Cơ quan Quản lý Dược Bộ Y tế, một lịch sử đen (phần 2)

FB Hoàng Hải Vân

7-9-2017

Tiếp theo phần 1

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Cục Quản lý Dược. Ảnh: báo SK&ĐS

Trước khi đọc tiếp kỳ 3 và kỳ 4 loạt bài “Ai tạo thế cho doanh nghiệp độc quyền tăng giá thuốc ?” đăng trên Báo Thanh Niên vào năm 2004 mà tôi dẫn dưới đây, các bạn đọc cần đặc biệt lưu ý đến “tử huyệt” trong cơ chế cấp số đăng ký thuốc (còn gọi là số visa). Trong một ma trận vô cùng rối rắm những quy định và thủ tục về cấp số visa thuốc, rất ít người ngoài ngành quan tâm đến vấn đề này.

“Tử huyệt” đó là : Số visa thuốc được cấp cho các doanh nghiệp dược trong và ngoài nước, nhưng không phân biệt doanh nghiệp đó là hãng bào chế hay chỉ làm nhiệm vụ phân phối thuốc. Nếu chỉ cấp cho hãng bào chế thì không tạo ra độc quyền, còn cấp cho hãng phân phối thì tạo ra độc quyền. Vì khi hãng bào chế được cấp số visa, họ có thể cung ứng thuốc được cấp visa cho nhiều hãng phân phối khác nhau để đưa vào thị trường Việt Nam. Còn khi hãng phân phối được cấp số visa, thì muốn đưa thuốc vào thị trường Việt Nam, hãng bào chế chỉ cung ứng thuốc đó cho hãng phân phối được cấp visa, tất nhiên họ vẫn có thể cung ứng thuốc cho các hãng phân phối khác nhưng các hãng phân phối đó không đưa thuốc vào thị trường Việt Nam được.

Tại thời điểm chúng tôi viết loạt bài này, thị trường tân dược đã bị án ngữ bởi các đại gia được cấp số visa. Đến thời điểm hiện tại, sau khi nước ta gia nhập WTO, tình hình có nhiều đổi khác, việc phân phối thuốc được mở cửa rộng rãi cho các hãng dược nước ngoài, nhưng sự mở cửa này không có nghĩa là đã xóa được độc quyền phân phối thuốc.

Giới thiệu lại loạt bài nói trên, chúng tôi hy vọng các nhà báo khi viết về đề tài có liên quan nên tự mình khảo sát lại những quy định mới, đối chiếu với các quy định cũ để ghi nhận thực chất của những thay đổi và ý nghĩa của những thay đổi ấy , đồng thời nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý Dược Bộ Y tế, có như vậy mới mô tả được những bức tranh chân thực.

Riêng đối với trường hợp của Zuellig Pharma, tại thời điểm viết loạt bài nói trên, đây là vấn đề nhức nhối, nhưng hiện nay đã là chuyện lịch sử. Từ câu chuyện của Zuellig Pharma chúng tôi mới đào sâu vào vấn đề độc quyền, nay dẫn lại hoàn toàn không mang hàm ý làm ảnh hưởng đến uy tín các hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp này trong hiện tại. Và ngay cả thời kỳ đó, chúng tôi cũng đã không nói là Zuellig Pharma kinh doanh trái pháp luật.

Câu chuyện đăng ở kỳ 3 “Đường dây ma quỷ” bây giờ có thể đã thay đổi, chúng tôi không có điều tra cập nhật nên không biết ngày nay sự thật đang như thế nào. Tại kỳ 4 “Bộ Y tế tung hỏa mù”, là câu chuyện diễn ra tại thời điểm đó, “truyền thống” này được tiếp nối ra sao thì chúng tôi không theo dõi.

Ai tạo thế cho doanh nghiệp độc quyền tăng giá thuốc?

Kỳ 3: Đường dây ma quỷ

Muốn được cấp một số đăng ký độc quyền lưu hành một tên thuốc tại Việt Nam, theo quy định thì chỉ nộp 200 USD lệ phí, nhưng thực tế phải tốn từ 1.000-2.000 USD…

“Giá thuốc cao là nỗi lo cho nhiều người. Người ta đã phân tích rất nhiều nguyên nhân và dường như việc quy kết cho bác sĩ kê toa là cách dễ nhất, đơn giản nhất (như tìm một con chốt thí) để tránh búa rìu dư luận.

