Nghị Quyết Quốc Hội bị “lạm dụng”? Hay ai đang làm giáo dục Việt nam ra nông nỗi này?

NAGL

15-8-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sau thông báo về việc World Bank (Ngân hàng Thế giới) chấp thuận cho khoản vay 77 triệu đô la Mỹ nhằm cải cách giáo dục phổ thông (“GDPT”) [1] vào cuối năm 2016, đề án cải cách GDPT được bật đèn xanh để thực hiện theo lộ trình, mà thực tế đã bị chậm gần 2 năm so với dự kiến [2].

Lần đầu tiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (“Ủy ban”), sau hơn 1 tháng đưa ra công luận lấy ý kiến, đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc kiến nghị lùi thời điểm triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.  Đồng thời, Ủy ban yêu cầu Bộ GD-DT giải trình về “báo cáo về kinh phí – Kinh phí thực hiện Đề án xây dựng chương trình, sách giáo khoa GDPT lần này, cũng như kinh phí thực hiện các đề án khác liên quan đến việc đổi mới GDPT“. 
Đây là một đề nghị khá thiết thực và phản ánh đúng vai trò của Ủy ban và Quốc hội trong việc giám sát cơ quan chủ quản về một chương trình cải cách lớn về giáo dục phổ thông.

Với vai trò là một người quan sát trong suốt quá trình soạn thảo, xin phê duyệt, đi vay tiền, đưa dự thảo đề cương chương trình ra lấy ý kiến của nhân dân, một trong những điểm rất nên lưu ý là việc những người tham gia chủ trì đề án GDPT mới đã sử dụng Nghị Quyết số 29/NQ-TW – Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị Quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông [3] như một lời giải thích cho những bất cập mà đề án hiện đang vướng, mà chưa có giải pháp.

Hầu hết các chia xẻ và phản hồi về đề án đều dựa trên những nội dung của các Nghị Quyết làm nền tảng của một đề án cải cách GDPT, để đến nỗi một giáo sư toán phải kêu lên “Tôi có cảm giác bản dự thảo bị ám ảnh bởi Nghị quyết, chính sách nên đặt ra nhiều tham vọng, mang tính chất khẩu hiệu là chính” [4].

Vậy, liệu có hiện tượng các Nghị quyết về đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, về sách giáo khoa giáo dục phổ thông, có bị “lạm dụng” trong chương trình cải cách này hay không? Vai trò của những lãnh đạo, cán bộ, thực thi và triển khai từ Nghị Quyết đến chương trình hành động là như thế nào?

Chúng ta đã mổ xẻ, phân tích nhiều về tình trạng “đúng quy trình”, “đúng luật pháp”, nhưng hóa ra vẫn quá nhiều điều sai và thậm chí, phải gọi là “tệ hại”, trong cái “đúng quy trình và pháp luật” đó.

Việc Quốc hội ra một Nghị quyết cho cải cách giáo dục và đào tạo, thể hiện sự quyết tâm của đất nước đưa giáo dục Việt nam lên một trình độ mới, tránh bị tụt hậu và mất tính cạnh tranh của người lao động Việt nam với các nước trong thời đại kinh tế tri thức này.

Nghị Quyết được ban hành vào năm 2013, 2014 và đề án được chuẩn bị từ năm 2011, và cho đến nay, 2017, mới đi vay được tiền để thực hiện.

Một câu hỏi đơn giản được đặt ra, liệu những gì chuẩn bị từ 2011, đến lúc có Nghị Quyết là 2013/2014, và mất 4 năm để chuẩn bị tiếp và chờ có tiền thực hiện, 2017, thế giới đã đi được đến đâu? Chúng ta đã chuẩn bị được đến đâu? Chúng ta đã cập nhật được gì trong gần 6 năm chuẩn bị đó?

Những câu hỏi, những phản biện của những tổ chức, cán bộ chuyên ngành giáo dục đưa ra với đề án thực sự là mối lo lắng cho chương trình cải cách lần này, vì nó đang phản ánh việc hình như, chúng ta chuẩn bị một chương trình cải cách giáo dục phổ thông lớn, nhưng ý kiến của những nhà chuyên môn, những nghiên cứu nền tảng, những con người thực thi việc cải cách, lại chưa được bàn bạc thống nhất về đường hướng cải cách!

