinh doanh”, với thu nhập lên tới cả vài triệu đồng một ngày.

Em Hoàng Hải Sơn, quê Thanh Hóa cho biết: “Người ta thuê mình thì chỉ cần trả đủ tiền là xong. Họ cho ăn gì mình chỉ biết nhai chứ biết bẩn, sạch gì đâu. Có lần em ăn thấy mùi gì hôi quá nên hỏi thì họ bảo: Cho ăn thì ăn đi. Tao không cho mày ăn thuốc chuột đâu mà lo“. Một ma cô hành nghề lâu năm tiết lộ: “Thuê được người khuyết tật càng nặng thì thu nhập kiếm được hằng tháng càng cao“.

Cần mở sòng bạc gấp

Báo Tuổi Trẻ có bài: Cách chức bí thư, chủ tịch xã đánh bạc tại trụ sở. Ông Nguyễn Tiến Tầng, chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, Hải Dương xác nhận, “đã thi hành quyết định kỷ luật Đảng và cách chức 6 cán bộ xã Vạn Phúc tổ chức đánh bạc ngay tại trụ sở UBND xã“.

Báo Tuổi Trẻ cho hay, trong 6 cán bộ đánh bạc bị kỷ luật này, có ông Phạm Phú Khơi, bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND xã và ông Phạm Văn Chuộng, phó bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang, Hải Dương.

Nhu cầu đánh bạc trong dân và quan xứ này là có thật, thiết nghĩ, chính quyền nên nhanh chóng thông qua chủ trương cho phép đánh bạc hợp pháp để tăng nguồn thu, trong bối cảnh “không còn gì để… vét” nữa rồi!

Di dân lậu người Việt vào Anh

Với tình hình tham nhũng tràn lan trong giới chức Việt Nam, phải chăng cũng có bàn tay nào đó giúp sức cho “kỹ nghệ buôn người” ở nước ngoài? BBC đưa tin: Người Việt trả tới hơn 30 ngàn bảng để vào Anh lậu.

Theo báo cáo của Trưởng Cao ủy chống Nô lệ tại Anh, ông Kevin Hyland, có một hệ thống đưa lậu người Việt sang Anh với hai mức giá khác nhau. Những ai chọn dịch vụ “cao cấp” sẽ phải trả khoảng 33.000 bảng Anh và được hứa hẹn sang Anh với con đường ngắn nhất và mức rủi ro thấp nhất. Còn những ai chọn dịch vụ “phổ thông” nộp từ 10 ngàn đến 20 ngàn bảng.

Gia đình Mỹ gốc Việt kiện cảnh sát Mỹ

Ở Mỹ, không viên chức, cơ quan chính quyền hay đảng phái nào đứng trên pháp luật. Bất cứ ai cũng có thể bị dân kiện. VOA có tin: Gia đình Mỹ gốc Việt đòi bồi thường 20 triệu đôla. Vụ việc xảy ra vì một sinh viên Mỹ gốc Việt 20 tuổi bị cảnh sát bắn chết hồi tháng Sáu.

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc sẽ thông qua những biện pháp trừng phạt nặng nề mới đối với Bắc Hàn ngày 11/09/2017, tức ngày hôm nay ở Mỹ. Sau 4 ngày thương lượng gay go với Trung Quốc và Nga, Hoa Kỳ đã phải chấp nhận sửa đổi nội dung bản nghị quyết, với chi tiết lệnh cấm vận dầu hỏa sẽ không “toàn diện và ngay lập tức”, mà sẽ được thực hiện “với mức độ tăng dần”, tùy theo thái độ của chế độ Bình Nhưỡng.

Mời đọc thêm: Bắc Triều Tiên: Hội Đồng Bảo An thông qua những biện pháp trừng phạt mới (RFI). – LHQ sắp bỏ phiếu về lệnh trừng phạt mới đối với Bắc Hàn (RFA).