Thiết nghĩ chúng ta không khó tìm ra câu trả lời vì sao giá thuốc tăng cao, vì sao có sự độc quyền trong phân phối thuốc. Với một bộ máy đồ sộ được điều hành bởi những vị có học thức cao như Bộ Y tế, không lẽ không biết vì sao giá thuốc cao ? Hay là còn những gì khác tế nhị phía sau mà các vị không tiện đề cập đến ? Và sự lừa dối này còn kéo dài đến bao giờ ?

Kinh doanh thuốc là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận và nếu có sự tiếp tay của cơ quan quản lý thì hậu quả thật khôn lường. Đó là một tội ác. Tôi có một người bạn thân làm cho một hãng dược đa quốc gia cho hay năm vừa rồi họ phải tốn đến 400 ngàn USD để tiếp cận với những vị chức sắc. Thực hư chuyện này như thế nào chỉ có trời mới biết, nhưng theo tôi, có một mảng đen phía sau mà quý báo chưa thể tiếp cận được. Nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đó là sự tham nhũng.

Tìm cách hạ giá thuốc là rất khó và gần như là không tưởng, nếu như chúng ta không cải cách chính cơ quan quản lý cao nhất trong lĩnh vực này. Rất mong quý báo hãy đi đúng đường, đừng để những vị ngồi trên tung hỏa mù, như vậy thì tội nghiệp cho bệnh nhân nghèo và nhiều bác sĩ không ăn một tí hoa hồng nào bị vạ lây”.

Trên đây là nguyên văn một bức thư của một bạn đọc gửi cho chúng tôi sau khi đọc kỳ một của loạt bài này. Chúng tôi gọi điện đến địa chỉ của người gửi thư để xác minh thì biết ông là một bác sĩ, nhưng ông đề nghị chúng tôi giấu tên ông nếu bức thư được công bố trên báo.

Chúng tôi xin cảm ơn bức thư tâm huyết của bạn đọc nói trên, vì đó cũng là “hướng đi” của chúng tôi khi viết loạt bài này.

Chủ trương đăng ký chất lượng sản phẩm trước khi lưu hành ở Việt Nam nhằm mục đích tối thượng là bảo đảm an toàn cho người bệnh là một chủ trương đúng đắn của Bộ Y tế. Thế nhưng chủ trương đúng đắn đó đã bị bộ máy quan liêu của cơ quan quản lý ngành dược biến thành một cơ chế điều hành tù mù. Hai đặc điểm nổi bật của cơ chế tù mù đó là cố tình tạo ra những chỗ hở để lợi dụng và duy trì quan hệ “xin-cho”. Không phải ngẫu nhiên mà những người hoạt động trong ngành y – dược khi cung cấp cho chúng tôi những thông tin dẫn trong loạt bài này đều yêu cầu giấu tên. Họ sợ bị gây khó dễ, bởi cơ chế hiện nay có một sức mạnh chi phối đủ gây khó dễ cho họ. Ông dược sĩ kinh doanh dược phẩm mà chúng tôi nhắc đến trong bài trước bảo rằng nếu bị ghét, ít nhất ông cũng bị gây khó dễ trong việc đưa thuốc vào bệnh viện.

Theo quy định hiện hành, mỗi loại thuốc muốn lưu hành ở Việt Nam phải được Cục Quản lý dược cấp một số đăng ký, gọi là số visa. Số visa này được cấp cho các công ty dược có đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

“Xin”, đúng nghĩa là như vậy, được cấp số visa, phải có đủ các hồ sơ cần thiết, trong đó thứ nhất, phải có chứng từ xuất xứ của loại thuốc đó (C/O), thứ hai là phải có giấy kiểm nghiệm (CA), thứ ba là giấy chứng nhận sản xuất tốt của Viện Bào chế (GMP), thứ tư là giấy chứng nhận được phép lưu hành tại nước sản xuất (FOC), v.v…

Điều đáng lưu ý là số visa chỉ được cấp cho công ty dược có văn phòng đại diện tại Việt Nam mà không phân biệt công ty đó có phải là hãng bào chế thuốc hay không. Trước đây, các công ty dược trong nước không được cấp, họ muốn nhập khẩu thuốc thì phải “mua” lại số visa của công ty nước ngoài. Ông dược sĩ giấu tên nói trên từng “mua” số visa của một công ty ngoại quốc bằng cách lấy danh nghĩa của công ty đó để xin cấp số visa và trả cho công ty đó 2% doanh số nhập khẩu.

