Một tiếng “không” chắc nịch!?

FB Phan Đăng

28-8-2017

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Báo Giao thông VT

Kính thưa Bộ trưởng, tôi muốn bắt đầu bức thư này bằng một câu chuyện rất cảm động, vừa diễn ra ở SEA Games 29. Đó là sau khi đoạt HCV nhảy xa nữ, VĐV Bùi Thị Thu Thảo mới được báo tin: “Bố đã nhập viện mấy hôm nay”. Trước đó, người nhà kiên quyết giấu Thảo vì sợ thông tin này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu của em.

Bố Thảo là ai, bà biết không? Là một người đàn ông nghèo ở Ba Vì – Hà Nội, bị đa chấn từ nhiều năm nay. Căn bệnh khớp với những biến chứng đã đi vào gan, phổi khiến ông xanh xao, ốm yếu, và chỉ có thể đi lại nhờ một chiếc nạng. Cũng từ nhiều năm nay, Bùi Thị Thu Thảo luôn cố gắng đoạt HCV ở tất cả các giải đấu quốc tế để vừa mang lại vinh quang cho tổ quốc vừa làm được một điều thiết thực: có tiền mang về cho bố chữa bệnh.

Trước đó, Thảo thậm chí đã phải bỏ điền kinh đi làm phụ hồ kiếm tiền, và công việc ấy sẽ gắn chặt với em cho đến tận hôm nay nếu không có một lần người bố nén đau, ngồi xe ôm từ quê lên Hà Nội “bắt nó phải về, phải sớm trở lại với điền kinh, bởi nếu vì tôi mà nó mất nghiệp thì có chết tôi cũng không đành lòng” – lời ông chia sẻ.

Hôm qua, tôi hỏi Thảo: “HCV SEA Games được bao nhiêu tiền?” thì Thảo bảo: “45 triệu đồng”. Thảo cũng tâm sự vì đã có gia đình riêng nên lần này em chia 45 triệu thành vài khoản, trong đó một khoản giữ lại cho hai vợ chồng, và một khoản lớn sẽ lại đưa bố chữa bệnh. Không hiểu sao khi nghe đến hai tiếng “chữa bệnh”, tự nhiên tôi rùng mình nghĩ tới cái viễn cảnh: nếu bố Thảo đi viện và uống phải những viên thuốc giả thì sao? Một VĐV vừa đổ mồ hôi nước mắt mang vinh quang về cho tổ quốc liệu có đáng phải chịu cảnh bi đát ấy không?

Chắc chắn là không, phải không Bộ trưởng?

Nhưng giờ thì không riêng gì bố con Thảo và gia đình Thảo, mà bất cứ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nào trên toàn cõi Việt Nam cũng đều đều phải nghi ngờ như vậy cả. Bởi mặc dù 9 300 hộp thuốc chữa ung thư giả của VN Pharma đã được ngăn chặn trước khi kịp chui vào bụng bệnh nhân nhưng trước đó, Cục quản lý dược Bộ Y tế đã cấp phép cho nhiều lô hàng khác của VN Pharma, và có gì đảm bảo một cách chắc chắn là những lô hàng được nhập về từ một công ty có những người lãnh đạo táng tận lương tâm đều là hàng thật?

Phải nói thẳng với nhau rằng kể từ khi người ta phanh phui những khuất tất của VN Pharma – nơi có nghi vấn em chồng Bộ trưởng cũng chính là một lãnh đạo thì dấu hỏi ấy, cơn hoang mang ấy thực sự đã lan toả tới khắp các giường bệnh ở khắp các bệnh viện trên toàn cõi Việt Nam này.

Thưa Bộ trưởng, tôi có đọc một tài liệu nói rằng 50% bệnh nhân ung thư chết vì khủng hoảng tâm lý trước khi chết vì mầm bệnh. Nếu đúng vậy thì cơn hoang mang tràn khắp kia có thể sẽ khiến họ tiếp tục phải chịu thêm những khủng hoảng lớn đến đâu nữa?

