Đào Tiến Thi
2-9-2017
Lời tác giả: Tôi viết bài này đúng ngày Quốc khánh 2-9-2017, khi rất nhiều ban ngành tưng bừng tổ chức kỷ niệm, khi rất đông thành phần trung lưu người Việt Nam đang mê mải đến các tụ điểm vui chơi, giải trí; và cũng trong không khí vui vẻ ấy của người Việt Nam, Trung Cộng tập trận, giương oai giễu võ ngoài Biển Đông, liền cả 7 ngày, tiến vào sâu cả vùng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Sự kiện này tôi đã đưa tin từ hôm qua, nhưng số người quan tâm… ít chưa từng thấy! Thôi thì viết những cái lặt vặt này vậy, tuy rằng lòng lúc nào cũng nhức nhối về sự kiện trên.
Việc tái bản bộ Lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản KHXH) có bổ sung, sửa chữa, được dư luận quan tâm, nhìn chung (trong đó có tôi) là chê nhiều khen ít. Vì nội dung bổ sung, sửa chữa thực ra là quá muộn và cũng chẳng được bao nhiêu(*). Tuy nhiên, nghĩ cho kĩ, tôi thấy để có được một sự nhích lên nào đó đối với người mình, cái dân tộc “Kể năm sinh đã bốn nghìn dư/ Bước tiến hóa lư đừ sau mọi kẻ” (Tản Đà), bao giờ cũng nhọc nhằn. Trên con đường mà nhân loại bình thường vẫn đi, đã đi, thì người Việt Nam vẫn phải dò đường, vẫn nhìn nhau, ngáng chân nhau, làm khổ nhau chán đi đã. Nhân mấy nội dung bổ sung, sửa chữa trong bộ sử trên, tôi nhớ lại mấy câu chuyện của tôi có liên quan.
CHUYỆN THỨ NHẤT
Cách đây hơn một tháng, tôi trở lại mảnh đất mà thời trẻ tôi từng “ngồi gõ đầu trẻ” trong mấy năm. Một gia đình phụ huynh cũ mời tôi và anh bạn đồng nghiệp cũ (cũng là sếp cũ của tôi) đến chơi, rất là thịnh tình. Hôm ấy lại có cả hai ông thầy nữa cũng là phụ huynh cũ của gia đình và đều là chỗ quen biết ngày xưa của chúng tôi. Còn vui gì hơn thế nữa?
Và bữa tiệc đến hồi vui nhất, cảm động nhất, như thường lệ, ấy là đoạn “ôn nghèo kể khổ”. Một ông thầy vốn là cựu đặc công say sưa kể về những ngày chiến đấu ở ngay trên chính vùng đất chúng tôi đang ngồi đây. Ai cũng cảm phục về tinh thần quả cảm, “nếm mật nằm gai” của bộ đội miền Bắc hồi ấy. Phải cái, ông thầy cựu lính đặc công cứ luôn miệng gọi đối phương là “ngụy”.
Tôi bảo: “Anh ơi, đất nước thống nhất hơn 40 năm rồi, xin anh đừng gọi họ là “ngụy”, hãy gọi họ là “lính Sài Gòn” hay là “địch” – tức là bên đang đánh nhau với các anh – cũng được.
Anh ấy sừng sộ: “Nếu bọn chúng không là ngụy thì chúng tôi đánh nhau với ai đây? Chúng tôi sai à?”.
Tôi bảo: “Sự nghiệp anh hùng của các anh đã được tôn vinh từ lâu, được ca tụng trong hàng vạn trang sách, không ai phủ nhận. Cái bây giờ đang rất cần là hòa giải dân tộc. Ông Võ Văn Kiệt đã nói rồi, ngày 30-4 có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn. Hòa giải dân tộc để xây dựng đất nước và chống một kẻ xâm lược mới, nguy hiểm hơn nhiều”. Nhưng đời nào anh ấy – một cựu chiến binh lại trải gần 30 năm làm hiệu trưởng THPT nghe một người “tép riu” như tôi.