Ông kể: “Theo quy định, lệ phí cho một số visa là 200 USD, nhưng thực tế phải chi từ 1.000 USD đến 2.000 USD, tùy loại”. Chúng tôi hỏi: “Vì sao như vậy ?”. Ông dược sĩ cười: “Nếu không thì anh nộp hồ sơ vào sẽ bị dội ra, từ những chuyện rất nhỏ. Sắp xếp hồ sơ không đúng thứ tự, dội ra. Hồ sơ dịch ra hai thứ tiếng, bản dịch của mình người ta không ok, dội ra, mặc dù tôi phải nhờ đến một giáo sư rất giỏi ngoại ngữ dịch. Hồ sơ nộp vào cũng không được cấp giấy biên nhận nên không ai chịu trách nhiệm về sự mất mát cả. Muốn suôn sẻ phải qua một nhóm làm dịch vụ, đó là một đường dây riêng. Phải chi tiền cho đường dây đó, còn đường dây đó chi cho ai thì mình không biết được. Cách đây không lâu tôi có mang một hồ sơ ra Hà Nội nộp cũng bị bác. Có một người đến bảo với tôi: Anh mang về nhà em, để em làm giúp cho. Tôi buộc phải nhờ anh ta với giá là 1.000 USD”.

Hôm qua, ông dược sĩ thông báo với chúng tôi rằng ông vừa được cấp một số visa, ông cải chính: “Cuối cùng tôi phải tốn hết 1.200 USD, chứ không phải 1.000 USD như tôi nói với anh đâu”.

Điều mà ông dược sĩ cho là “ghê tởm” là sự thiếu minh bạch của những quy định trong việc cấp số visa. Ông nói: “Khi có đủ hồ sơ hợp lệ rồi, nếu người ta không muốn cấp thì người ta bảo: Thuốc đó đã hết số visa hoặc quá nhiều số visa rồi. Nhưng nếu anh đưa sang “dịch vụ” thì dù đã “hết” anh vẫn được cấp”.

Được cấp số visa, có nghĩa là anh được độc quyền lưu hành tên thuốc đó tại Việt Nam, độc quyền một cách tuyệt đối. Đó là nguyên nhân của các nguyên nhân làm cho giá thuốc (ngoại nhập) ở Việt Nam bị đẩy lên hàng cao nhất thế giới.

Những người đi “xin” số visa ai cũng biết có đường dây ma quỷ đó, nhưng bóc trần đường dây đó hầu như là một việc không thể, vì nó không để lại một dấu vết nào. Bởi vậy, muốn xóa đường dây đó chỉ có cách là xóa bỏ cơ chế nuôi dưỡng nó mà thôi.
___________________________

Việc nhập khẩu thuốc vào Việt Nam, ngoài thuốc được nhập theo số visa độc quyền, các doanh nghiệp còn được nhập theo chuyến đối với các loại thuốc chưa cấp số visa. Cục Quản lý dược xét duyệt từng chuyến một. Hồ sơ xin nhập khẩu cũng phải làm y hệt như hồ sơ xin cấp số visa. Nhưng nhập chuyến thì có số lượng được xác định và thời hạn thực hiện chỉ trong vòng 1 năm. Thuốc nhập theo con đường này tuy vẫn được phép lưu hành nhưng gặp hai hạn chế lớn: Không được đưa vào bệnh viện và rất ít khi được bác sĩ kê toa. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp nhập khẩu thuốc, để được cấp giấy phép nhập khẩu một chuyến như vậy cũng phải mất 1.000 USD cho “đường dây dịch vụ”.
_____________________________

Kỳ 4: Bộ Y tế tung hỏa mù

Bộ Y tế đang thực hiện “một số giải pháp cấp bách” nhằm bình ổn giá thuốc theo sự chỉ đạo của Chính phủ, nhưng bộ này hình như đang “tung hỏa mù” để né tránh vấn đề cốt lõi nhất…