Bộ trưởng biết không, ở Nhật Bản cách đây vài tháng, có một viện thể chất nọ mua được một khu đất với giá chỉ bằng 14% giá trị thật của khu đất, và thế là người ta đồn ầm lên nó là kết quả của mối quan hệ bạn bè giữa ông viện trưởng với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Điều gì đã lập tức xảy ra, bà biết không? Điều xảy ra không phải là “kiến nghị cơ quan điều tra xử lý những người tung tin sai sự thật”, mà là Ông Shinzo Abe đã lập tức phải điều trần trước Quốc hội. Ở đấy, ông phải nói rõ về mối quan hệ thực sự của mình với ông viện trưởng kia. Ông cũng phải trả lời rõ xem mình có thực sự tác động để ông viện trưởng mua được mảnh đất giá rẻ như đồn đoán hay không?

Chỉ là một nghi vấn quan hệ bạn bè, chứ không phải nghi vấn quan hệ chị dâu, em chồng; chỉ là một câu chuyện liên quan đến một mảnh đất, chứ không phải một câu chuyện liên quan đến niềm tin và mạng sống toàn dân mà người ta đã phải đứng lên trả lời rõ ràng, minh bach như thế đấy, thưa Bộ trưởng.

Trở lại với những vấn đề của VNPharma, Cục quản lý dược và Bộ Y tế, sáng nay tôi có đọc bài Bộ trưởng trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TPHCM, rằng “Công ty này không liên quan gì đến người thân của tôi”. Theo tôi, “người thân” là một cách trả lời chung chung, không rõ ràng. Điều mà dư luận chờ đợi là Bộ trưởng cần trả lời cụ thể xem “em chồng” của mình có đúng là một lãnh đạo của VN Pharma hay không? “Em chồng”, chứ không phải “người thân”, thưa Bộ trưởng.

Ai cũng biết, theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng thì người đứng đầu đơn vị không được bố trí người thân, hiểu theo nghĩa là vợ/chồng, bố/mẹ, anh/chị em ruột vào các vị trí kinh doanh do mình quản lý. “Em chồng” nằm ngoài phạm vi này. Vì thế mà việc em chồng mình từng làm ở VN Pharma (nếu là sự thật) khiến Bộ trưởng không phải chịu sự điều chỉnh của Luật phòng chống tham nhũng, nhưng sẽ khiến Bộ trưởng không thể nói rằng không biết VN Pharma là công ty nào – như cách mà Bộ trưởng đã nói trong bài phỏng vấn này. (?)

Cá nhân tôi nghĩ, trả lời là việc của Bộ trưởng, còn xem xét, điều tra là việc của Cơ quan điều tra Bộ Công an, nhưng dẫu sao thì một tiếng “KHÔNG” lúc này cũng ít nhiều có giá trị cứu rỗi trước cơn hoang mang tâm lý đang gia tăng ngày một lớn.

Thôi thì, nghe được tiếng “KHÔNG” ấy, tôi cũng đỡ nhói đau mỗi khi nhớ đến VĐV Bùi Thị Thu Thảo và những đồng tiền mà Thảo chuẩn bị đưa cho cha mình chữa bệnh. Tôi đỡ bị dằn vặt bởi cái suy nghĩ rằng, một VĐV vừa phấn đấu hết mình để lá cờ tổ quốc bay lên bây giờ sẽ phải đối diện với nguy cơ nhìn bố mình không những không khoẻ hơn, mà có thể còn kiệt quệ hơn vì những viên thuốc giả.

Nhưng chỉ là “đỡ” thôi, và ở trong thời điểm tạm thời này thôi. Bởi vẫn cần phải đợi cơ quan điều tra đưa ra những kết luận cuối cùng.

Và bởi, với những gì đã diễn ra ở bộ Y tế những năm qua, bây giờ vẫn phải cố hy vọng tiếng “KHÔNG” ấy rồi sẽ được chứng minh là một tiếng “KHÔNG” chắc nịch!

Bình Luận từ Facebook