Anh bạn tôi hỗ trợ, nói rất chân tình với anh: “Dẫu có là “ngụy” vẫn là người Việt Nam, là đồng bào của nhau, còn hơn ngoại bang đến cướp phá đất nước. Anh biết không, lúc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, 19-1-1974, tôi đang học năm thứ nhất Đại học Văn khoa Huế. Được tin, các nhóm bạn chúng tôi sôi lên, gọi nhau xuống đường biểu tình ngay lập tức. Lúc ấy chúng tôi cũng là “ngụy” trong con mắt các anh, nhưng chúng tôi cũng có ý thức bảo vệ tổ quốc Việt Nam…”.
Nhưng ý kiến của anh bạn tôi cũng chẳng lay chuyển gì hơn. Tôi cầu cứu ông giáo còn lại. Anh này không những là hiệu trưởng nhiều năm mà về sau còn là quan chức, có lúc làm đến trưởng ban tuyên giáo huyện ủy, rồi phó chủ tịch huyện. Nhưng anh chỉ cười. Có lẽ anh cũng có quan điểm nào đó nhưng vị trí (dù là “cựu” thôi) của anh khó nói quá chăng? Bữa tiệc vì thế cả chủ lẫn khách đều muốn kết thúc sớm, chia tay sớm. Để khỏi mếch lòng nhau.
CHUYỆN THỨ HAI
Cách đây khoảng 3 tháng, tôi biên tập một cuốn sách trong đó tác giả dẫn một đoạn văn về Võ Nguyên Giáp, lấy trong một tài liệu nọ. Nội dung đoạn văn nhắc đến 4 công lao trong 4 thời kỳ của vị Đại tướng lừng danh: tham gia sáng lập nhà nước VNDCCH, chỉ huy quân đội kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống Trung Quốc. Vị PGS tác giả của tôi cắt phéng cái thứ tư đi, vì sợ “nhạy cảm”.
Tôi bảo: “Không được. Đã dẫn tài liệu thì dẫn đủ, vả lại, chống Trung Quốc xâm lược là sai hay sao mà sợ?”. Giằng co mãi, rồi vị tác giả ấy cũng đồng ý. Giá lúc ấy, bộ Lịch sử VN nói trên phát hành rồi thì tôi khỏi phải tranh luận nhiều với tác giả.
CHUYỆN THỨ BA
Cách đây khoảng 10 năm, tôi có tham gia soạn phần gọi là “nội dung” cho một bộ lịch – tức là cái phần điểm những câu danh ngôn, thơ phú và các sự kiện đáng ghi nhớ vào tờ lịch mỗi ngày. Với chủ đề “văn hóa – giáo dục” mà cấp trên chỉ đạo, tôi cố gắng tra tìm các sự kiện văn hóa và giáo dục ghi dấu ấn dân tộc Việt Nam hội nhập quốc tế lần thứ nhất, tức giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Ví dụ, ngày Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ra nghị định thành lập Viện Đại học Đông Dương; ngày Toàn quyền Đông Dương Paul Dourmer cho thành lập Sở Khí tượng Đông Dương (tức Đài Thiên văn Phủ Liễn), v.v…
Có những ý kiến phản đối, cho rằng như thế là ca ngợi công “khai hóa” của thực dân Pháp. Tôi đã phải vất vả thuyết phục họ, rằng chủ nghĩa thực dân (trong đó có chiêu bài “khai hóa”) là một chuyện, còn những gì thực tế người Pháp đã làm (do sức ép khách quan hoặc do thiện chí của một số cá nhân), góp phần đem lại sự phát triển cho xứ mình, lại là chuyện khác, cần ghi nhận. Thử xem, hầu hết những gì của một xã hội hiện đại mà chúng ta có hôm nay – đường giao thông, bưu điện, trạm khí tượng, viện nghiên cứu, trường đại học, tòa báo, bệnh viện, khu nghỉ mát,… – chẳng đều do người Pháp đặt cơ sở từ trước 1945 hay sao? Vả lại, phải thấy cùng thời điểm đó, tại sao các dân tộc thuộc địa của Pháp ở châu Phi không được “khai hóa” như thế?