Theo Bộ Y tế, tính đến cuối năm ngoái, đã có hơn 10.000 tên thuốc đã được cấp số đăng ký (SĐK) lưu hành, trong đó thuốc sản xuất trong nước đã cấp 6.129 SĐK với khoảng 400 hoạt chất, đáp ứng được 35 -40% (tính theo trị giá) nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Thuốc nước ngoài đã cấp 4.353 SĐK với khoảng 1.000 hoạt chất, chiếm khoảng 60-65% nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Bộ Y tế cũng cho rằng hiện nay ngành dược Việt Nam mới có khả năng sản xuất thành phẩm với khoảng 400 hoạt chất, chủ yếu (trên 90%) là các thuốc Generic, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh thông thường… dưới dạng bào chế đơn giản. Trên 90% nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Hiện nay thuốc nước ngoài được nhập khẩu từ các công ty đa quốc gia, phần lớn là các biệt dược, thuốc chuyên khoa đặc trị, nhiều thuốc còn đang trong thời gian bảo hộ phát minh, sáng chế. Kim ngạch nhập khẩu thuốc tăng nhanh qua các năm: năm 2001 gần 418 triệu USD, năm 2002 hơn 457 triệu USD, năm 2003 hơn 503 triệu USD…

Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, cơ chế tù mù trong việc cấp SĐK (số visa) là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm tăng giá thuốc. Nhưng trong bản báo cáo gửi Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm ngày 16/3/2004, khi giải trình nguyên nhân tăng giá thuốc, Bộ Y tế chỉ liệt kê những nguyên nhân thứ yếu. Chẳng hạn, khi nói đến quy trình xem xét cho nhập khẩu thuốc vào Việt Nam, Bộ Y tế chỉ thừa nhận “một số điểm tồn tại” như sau: “Trong quá trình xem xét cho phép nhập khẩu thuốc, một số trường hợp không đáp ứng yêu cầu theo quy định nhưng chưa kịp thời thông báo bằng văn bản để doanh nghiệp biết lý do cụ thể dẫn đến sự hiểu lầm giữa các doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với Cục Quản lý dược Việt Nam” và “Việc xem xét cho phép nhập khẩu giao trực tiếp cho chuyên viên thẩm định hồ sơ mà chưa thành lập nhóm công tác để xem xét và thông qua nên nhiều khi còn chậm, chưa đảm bảo tính công khai và dân chủ hóa trong việc xét duyệt”.

Nhưng đó là “tồn tại” của việc xét duyệt cho phép nhập khẩu thuốc chưa có số visa. Còn đối với nguyên nhân gốc rễ là cơ chế cấp số visa, Bộ Y tế hoàn toàn không nêu một tí khuyết điểm nào.

Trong 5 nguyên nhân của việc tăng giá thuốc mà Bộ Y tế báo cáo với Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, nguyên nhân thứ nhất là “Quản lý nhà nước”. Nhưng trong nguyên nhân này, Bộ Y tế cũng chỉ “đổ tội” cho Pháp lệnh giá và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành pháp lệnh này và kết luận: “Qua thanh tra, kiểm tra trên thị trường đã phát hiện được một số trường hợp giá thuốc bán lẻ chênh lệch quá lớn so với giá nhập khẩu (có trường hợp lên tới 300-400%) nhưng do chưa có chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá thuốc nên chưa thể tiến hành xử lý vi phạm”. Nguyên nhân thứ 2 là do phương thức tổ chức, cung ứng, sử dụng thuốc. Nguyên nhân thứ 3 là kinh phí hạn hẹp của các bệnh viện. Nguyên nhân thứ 5 được quy cho chi phí quảng cáo, tiếp thị của các công ty TNHH quá lớn, sự thay đổi tỷ giá và mối liên hệ giữa đội ngũ trình dược viên với các thầy thuốc kê đơn. Tình trạng độc quyền được xếp vào nguyên nhân thứ 4. Nhưng vì sao có tình trạng độc quyền đó thì Bộ Y tế lờ đi không đề cập.