Nhân sự kiện Bình Nhưỡng có thể trở thành cường quốc hạt nhân kế tiếp, RFI dẫn nguồn từ Le Monde, bài viết: Hiểm họa nguyên tử và dân tộc chủ nghĩa tại châu Á. Nhà chính trị học Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, nhận định: Tất cả các Nhà nước nguyên tử đều nhằm răn đe chứ không phải ‘sử dụng’, kể cả Nga, Pakistan hay… Bắc Triều Tiên. Đã hẳn là có nguy cơ một sự khiêu khích biến thành một cuộc khủng hoảng, và thực hiện răn đe trong thế kỷ 21 khó khăn hơn nhiều so với thế kỷ 20”.

Tình hữu nghị Trung Quốc – Bắc Hàn?

Tình hữu nghị Trung Quốc – Bắc Hàn gắn bó ra sao được RFI dẫn nguồn từ báo Le Monde, có tựa đề: Trung Quốc – Bắc Triều Tiên: Oán thù ẩn sau «tình hữu nghị».

Le Monde cho biết, những mối oán thù ngày càng chồng chất giữa hai nước bắt nguồn từ cuộc chiến chống Nhật hồi thập niên 1930 đến nay, như sự can thiệp của Liên Xô và Trung Quốc vào công việc nội bộ của đảng Cộng sản Bắc Hàn hay việc Bắc Kinh thừa nhận Nam Hàn vào năm 1992. Dưới thời Kim Jong Un, tuy hợp tác kinh tế giữa hai nước được tăng cường, nhưng tình hữu nghị đôi bên không còn được nhắc tới trong các đối thoại song phương.

Trung Quốc xử người Đài Loan

RFA đưa tin: Nhà hoạt động Đài Loan bị cáo buộc tìm cách lật đổ chính phủ Trung Quốc. Ông Lee Ming-cheh bị kết tội vì đã viết các bài báo trên mạng, chỉ trích đảng cộng sản Trung Quốc và kêu gọi dân chủ. RFI có bài: Một nhà dân chủ Đài Loan nhận tội âm mưu « lật đổ » chế độ Trung Quốc.

Thêm “bằng chứng” về sự siêu việt của chế độ XHCN Trung Quốc. RFA đặt câu hỏi: Sẽ không còn xe chạy bằng xăng ở Trung Quốc? Ông Tân Quốc Bân, Thứ trưởng Bộ công nghiệp và Công nghệ Thông tin TQ nói tại thành phố Thiên Tân rằng, một biện pháp như vậy sẽ làm thay đổi tận gốc vấn đề môi trường và tạo nên sức bật cho sự phát triển của Trung Quốc. Người Việt có bài: Trung Quốc cấm dần xe chạy bằng xăng và diesel.

Khủng hoảng Rohingya

LHQ vật vã đối phó với làn sóng người tị nạn chạy trốn bạo lực từ Miến Điện sang Bangladesh. RFA đưa tin: LHQ cho biết hơn trăm ngàn người Rohingya đã đến Bangladesh. Đã có tổng cộng 313,000 người Hồi giáo Rohingya chạy khỏi bang Rakhine của Myanmar đến nước láng giềng Bangladesh kể từ hôm 25 tháng 8 đến nay. BBC có bài: LHQ nói có ‘thanh lọc sắc tộc’ ở Myanmar.

Chính trường Campuchia trước bầu cử Quốc hội tháng 7/2018

Ông Hunsen gia tăng sức ép lên đối lập. RFA có bài: Thủ tướng Hun Sen dọa giải tán đảng đối lập. Trong khi đó, BBC đưa tin: Đối lập Campuchia đến nhà tù gần VN để đòi thả lãnh đạo đối lập Kem Sokha.