Lấy một ví dụ, hiện nay, với chương trình cải cách GDPT mới, chủ trương của đề án là tạo ra thế hệ thanh niên Việt nam, với 6 phẩm chất và 10 năng lực [5].  Thú thật, ngoài những người làm đề án, ai đọc cũng thấy không hề thuyết phục về những phẩm chất và năng lực được “gán” vào các chương trình giảng dạy, khi chương trình còn chưa rõ về môn học sáng tạo có là một môn riêng hay sẽ được lồng ghép vào các môn học khác.  Điều khó khăn nhất trong quá trình tranh luận và phản biện, theo tôi quan sát, là việc giải thích xây dựng các phẩm chất và năng lực thanh niên Việt nam dựa trên nghiên cứu các văn kiện của Đảng và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam (Nghị quyết 5 của BCH Trung ương khóa VIII, Nghị quyết 33 của BCH Trung ương khóa XI, Năm điều Bác Hồ dạy học sinh)” [6].

Quan điểm cá nhân tôi về việc “lạm dụng” Nghị Quyết trong các hoạt động triển khai chương trình GDPT mới vừa rồi như sau:

  1. Việc cán bộ thực hiện chương trình luôn sử dụng Nghị Quyết của Quốc hội trong công việc đòi hỏi tri thức khoa học, tri thức phổ quát và giá trị cốt lõi về con người mang tính toàn cầu, có lẽ cần được đánh giá lại về mục đích.  Ví dụ, thời của Bác Hồ, bản thân bác tự học mà sử dụng được nhiều ngoại ngữ.  Vậy, tại sao giờ này, chi rất nhiều tiền cho đề án ngoại ngữ 2020, mà bản thân Bộ GD-DT thừa nhận là thất bại? Hay như con người cần trung thực, thì đâu phải thời đại này mới cần, chúng ta luôn cần con người trung thực từ trước đến nay, và không chỉ có Việt nam cần người trung thực, nước nào, chỗ nào cũng cần! Vậy, để giải trình về phẩm chất và năng lực của con người mới của Việt nam, có nhất thiết phải dựa vào Nghị Quyết hay không?
  1. Một trong những điểm thể hiện rõ việc hạn chế trong tư duy sáng tạo của đề án, có lẽ chính vì dựa vào Nghị Quyết để xây dựng đề án và để giải thích với những ý kiến đóng góp từ nhà khoa học.  Việc Quốc hội họp và đưa ra Nghị Quyết để thể hiện ý chí và quyết tâm, đại diện cho nhân dân cả nước trong việc đổi mới giáo dục phổ thông. Nhưng từ Nghị Quyết đến đề án tổng thể, đề án chi tiết, đó là trách nhiệm của các lãnh đạo chuyên ngành, cán bộ có chuyên môn và phải dựa trên nghiên cứu khoa học.  Nếu điều gì cũng đề cập đến Nghị Quyết của Quốc hội, liệu có cần một bộ chuyên ngành và một ban đề án rất lớn, tiêu một số tiền không nhỏ, cho chương trình cải cách GDPT nữa không?
  1. Do lạm dụng Nghị Quyết trong chương trình GDPT mới quá nhiều, có những ý kiến nghi ngờ việc sử dụng Nghị Quyết của Quốc Hội như một phương thức “trốn tránh trách nhiệm” của những người xây dựng và triển khai đề án GDPT mới.  Sau khi chương trình tổng thể về GDPT mới được công bố, rất nhiều bài báo đã phản ảnh tư duy và cách thức làm chương trình này không khác gì so với những đề án cải cách năm 2000 (cách đây 17 năm) và những đề án về sách giáo khoa gần đây, với những số tiền hàng chục nghìn tỷ [7].

Chúng ta đã từng được nghe phát biểu “Quốc hội là dân.  Dân quyết sai, thì dân phải chịu, chứ kỷ luật ai?” [8]…một cách vô trách nhiệm của những lãnh đạo đại diện cho nhân dân…

Tôi không rõ 95 triệu người dân Việt nam, hơn 25 triệu học sinh sinh viên và hơn 3 triệu người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, sẽ suy nghĩ như thế nào, khi họ biết được, trong hơn 15 năm qua, chúng ta đã vay hơn 3 tỷ đô la Mỹ [1] để thực hiện cải cách giáo dục, mà đi từ thất bại này đến thất bại khác?

Vậy, rõ ràng là có lý khi ai đó toan tính đẩy tất cả những đề án cải cách giáo dục (mặc dù biết thất bại từ trong trứng nước) lên Quốc Hội và dựa vào Nghị Quyết của Quốc Hội, để tránh phải chịu trách nhiệm và giải trình sau này chăng?

Liệu có ai đã tổng kết các chương trình giáo dục, để thấy cải cách nào là tốt lên, là phù hợp với xu hướng của thế giới, là tăng cường chất lượng tri thức và kỹ năng lao động có khả năng giúp cho người Việt nam hội nhập kinh tế quốc tế tốt hơn?