Những nguyên nhân mà Bộ Y tế nêu là không sai, cần phải có các biện pháp đồng bộ để khắc phục. Nhưng rõ ràng Bộ Y tế đã né tránh nguyên nhân cốt lõi. Giả sử như tất cả các nguyên nhân mà Bộ Y tế nêu ra đều được khắc phục một cách triệt để thì giá thuốc ở Việt Nam có được bình ổn không ? Câu trả lời chắc chắn là không. Chúng tôi xin trích lời phát biểu của dược sĩ Nguyễn Doãn Linh, Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu dược phẩm Cudupha tại một cuộc hội thảo về giá thuốc diễn ra từ 7/2002 để bạn đọc thấy thực chất của vấn đề:

“Các công ty được cấp số visa ủy quyền lại cho công ty nước ngoài khác phân phối lại các thuốc này tại Việt Nam, việc nâng giá thuốc và tính toán lợi nhuận do bộ phận khu vực châu Á của các công ty được thực hiện tại một số nước thứ ba có ưu đãi về thuế khóa như Singapore. Phần lớn lợi nhuận và các trị giá gia tăng được tính toán sao cho khi hàng về đến Việt Nam là sát với giá bán ra và chỉ dành ít lợi nhuận (khoảng 3%) cho các nhà phân phối lẻ như các công ty TNHH hay chợ sỉ. Nếu chỉ căn cứ trên giá nhập khẩu cộng với các “chi phí” nói trên tại Việt Nam đem so với giá mời chào của một số công ty phân phối khác tại châu Âu hay các nước khác (chưa phải là giá xuất xưởng của các nhà máy) cho cùng mặt hàng, cùng nhà sản xuất và cùng thương hiệu, chúng ta có thể thấy rằng toàn bộ lợi nhuận rất cao của những sản phẩm này được hoàn toàn để bên ngoài Việt Nam. Nếu như doanh số nhập khẩu của các mặt hàng thuộc các công ty đa quốc gia là vào khoảng 300 triệu USD, thì mỗi năm Nhà nước ta thất thu thuế hàng chục triệu USD và nhiều người bệnh Việt Nam phải trả ít ra là gấp đôi so với người bệnh Âu-Mỹ cho cùng một loại thuốc”.

Rõ ràng là Bộ Y tế không thể không biết những thông tin như vậy. Để cho công bằng, cũng phải thừa nhận rằng, mặc dù không nói đến khiếm khuyết trong thực hiện việc cấp số visa, nhưng Bộ Y tế cũng có đưa ra giải pháp chống độc quyền bằng việc “ban hành các quy định về nhập khẩu song song và tổ chức nhập khẩu song song các thuốc đang bị áp đặt giá cao tại Việt Nam”. Cần biết, nhiều người đã đề nghị giải pháp đó từ nhiều năm nay, nhưng không được ghi nhận. Còn bây giờ, bao giờ những quy định đó mới được ban hành và nhập khẩu song song bằng cách nào thì vẫn còn đang ở tương lai xa. Bởi vì, muốn chống độc quyền trong phân phối thuốc, trước hết phải mổ xẻ tận gốc cái cơ chế tù mù mà chúng tôi đã đề cập và phải cải tổ tận gốc cơ quan quản lý ngành dược. Nhưng Bộ Y tế hình như đang “tung hỏa mù” để né tránh. Lý do vì sao vậy?
_________________________
“Việc cấp số visa là một việc phải làm để bảo vệ người dân tránh sử dụng những loại thuốc không đạt chất lượng, giá cả, v.v… Nhưng từ đó tạo ra sự độc quyền cho các công ty đăng ký số thuốc đó ủy quyền nhập khẩu độc quyền lại cho một nhà phân phối khác là vi phạm quyền được chăm sóc tốt sức khỏe của người Việt Nam và quyền được hưởng một giá thuốc hợp lý “ít ra cũng được như người châu Âu”. Nó không biện minh cho bất cứ một lợi ích gì cho Nhà nước, Chính phủ, các ban ngành có liên quan, doanh nghiệp và cho nhân dân. Nó chỉ giúp cho việc cạnh tranh không lành mạnh. Tóm lại nó đi ngược lại lợi ích của nền kinh tế thị trường”. (Dược sĩ Nguyễn Doãn Linh)
__________________________
(còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây