25-8-2017
Một luật sư ở Hà Nội nói với BBC rằng việc khởi tố ông Nguyễn Văn Đài theo cả hai Điều 88 và 79 “là chưa có tiền lệ” và “là chỉ dấu chính quyền xem ông là con cá lớn để đổi chác với quốc tế”.
Tháng 12/2015, Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt và bị khởi tố theo Điều 88 Bộ luật Hình sự sau khi ông nói chuyện về Hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Hôm 30/7, Bộ Công An Việt Nam loan báo việc bắt tạm giam và khởi tố thêm bốn người trong vụ án được gọi là “Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79, Bộ luật Hình sự.
Việc thay đổi tội danh từ khi bắt tạm giam cho tới khi khởi tố, đưa ra xét xử theo Bộ luật Hình sự đã từng xảy ra trong quá khứ.
Luật sư Lê Công Định từng bị bắt theo điều 88 nhưng khi đưa ra xét xử cùng các ông Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long được áp dụng điều 79 (có khung hình phạt nặng hơn).
Thông báo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao gửi Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Đài đề hôm 23/8 được luật sư này chia sẻ trên Facebook của ông ghi: “Ông Nguyễn Văn Đài bị khởi tố về các tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 88 và 79 Bộ luật Hình sự, thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia.”
“Xét thấy cần phải giữ bí mật trong quá trình điều tra vụ án, Viện Kiểm sát quyết định để người bào chữa [ông Sơn] tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra vụ án.”
‘Nói sự thật’
Hôm 25/8, trả lời BBC, Luật sư Lê Quốc Quân nói: “Tôi bị sốc khi hay tin Luật sư Nguyễn Văn Đài bị khởi tố thêm tội danh thế này.”
“Lần đầu tiên có người bị khởi tố vì hai hành vi liên quan đến hai Điều 79, 88 thuộc Chương an ninh quốc gia, có mức án rất cao, có thể đến tử hình.”
“Dù chỉ khởi tố ông Đài theo một Điều 88 thôi đã là quá đáng, không chấp nhận được vì ông ấy chỉ nói sự thật về hiện trạng đất nước.”
“Việc khởi tố thêm tội danh nặng với ông Đài là chỉ dấu cho thấy chính quyền muốn gia tăng đàn áp, không dung thứ cho những ai vì lòng yêu nước muốn thảo luận về tình hình đất nước một cách ôn hòa.”
“Việc khởi tố thêm ông Đài theo Điều 79 có nghĩa là chính quyền có quyền giam giữ ông Đài thêm bốn lần tạm giam, tức khoảng 16, 20 tháng nữa mà luật sư bào chữa cho ông không thể can thiệp.”
“Còn về bản án cho ông ấy sẽ thế nào thì tôi không dám dự báo, nhưng mong chờ có sự thay đổi hoặc nhìn nhận đúng đắn là ông ấy không phạm tội.”
“Như tôi và những người Việt Nam khác tin ông ấy.”
Luật sư Quân nói thêm: “Chính quyền xem vụ án Nguyễn Văn Đài là đầu vụ, xem ông là con cá lớn, là món đổi chác cho những vấn đề lớn với quốc tế”.
“Nhưng hiện tại Việt Nam đang vỡ trận, bị ảnh hưởng bởi vụ không tôn trọng luật pháp quốc tế sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nên không có nhiều cơ hội để đổi chác.”
“Hơn nữa, bối cảnh quốc đang thay đổi, dường như người ta không quan tâm nhiều lắm đến những cá nhân hoạt động nhân quyền.”
‘Tiếc là như vậy’
“Bản thân tham gia hoạt động luật sư cùng ông Đài, tôi nhận thấy ông là người chân thành, yêu nước, sống đẹp. Ông đem cái đẹp đi vào một xã hội như thế này nhưng rồi lại bị người ta vùi dập.”
“Nhưng tôi biết ông là người có đức tin vào Chúa và lẽ sống nên trời sẽ có mắt, cho ông một giải pháp hoặc một giá trị nào đó.”
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, nói với BBC: “Các quy trình tố tụng của án an ninh quốc gia có lẽ được “đặc quyền” nằm ngoài quy trình tố tụng của các loại án khác. Nên việc bảo vệ của các luật sư đối với thân chủ trong các vụ án an ninh hầu như là vô vọng.”
“Vì thế đa phần các luật sư ít tham gia những vụ án được quy kết là xâm phạm an ninh quốc gia là vậy.”
Sau phiên xử blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm 10 năm tù trong phiên sơ thẩm vì tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước” ở Khánh Hòa hôm 29/06, Luật sư bào chữa Võ An Đôn nói:
“Những vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia thì luật sư có cũng như không. Chỉ nói mà chẳng ai nghe hết.”