Hay là, thay vào đó, điều mà nhiều người đều thấy, chất lượng giáo dục và đặc biệt là đạo đức người Việt nam có phần giảm sút đáng kể, chúng ta tụt hậu ngay với các nước bên cạnh chúng ta như Campuchia và Lào [9], mà không hề có tên ai phải chịu trách nhiệm.

Chương trình dành cho trường công lập, nhưng rất nhiều mảng, nhiều môn lại được thiết kế để các công ty tư nhân vào tham gia cung ứng dịch vụ [10], trong khi Bộ GD-DT hô hào cải cách giáo dục với việc bỏ biên chế giáo viên [11].

Nếu những tư duy về cải cách giáo dục này không hề xuất phát dựa trên khoa học nghiên cứu, các học thuyết hiện đại về giáo dục, mà chỉ dùng Nghị Quyết của Quốc hội là “lá chắn” cho những mục tiêu không vì lợi ích của con trẻ, của người học, của giáo dục…theo tôi nghĩ, đã đến lúc Quốc Hội và Ủy ban phụ trách về giáo dục cần thể hiện rõ quyền lực của nhân dân với những đề án giáo dục kiểu này.

Vai trò giám sát của Quốc hội cho những cải cách GDPT cần được thực hiện ở tất cả các bước của đề án, từ khâu ý tưởng, xây dựng đề án, nhân sự tham gia…cho đến tài chính, kinh phí, mục tiêu thực hiện.

Chính phủ đã thành lập hội đồng giáo dục và nhân lực quốc gia nhằm cải thiện chất lượng các đề án cải cách giáo dục Việt nam…Có lẽ Quốc Hội cũng cần có những chuyên gia giáo dục ưu tú bên cạnh, nhằm giúp cho Quốc Hội có thể thực hiện việc giám sát các hoạt động cải cách giáo dục một cách độc lập và có hiệu quả, tránh tình huống Quốc hội chỉ nhận được báo cáo là “Đã thất bại” hay ‘Xin nhận trách nhiệm”, trong khi tương lai của đất nước, của con trẻ thì phụ thuộc quá nhiều vào các đề án cải cách giáo dục này.

Theo chia xẻ của một nhà nghiên cứu có tên tuổi, việc vay 77 triệu đô la Mỹ để thực hiện GDPT mới hình như chưa được thông qua bởi Quốc Hội [12]…Vậy, Quốc hội và Nghị Quyết của Quốc Hội có cần kiểm tra, kiểm soát kỹ những ai đang “lạm dụng” quyền lực của Quốc Hội, của nhân dân để kiếm tìm “lợi ích nhóm” ở lĩnh vực giáo dục hay không?

Ai đang làm cho giáo dục của Việt nam ra nông nỗi này? Việc chậm đề án GDPT mới có giúp đổi mới toàn diện được giáo dục Việt nam hay không?  Hay chúng ta cần làm lại từ đầu nền giáo dục, dựa trên tinh thần dân tộc mới, tư tưởng mới và do những con người mới thực hiện?

Xin Quốc hội hãy trả lời!
___

Tài liệu tham khảo:

[1] Vay 77 triệu đô la Mỹ cho đổi mới giáo dục Phổ thông và Quyền được thông tin (GDVN).

[2] Cân nhắc lùi thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới (VNN).

[3] Ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (LĐ). – NGHỊ QUYẾT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG (TVPL).

[4] Giáo sư Ngô Việt Trung: Tôi có cảm giác dự thảo của Bộ mang khẩu hiệu là chính (GDVN).

[5] GS Nguyễn Minh Thuyết giới thiệu “chân dung” học sinh sau năm 2017 (GDVN).

[6] Báo chí phản biện và… phản biện báo chí (GD&TĐ).

[7] Những đề án, dự án hàng nghìn tỷ đồng đổi mới giáo dục và đào tạo trước nguy cơ thất bại (ND). – Điểm mặt những cải cách chưa trọn vẹn của bộ Giáo dục & Đào tạo (NĐT).

[8] QH là dân, dân quyết sai dân chịu chứ kỷ luật ai? (VN).

[9] Việt Nam thua Lào, Campuchia: Người Việt có kém? (Zing).

[10] Ma trận dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội (GDVN). – Dạy tiếng Anh tại TP.HCM gặp rối (VNN). – Không nên dạy tiếng Anh kiểu hồn nhiên kèm cuồng nhiệt (GDVN). – TPHCM: Ký kết hợp tác công nhận chuẩn đầu ra ACT cho chương trình tiếng Anh tích hợp (GD&TĐ).

[11] Bỏ biên chế giáo viên: Nên áp dụng từ Bộ trưởng đến cán bộ quản lý (CafeF).

[12] Ba kiến nghị của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (GDVN).

Đất Việt

Bình Luận từ Facebook