Ra mắt sách “40 năm Thơ Việt Hải ngoại”

An Hòa

4-9-2017

Chiều ngày 3/9/2017, tại hội trường báo Người Việt, Orange County, California, buổi ra mắt sách “40 năm Thơ Việt Hải ngoại” do nhà thơ Nguyễn Đức Tùng chủ biên, Văn Việt và Người Việt Books xuất bản đã diễn ra thật vui vẻ, sôi nổi dưới sự dẫn dắt sinh động của nhà báo Đinh Quang Anh Thái.

Đông đảo các cây bút và bạn đọc yêu thơ đã đến dự; có những gương mặt văn hóa nổi bật như nhà thơ Nhã Ca, nhà thơ Đỗ Quý Toàn, diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, nhà nhiếp ảnh Nick Út, nhà báo Tống Văn Công, nhà báo Phan Huy Đạt, nhà báo Phạm Phú Minh, nhà văn Trùng Dương, nhà văn Cung Tích Điền…; có những người đến từ xa (không tính chủ biên đến từ Canada) như nhà thơ Cung Trầm Tưởng (Minnesota), nhà thơ Trần Mộng Tú (Seatle, bang Washinton), nhà thơ Nguyễn Hàn Chung (Houston, Texas nơi đang trải qua cơn bão thế kỷ), đặc biệt có nhà thơ Hoàng Hưng thay mặt Văn Việt đến từ Sài Gòn.

Khán phòng luôn sôi động với những phát biểu và đọc thơ diễn cảm của nhà thơ Cung Trầm Tưởng, nhà thơ Đỗ Quý Toàn, nhà thơ Đặng Thơ Thơ, nhà nghiên cứu Bùi Vĩnh Phúc, nhà thơ Trịnh Y Thư, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Vương Ngọc Minh, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng…

Xin giới thiệu với bạn đọc lược ghi phát biểu của nhà thơ Hoàng Hưng.

Cảm nghiệm từ một người làm thơ trong nước về Thơ Việt Hải ngoại (lược ghi phát biểu tại buổi Ra Mắt Sách “40 năm Thơ Việt Hải ngoại” tại Orange County 3/9/2017)

Mời xem clip nhà thơ Hoàng Hưng phát biểu:

Hoàng Hưng

Tiếp xúc đầu tiên của tôi với thơ Việt Hải ngoại là tập Thơ Cao Tần (những năm 1970) hình như do nhà văn Nhật Tiến gửi về cho em trai là nhà văn Nhật Tuấn.

Ngay lập tức, tôi xúc cảm mạnh với tâm trạng bi phẫn, tuyệt vọng, cười ra nước mắt của người bị mất tất cả, bị lưu đầy cộng với nỗi nhớ thương tiếc nuối những gì thân yêu nhất… Những câu thơ hôm nay tôi còn nhớ và còn xúc động:

Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?

Từ những năm đầu 1990:

Thơ Hải ngoại ào vào trong ngước, gây ấn tượng mạnh vì sự Mới Mẻ, tác động tới thơ trẻ (thông qua các Tạp chí Thơ, Hợp Lưu, các mạng Tiền Vệ, Gió O, Da Màu…)

Một số ấn tượng nổi bật:

– Các nhà thơ lớn tuổi vẫn tràn đầy năng lượng sáng tác (Trần Mộng Tú, Hoàng Xuân Sơn…) và có những người tiếp tục đổi mới đáng kinh ngạc (Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Xuân Thiệp…)

– Tiếng nói nữ táo bạo, nổi loạn: Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lưu Diệu Vân…

– Bứt phá, vượt qua biên giới Thơ/ Văn xuôi, Cái Thơ/ Cái Không Thơ, Cái Đẹp/ cái Tục, Cái Trữ tình/ Cái Giễu nhại… xác lập tính đương đại, hậu hiện đại : Đỗ Kh, Linh Đinh, Nguyễn Hoàng Nam, Lê Đình Nhất Lang, Ngu Yên…

– Hiện tượng Thơ Tân Hình Thức và Khế Iêm: ảnh hưởng rất mạnh vào trong nước, đã thành trường phái, có thể coi là “phong trào” duy nhất trong thơ Việt từ sau 1975 và xuyên biên giới.

– Tiếng Việt trong thơ hải ngoại: trái với định kiến thông thường là văn thơ hải ngoại bị cắt đứt với nguồn nên ngôn ngữ bị cũ kỹ, quá date, ta thấy có những trường hợp nhà thơ hải ngoại sử dụng tiếng Việt ngày càng sắc, đậm, phong phú, cập nhật những vốn từ đang sống, tiếng lóng, từ đường phố, một cách nhuần nhuyễn,…  (đặc biệt ghi nhận ở Chân Phương, Linh Đinh, từ chỗ quen làm thơ tiếng Pháp, Anh hơn là tiếng Việt…)

– Thế hệ mới đầy sức sáng tạo: Lê Đình Nhất Lang, Đỗ Lê Anh Đào, Trang Đài Glassey Trầnguyễn, Lưu Diệu Vân, Như Quỳnh de Prelle, Pháp Hoan,…

– Sự đa dạng, phong phú về giọng điệu, phương pháp, từ cổ điển, lãng mạn đến hậu hiện đại…

– Sự “nối ruột” với trong nước: với người thơ Hải ngoại, VN ko còn là hoài niệm của người bị gạt ra ngoài, đứng từ xa và ko lối về, chỉ biết tiếc nuối đau buồn, VN giờ đây là nỗi niềm của người nhập cuộc, chia sẻ với mọi mặt mọi vấn đề của đất nước  + sự không ngừng bổ sung lực lượng, tiếp máu từ trong nước qua những cuộc “vượt biên, tỵ nạn” kiểu mới:

– Thơ Việt Hải ngoại đủ yếu tố là một “nền thơ tự nó” không hề mang tính ngoại biên so với một dòng thơ được coi là “chính thống”, tồn tại song song với thơ Việt trong nước và cả hai hợp thành một nền thơ Việt toàn cầu!

Xin dẫn một bài thơ:

ĐÁP ỨNG

Khát

cầu xin một bát nước

chúng mang cho ta một bát máu tươi

 

Đói

cầu xin một nắm cơm

chúng ném vào mặt ta một nắm đá

 

Lang thang

cầu xin một nơi trú ẩn

chúng xây cho ta những dãy ngục vững chắc

 

Sống

đòi hỏi chút Tự Do

chúng cho ta một viên đạn chì ngay vào giữa trán

(Pháp Hoan)

Bài thơ này là của 1  nhà thơ quốc nội hay hải ngoại? Nếu suy diễn theo nội dung, giọng điệu, dễ kết luận là thơ trong nước. Nhưng đây lại là của một nhà thơ hải ngoại sống ở Đức. “Ta” ở đây không thể phân biệt quốc nội hay hải ngoại. TA là nhà thơ Việt, con người Việt TỰ DO bất kể ở trong hay ngoài nước.

Nếu phải dùng cái từ thời thượng của trong nước là “hòa hợp dân tộc”, thì TỰ DO chính là tinh thần cốt tử của sự “hòa hợp” ấy. SỰ HÒA HỢP CỦA NHỮNG CÂY BÚT, NHỮNG CON NGƯỜI TỰ DO.

Video clip phát biểu của nhà thơ Dương Đức Tùng:

Một số hình ảnh của nhà thơ Hoàng Hưng gửi trang Tiếng Dân:

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng & nhà thơ Hoàng Hưng. Nguồn: Hoàng Hưng
Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng ký tặng sách cho người tham dự
Các nhà thơ Khế Iêm, Vương Ngọc Minh, Hoàng Hưng
Nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Cung Trầm Tưởng
Hàng đầu: nhà thơ Phan Tấn Hải, nhà thơ Vương Ngọc Minh, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà nghiên cứu Bùi Vĩnh Phúc và phu nhân. Hàng sau: nhà thơ Đặng Thơ Thơ, họa sĩ Ngọc, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng và phu nhân, nhà thơ Trịnh Y Thư.
Bình Luận từ Facebook