Ví dụ, Viện Paster Sài Gòn thành lập năm 1891, là viện Paster ở hải ngoại đầu tiên của nước Pháp, chỉ sau Viện Paster Paris có 3 năm, coi như là đồng thời. Người Viện trưởng đầu tiên của viện này là một trong những người học trò – cộng sự giỏi nhất của nhà bác học vĩ đại Louis Paster: Albert Calmette. Bốn năm sau (1895), bác sỹ Alexandre Yersin, cũng là một trong những học trò – cộng sự giỏi nhất của Louis Paster, thành lập viện Paster Nha Trang. Sau đó ít lâu Viện Paster Hà Nội cũng được thành lập…
Rõ ràng người Việt Nam mình lúc ấy phải “như thế nào” (theo cách nói của một vị lãnh đạo) thì người Pháp mới đầu tư những thứ cao cấp và tốn kém đó? Ở đây, ta có thể tự hào về cái tư chất thông minh cùng cái gốc văn hiến đã có hàng nghìn năm của dân tộc mình, sao lại phải né tránh?
CHUYỆN THỨ TƯ
Trong khi biên tập, tôi cố gắng phân biệt người Pháp với thực dân Pháp, người Mỹ với đế quốc Mỹ. Chẳng hạn, việc xây một chiếc cầu, lập một bệnh viện, thì nên viết là “người Pháp”, chứ đừng viết “thực dân Pháp”. Bởi người thực thi các công việc ấy là những kỹ sư, những bác sỹ, họ không phải là những tên thực dân. Trong số ấy có nhiều người tốt, muốn đem đến những điều tốt đẹp có thể được cho dân bản xứ (như bác sỹ Yersin đã dành sự nghiệp cả đời mình cho đất nước Việt Nam ta). Chí ít thì họ cũng là những người lao động có kỹ thuật và có trách nhiệm cao, cho nên những gì họ làm ra hầu như đều có chất lượng tốt hơn chúng ta làm ngày nay. Tuy nhiên, ý kiến của tôi không phải bao giờ cũng được chấp nhận. Vì những “nghi án” kiểu này không có bậc bề trên nào giải toả, chỉ có cuộc sống dần dần sẽ chấp nhận, sau những bước đi khó khăn ban đầu.
Kể mấy câu chuyện trên trong quan hệ với bộ sách lịch sử vừa tái bản có bổ sung, sửa chữa, tôi chỉ muốn nói rằng: Có những sự thay đổi thật là khó khăn. Dù nhiều khi không đáng phải khó khăn như vậy. Ấy thế mà nó vẫn cứ khó khăn. Âu cũng là “Cái nước mình nó thế” (GS. Hoàng Ngọc Hiến).
Vận mạng dân tộc càng ngày càng thấy thực là ngàn cân treo sợi tóc. Ngàn cân treo sợi tóc, ấy thế mà cả dân, cả quan, cả vua, vẫn dửng dưng, vẫn “vui vẻ trẻ trung” làm sao!
Nhưng tôi hy vọng: Vì nhu cầu tồn tại, cuối cùng thì người ta vẫn phải thay đổi, vẫn phải hành động theo chiều hướng tiến bộ. Như đã thay đổi mấy điều kể trên. Hy vọng của tôi liệu có quá viển vông? Sực nhớ đến mấy dòng kết trong truyện Cố hương của Lỗ Tấn, xin dẫn lại: “Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất: kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”.
_____
(*) Như thay đổi cách gọi chính quyền miền Nam cũ, nay gọi là Việt Nam Cộng hòa, đúng như tên của nó, thay vì trước kia gọi là “ngụy”, như sự kiện chiến tranh chống Trung Cộng xâm lược tháng 2-1979 được viết chi tiết hơn trước – hơn 7 trang – thay vì trước đây chỉ có 9 dòng!