Mỹ tưởng niệm 16 năm, vụ khủng bố 9/11

VOA có bài: Hoa Kỳ tưởng niệm vụ 11/9. Ông Rex Tillerson, ngoại trưởng Mỹ, nói về những người đã ra đi trong sự kiện 9/11: “Sự can đảm của họ cho đến hôm nay vẫn là một tấm gương anh dũng về người Mỹ khi đối mặt với cái ác. Mặc dù đất nước chúng bị tổn thương vào ngày hôm đó, hôm nay chúng ta nhắc nhở thế giới rằng khủng bố sẽ không bao giờ đánh bại được Hoa Kỳ”. Người Việt: Tưởng niệm 9/11, TT Trump: ‘Không thế lực nào bẻ gãy được nước Mỹ’.

Cập nhật tin bão Irma ở Mỹ

Bão Irma đã giảm cường độ: Irma suy yếu, chiến dịch cứu hộ bắt đầu (VOA). – Siêu bão Irma: Florida cứu hộ khẩn cấp (BBC). – Mỹ: Bão Irma quét qua Florida khi đã suy yếu (RFI). – Irma thành bão nhiệt đới, tiến lên phía Bắc, gió mạnh, gây lụt lội (NV). – Tổng thống Mỹ ban bố tình trạng thảm họa ở Florida (VOA).

VOA có bài giải thích tên của các cơn bão: Irma, cơn bão ‘nữ thần chiến tranh’. Kể từ năm 1950, các cơn bão được đặt tên cho dễ nhớ, thay vì đánh số. Ban đầu, tất cả các cơn bão đều có tên của nữ giới, nhưng năm 1979, tên của nam giới cũng được đưa vào danh sách gọi tên các cơn bão ở Đại Tây Dương và vịnh Mexico.

Bão Irma có nghĩa là “nữ thần chiến tranh” theo từ tiếng Đức cổ “Irmin”. Sau Irma sẽ là bão Jose. Nếu có thêm các cơn bão trong năm 2017, chúng sẽ có tên theo thứ tự sau: Katia, Lee, Maria, Nate, Ophelia, Philippe, Rina, Sean, Tammy, Vince, và Whitney. Danh sách năm 2017 sẽ được sử dụng lại vào năm 2023 và cứ mỗi sáu năm sau đó.

Nhà từ thiện tí hon

Báo Người Việt đưa tin: Bé gái 6 tuổi bán nước chanh giúp bạn học tiền ăn trưa. Theo trang mạng Inside Edition, bé Amiah Van Hill, học sinh lớp hai tại trường tiểu học Hayden Meadows Elementary School, nói rằng: “Đứa trẻ nào ở trường cũng cần được ăn trưa, vì thế đó là cách mà cháu có thể giúp đỡ”.

Nga tập trận sát Liên hiệp châu Âu

BBC đưa tin: Nga tập trận Zapad-2017 làm láng giềng lo lắng. Bài viết cho biết, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng, cuộc tập trận Zapad-2017 của Nga ở Belarus từ 14 đến 20/09 có thể chỉ là ‘màn khói’ để quân Nga xâm lăng lãnh thổ nước ông. RFI: Cựu tổng thống Gruzia Saakachvili trở về Ukraina.

Cũng tin về châu Âu, RFI có bài: Anh Quốc: Nghị viện bỏ phiếu dự luật để hủy các điều luật châu Âu trong tiến trình rút lui khỏi Liên hiệp Châu Âu.

Mời đọc thêm tin quốc tế:  Quân khủng bố IS tại Marawi, Philippines gửi “tín hiệu” đầu hàng (RFA).Philippines: Biểu tình phản đối tôn vinh Marcos (RFI). Thổ Nhĩ Kỳ mở lại phiên tòa xử tờ báo đối lập (RFI). – Con số thiệt mạng trong động đất ở Mexico lên tới 90 người (NV). – Thiền sư Thích Nhất Hạnh lặng lẽ rời Việt Nam (VOA). – Đức Giáo Hoàng Francis: Đối phó thay đổi khí hậu là ‘trách nhiệm đạo đức’ (NV).

Bình Luận từ Facebook