Linh Quang
30-8-2017
Ông Christoph Sander – phát ngôn viên của cơ quan BAMF – cho tờ TAZ biết rằng, vào cuối tuần vừa qua cơ quan Liên bang Đức về nhập cư và tị nạn (BAMF) đã “chấm dứt ngay lập tức” hợp đồng làm việc với một nhân viên gốc Việt làm việc lâu năm tại chi nhánh BAMF ở Jena-Hermsdorf (miền Đông nước Đức).
Nhật báo TAZ số ra hôm nay Thứ Tư ngày 30.08.2017 có đăng một bài báo chạy hàng tít lớn: “Người đàn ông của Hà Nội trong cơ quan BAMF“, và hàng tít nhỏ: “Sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh -người chỉ trích nhà cầm quyền Việt Nam- cơ quan Liên bang Đức về nhập cư và tị nạn (BAMF) sa thải một nhân viên Việt Nam“.
Ông Christoph Sander -phát ngôn viên của cơ quan BAMF- cho tờ TAZ biết rằng, vào cuối tuần vừa qua cơ quan Liên bang Đức về nhập cư và tị nạn (BAMF) đã “chấm dứt ngay lập tức” hợp đồng làm việc với một nhân viên gốc Việt làm việc lâu năm tại chi nhánh BAMF ở Jena-Hermsdorf (miền Đông nước Đức).
Trước đây gần 3 tuần ông Hồ Ngọc Thắng đã bị cơ quan BAMF buộc tạm nghỉ việc để điều tra (nhưng vẫn được trả lương) kể từ ngày 09.08.2017, đúng 2 ngày sau khi tờ TAZ lưu ý BAMF về nhiều bài viết của ông Thắng, đặc biệt là bài “Quan hệ ngoại giao Đức-Việt sẽ ra sao sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh?”
Ông Hồ Ngọc Thắng bị tình nghi là có liên can đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Cảnh sát hình sự liên bang (BKA) đang điều tra ông Thắng có cung cấp những dữ liệu về Trịnh Xuân Thanh cho mật vụ Việt Nam hay không, vì ông Thắng được phép truy cập hệ thống lưu trữ điện tử về tất cả hồ sơ xin tỵ nạn và hệ thống lưu trữ của sở ngoại kiều về tất cả người nước ngoài. Hiện nay cuộc điều tra vẫn chưa kết thúc.
Cụ thể lý do tại sao ông Hồ Ngọc Thắng bị đuổi việc vĩnh viễn, thì phát ngôn viên của BAMF ông Christoph Sander không thể nói cho tờ TAZ biết được vì luật bảo vệ dữ kiện cá nhân. Tuy nhiên, tất cả các nhân viên của nhà nước Đức đều bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ trung thành và trung lập, nếu vi phạm thì có thể bị đuổi việc.