Một câu chuyện về sự tuyệt vọng

Vì đâu nên nông nỗi này và ai mới là kẻ chịu trách nhiệm chính gây ra sự hỗn loạn của nền y tế nước nhà trong khi bản thân “chúng” và gia đình “chúng” chẳng bao giờ “thụ hưởng” những “thành quả” khốn nạn mà chúng gây ra.

_____

FB Mạnh Kim

30-8-2017

Bệnh ngoài hành lang Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, thân nhân và bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nằm la liệt. Ảnh: MTG

Một buổi chiều, tôi hộc tốc chở vợ và con trai ra phòng khám tư. Thằng bé, lúc ấy 4 tuổi, đang bị sốt rất cao. Sau khi vạch kẽ tay và chân thằng bé, ông bác sĩ tư yêu cầu: lập tức chở con vào Nhi Đồng 2. Đó là thời điểm dịch tay-chân-miệng bùng phát. Hoảng hốt và lo sợ, tôi vội vã chở vợ con lên bệnh viện. Giữa đường trời mưa tôi vẫn cắm đầu cắm cổ phóng xe. Tôi chẳng nghĩ gì khác ngoài chuyện phải đến bệnh viện thật nhanh. Đây là lần đầu tiên tôi đưa con vào bệnh viện công. Đến nơi khoảng 6g chiều, tôi ẵm con vào phòng cấp cứu.

Nhân viên bệnh viện không cho vào. Họ bảo phải đăng ký nhập viện đã, dù tôi nài nỉ thằng bé sốt cao và trong tình trạng nguy hiểm. Tôi hối hả ẵm con chạy ra, hỏi thăm phòng đăng ký. Xếp hàng và làm xong thủ tục đã mất chừng một tiếng. Tiếp đó, chúng tôi tiếp tục xếp hàng để được khám. Bác sĩ chỉ định phải thử máu. Tôi lại ẵm con xếp hàng chờ vào phòng xét nghiệm. Cảm giác rối bời và lo lắng tột độ lúc ấy vẫn không thể so với cảm giác tức giận trước loạt thủ tục rườm rà. Ở đây chẳng có gì “khẩn cấp” cả, kể cả đối với trường hợp cấp cứu! Phải đến 9g tối chúng tôi mới “được phép” “chính thức” nhập viện.

Đưa con lên khu nội trú, đập vào mắt tôi là một cảnh tượng hỗn loạn. Chạy dọc chạy ngang khắp hành lang đầy nghẹt người và ầm ĩ tiếng khóc trẻ con, tôi tìm giường. Làm gì có giường trống! Tất cả giường đều có hai hoặc ba em đang nằm. Cuối cùng tôi tìm được một cái giường xếp cáu bẩn. Xung quanh tôi, người ta trải chiếu hoặc tấm nylon nằm kín hành lang. Những gương mặt lo lắng. Những bà mẹ ẵm con trong lòng vừa chườm mát vừa cố dỗ con nín. Vài đứa nhỏ tè ra sàn hành lang. Có người la ó. Dm, sao không mặc tã cho nó đi! Những ông bố ngồi phệt xuống đất bó gối chẳng nói chẳng rằng. Cạnh họ là giỏ xách, túi xốp, giỏ đệm đựng bình thủy, bình sữa, hộp cơm… Lần đầu tiên vào bệnh viện công, tôi mới tận mắt thấy sự khủng khiếp của nó như thế nào.

Thằng bé con tôi vẫn sốt hầm hập. Nó mệt đến mức gần như rất khó thở. Ruột gan tôi như muốn thiêu cháy. Da nó hình như nổi đầy chấm đốm. Tôi chạy đến bàn trực y tá. Cháu sốt cao quá, cô ạ. Cô ấy ném cho tôi vài viên Paradol. Để hạ sốt khẩn cấp, tôi ẵm cháu vào phòng vệ sinh để tắm. Tuy nhiên, phòng vệ sinh bẩn đến mức tôi phải dội ngược ra ngoài… Đến khoảng 10g30, nghe nói có kết quả xét nghiệm, tôi chạy đến phòng trả kết quả. Gặp một bác sĩ ôm xấp hồ sơ bước ra, tôi xin hỏi tình trạng thằng bé như thế nào. “Biết gì mà hỏi, đi xuống dưới kia đi!”. “Tôi phải biết con tôi bị sao chứ, tại sao tôi không được hỏi?”. “Bây giờ tôi có nói thì anh cũng có biết gì không!” – tay bác sĩ trả lời.

Sự tức giận đè nén lên đến đỉnh điểm. Tôi yêu cầu được xuất viện lập tức. “Muốn xuất viện thì chờ đến sáng mai. Đến phòng hành chánh mà làm thủ tục. Ở đây chỉ có cấp cứu!” – tôi được trả lời như vậy. “Ở đây chỉ cấp cứu!”. Họ chẳng cấp cứu gì cả. Chưa có bất kỳ bác sĩ nào đến khám con tôi cũng như các em bé khác, kể từ khi tôi đưa cháu vào khu nội trú này. Tôi thức trắng đêm. Nằm dưới ánh đèn vàng vọt trên băng ghế đá ngoài sân bệnh viện. Tôi không hề biết con tôi bị bệnh gì. Tôi không thể biết con tôi sẽ ở đây bao lâu và chừng nào nó được điều trị. Hôm sau, từ sáng sớm, tôi xếp hàng làm thủ tục xuất viện. 10g mới xong. Tôi chở cháu đến một bệnh viện tư. Nó không bị tay-chân-miệng như ông bác sĩ tư chẩn đoán (vị này cũng là bác sĩ Nhi Đồng 2). Nó chỉ bị sưng tấy amiđan khiến sốt cao. Thật may, nếu mà virus tay-chân-miệng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với nó!

Tôi tin chắc vô số người có những câu chuyện tương tự, thậm chí khủng khiếp hơn. Tôi không trách Nhi Đồng 2, thậm chí không muốn trách cả cái thủ tục rườm rà và sự thờ ơ của các bác sĩ trực. Vì đâu nên nông nỗi này và ai mới là kẻ chịu trách nhiệm chính gây ra sự hỗn loạn của nền y tế nước nhà trong khi bản thân “chúng” và gia đình “chúng” chẳng bao giờ “thụ hưởng” những “thành quả” khốn nạn mà chúng gây ra.

Làm thế nào để chấn chỉnh bức tranh tồi tệ này? Ánh mắt những bậc cha mẹ mà tôi thấy trong bệnh viện đã cho tôi câu trả lời: một sự trông chờ trong niềm tuyệt vọng tuyệt đối!

Bình Luận từ Facebook